Ðội Bóng Rổ Năm 1961

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 BONGRO1961

Nếu bảo là viết văn, thì tôi làm gì có cái tài văn hoa đó! Nhưng nếu chỉ kể lại những nỗi vui mừng trong ngày đội Bóng Rổ trường PHAN CHÂU TRINH, đoạt chức Vô Ðịch Miền Trung và Cao Nguyên Trung Phần, vào tháng 10 năm 1961, do Bộ Quốc Gia Giáo dục tổ chức tại HUẾ, thì tôi xin kể để đóng góp vào dịp mừng kỷ niệm 50 năm thành lập trường Phan Châu Trinh Ðà Nẵng, nếu có thiếu sót xin quý vị thông cảm, vì những chuyện vui mừng đã xảy ra trong thời gian đó, tính đến nay quá lâu.

Thấm thoát đã hơn 40 năm trôi qua, kể từ khi đội Bóng Rổ của trường Trung học Phan Châu Trinh Ðà Nẵng đoạt chức vô địch tại thành phố Huế, nay tôi mới có dịp ôn lại những kỷ niệm của các trận thi đấu trong giải thể thao nầy. Ðược thông báo của Ban Thể thao nhà trường mời họp, để phổ biến tin tức về Giải Thể thao và Ðiền kinh năm nay (1961), các thầy Nguyễn Tòng, Lê Long Viên cho biết, tất cả các môn thể thao và điền kinh của trường đều được ra Huế tham dự giải. Hội đồng giáo sư  cũng đã phân công hai vị nầy là giáo sư  trưởng đoàn, ngoài ra còn có thầy Trần Trừu, thầy Hoàng Thế Diệm tháp tùng theo đoàn, để lo phần y tế, tài chánh, trật tự và kỷ luật.

Thầy Nguyễn Tòng

Thầy Nguyễn Tòng

Thầy Trần Trừu

Thầy Trần Trừu

Trước đây, Bộ Quốc Gia Giáo Dục cho tổ chức giải Thể thao và Ðiền kinh cho các trường Trung học thuộc phía Bắc miền Trung phần. Ðặc biệt năm 1961, ban tổ chức của Bộ mở rộng thêm, mời các tỉnh thuộc Cao nguyên Trung phần và các sinh viên Ðại học cũng đều được tham dự. Với tầm vóc quan trọng của giải kỳ nầy các đấu thủ ai nấy cũng mừng thầm, và ước ao cố gắng đoạt một vài chức vô địch để đem lại vinh dự cho nhà trường.

Các môn thể thao trường Phan Châu Trinh ghi danh tham dự giải kỳ nầy gồm có: Bóng tròn, Bóng chuyền, Bóng rổ, Bóng bàn. Ðiền kinh bao gồm các môn: nhảy xa, nhảy cao, nhảy dài, chạy tiếp sức, chạy 100 m và ném tạ. Tất cả các thủ quân của các môn đều được nhận chỉ thị của ban Thể thao nhà trường phải chuẩn bị cho công việc tập luyện, chuyên cần và nghiêm túc. Riêng đội bóng rổ chúng tôi, anh Nguyễn Trí được bầu làm thủ quân. Anh và các cầu thủ trong đội bóng rổ, quyết định yêu cầu Ban giám hiệu cho kinh phí để mời một huấn luyện viên, về huấn luyện cho đội bóng. Vị hiệu trưởng nhà trường lúc bấy giờ là thầy Nguyễn Ðăng Ngọc. Thầy rất thích thể thao và ủng hộ các đội banh trong lúc gặp trở ngại. Thầy hiệu trưởng và Hội đồng giáo sư đã chấp thuận cho đội bóng nhà trường mời một huấn luyện viên từ trường Thọ Nhơn về huấn luyện cho đội bóng chúng tôi. (Xin ghi chú trường Thọ Nhơn là một trường của người Hoa tại thành phố Ðà Nẵng.) Thầy huấn luyện viên có tên thường gọi là thầy UI  ZU hoặc UI XÁNG. Lâu lắm, tôi không gặp lại thầy, từ khi thầy di chuyển về Sài Gòn, không còn làm huấn luyện viên của nhà trường nữa.

Chúng tôi được tập luyện từ thể lực đến đấu pháp hàng ngày, do thầy Ui Zu huấn luyện suốt thời gian 3 tháng. Sự tập luyện có phần vất vả song thầy trò mong ngày tháng qua nhanh để lên đường đi tranh giải. Ban thể thao họp với đội bóng rổ rất nhiều lần, mỗi lần họp được thầy Tòng, thầy Viên cho biết tầm quan trọng của giải Thể thao và Ðiền kinh năm nay. Các thầy khuyến khích tinh thần cho các cầu thủ trong đội, tập dượt nghiêm túc để đạt được kết quả như mong ước.

Ðể chỉnh đốn đội hình cho việc tập luyện có kết quả tốt, thầy Ui Zu chia đội banh ra làm hai đội, để tập dượt với nhau theo đấu pháp của thầy đã dạy. Ðội A gồm có, anh Nguyễn Trí, Nguyễn Dân, Phan Văn Gà, Võ Văn Lượng (1) và tôi. Ðội B gồm có, anh Nguyễn Hữu Tụng, Trần Liên, Hồ Dương Minh, Trần Hùng và anh Lưu Kiến Hưng. Ðội A có tôi, đội B có anh Lưu Kiến Hưng là hai cầu thủ không có chiều cao cho đội bóng. Ðặc biệt thầy UI ZU dạy cho hai chúng tôi cách tranh bóng của các cầu thủ không có chiều cao. Thầy UI ZU cho hai đội cùng thi đấu đúng với đội hình mà thầy đã huấn luyện. Ðội A tập luyện đấu pháp tấn công, đội B tập phòng thủ. Chúng tôi tập luyện đều đặn như thầy đã hướng dẫn, tiếp đến thầy cho đổi ngược lại, đội B tấn công và độ A phòng thủ.

Ngày giờ lên đường đã được thông báo, các vân đông viên nửa mừng, nửa lo. Trước khi lên đường, cả đoàn được thầy Hiệu trưởng cho những lời nhắn nhủ, và khích lệ tinh thần. Thầy mong ước sao  trường PHAN CHA^U TRINH sẽ đoạt được vài  giải vô địch và chúc thượng lộ bình an, hy vọng đạt được nhiều kết quả.

Con tàu sắt đã đưa đoàn đấu thủ chúng tôi đến ga Huế, vào lúc cả thành phố đã lên đèn. Chúng tôi được 2 chiếc GMC Tiểu khu Thừa Thiên,  biệt phái đến để phục vụ sự di chuyển của đoàn.. Theo lệnh của thầy Lê Long Viên, chúng tôi đem hành lý lên xe và được đưa về trường Quốc Học Huế, đây là nơi cư trú của anh em học sinh các nơi về tham dự giải. 

thayVien

Thầy Lê Long Viên

Sáng hôm sau, giáo sư trưởng đoàn và các thủ quân của các  bộ môn, tham dự buổi họp do ban tổ chức mời để bắt thăm chia bảng thi đấu vòng loại. 

Chúng tôi được nghỉ hai ngày dưỡng sức và được anh Nguyễn Trí thủ quân, đi dự bắt thăm về cho biết, trong bảng vòng loại chúng ta gặp các đội của các trường, tương đối không mạnh lắm. 

Buổi khai mạc được tổ chức rất long trọng tại sân vận động TỰ DO. Sau bài diễn văn của ông Trưởng ban tổ chức và quả banh Danh dự được vị Giáo sư, đại diện ông Bộ trưởng bộ Quốc Gia Giáo Dục, tung lên để khai mạc trận đấu vòng loại của giải Bóng tròn và cũng để khai mạc cho giải Thể Thao và Ðiền Kinh tại miền Bắc và Cao Nguyên Trung Phần. 

Kế tiếp là các bộ môn được thi đấu vòng loại theo bảng lịch trình đã bắt thăm. Bóng rổ chúng tôi cũng trải qua các trận thi đấu vòng loại rất gay cấn và sôi nổi. Tôi không nhớ rõ hết các chi tiết cuả các trận vòng loại cũng như đội Phan Châu Trinh đã đấu với trường nào? Tại sân nào??v.v.

Ba trận sau cùng, tôi còn nhớ tương đối rõ ràng; đó là trận tứ kết giữa đội trường PHAN CHÂU TRINH và đội trường THIÊN HỰU Huế. Trận đấu nầy rất khó khăn mới thắng được THIÊN HỰU. Nói về đội bóng rổ của trường THIÊN HỰU, đây cũng là đội banh khá hay của thành phố HUẾ và được thành lập đã lâu. Họ được huấn luyện rất kỹ. Như vậy chúng tôi được lọt vào bán kết, gồm có 4 đội: PHAN CHÂU TRINH gặp QUỐC HỌC, và ÐẠi HỌC HUẾ gặp BÌNH LINH (PELLERIN). 

Cuối cùng chúng tôi thắng được đội QUỐC HỌC. Ðội QUỐC HỌC lúc bấy giờ do anh TRẦN TRÍ DŨNG, NGUYỄN VĂN MINH và ba cầu thủ khác là học sinh tại HUẾ. Anh DŨNG và anh MINH là cựu học sinh Phan Châu Trinh ra Huế học năm cuối của Ðệ nhị cấp. Anh DŨNG đã hy sinh trận Ðồng Xoài, còn anh MINH sau về dạy  môn toán tại trường nữ trung học HỒNG ÐỨC Ðà Nẵng, hiện đang cư ngụ tại Sài Gòn.

Thắng được đội Quốc Học cả đoàn rất vui mừng, bởi vì đội Phan Châu Trinh được vào chung kết, chúng tôi được thầy Nguyễn Tòng đãi cho đi ăn chè và đợi kết quả của hai trường Ðaị Học Huế va Bình Linh. Lúc bấy giờ chúng tôi (đội bóng rổ) rất lo ngại đội Bình Linh, vì đội nầy đương kim vô địch của giải, và họ chơi rất hay. Kết quả Ðại học Huế thắng Bình Linh. Khi biết tin này đội bóng rổ chúng tôi lại ăn mừng một lần nữa, mừng đến nỗi anh Nguyễn Dân đã đấm vào thầy Viên đang ngồi dưới cầu thang của trường Quốc Học, làm bể cái nón mà thầy đang đội. Chúng tôi được nghỉ hai ngày để tập luyện trước khi thi đấu trận chung kết, trong hai ngày nầy chúng tôi được thầy UI ZU và anh Trần Trí Dũng huấn luyện tích cực. 

Ngày thi đấu đã đến. Trận chung kết được tổ chức tại sân QUANG HOA bên GIA HỘI, có đầy đủ ban tổ chức tham dự, nhất là các sinh viên Ðại Học kéo nhau đi ủng hộ khá đông, ngồi chật cả vận động trường, trong khi đó, đội Phan Châu Trinh chỉ có gà nhà và anh em Quốc Học ủng hộ.. Ðội bóng Ðại Học là đội mới thành lập. Các cầu thủ được tuyển chọn từ các trường Trung học mới lên Ðại Học. Hầu hết các cầu thủ của đội Ðại Học, cao từ 1mét 65 trở lên. 

Tôi còn nhớ hôm ấy trời có mưa phùn, làm sân trơn trợt, các vị giáo sư trong đoàn đều lo lắng nhất là thầy UI ZU thấy đối phương cao lớn và nhảy banh cao, thầy hơi đăm chiêu suy nghĩ. Tiếng còi của trọng tài thổi lên cho trận đấu bắt đầu. Ðội hình khởi đầu của đội Phan Châu Trinh được thầy UI ZU sắp như sau: Anh Gà, Dân đánh hậu vệ, anh Lượng trung phong, anh Trí đi bên trái và anh Liên đi bên phải. Trận đấu diễn ra 20 phút đầu, vì sân trơn trợt và đối phương cao nên họ lấy banh của đội Phan Châu Trinh dễ dàng. Còn chúng tôi nhiều lần bị hụt banh nên té lên té xuống. Ðội hình không ăn rơ, nên chuyền banh không chính xác. Hơn nữa mỗi lần cầu thủ đội Phan Châu Trinh lên banh vào phần đất của đội Ðại Học, thì ủng hộ viên của đội Ðại Học  gõ thùng thiếc, son, chảo và la hét ầm ĩ, làm anh em đấu thủ đội Phan Châu Trinh mất tinh thần. (Năm sau thầy Ðặng Như Ðức về dạy trường Phan Châu Trinh có kể lại trong trận chung kết giữa hai đội PHAN CHÂU TRINH và ÐẠI HỌC Huế, thầy là một trong những sinh viên cổ võ đập thùng thiếc cho thật to để trấn áp tinh thần của đội Phan Châu Trinh.)

Trong lúc nầy anh Trần Trí Dũng và thầy UI ZU quan sát đấu pháp của đội Ðại Học. Thầy và anh Dũng quyết định cho tôi thay thế anh Trần Liên. Thầy còn  nhắc lại tôi đấu pháp cắm dùi và đánh nửa sân. Tôi áp dụng ngay đấu pháp nầy. Xin nhắc lại trong 20 phút đầu đội ÐẠi HỌC HUẾ đã dẫn trườc đội  PHAN CHÂU TRINH hơn 20 điểm. 

Nhờ anh Dũng và thầy UI ZU  ngồi ngoài chỉ đạo và điều khiển toàn đội áp dụng đấu pháp cắm dùi và rót banh cho tôi. Bao nhiêu banh đồng đội chuyền cho tôi, đều được suýt vào lưới và ghi bàn thắng gỡ hòa với đội ÐẠI HỌC. 

Hôm ấy anh em trong đội bảo tôi Bà nhập sao mầy suýt hay thế? Hết hiệp nhất giải lao, anh Dũng khuyến khích tinh thần cho đội và thầy UI ZU chỉ thêm cho cả đội lối chuyền banh nhanh hơn. Anh Dũng nói với tôi: Vào hiệp nhì, tụi nó biết Tuấn cắm dùi, nó sẽ đeo Tuấn, phải đổi chiến thuật, chạy về nửa sân nhử địch; khi thấy đội mình được banh, thì Tuấn phải lòn sau hông của đối thủ kèm Tuấm, chạy thật nhanh lên phần đất đội Ðại Học để nhận banh từ đồng đội và làm bàn. Tất cả làm đúng theo sự hướng dẫn của hai huấn luyện viên. Cả đội đều lên tinh thần, đánh rất hay làm cho đội Ðại Học phải lúng túng và mất tinh thần. Trận đấu còn lại hơn 15 phút, đội PHAN CHÂU TRINH đã dẫn trước đội ÐẠI HỌC. Chúng tôi ai nấy đều lên tinh thần. Người nào có banh trong tay cũng đều suýt vào lưới. Trái nào cũng vào, bất cứ vị trí nào trên sân. Anh em chúng tôi la hét om sòm khi tiếng còi của trọng tài thổi ra hiệu chấm dứt trận đấu.

Ðược tin đại thắng, thầy Hiệu trưởng cùng thầy Tổng giám thị lái xe ra Huế để chung vui cùng đoàn và thưởng cho các anh em trong đội bóng rổ, mỗi người 50 đồng. Năm chục đồng hồi đó rất lớn, vì một ly chè Ngã Năm giá có 1 đồng. Tất cả các đấu thủ trong đoàn đều vui mừng.. Riêng thầy Hiệu trưởng hỏi thăm từng cầu thủ về sức khỏe, và điều kiện sinh hoạt cá nhân. 

thaynguyendangngoc

Thầy Hiệu trưởng

thayHuuDuan

Thầy Tổng giám thị

Ðến đây! Nếu các bạn trong đội bóng rổ của trường PHAN CHÂUTRINH có tham dự giải thể thao và điền kinh năm 1961, hãy cùng tôi kính cẩn nghiêng mình một phút để tưởng nhớ đến anh TRẦN TRÍ DŨNG, NGUYỄN HỮU TỤNG, HỒ DƯƠNG MINH, NGUYỄN DÂN, TRẦN HÙNG đã yên giấc ngàn thu. Xin cầu nguyện cho các anh ấy về cõi phúc. 

Trong đội bóng rổ chúng tôi có 10 anh em, 4 anh đã vĩnh viễn ra đi, còn lại hiện nay anh Nguyễn Trí, Võ Văn Lượng, và tôi định cư tại Hoa Kỳ. Các anh Phan Văn Gà, Trần Liên và anh Lưu Kiến Hưng đang sống ở Việt Nam. Hôm nay, ghi lại vài kỷ niệm Thể thao học đường, tôi chợt xem lại tấm hình đã chụp vào tháng 10 năm 1961, của cả đoàn thể thao nhà trường, sau khi thắng đội bóng rổ ÐẠI HỌC Huế, tại sân Quang Hoa. Tất cả anh em trong đoàn cùng các giáo sư  hướng dẫn gần 50 người, ai ai cũng lộ vẽ vui mừng và trên môi nở những  nụ cười đầy hứa hẹn và tự tin.. Tình thầy trò, tình đồng đội rất thắm thiết, giờ đây kẻ còn người mất, và những người còn lại đã ngoài  60 mươi, có người đã có cháu nội, cháu ngoại đầy đàn. Tuy thế, khi thầy trò và đồng đội cũ có dịp gặp lại nhau, chúng tôi vẫn giữ được những tình cảm thắm thiết của tuổi học trò và luôn giữ được tinh thần học sinh trường PHAN CHÂU TRINH.

CALIFORNIA, ngày 12 tháng 10 năm 2002



Nguyễn Tuấn

( bản nguyên tác của người viết)