Picture2B

Thật là xúc động khi nhìn tấm ảnh của đội bóng tròn trường Phan châu Trinh Đà Nẵng đi tham dự giải Thể Thao & Điền Kinh Học sinh miền Bắc Trung phần do Bộ QGGD tổ chức hàng năm. Ảnh được chụp năm 1961 tại sân vận động Tự Do Huế trước giờ ra sân tranh chức vô địch với đội bóng trường Quốc Học. Ảnh do người bạn tên Bé trong đội bóng năm xưa gởi cho, gọi điện thoại cho Bé để cám ơn mà lòng thật bồi hồi xúc động mất mấy giây. Nghe tiếng ho lụ khụ của Bé trong điện thoại, tiếng ho của người lớn tuổi chứ không ai khác, thầm nghĩ trong bụng, ờ thế mà đã 39 năm rồi, đứa nào cũng đang đứng bên bờ lứa tuổi 60 – mau thật!. Chợt nghĩ mình nên viết vài dòng nhắc lại những kỷ niệm cũ, về những bạn trong đội bóng nhà trường, mình viết lại kỷ niệm xưa chứ mình đâu có bàn ngang, tán dọc chuyện thế sự hay chuyện “chính trị, chính em” mà ngại ngùng. Bây giờ trí nhớ đã mòn mỏi lắm rồi, nói trước quên sau, thôi thì nhớ tới đâu viết tới đó, thử “múa gậy vườn hoang” một lần xem sao. Chắc bạn bè, nhất là mấy “ông nội, ông ngoại” trong đội bóng không nở cười chê. Liền đi pha một ly cà phê, lại thêm một điếu thuốc nữa cho thêm phần hứng khởi. Nghe nói các nhà văn, nhà thơ, cà phê vào, thuốc lá ra, nguồn cảm hứng từ âm ty địa ngục cũng kéo về, viết mệt không nghỉ. Có phải vậy không, các thi, văn sĩ của MỘT THỜI PHAN- CHÂU -TRINH ĐÀ-NẴNG của tôi.

 

bongtron

Hàng ngồi từ trái: Thầy Tòng-Thắng–Phùng–Bé–Nam–Lô–Hưng–thầy Viên.
Hàng đứng giữa:
 Thầy Trừu -thầy Diệm-Hồng -Bạch-Huế.
Hàng đứng sau:
 Vững- Vân (em thầy Nghĩa)-Nam (anh Bé)-Ðính-Khiết-Quang-Vĩnh Khôi.

Tôi xin kể……

TrandinhThangKhi những đàn anh như Dũng, Nam, Sung, Câu, Đỉnh, Sỏ, Phu, Lộ… từ giã nhà trường để ra Huế hay vào Sài Gòn tiếp tục theo học lớp Đệ Nhất (lúc bấy giờ PCT chưa có Đệ I), hay vào quân ngũ, có anh thì nghỉ học đi làm. Bọn chúng tôi: Đính, Vững, Bạch, Phùng, Hồng, Khiết, Thắng, Bé, Nam, Lô, Hưng, Huế… được “đôn quân” vào đội bóng nhà trường thay thế mấy anh từ đó. Thật sự đội bóng của chúng tôi là đội bóng chân đất, không có những cá nhân xuất sắc như đàn anh, tài nhồi bóng không nhuần nhuyễn nhưng nhờ vào tinh thần đồng đội cũng như được sự ưu ái của Ban Giám Học nhà trường, nhất là được sự động viên, khuyến khích của mấy thầy hướng dẫn như thầy Tòng, thầy Viên, thầy Trừu, thầy Diệm… cũng nhiều lần đem thành tích về cho nhà trường. Tuy là những cầu thủ tài tử, không có Huấn luyện viên huấn luyện đúng mức, tập luyện thì ít, không bài bản, chỉ học lóm lại của đàn anh. Lúc thì nhờ anh Rô ở đội Không Quân, lúc thì nhờ anh Xuân ở đội Quân Cụ chỉ cho vài đường đấu pháp mà hai đội nầy đang chơi để bọn tôi theo đó mà tập dượt. Nào là đấu pháp WM, đấu pháp 4-2-4. Đấu pháp WM cần đòi hỏi cầu thủ đồng đều, nhiều thể lực, phải tập luyện thường xuyên mới có thể phối hợp nhanh, công cũng như thủ. Thấy khó nuốt quá, chỉ nghe cho biết thôi chứ không dám áp dụng. Chỉ còn lại đội hình 4-2-4, hầu hết các đội bóng hạng A ở Sài Gòn như Quan Thuế, Việt Nam Thương Tín, AJS, Tổng Tham Mưu… thường áp dụng đấu pháp nầy, chỉ cần hai tiếp ứng, có thể lực tốt một chút, lên xuống như con thoi; lúc lên tăng cường cho hàng tiền đạo, lúc về hỗ trợ cho tuyến hậu vệ, căn bản chỉ có vậy thôi. Thấy dễ nên bọn nầy áp dụng ngay. Được sắp xếp như sau cho những lần ra quân:

 

24211AAA

 

Thủ quân: Có lúc anh Vững, có lúc anh Bạch được chỉ định vì cả hai anh có nhiều kinh nghiệm thi đấu nhiều.

Xin giới thiệu những cầu thủ trong Đội Bóng Tròn chúng tôi:

 * ĐÍNH: Hồ Trọng Đính,to con, hơi mập, cao trung bình, xoay trở chậm, có sở trường bắt đường banh thấp, còn banh bổng, nhất là ở góc cao thì không tin tưởng mấy; khi hứng thì bắt hay, không hứng thì bắt dở, đúng là khi trồi khi sụt. Đính là em của Trung Tá Hồ Chung, Liên đoàn Trưởng Liên Đoàn 81 Quân Cụ lúc bấy giờ, chiều chiều Đính thường ra sân tập chung với đội Quân Cụ và nhất là thỉnh thoảng được anh Dần (thủ môn của đội bóng Bảo An Trung Nguyên Trung Phần ở Huế) chỉ dẫn thêm nên Đính có nhiều kinh nghiệm hơn, ra vào đúng lúc, giúp cho hàng hậu vệ phá tan những đợt tấn công của đối phương. Năm 1969, tôi có dịp về lại Sài Gòn, ghé thăm người bạn gái cũ, nhà ở đường Nguyễn Trãi Chợ Lớn. Vừa bước vô nhà đã thấy Đính ngồi chễm chệ trên ghế đang phì phà điếu thuốc, ngạc nhiên vì từ hồi năm 1962 tôi không gặp lại Đính bao giờ. Đính mới ra trường Thủ Đức, quai chảo còn mới tinh, Đính chọn về Sư Đoàn Nhảy Dù và đang theo học khóa nhảy dù tại trại Hoàng Hoa Thám. Một lúc sau, hai đứa rủ nhau đi uống cà phê, Đính có hỏi, nhưng tôi nói không có gì, Đính yên tâm. Không biết kết quả mối tình ra sao, không gặp lại Đính kể từ ngày đó. Sau nầy nghe nạn bè nói lại, Ðính đã bị tử thương vì VC hay ai đó thù oán ném lựu đạn vào nhà.

Gặp Đính lần nầy, tôi cứ nhớ mãi người bạn gái hỏi tôi: “Anh ở Đà Nẵng, anh Đính cũng ở Đà Nẵng. Sao em nghe anh nói thì em hiểu còn anh Đính nói thì nhiều lúc em không hiểu gì hết”. Tôi trả lời lại cho qua chuyện: “Yêu em quá, mất bình tỉnh, nên nói vậy đó”.

Người bạn gái tròn mắt nhìn tôi, chắc là tôi chưa trả lời gì cả.

* VỮNG và BẠCH: Cả hai có vóc dáng như lực sĩ. Cao, to. Vững và Bạch trấn giữ phần đất nhà thì không chê vào đâu được, có cú sút thật mạnh, thật xa, đường banh đi như xé gió và có cái đầu cũng lợi hại không kém. Hồi đó sân Chi Lăng đã được cải tiến, sân có chiều dài 110 mét thay vì 100 mét như trước đây; vòng chạy cũng được nâng lên 400 mét chứ không còn 360 mét như cũ nữa, thế mà bộ tứ Vững, Bạch, Huế và Khiết có thể đá quả 6 mét vượt quá lằn vôi trắng giữa sân cả 20 mét. Cặp nầy bọc lót rất tốt giúp cho Đính yên tâm giữ vững khung thành. Hai anh đá chung với đàn anh trước đây nên có nhiều kinh nghiệm hơn.

Anh Vững hiện nay đã về hưu sau một thời gian dài làm Ngân Hàng ở Ðức cùng vợ là Liên Hồng (PCT66) và 2 con trai của anh cũng đang chơi trong đội bóng có thứ hạng tại địa phương.

Anh Bạch, tôi không biết anh ở đâu??? Có bạn nào biết tin anh Bạch không? Rất mong cho biết tin.

* HUẾ: Một trong bốn hậu vệ của đội. Tầm vóc không mấy cao, có sức, tính tình vui vẻ, chỉ có cái tội nói cà lăm, khi giận lên thì không ai hiểu Huế nói gì. Đặc biệt, Huế có cú sút ở má bàn chân phải, banh đi mạnh, xoáy nhưng trực diện, không né tránh đối phương; ít lừa lách, đụng là phang thẳng lên trên. Hồi còn đi học, những lần đi xem đá banh, có bán vé, bọn nầy thường vào nhà Huế để gởi xe đạp khỏi tốn tiền mà lại an toàn nữa. Nhà Huế ở đường Đông Kinh Nghĩa Thục, sát với cổng vào sân vận động Chi Lăng.

Huế nhập ngũ, từ Bộ Binh chuyển qua Hải Quân, cấp bậc cuối cùng là Trung Uý Hải Quân, Hiện nay Huế ở Đà Nẵng, đường Hoàng Diệu, sát chợ Cây Me cùng với vợ con.

* KHIẾT: Dáng dấp ngon lành, cao ráo, có nước da ngăm đen, vai u thịt bắp, rất xuất sắc trong vai hậu vệ trái, sức bền chạy không biết mệt. Để phân biệt hai Khiết, anh Đặng Ngọc Khiết (PCT54-60), học trên tôi 4 lớp, cùng làng Xuân Hòa với tôi. Anh vào trường Võ Bị khóa 19 rất sớm, ra trường anh chọn binh chủng Biệt Kích, nhảy toán  xuống vùng núi Hạ Lào, bi Việt cọng bắt và chuyển ra Bắc. Tôi nghe bạn bè nói lại, vào năm 65 hay 66 chi đó, cuối cùng CS đã hành hình anh ở một địa điểm gần chợ Thái Bình. Trong bài viết về NHỮNG NGƯỜI BẠN TRẺ, thầy Ngọc, cựu hiệu trưởng trường Phan Châu Trinh có viết đôi dòng về ANH. Bây giờ tôi chỉ còn ngậm ngùi thương tiếc ANH ra đi quá sớm khi mộng ước chưa thành. Còn Nguyễn Thanh Khiết (PCT56-63), còn gọi là Khiết 555, Bastos, Mélia, Cotab, thuốc nào anh cũng chê, chỉ thích ba con số năm thôi, bạn bè hay gọi đùa là vì thế. Trước 75, nhiều lần tôi thấy Khiết còn làm mưa làm gió trên sân cỏ ĐN dưới màu áo Sư Đoàn I Không Quân.

* HỒNG và PHÙNG: Luôn giữ vai tiếp ứng, nhanh nhẹn, chịu chạy cũng như chịu chơi, phán đoán nhanh, có những đường banh đưa khá chính xác. Kể từ ngày rời trường (64) cho đến nay, tôi chưa một lần gặp lại Hồng, chỉ nghe bạn bè nói lại, Hồng là phu quân của Phạm Thị An (con thầy Khánh, dạy vẽ), hiện nay Hồng làm cho một tờ báo ở Sài Gòn, có bút hiệu là Cung Văn. Mới đây, tôi xem được tấm hình của bạn Lê Hân chụp với các bạn ở Việt Nam, có cả Hồng và An; với mái tóc bạc phơ, những nét cũ vẫn còn phảng phất trên khuôn mặt nhiều mệt nhọc và ưu tư.

Riêng Phùng thì thỉnh thoảng tôi có gặp, vẫn nụ cười tươi mỗi khi gặp lại bạn. Tôi còn nhớ, vào năm 69, đơn vị hoạt động ở Điện Bàn, tôi gặp lại Phùng, đang là Đại đội phó của Đại Đội 467 Biệt Lập của Tiểu Khu Quảng Nam (Đại đội Trưởng là Đ/U Gạc). Bạn bè chỉ đứng nói chuyện được 5, 10 phút rồi đi, ở cống Giáp Ba, ngoài đồng trống dễ bị bắn sẻ lắm. Sau năm 75, đi tù cũng còn gặp lại Phùng và Bé ở trại 3 Hiệp Đức, Quảng Nam.

Mỗi lần đi tham dự tranh giải hay đấu giao hữu với các đội trường bạn, thấy ngoài sân thấp thoáng nhiều bóng hồng, anh em trong đội thường nói đùa với Hồng và Phùng: “Đừng nhìn ra sân nhiều nghe, có “vẽ” thì “vẽ” sơ sơ thôi, bị thua là không được về trường đó!”. Nói vậy thôi, chứ bọn nầy cũng biết từ khuya, có các người đẹp quan lâm chủ… đứng hay có các “thợ la”, “thợ hét” đi theo hò reo làm cho bọn nầy đá hay ra phết. Trận nào ở sân Chi Lăng cũng có các “thợ la”, thợ hét” đi theo cỗ vũ. Đám “thợ la” không ai khác hơn là Quảng lác, Tham ghèn, Lương, Tài, Hà, Hải, Xin, Ngọc, Chín, Xuyên, Ái đen, Khánh… và nhiều vô số kể. Đặc biệt, đội bóng có được bạn NV Khánh, lúc nào cũng đi theo đội bóng lãnh phần săn sóc viên; nước chanh, nước đá được Khánh ném ra sân đều chi. Tuy mệt, nhưng lúc nào cũng thấy Khánh la, Khánh nhảy với bạn bè. Đám bạn “thợ la, thợ hét”, la đến nơi, hét tới chốn; la tận tình, la hết mình mỗi khi có những đường banh đột phá tấn công của phe ta hay có một bàn được ghi của đội nhà, chỉ cần 5, 7 “thợ la” la lên, vài cái mũ được ném lên trời làm cò mồi là y như có thêm 3, 4 chục bạn khác cũng la, cũng nhảy, cũng ném… vang dậy cả một góc sân. Cả bọn trong sân cảm như không biết mệt, đá dài dài và chạy cũng dài dài. Đám bạn tôi la rất dễ thương, chỉ hao hơi khát… nước mà thôi chứ không giống như “hooligan” của nước Anh, quậy phá quá làm cho các đội bóng Anh quốc bị FIFA cấm thi đấu trong mấy năm liền ở các giải quốc tế trước đây. Các “THỢ LA” bây giờ sống rải rác trên năm châu bốn bể có còn nhớ hay không?

 * NAM: Tô Tiến Nam (PCT56-63), khác với anh Nam (PCT54-60) là anh của Bé và Minh. Nam ở hàng tiền đạo góc trái, cũng cao ráo như Lô, đánh đầu khá, chịu “cày” dầu mưa hay nắng. Nhập banh rất nguy hiểm cho khung thành đối phương. Nam ở trong đội bóng nhà trường tương đối lâu, đá banh nhưng “mỏi” miệng, có tật hay la trong sân lắm. Nam là anh của Tô thị Hạnh học cùng lớp với tôi. Không biết bây giờ Nam ở đâu?

* BÉ: Thấp, nhỏ con nhưng nhanh như sóc. Biết thân phận bột bèo của mình, cao chẳng bằng ai nên tránh sự va chạm tối đa, chỉ lừa bóng vài đường ngắn ngủi liền giao cho bạn khác đứng ở vị thế thuận lợi hơn. Đi đá bóng ở đâu Bé cũng mang theo máy ảnh, photo Tân Mỹ là nhà của Bé, nên lúc nào bạn bè cũng có vài tấm hình để làm kỷ niệm, rất tiếc là có ít bạn giữ được cho đến bây giờ. Sau nầy Bé đi lính, Phòng Mãi Dịch Quân Đội ở Đà Nẵng. Còn anh Nam thì ở Ty An Ninh Quân Đội, cũng ở ĐN. Hai anh em giống nhau như đúc, đến nổi có vài quân nhân cùng đơn vị cũng lầm. Có một lần người lính hỏi Bé: “Hồi nãy thấy ông mang lon Trung Uý, sao bây giờ ông mang lon Đại Uý”. Bé cười và nói lại: “Đại Úy là anh Nam, anh tôi đó”. Anh Nam sau nầy ở tù ngoài Bắc và đã mất ở đó, còn chị Nam và mấy con được sang Mỹ định cư trong diện quả phụ, có chồng chết trong trại tù, nay chị ở CA. Bé hiện nay ở San Diego. Tôi chưa gặp mặt lần nào nhưng nghe qua giọng nói thôi cũng biết sức khỏe Bé chẳng khả quan gì (mỗi ngày hít một gói thuốc chăng???), Bé sang Mỹ trong trường hợp rất hy hữu. Không có tên đi phỏng vấn với bà mẹ do Minh bảo lãnh nhưng xin vào gặp được phái đoàn Mỹ để trình bày hoàn cảnh của mình, cuối cùng phía Mỹ cho cả gia đình Bé đi theo với bà mẹ. Thật là một trường hợp may mắn, ít ai gặp được.

* HƯNG: Riêng bạn Hưng học khác lớp với tôi, chỉ đá chung với nhau vài trận nên không nhớ về bạn nhiều, theo bạn Phùng cho biết, Hưng nay vẫn còn ở Ðà Nẵng, an nhàn, ngày ngày xách vợt  làm vài đường ở sân Thể dục Ðà thành cũ để tiêu sầu!!!

* LÔ: Huỳnh Lô, Lô cao cẳng, tôi gắn bó với bạn một thời gian khá dài, suốt 7 năm ở trường nên nhớ về bạn nhiều… Với tuổi gần 6 bó, những chuyện gì vài ngày trước thì quên mất tiêu nhưng đối với Lô, tôi lại nhớ như in mặc dầu đã gần 40 năm trước, âu đó cũng là “căn bệnh” chung của tuổi già mà phần đông các bạn ta đều gặp phải.

Lô có sức khỏe như voi, cao mà không to, xông xáo, đá được cả hai chân, đặc biệt với chân trái như súng thần công, đá như trời long đất lở. Tôi chịu nhất là cú vô-lê thật mạnh, bất ngờ, chính xác và nhanh như sấm chớp, khó có thủ môn nào chống đỡ. Tính tình vui vẻ, bộc trực, không giận ai lâu nhưng nóng nảy thì khỏi nói – như Trương Phi giáng thế. Cũng thời gian nầy đây, bọn nầy đi Huế tham dự giải ĐK & TT, phái đoàn học sinh ĐN ở chung với các phái đoàn bạn như Trần Quý Cáp của Hội An; Nguyễn Dục của Quảng Tín; Trần Quốc Tuấn của Quảng Ngãi và Nguyễn Hoàng của Quảng Trị. Được trường Quốc Học cho mượn các phòng học để tạm trú, chỗ ngủ thì lấy bàn kê lại mà thôi, nếu thiếu thì trải chiếu xuống nền ciment mà ngủ – học sinh mà – dễ tính dễ nuôi thôi.

Ngày bế mạc của đại hội là trận chung kết bóng tròn giữa đội Phan Châu Trinh và trường Quốc Học. Thầy trò đều lo lắng không yên vì sắp đụng phải cục xương khó nuốt đây, mấy thầy dặn phải đi ngủ sớm lấy sức, tất cả không được đi chơi đêm hôm trước. Quốc Học có nhiều cầu thủ chơi hay cả công lẫn thủ, có nhiều cầu thủ gạo cội của các trường tư về học ở đây, lại được tập luyện nhiều, rất ăn ý với nhau. Hễ mỗi lần đội bóng PCT được vào chung kết đều gặp phải trường Quốc Học. Thành phần chính ra sân như các bạn thấy trong ảnh, bọn nầy đứa nào cũng quyết tâm đem thành tích về cho trường nên tất cả đều cố gắng, đá hết mình, còn ăn hết nhịn, có bạn còn thề, nếu thua thì lội bộ về chứ không đi tàu, đi xe.

Trận đấu được điều khiển bởi trọng tài chính là anh Phạm Xuân A, huấn luyện viên của Ty TN&TT Huế; bốc thăm, chọn sân bị bất lợi vì ngược gió, nhưng nhờ sự ăn ý của toàn đội đã làm chủ tình hình suốt hiệp 1, nhiều pha suýt ghi được  bàn thắng, cuối cùng không có bên nào mở tỉ số được.

Vào hiệp 2, trường QH chắc cũng hơi lo, bị đàn áp tơi bời ở hiệp 1 nên thay đến 3 cầu thủ ở hạng đá giày vào, trong đó có anh Nam và anh Khôi, hai anh nay là cựu học sinh PCT ra QH học tiếp năm Đệ Nhất, hai anh đã lên hạng đá giày ở Huế. Đúng ra hai anh không được đá ở hạng chân đất (đá giày bata cũng là chân đất). Sau một hồi khiếu nại, chắc là điều lệ giải có nhiều sơ hở, không rõ ràng nên hai anh cũng đá cho đội QH. Kết thúc trận đấu, QH đã thắng PCT với một bàn cách biệt nhẹ nhàng.

Cái thua tức tưởi nầy làm cho Lô sau khi về lại chỗ ở, thua đã không vui rồi lại bị một học sinh trường Nguyễn Dục chọc quê sao đó, Lô túm cổ áo anh kia đánh liền không cần suy nghĩ. Lúc đầu 1 đánh 1, rồi 2 đánh 2, cuối cùng 2 trường đều úa ra sân “quầng” với nhau, tiếng la, tiếng chạy vang dậy cả một góc sân trường QH. Khi thấy mấy thầy chạy ra, đa số anh em đều chạy vô phòng học và gọi: “Lô! Lô! Lô! Mấy thầy ra đó! Thôi!”. Nhưng Lô có nghe đâu, hay là đang hăng tiết vịt, cũng có khi giả điếc, tay Lô vẫn còn cầm cái chân bàn rượt theo học trò Nguyễn Dục, mấy thầy thấy được Lô và vài anh em khác. Tính tôi ham vui, thấy đánh lộn cũng nhảy vào ăn có, không biết mấy thầy có thấy hay không?

Ngay tối hôm đó, Lô rủ tôi đi qua Gia Hội ăn chè bông cau. Ngồi vào bàn, Lô nói với tôi:

– Hồi chiều tau thấy mi đánh đấm coi cũng được lắm. Dấu nghề phải không?

Tôi nói lại:

– Cũng tàm tạm thôi. Khẩu phục, tâm phục chưa?

Lô cười và xây vào trong quán gọi:

– O Bưởi! Cho tụi em hai “đọi” chè bông cau thiệt nóng.

Ăn chè và ngồi nói chuyện tầm phào với nhau đến nửa đêm, hai đứa tôi lội bộ về lại phòng ngủ. Nhìn ánh đèn mờ mờ trong phòng, hai đứa cảm thấy buồn chi lạ!

Kết quả sau cùng chẳng có ai u đầu chảy máu gì, mấy thầy hai trường giải quyết ổn thỏa chuyện nầy. Sau vụ đánh lộn, bọn tôi đứa nào cũng lo sợ hoài, nghe chuyện ma ở trường QH mà ngủ không yên, chuyện ma ở cây sanh đàng sau trường, bọn tôi ngủ gần với nhau chứ không dám ngủ xa, mền thì trùm kín mít, chân giò thì co lại, rồi đứa nào cũng ngủ như chết có thấy chi mô. Bọn tôi không còn sợ ma nữa mà sợ bị phạt khi về lại trường. Quả thật, sau mấy ngày đi học lại, Ban Giám Thị nhà trường họp và khiển trách nhiều anh em, trong đó có tôi, riêng Lô bị đuổi 7 ngày để cảnh cáo.

Những năm trước sau khi bế mạc đại hội, các trường phía nam Huế cùng đi một chuyến tàu lửa về lại nhưng kỳ nầy mấy thầy cho PCT về trước, Nguyễn Dục về sau một ngày để tránh trường hợp không hay xảy ra nữa, thế mà Lô còn rủ mấy bạn lên ga “dàn chào” trường ND một lần nữa, mấy bạn can quá mới thôi.

Có một lần theo nhà trường ra Huế, lần nầy không ở tại QH mà ở Morin. Khi đi, ông thân sinh tôi cho được ít tiền tiêu vặt và dặn khi về nhớ mua mè xửng Song Hỷ, ông còn dặn thêm, ra ngoài đó không được nghe bạn bè rủ đi ngủ đò. Tôi cũng chẳng biết ngủ đò là gì? – còn ngây thơ mà! Tôi hỏi Lô, Lô cũng mù tịt như nhiều bạn khác. Lô nói, “Thôi để ra ngoài đó hỏi Mệ Tu, Mệ Khôi. Đến khi nghe hỏi, anh Khôi mới nói, “Dẹp đi mấy cha, bọn bây muốn bị đuổi học răng mà hỏi mấy thứ đó”. Anh nói vậy nhưng cũng kể cho bọn chúng tôi nghe vài đường lả lướt “ngủ đò”, bọn nầy chỉ biết mắc cở và cười trừ. Anh còn nói thêm:” Còn théc méc chi nữa không để anh nói luôn cho, anh chỉ nghe người khác nói chứ anh chưa đến đó bao giờ”. Đúng là gặp sư phụ rồi.

Nghĩ mà quê một cục, chuyện thể thao cái gì cũng biết, nào Rạng của Việt Nam, nào Pélé của Ba Tây, nào Maldini của Ý, với cả chuyện Lý Huệ Đường nữa, đá quả phạt đền 11 mét, thủ môn ôm banh mà văng ra sau cả mấy thước, chết không kịp ngáp. Tuần báo “Thao Trường” của Huyền Vũ, “Nguồn Sống” của Thiệu Võ lúc nào cũng không thiếu; chuyện trên trời dưới đất, chuyện bên lề sân cỏ Đông Tây đọc không biết chán, thế mà chuyện “ngủ đò” xưa như trái đất mà không biết. Nghĩ mà cười thầm trong bụng.

 Lại nữa, một lần Tôn Thất Hải, em của thầy Trân đang học ở Nguyễn Công Trứ, nói đùa với các bạn bên đó rằng: “Phan Thanh Giản là đảng…, Phan Tây Hồ là đồ…, Phan Châu Trinh… rinh hũ mắm, Nguyễn Công Trứ là xứ… anh hùng”. Lô nghe giận quá đòi đi tìm Hải cho bằng được, các bạn trong đội bóng không cho Lô đi. Vài ngày sau, trong giờ ra chơi, có một số học sinh PTG, PTH nhảy tường rào vô tìm Hải. Được báo động trước, Hải chuồng lẹ, trốn ở đâu mất tiêu, sau đó Hải nghỉ học mấy ngày liền, chắc là về nhà ở tận Nam Ô để ẩn thân.

Có một chuyện khác, không biết ông bạn nào đó cùng trường bị gãy đến hai cái răng cửa bởi cú đấm “thôi sơn” của Lô vì một lý do rất… học trò, da’m “nghễ” người mình trồng cây si.

Lô đã gãy cánh đại bàng trong một phi vụ ở Quảng Trị, “Mùa hè đỏ lửa” năm 72. Chị Phú, chị ruột của Lô và vợ của Lô cùng mấy con ở Nam Cali. N. – người yêu đầu đời của Lô đang ở San Jose.

*THẮNG: Sau cùng là tôi, thân hình xem cũng tàm tạm được, không đến nổi tệ lắm, sức lực có dư, ai chạy tới đâu thì tôi chạy tới đó; biết phối hợp với đồng đội nhất là ăn ý với hàng tiếp ứng của Phùng và Hồng. Sau ngày Đính, thủ môn, nghỉ học, tôi thế vào vai Đính, đá được vài trận, sau nầy có bạn Hoanh thay thế, tôi tiếp tục đá ở hàng tiền đạo như cũ cùng với Bé, Lô và Nam.

Từ lúc còn nhỏ, tôi đã mê say môn bóng tròn rồi, đến khi theo học ở PCT, dưới mắt tôi lúc bấy giờ thì các anh Trần Trí Dũng, anh Nguyễn Văn Nam ở Đà Nẵng; anh Triệt, anh Tùng ở Huế là thần tượng của bọn chúng tôi; còn ở Sài Gòn, các danh thủ Việt Nam như Tam Lang,  Mộng, Nhung (AJS); Đực 1, Đực 2, Vinh sói, Thà (TTM)…, bọn chúng tôi xem như “thần tượng sống” của mình, cũng như mấy cô thôi, cô nào ghiền ciné lại cho B.B, M.M là thần tượng của mình, không có chi lạ.

tam lang 5223 1401696923 98f48 crop1401769932740pKhi tôi đang cà kê dê ngỗng với các bạn đây thì hay tin anh Phạm Huỳnh Tam Lang (chồng của Bạch Tuyết, cải lưong chi bảo một thời) được Ban Tổ Chức Sea Games 21 mời tham dự rước đuốc cùng với 9 nước khác trong ngày lễ khai mạc lúc 16 giờ ngày 30.8.01 tại thủ đô Kuala Lumpur, Mã Lai Á. Anh được Ban Tổ Chức Sea Games 21 chú ý là nhờ vào thành tích của anh đã đạt được trước năm 75. Với lối chơi hào hoa nhưng vô cùng chắc chắn, trung vệ, thủ quân của đội tuyển Việt Nam trước đây đã đem về cho Việt Nam chiếc cúp Merdeka 1966; hai huy chương bạc 67, 73 và hai huy chương đồng Sea Games 65, 71. Sau 75, theo dõi báo chí thì anh không có thành tích nào nổi bậc cả.

Đến năm 64 là năm chót tại trường, bọn tôi được mang giày đá banh hẳn hòi để nghênh đón đội bóng của Tổng Hội Sinh Viên Huế vào đá giao hữu với đội bóng Liên Trường Đà Nẵng. Phần đông chúng tôi được chọn cùng với các bạn trường khác như Phái, Khởi (Bán Công), Được, Bền (PTG), Quý (NCT), Mai, Hồ (SM) thành lập đội tuyển Liên Trường Ðà Nẵng.

Đa số chúng tôi đâu có tiền mua giày, có bạn mượn được giày của các anh bên Quân Cụ, Không Quân. Tôi và Huế có quen với anh Vương Văn Mau và anh Đinh Tiến Hoàng (Trưởng Ty TN&TT) nên rủ đến Ty để mượn giày. Lựa chọn được đôi vừa ý, đem về tập dượt chừng được mấy tuần trước khi đấu, mang đôi giày đá banh đầu tiên trong đời cầu thủ sao mà sung sướng lạ thường, xem như mộng ước đã thành, hai đứa đi về mà nghe như có tiếng chim hót bên tai. Huế ơi! Bạn có còn nhớ hay không?

Đội bóng TH.SV Huế có nhiều cầu thủ sáng chói của đất Thần Kinh như anh Triệt, anh Tùng. Với sự cỗ vũ nồng nhiệt của giới mộ điệu quả bóng da tại thành phố nhà, cọng với sự háo hức và phong độ đương lên nên chúng tôi chỉ thua một bàn không gỡ, tưởng phải thua 3 hay 4 trái trở lên, tuy thua nhưng vẫn được đa số người xem tán thưởng vô cùng. Đá xong tôi và Huế đem giày đi trả, mấy anh ở Ty TN chịu bọn nầy quá nên cho luôn không lấy lại, chắc là mát ruột, mát dạ với bọn nầy. Một lần nữa ra về lòng như mở hội, chiều chiều ra sân chơi với người lớn được rồi.

Sau nầy, một số anh đến năm cuối ra trường. Các bạn khác như Mai Xuân Lương, Nguyễn Văn Hải (em cô Kim Thành), Từ Văn Xin, Trương Ðức Thuỷ (bút hiệu TêÐêTê65, Hà Linh Thuỷ …) được nhà trường bổ sung thay thế.

Bạn Hải ở San José và bạn Xin đang ở Maryland, Thuỷ ở San Diego. Chúng tôi vẫn thường liên lạc với nhau, mỗi bạn đều có mái ấm gia đình riêng nơi miền đất lạ nầy.

Nhìn tấm ảnh thật cũ, có 4 thầy đi theo hướng dẫn đoàn học sinh ĐN, chủ lực tham dự vẫn là thành phần học sinh PCT, các trường tư vì tài chánh eo hẹp nên không cử mấy thầy đi cùng. Thầy Tòng và thầy Viên phụ trách các bộ môn thể thao (bóng tròn, bóng chuyền, bóng bàn, vũ cầu, bóng rỗ); thầy Trừu, thầy Diệm phụ trách về điền kinh (chạy tốc lực, trường lực, nhảy xa, nhảy cao, ném tạ…).

Như các bạn thấy trong ảnh đó, hàng ngồi đầu tiên là thầy Tòng, dạy Pháp văn, Lý Hóa. Thầy dạy bọn tôi liên tục nhiều năm và hướng dẫn đi Huế nhiều lần nên nhớ thầy nhiều nhất. Thầy cầm một túi nhỏ như vậy đó mà vô cùng quan trọng, học sinh có đói, có no, có thành tích hay không cũng do cái túi nhỏ xíu nầy, nên lúc nào cũng có bạn Quang (hiện nay ở Missouri) kè kè đi theo hộ tống.

Thầy nổi tiếng trong lúc dạy, lúc nào cũng nghiêm nhưng đi Huế với thầy nhiều lần, thấy thầy cũng vui tính lắm, hát hay, giọng thật ấm, thầy còn kể chuyện tiếu lâm nữa chứ, trước đây đâu có chuyện đó, thầy chỉ kể nào là oxy, nào là hydro…, toàn những thứ nghe mà nhức đầu (chỉ có đá banh là không nhức đầu thôi).

Thời gian ở Huế, thầy thường chọn quán cơm trên Ga để bọn nầy đến đó ăn mỗi ngày 2 bữa, từ trường Quốc Học đến ga Huế quá gần nên bọn nầy cuốc bộ là chắc ăn nhất, lại ngắm được dòng sông “nắng đục mưa trong” dưới chân cầu Ga, không gì thích thú bằng.

Mỗi lần bước vào quán cơm mà thấy được cô Vân – con bà chủ quán, học ở Đồng Khánh – bữa đó bọn nầy ăn cơm thấy ngon miệng quá trời. Bọn nầy nói kháu với nhau, Đồng Khánh “tránh” Khải Định, chắc cô ta không “tránh” PCT mô. Tuy nói nhỏ mà thầy nghe được và nói: “Đi ăn chung thì được, đứa nào lạng quạng xé rào lên đây một mình, có thông cảm lắm cũng lãnh đủ 10 giờ cấm túc”. Cả bọn nhao nhao lên nói với thầy: “Cấm túc thì được chứ thầy đừng cho zéro nghe thầy”. Thầy Tòng có tính hay cho nhiều con zéro lắm, không phải một con mà nhiều con cùng một lúc, lại cẩn thận khoanh ô vuông nữa. Bình thường thấy con số không đã sợ rồi, thấy cái ô vuông bao bọc con số không còn sợ hơn nữa, nhưng cũng có vài tuần sau, thầy bỏ bớt một con, chỉ còn có một “quả trứng” gà nằm chơ vơ lạc lõng trong sổ điểm.

Đó là những kỷ niệm vụn của tôi ghi lại một cách mộc mạc, không đầu không đuôi để nhớ lại một thời liệt oanh của đội bóng Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Hy vọng rằng các bạn, nhất là các bạn trong đội bóng năm xưa khi đọc lại những dòng chữ nầy cũng tìm thấy cái gì vui vui ở tuổi về chiều, biết đâu được các bạn khác gởi cho vài tấm ảnh cũ nữa để đưa vào trang web “MỘT THỜI PHAN-CHÂU TRINH ĐÀ-NẴNG”, một thời sống với thiên đường Phan Châu Trinh yêu dấu.

Tôi cũng xin được vài phút để tưởng niệm những người anh, người bạn trong đội bóng nhà trường một thời làm mưa, làm gió trên sân cỏ đã vĩnh viễn ra đi vào lòng đất MẸ VIỆT-NAM.

Đình-Thắng

(PCT 57 – 64)