Một Thời PCT 

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

Một Thời Phan Châu Trinh

truong1234

Mùa Xuân đã về trên xứ người.  Những cành hoa Xuân đua nhau khoe sắc thắm.  Cái nắng ấm kèm theo một chút se lạnh giống như để làm duyên của nàng Xuân để mọi người biết rằng nàng đã về.  Nhưng rồi sau đó là những cơn mưa Xuân kéo đến.  Mưa rơi!  Cái âm thanh quen thuộc của những giọt mưa tí tách trên mái nhà, cái hình ảnh ướt át thấy được trên phố xá, hình ảnh của những con người co ro chạy lúp xúp dưới mưa để vào xe đã kéo dĩ vãng trở về trong tôi.  Những cơn mưa ở quê hương hiện về thật rõ nét.  Nhưng mưa ở quê hương tôi buồn hơn nhiều, vì nó cứ kéo dài lê thê hết ngày nầy sang ngày khác.

Hơn ba mươi năm xa trường, ở xứ người đã hơn mười năm nhưng tôi vẫn nhớ lại những năm tháng dạy dưới mái trường Phan Châu Trinh, nhớ lại những hôm trời "bỗng nổi cơn gió bụi", những cơn lốc làm tung cả bụi đường vào mắt, nhớ những buổi chiều mưa rơi tầm tã, mấy anh em bạn bè đồng nghiệp cao hứng rủ nhau vào quán Danube trên đường Độc Lập ngồi nghe nhạc và uống café.  Bao nhiêu năm tháng ở quê người, chưa một lần về thăm lại quê hương nên mỗi lần thấy mưa là tôi lại nhớ Đà Nẵng đến quay quắt.

Trung Học Phan Châu Trinh là ngôi trường nơi tôi được đổi về dạy sau gần mười niên khóa dạy ở Kiến Hòa.  Lúc nhận sự vụ lệnh từ tay người bạn học cũ lúc đó đã làm đến Giám Đốc Nha Nhân Viên của Bộ Giáo Dục, tôi vui sướng vô cùng.  Vì nhiều lý do, trong đó lý do dễ hiểu nhất là được về dạy tại quê nhà nơi đã nuôi tôi khôn lớn.  Anh bạn Giám Đốc chưa ký quyết định vội, mỉm cười hỏi tôi: "Đây là danh sách những trường ở Đà Nẵng còn nhiệm sở về bộ môn của anh.  Anh muốn chọn Trường Nữ Hồng Đức hay Trường Phan Châu Trinh? ". Tôi cũng đùa vui trả lời: "Bộ anh muốn tôi sẽ cưới học trò hay sao mà cho tôi về dạy trường con gái? Thôi cho tôi xin hai chữ bình an bằng cách ký cho tôi được về dạy Phan Châu Trinh là tôi mãn nguyện lắm rồi!".  Phan Châu Trinh đã mở rộng vòng tay đón người con lưu lạc xa xứ trở về là tôi như thế.  Một số Giáo Sư ở trường là bạn bè cũ thời trung học, ông Hiệu Trưởng cũng là người quen của gia đình nên không khí đối xử rất thân mật và ấm cúng.

 

tieusutruong

 

Bây giờ, hằng năm,các cựu học sinh và cựu giáo sư Phan Châu Trinh vẫn tổ chức ngày họp mặt tại vùng quận Cam nầy vào đúng ngày giỗ Cụ Phan.  Lúc kỷ niệm 50 năm ngày thành lập trường, tôi cùng một số các đồng nghiệp khác cũng đã nhận được giấy mời của ông Hiệu Trưởng đương nhiệm về tham dự, nhưng không ai trong chúng tôi về cả.  Vì một lý do rất dễ hiểu, ngôi trường bây giờ không thuộc về chúng tôi nữa rồi! 

Tôi kính phục những vị giáo sư lớn tuổi như các giáo sư Trần Tấn, Bùi Tấn trước đây về năng lực giảng dạy, tôi yêu quý những người bạn đồng nghiệp tài hoa cả về dạy học lẫn âm nhạc như các anh Trần Đình Quân, Tôn Thất Lan, hay như Trần Đại Tăng, con người dạy Toán số một của trường và cũng làm thơ tình hay số một!  Như chị Phan Thanh Gia Lai, giáo sư Triết, tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Đà Lạt, có dáng dấp của một Francoise Sagan, dạy Triết rất hấp dẫn và giọng nói cứ như là rót vào hồn các em học sinh.  Vì vậy, lúc bấy giờ, các lớp 12C có chị dạy lúc nào cũng đông hơn các lớp 12C khác.  Như anh Đỗ Toàn con người nghệ sĩ đã tạc bức tượng Cụ Phan hiện vẫn sừng sững giữa sân trường, như đôi vợ chồng Nguyễn Văn Kính dạy Lý Hóa và Nguyễn Ngọc Quỳnh dạy Việt Văn rất dễ thương và tình tứ.  Hay như các anh Lê, anh Mai, anh Thanh, anh Quân, anh Lan, những huynh trưởng du ca một thời đã làm nổi bật phong trào, như thầy Hoàng Bích Sơn với bản Hiệu Đoàn Ca bất hủ, như anh Huỳnh Khải, chị Mộng Hoàn, các nhân tố tích cực trong mọi sinh họat văn nghệ, báo chí. 

Cô Gia Lai

Co Phan Thanh Gia Lai

thayHBSon

Thầy Hoàng Bích Sơn với bản Hiệu Đoàn Ca

coPhanMongHoan

Cô Mộng Hoàn

Còn nhiều, và nhiều lắm... Bây giờ thì ai còn, ai mất?  Ai vẫn tiếp tục dạy và ai đã về hưu?  Bạn bè ở quê nhà vẫn email hay điện thoại réo gọi mình: "Về đây chơi với anh em một lần trước khi không còn cơ hội gặp nhau nữa T. ơi!".  Mình tự hứa là sẽ về, sẽ về thăm tất cả anh em bạn bè.  Mấy câu thơ trích từ bài thơ anh Trần Đại Tăng gửi tặng mình lúc kỷ niệm 50 năm thành lập trường đã làm mình xốn xang và nhớ trường, nhớ học trò và đồng nghiệp đến quay quắt:

 

                          "Ngày tháng đi chân anh mòn bục giảng

                           Gian nan nhiều cho mơ ước thôi xanh

                           Tóc bạc trắng theo tuổi đời vất vả

                           Nhưng lòng sao vẫn cứ nặng nghĩa tình

                           Nên trường đó là đời anh tất cả

                           Là tim gan máu thịt của đời mình

                           Mai anh về xin làm con chim nhỏ

                           Đậu mái trường cất tiếng hót bình minh"

(Viết để kỷ niệm 55 năm ngày thành lập Trường)    

 Phạm Ngọc Trác