Tản Mạn Về Ngày Xưa Thân Ái Dưới Mái Trường Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Mới đó mà thấm thoắt đã gần nửa thế kỷ . Một quảng thời gian dài trong cuộc đời . Tôi còn nhớ mãi ngày đó . Cái ngày mà cách đây đúng bốn mươi tám năm trước , tôi , một cậu bé đầu húi cua , mặc quần “ soọc ‘, chân mang giày xăng đan , ngần ngại và bỡ ngỡ bước qua chiếc cổng trường , theo một lối đi nhỏ thẳng tắp  , băng qua một sân cát thiếu bằng phẳng  , trơ trụi giữa nắng sáng , leo lên mấy bậc thềm xi măng , để bước dọc theo một hành lang vào lớp học , chính thức trở thành một học sinh của trường Phan Châu Trinh , tại thành phố cảng Đà Nẵng , xứ Quảng Nam , nơi nổi tiếng là địa linh nhân kiệt , quê hương của Ngũ Phụng Tề Phi . Nơi đó tôi đã sống những ngày thơ ấu đầy hạnh phúc của tuổi học trò . Giờ đây  , khi ngồi viết những dòng chữ nầy , sau nhiều năm tháng sống xa quê hương nơi xứ người , ở cái tuổi lục tuần  , gần cuối đời nhìn lại , tôi không khỏi nuối tiếc những kỷ niệm thời thơ ấu  , vui có, buồn có , nhưng phần lớn là những kỷ niệm khó quên , mà mỗi khi hồi tưởng lại , lòng tôi không khỏi dâng lên một nỗi buồn man mác , nhớ đến trường xưa , thầy cô và bạn bè cũ .

Trong tập chuyện ngắn “ Ngọn cỏ bồng “ , Nguyễn Bá Trạc , một bạn học đồng lớp của tôi thời Phan Châu Trinh , hiện nay là một nhà văn được nhiều độc giả yêu thích , trong đó có vợ chồng tôi , qua lối hành văn nhẹ nhàng , dí dỏm ,nhưng súc thích và rất dễ thương , đã nhắc lại vài kỷ niệm về trường xưa ,lớp cũ và bạn cũ . Nếu tôi nhớ không nhầm thì khi nói về lớp cũ , Nguyễn Bá Trạc đã tinh tế phân chia bọn học trò tụi tôi làm hai băng . Băng học trò ngoan gồm đám con gái và mấy thằng con trai ngồi ở các dãy bàn trước , gần bục giảng ; và băng các tên nghịch ngợm ,thuộc xóm nhà lá ngồi cuối lớp .

Thuở đó , tôi thuộc vào băng học trò ngoan . Tôi học hành cũng khá , tuy không phải là loại học chăm , nhưng bản tính không mấy nghịch ngợm và không phá phách như một số bạn khác . Hơn nữa tôi còn có một ưu điểm đáng qúy là rất qúy Thầy Cô và một lòng kính mến Thầy Cô. Nhược điểm của tôi  thời đó là hay mê gái .

Tôi nhớ mang máng mình thường ngồi ở dãy bàn thứ hai, bên tay mặt .Các bạn ngồi bên cạnh là ai thì không nhớ nổi , có lẽ là Võ Văn Hải mà bọn chúng tôi thường gọi tắt là Võ Hải để phân biệt với Tôn Hải tức là Tôn Thất Hải , cùng với em là Tôn Thất Tuấn ,dường như ngồi ở dãy bàn đầu .

Riêng Phạm Hữu Phụng , một bạn học thời Phan Châu Trinh  hiện nay tôi may mắn ở gần và thường cùng nhau ôn lại kỷ niệm cũ , thì lúc nhỏ tuy rất ngoan nhưng phải cái tội là to con , cao lớn nên được các Thầy Cô sắp cho ngồi ở các bàn cuối chung với xóm nhà lá .

Nghịch nhất thời đó , và cũng là cái đinh của lớp , là Phan Nhật Nam , về sau trở nên nhà văn phóng sự quân đội rất nổi tiếng , tác giả của  Mùa hè đỏ lửa, Dựa lưng nỗi chết.v..v...

Tôi còn nhớ năm Đệ nhị có hôm Phan Nhật Nam vào lớp vẽ lên bảng hình một ông sư to lớn , trần trùng trục ,đầu trọc lóc , xong đi quanh lớp đố bạn bè có đoán ra đó là ai không ? Chờ mãi không thấy ai đoán được , Nam mới vui vẻ bảo : “Thì ai vào đây nữa ! Ông Tăng chớ ai ! Trần Đại Tăng không phải là ông sư ở trần to lớn sao ? “. Cả bọn tụi tôi lúc đó ai cũng cười ồ đồng ý với hắn .

Một lần trước nữa ,năm còn học Đệ ngũ ,lúc cô Đính dạy Vạn Vật vẽ hình các con thú lên bảng , và dùng phấn đỏ tô màu mấy ngón chân thú , thì Phan Nhật Nam phán một câu xanh dờn  : “ Bây ơi ! Thú vật cũng biết tô móng tay như cô Đính “ .

Bọn tôi lúc đó ai cũng sợ hãi . Đại để về nghịch ngợm có lẽ không ai qua được Phan Nhật Nam , nhưng dễ thương thì hắn thực là rất dễ thương nhờ có máu khôi hài , ưa trò chuyện , và hắn cũng rất thương bạn .

Trong tất cả bạn bè thời còn bé thì Nam là bạn lâu đời nhất của tôi , cùng học chung tiểu học Huế , rồi tiểu học ở Đà Nẵng ,sau đó là trung học Phan Châu Trinh và cuối cùng là Quốc Học ở Huế cho đến lúc hắn từ giả trường học để bước vào quân ngũ , khởi đầu cho một cuộc đời đầy sóng gió .

Hai người bạn học giỏi nhất lớp tôi thời đó là Lê Tự Hỷ và Nguyễn Hữu Hùng . Vào các năm Đệ thất và Đệ lục tôi chơi rất thân với Hỷ . Tôi vẫn thường đạp xe đến nhà Hỷ , có khi chỉ để vui đùa , có khi học hành và làm toán chung .Lê Tự Hỷ tỏ ra rất có năng khiếu về toán ngay từ thuở đó .Tôi còn nhớ có lần hắn khoe với tôi một khám phá toán học mới . Bây giờ nhìn lại thì khám phá mới nầy chẳng qua cũng chỉ là mấy công thức của căn số mà thôi  .Tuy nhiên hắn cũng làm tôi nể nang hắn dữ lắm . Thêm vào đó , cha tôi lúc sinh tiền vẫn luôn luôn lấy Lê Tự Hỷ ra làm gương để dạy tôi về sự chăm chỉ học tập của một người học trò hiếu học , như ông vẫn thường nói . Ông cũng thường kể cho tôi nghe về tài năng , nghị lực và cái “ khí tượng “ , như lời ông thường nói , của người dân xứ Quảng , nhất là truyền thống khoa bảng của họ . Những lời dạy của cha tôi  cùng với những năm dài lớn lên ở Đà Nẵng đã ảnh hưởng rất nhiều đến tâm tư , tình cảm của tôi về sau , và đã làm cho tôi có một cái nhìn khá thiên lệch về xứ Quảng .

Đối với tôi , tất cả những gì liên quan đến xứ Quảng đều có vẻ trân quý hơn, thân thương hơn . Mỗi khi nghe ai nói giọng Quảng, tôi thường thấy thân thiện và quyến luyến . Riêng về Lê Tự Hỷ thì thuở đó , một phần do tính hiếu thắng , mặc dầu không nói ra nhưng tôi vẫn không thích hắn về cái “ tội “ là học quá chăm . Có thể nói hắn gạo thuộc lòng tất cả mọi môn từ “ vocabulaire “ tiếng Pháp tới Sử Địa . Cũng vì thế mà tôi , một thằng vốn học hành không mấy chăm chi , theo đúng qui luật tự nhiên ngưu tầm ngưu mã tầm mã , đã dần dần xa hắn hơn , và chơi thân với mấy thằng khác học ít chăm hơn .

Mặc dầu học rất giỏi nhưng thuở đó , năm Đệ thất , Lê Tự Hỷ cũng đã làm một chuyến rất ...” dại dột “ . Không biết hắn học ở đâu một phương pháp luyện nghị lực mới là mỗi buổi sáng khi mặt trời mới mọc ,phải nhìn thẳng vào mặt trời , bằng mắt trần , và đừng chớp mắt , càng ít chớp  mắt càng tốt , nhìn càng lâu càng hay , vì làm như thế , theo hắn nói ,sẽ làm cho ta có thêm nhiều nghị lực ( ???!!! ). Thuở đó tôi dại dột làm theo lời hắn , nhưng cũng may là tôi thấy tập kiểu này qúa khó nên đã lén bỏ cuộc . Không biết hắn tiếp tục dại dột như thế đến bao lâu nữa mới ngừng , nhưng chắc chắn hắn đã ngừng tập một lúc nào đó , vì nếu không tia tử ngoại trong ánh mặt trời đã đốt cháy võng mạc và hắn đã đui rồi . Sau năm 1975 , tôi gặp lại Lê Tự Hỷ ở Sài Gòn có nhắc lại với hắn về kỷ niệm nầy thì hắn chỉ bẽn lẽn im lặng không nói một lời nào cả .

Đối thủ của Lê Tự Hỷ , tranh giành nhau với hắn cái danh dự đứng đầu lớp  là Nguyễn Hữu Hùng , nhỏ hơn tôi một tuổi , người trắng trẻo , tính tình rất dễ thương .Thuở đó ,theo tôi nghĩ , Hùng là người duy nhất có tổ chức mừng sinh nhật . Dường như Hùng sinh cuối năm , gần ngày Noel . Năm nào tôi cũng được chú thím , ba mẹ Hùng  , mời đến chung vui với Hùng ngày sinh nhật của hắn .

Từ năm Đệ ngũ trở lên tôi chơi thân với bốn người . Đó là Võ Văn Hải , Nguyễn Văn Minh , Hồ Công Lộ và Nguyễn Thu Giao . Võ Hải , ngoài cái tính chiều chuộng bạn bè rất giỏi , còn có mấy cái tài mà tôi phục sát đất . Võ Hải vẽ đẹp , và có biệt tài cắt chữ trên giấy màu , vừa nhanh vừa đẹp . Môĩ lần cần làm bích chương  hoặc viết khẩu hiệu dán lên băng vải thì bao giờ  cũng cần tới bàn tay khéo léo của hắn.

Tuy nhiên , cái tài thực dụng nhất , vào thời điểm đó , mà tôi từng ước ao được như hắn và cái tuổi con trai mới lớn và mê gái như tôi , là đàn hay hát giỏi . Thuở đó những bản nhạc mới “ lăng xê “ thường được hát qua đài phát thanh và phải mất nhiều thời gian sau , bản nhạc chính mới được bày bán ở Đà Nẵng . Võ Hải chỉ cần nghe đi nghe lại bản nhạc vài lần qua đài phát thanh và hí hoáy dùng ký âm pháp  để ghi lại bản nhạc trên tờ giấy mà hắn đã kẻ sẵn và không bao lâu sau đó , trước cặp mắt ngưỡng mộ thán phục của tôi , cầm đàn gảy lên và cất giọng ca trầm ấm hát lên bản nhạc làm đắm say lòng tôi .

Thưở đó tôi rất mê nhạc và mê nghe hát . Những buổi ca hát do ty Thông Tin thành phố tổ chức không mấy khi thiếu mặt tôi mặc dầu cha tôi đã ngăn cấm tôi nhiều lắm , vì sợ tôi không lo học hành . Tôi vẫn thường canh chừng lúc Ông đi vắng để phóng vội xe đạp lên xóm Chùa Hải Châu , vui đùa ca hát với Võ Hải và các bạn khác ở đó .

Tôi còn nhớ năm Đệ ngũ , Hồ Công Lộ còn ở gần Cầu Vồng với ông bác . Mãi về sau mới dời nhà đến gần nhà anh em Tuấn Hải . Lộ có thời phụ trách làm báo cho lớp tôi  và hắn lúc nào cũng tin tưởng giao cho tôi viết mục bình luận ; ở đó tôi cũng từng lên tiếng dạy đời qua ngôn ngữ của một ông cụ non . Lộ thường hay rủ tôi đạp xe về Khuê Trung , gần phi trường Đà Nẵng thăm mẹ và các em hắn . Mỗi lần như thế, bác gái mẹ Lộ thường cho ăn mít vườn nhà , mà hương vị thơm ngọt của nó , cho đến nay gần nửa thế kỷ sau , tôi vẫn còn ghi nhớ .

Nguyễn Văn Minh là một người bạn rất tốt dễ thương và hoà nhã mà tôi luôn luôn qúy  mến . Hắn rất thông minh và giỏi tóan nhưng lại sợ...sinh ngữ . Thuở đó hắn gặp khó khăn về vấn đề phân biệt  “ B trên “ , tức là B , và “ P dưới “ , tức là P.

Nguyễn Thu Giao , tôi rất thân vào các năm Đệ tam , Đệ nhị , và cả Đệ nhất ở trường Quốc Học Huế . Nhà Giao ở đường Nguyễn Hoàng , gần trường Phan Châu Trinh và Thánh Thất Cao Đài . Tôi vẫn thường đến nhà Giao đấu láo về chuyện các người đẹp của trường Phan . Người đẹp mà hai đứa tôi bàn đến nhiều nhất thời đó là Quỳnh Chi . Câu chuyện thường hết sức lẩm cẩm đại để như sau . Chàng hỏi nàng  : “ Em tên chi ? “ , nàng nhái lại : “ Em tên Chi “. Ấy thế mà hai đứa chúng tôi cười đùa với nhau hết sức tương đắc . Nguyễn Thu Giao là người bạn học cũ mà tôi không ngớt ao ước được có một lần , dù chỉ một lần thôi , gặp lại để nhìn lại cho thỏa thích gương mặt thân thương , và nghe được giọng nói hòa nhã và dễ dãi , pha chút Huế và chút Quảng của hắn . Lần cuối cùng tôi gặp Nguyễn Thu Giao và Bùi Ngọc Tô , một người bạn khả ái khác , là vào năm 1965 ở Sài Gòn . Gần đây nhờ công lao lớn của Phạm Hữu Phụng trong một lần Mỹ du , tôi đã bắt liên lạc lại với Giao , nhưng ước mơ gặp lại hắn thì cho tới giây phút nầy vẫn còn là mơ ước .

Những kỷ niệm thời thơ ấu dưới mái trường Phan Châu Trinh quả thực đầy ắp trong tim và trong trí nhớ của tôi , mà cho dù năm tháng đã bào mòn nhiều chi tiết, cũng  còn đủ cho tôi để viết nhiều , thực nhiều . Bạn cũ ai còn ai mất , cô thầy xưa bây giờ chắc tuổi già bóng xế , không biết rồi đây mình có gặp lại ai chăng , hay chỉ nhận được tin buồn mất mát , để rồi đôi mắt ngấn lệ , tưởng nhớ người xưa , với nỗi xót xa là đã không may được gặp lại nhau , dù chỉ một lần thôi , kể từ ngày hăm hở rời mái trường Phan yêu dấu để ra đi xây giấc mộng đời . Những con chim bé bỏng ngày đó bây giờ đã đủ lông đủ cánh để bay đến những chân trời xa lạ , nhưng có đôi lúc dừng chân mỏi cánh , không khỏi chạnh lòng nhớ về tổ ấm  năm xưa  .

Tôi còn nhớ thuở đó các Cô phần đông thì hiền , còn các Thầy lại nghiêm . Bọn tôi thời đó , ít nhất là tôi , thường thương Cô hơn Thầy . Ấy thế mà không hiểu tại sao bây giờ dù cố gắng nhớ lại tôi cũng không sao nhớ nổi hình ảnh các Cô của mình , như cô Đính , cô Trà , cô Ngọ , cô Liệu hay cô An Hà Châu . Nếu đọc qua đoạn nầy , xin các Cô tha lỗi cho em về cái trí nhớ còm cõi nầy . Thời gian xa cách quá lâu cộng thêm những biến cố lớn lao đã xảy ra cho quê hương và gia đình đã làm cho mỗi người Việt Nam chúng ta bị mất mát qúa nhiều và trí nhớ hình như cũng cạn kiệt đi .

Chỉ có một cô giáo duy nhất mà tôi vẫn còn nhớ mường tượng dung nhan là cô Bội Hoàn . Thuở đó , trong con mắt bọn con trai mới lớn tụi tôi , thì cô có vẻ đẹp rất quý phái , có thể nói cô là cô giáo đẹp nhất trường . Chồng cô là một bác sĩ trong quân đội . Ông vẫn thường cởi vespa đến đón Cô ở sân trường trước những đôi mắt thán phục của đám học trò mới lớn như bọn tôi , vì ông đã tài giỏi cuỗm được cô giáo xinh đẹp của bọn chúng .

Nhắc đến trường Phan Châu Trinh thì phải nói ngay là không ai có thể quên được thầy Nguyễn Đăng Ngọc . Cuộc đời Thầy đã gắn bó rất nhiều với trường Phan . Thời tôi còn học, Thầy là hiệu trưởng và vì chức vụ Thầy rất nghiêm . Phải nói là thuở đó tôi sợ Thầy hơn “ sợ cop “ . Mỗi lần thấy bóng Thầy là tôi tức khắc lẻn đi chỗ khác vì sợ vô phước Thầy phạt cho vài ngày cấm túc thì khốn . Mỗi lần có việc đi qua văn phòng của Thầy , tôi luôn luôn giữ im lặng và trang nghiêm y như là Thầy đang ở đâu đấy sẵn sàng phạt tôi . Tôi còn nhớ thuở đó Thầy dạy cả Việt Văn  và Pháp văn . Có lẽ vì quá sợ Thầy nên các môn Thầy dạy tôi đều cố gắng chăm chỉ hơn các môn khác nên đứng cao trong lớp và vì vậy tôi nghĩ chắc Thầy cũng thương tôi . Và cũng nhờ quá sợ và tránh né Thầy nên suốt thời gian ở trường Phan Châu Trinh tôi chưa bao giờ bị Thầy Ngọc  phạt . Về sau khi lớn khôn, trong số tất cả thầy cô thời đó , tôi chỉ được may mắn gặp lại một mình thầy Ngọc sau 1975  ở Sài Gòn và ở Úc . Lúc đó tôi mới nhận ra là tuy bề ngoài rất nghiêm  , nhưng bên trong Thầy lại là một người rất tình cảm và rất thương yêu học trò.

ndngoc

Như các bạn biết , trong thời thơ ấu mài đũng quần trên ghế nhà trường , mấy ai trong chúng ta dám tự hào là không bao giờ bị Thầy Cô phạt . Tôi cũng thế . Kể về những lần bị phạt vì lười học thì chắc cũng nhiều , không tài nào nhớ hết . Riêng tôi có hai lần bị phạt khá nặng đã để lại trong tôi những ấn tượng khó phai . Trớ trêu hơn nữa là , tôi , một người đa mê toán học từ thuở nhỏ và khi lớn lên lại theo đuổi toán học cả đời , mà cả hai lần bị phạt nặng đều do thầy ...toán phạt !

Người đầu tiên đã phạt tôi một trận ra hồn là thầy Bùi Tấn . Tôi còn nhớ rõ lúc đó tôi học  lớp Đệ lục . Lớp học của bọn tôi vẫn còn ở dãy nhà trệt vì dãy nhà lầu chưa được xây cất . Tôi ngồi ở dãy bàn thứ nhì bên phía tay phải , phía nhìn lên bục giảng . Thuở đó bọn tôi còn dùng bút máy , phải bơm mực vào cái ống bên trong thân cây viết , khi nào hết mực lại bơm thêm xài tiếp lần khác .

GSBuiTanB

Bữa đó thầy Tấn đang giảng bài toán hình học và cả lớp ngồi im phăng phắc nghe giảng và ghi chép bài Thầy dạy . Tôi cũng ghi chép như các bạn khác . Không biết Trời xui Đất khiến hay sao mà đang lúc tôi hí hoáy ghi vào tập  , thì tự nhiên cả ống mực trong cây viết đổ trào lên trang giấy . Vì sợ mực lem ra toàn thể quyển vở và phải chép lại cả tập vở , vì thời đó Thầy Cô rất thường xét tập vở coi có sạch sẽ hay không , nên tôi vội vàng xé toạc trang giấy lấm mực và vò lại một cục .

Trong phòng học im phăng phắc , cả tiếng muỗi bay cũng nghe , tiếng xé giấy của tôi làm cả lớp giật mình . Thầy Tấn đang giảng bài thao thao bất tuyệt cũng ngưng giảng , mặt Thầy ửng đỏ vì giận . Thầy quát lên  : “Ai làm ồn  ? .Đứng dậy ! “. Tôi mặt mày tái mét ,tay chân run lẩy bẩy , đứng dậy nói lí nhí : “Thưa Thầy , em bị đổ mực lên vở “. Thầy nghiêm khắc nói  : “ Trò là một người vô ý thức !  Trò có biết là trò đã phá quấy không cho cả lớp học hành hay không ? “. Tôi lí nhí dạ vâng nhưng cả người run lẩy bẩy vì sợ Thầy . Một lúc sau Thầy bớt giận và cho phép tôi ngồi xuống và tiếp tục giảng bài , nhưng có vẻ như Thầy vẫn còn giận vì giọng Thầy vẫn run run .

Lúc đó trong khi các bạn tôi tiếp tục chép bài thì tôi lại lo chuyện bị Thầy phạt vì không chép , dầu viết tôi lúc đó không còn mực , cho dù muốn viết cũng không viết được . Suốt cả buổi học hôm đó tôi rất lo buồn và cầm chắc trong tay thế nào cũng bị Thầy phạt ít nhất là vài ngày cấm túc . Nhưng rất may là sau khi bớt giận , Thầy thấy tôi  đã biết hối lỗi nên đã lờ đi và không phạt tôi .

Thầy Bùi Tấn là một người Thầy nghiêm khắc nhưng rất tận tụy với nghề nghiệp . Kể từ lúc rời trường Phan Châu Trinh cho đến nay tôi chưa bao giờ được gặp lại Thầy , và vĩnh viễn không bao giờ còn có cơ hội gặp lại Thầy nữa , vì gần đây tôi bàng hoàng nhận được tin Thầy đã mất . Tôi xin được thắp nén hương lòng gởi về vị Thầy cũ khả kính nỗi nhớ thương và lòng biết ơn Thầy đã dày công dạy dỗ thế hệ chúng tôi .

Lần thứ nhì tôi bị phạt thì đúng là rất oan .Tôi còn nhớ dạo đó tôi học lớp Đệ nhị . Trời phú cho tôi cái giọng vịt đực , hát rất dở nhưng lại rất mê hát . Thuở đó có bản nhạc  Que sera !  sera  ! “ do ca sĩ Doris Day hát rất thịnh hành và bọn học trò chúng tôi rất mê . Tôi hát đi hát lại bản nhạc đó không biết chán . Có khi trước mặt bọn con gái vì biết mình hát dở sợ quê, nhưng tôi lại đổi qua thành huýt sáo  Que sera  ! sera  ! What will be wil be ...Tôi hát mãi đến độ Phan Bái , một bạn học cùng lớp tính tình rất dễ thương hoà ái , cũng đâm tức cười và bỡn cợt đặt cho tôi cái biệt hiệu “ Thằng Doris Day phẩy “ . Xin các bạn biết cho là lúc đó tụi tôi học ban Toán , thường hay học về các tam giác đồng dạng ABC và A’B’C’ , do đó ý của Phan Bái muốn chọc tôi là nhái Doris Day.

Tôi còn nhớ hôm đó , đến giờ ra chơi , như thường lệ tôi bước ra khỏi lớp vừa đi vừa huýt sáo vui vẻ bài tủ ... Que sera ! sera !...Sân trường lúc đó đã vang lên tiếng nô đùa la hét của các em học lớp dưới . Tôi đang huýt sáo vui vẻ đi ngoài hành lang tầng dưới của dãy lầu , thì bất thình lình nghe tiếng thầy Trần Đại Tăng gọi giật : “Nghệ !  Vô đây !  “ . Tôi còn nhớ khi bước vào lớp Thầy , thì Thầy đã hết dạy và lố nhố chung quanh Thầy là mấy cô nữ sinh . Thầy bảo : “ Ngươi làm ồn quá !.  Hai giờ cấm túc ! “. Tôi tái mặt , lí nhí cãi  : “Thưa Thầy giờ ra chơi mà .Em huýt sáo có gì sai ? “ Thầy vẫn không đổi ý và bảo giọng nghiêm hơn : “ Hai giờ cấm túc  ! “ .

Mặc dù tôi rất xấu hổ vì bị Thầy phạt trước mặt đám con gái , nhưng tôi vốn rất sợ Thầy nên ríu rít nhận phạt mặc dù trong lòng tôi lúc đó rất bất mãn vì nghĩ Thầy phạt vô lý . Sau đó tôi than thở với bạn bè thì trong số các bạn có một người tôi không nhớ là ai , đã bảo : “ Mày xui thiệt ! Giờ ra chơi thiếu gì chỗ khác sao lại đi huýt sáo lúc Thầy đang nói chuyện với các nàng “ .  Tôi vẫn ấm ức một thời gian vì bị oan , nhưng sau đó dần dần quên lãng đi . Không lâu về sau tôi và các bạn ra Huế học và kể từ đó không được gặp lại Thầy , mặc dù lòng thương mến Thầy của tôi không hề suy giảm .

Cách đây gần nửa năm , do một sự tình cờ hoàn toàn ngẫu nhiên , tôi khám phá ra Website xứ Quảng và được đọc nhiều bài về trường cũ qua mạng lưới này . Khi đọc tới bài thơ “ Bỏ trường mà đi “ của thi sĩ Trần Hoan Trinh , tức là thầy Trần Đại Tăng , với mấy câu thơ sau  :

“ Ta đến khi tóc còn xanh

Ta về khi tóc bạc

Này, mai trên trường xưa

Có một người thiếu mặt “

tôi  bồi hồi cảm xúc , nhớ đến Thầy , nhớ công ơn Thầy dạy dỗ mà mắt tôi đỏ hoe . Tôi ngồi im gần nửa giờ , ôn lại những kỷ niệm năm xưa , thương Thầy bây giờ tóc bạc phơ , xong lặng lẽ lấy giấy bút viết lên vài dòng thơ nhỏ , định bụng có  ngày sẽ gởi đến Thầy .

THAYTANGVATHAYBUITAN1960

Vợ tôi thấy tôi có vẻ khác lạ , tưởng tôi bị bịnh nên hỏi thăm xem có bị gì không ? Tôi kể cho bà xã nghe lý do , và chỉ cho nàng xem bài thơ của Thầy trên trang Web . Sau đó tôi đưa bài thơ mới sáng tác cho nàng coi . Thỉnh thoảng nhiều khi cao hớng tôi cũng có làm thơ và thường hay khoe với vợ . Vợ tôi cũng rất sính làm thơ . Mỗi lần như vậy nàng thường khen nức nở theo kiểu mèo khen mèo dài đuôi  . Nhưng lần nầy nàng chỉ nhỏ nhẹ nói : “Bộ anh chỉ lập lại mấy câu của Thầy sao ? “ Qua lời nói của bà xã , tôi cảm nhận  là bài thơ mình mới làm nhan đề “ Nhớ Thầy cũ “ , chắc là một bài thơ ...dỡ . Tuy nhiên vì tôn trọng gía trị “ lịch sử “ của nó , dẫu sao cũng diễn tả tâm trạng của tôi khi được tin và đọc thơ Thầy , nên tôi quyết định giữ nguyên không thay đổi một chữ nào , và xin phép được chép ra đây để thay cho phần kết của bài này và để kính tặng Thầy với trọn nỗi niềm nhớ nhung  và lòng hiếu kính của một đứa học trò cũ :

Thầy đến trường Phan lúc tóc hãy còn xanh

Thầy bỏ trường mà đi khi mái đầu bạc trắng

Bóng dáng Thầy thân thương trên khắp bục giảng

Học trò Thầy luôn ghi khắc trong tim

                    Bốn mươi năm miệt mài nơi trường cũ

                    Tháng ngày qua , Thầy một dạ sắt son

                    Lời Thầy giảng năm xưa chợt bừng sống dậy

                    Kỷ niệm ngày xanh chất ngất hiện về

Nơi đây tận cuối chân trời đất Úc

Cách trường xưa gần nửa quả địa cầu

Đứa học trò bé bỏng năm nao

Tim thổn thức khi được tin Thầy cũ

                    Mơ có ngày về thăm ngôi trường nhỏ

                    Gặp lại Thầy xưa nước mắt rưng rưng

                    Đôi mái đầu xanh thuở nào nay đã bạc

                    Ôm choàng lấy nhau kể lể chuyến tâm tình . 
 

Trương Công Nghệ

Sydney, Australia 2002