Gởi Đỗ Phan Xuân, để nhớ Phan Châu Trinh, Đà Nẵng
Màu ngói thẩm , buồn hơn chút nữa
và màu tường cũng hoen ố nhiều hơn
dấu thời gian như nét mặt dỗi hờn
tôi thảng thốt tưởng như mình có lỗi
những cánh cửa vẫn âm thầm chờ đợi
những hành lang vẫn dài những bàn tay
giọng trống buồn vẫn giục giã chân mây
cơn nắng xế vẫn trải dài lối sõi
cùng chút gió đa tình về len lõi
vầng trán cao run rẫy tóc thơ ngây
bức tượng đen thao thức đã bao ngày
mãi tha thiết nhưng không người tâm sự
từng viên gạch cũng hình như tư lự
ôm nhớ thương nằm u uất không nguôi
bàn ghế thơm muì bút giấy ngậm ngùi
mẫu phấn vụn ngủ quên đời bạc mệnh
Hỡi những máu đã đi và sẽ đến
trong trái tim hồng một thuở ngây thơ
có hay không tôi ghé lại bây giờ
và trường hỡi, nhận ra tôi không nhỉ
tóc chưa bạc nhưng lòng đầy hoen rỉ
hồn dật dờ khấp khểnh bước bâng khuâng
xin cho tôi đôi ba phút dừng chân
ngồi ghé lại cuối phòng xưa hoài niệm ...
Môn Vật Lý không bao giờ đủ điểm
môn Công Dân thỉnh thỏang mới thuộc bài
những phương trình đã lơ đễnh giải sai
mà đáp số là đôi mắt thầy Bùi Tấn
giờ Việt ngữ cũng hình như lận đận
bởi sớm học đòi làm mới văn chương
nhiều khi thầy Nguyễn Đăng Ngọc phải buồn
hờn giận kẻ hậu sinh ...mù Quốc ngữ
Anh, Pháp đủ trung bình còn tha thứ
bởi nhờ mê “ Le Cid “ với Corneille
nắng ngây ngây giọng thầy Trần Tấn rè rè
xa hun hút nhưng vô cùng thấm thía
vách tường xanh bích báo hồng bốn phía
thơ học trò đã lãng mạng ba hoa
hỡi những Quỳnh Chi, Thạch Trúc, Thu Hà
những Quý Phẩm , Hồ thị Hồng, Thanh Thảo
những khuôn mặt một thời làm giông bão
thổi thêm dài thương nhớ lũ trai tơ
áo trắng thơm trong những buổi chào cờ
mắt xanh thắp cho ai vần điệu mới
tuổi mười sáu như trái vừa chín tới ...
trôi về đâu năm tháng hỡi về đâu
mới hôm nào còn đầy đủ mặt nhau
điểm danh thử những ai còn hiện diện
lòng tôi trải làm từng trang tự điển
mời trường xem vóc dáng những con hư
những đứa con vẫn mãi mãi ...hình như...
xa cách lắm nhưng vô cùng gần gũi
Hà Nguyên Thạch giờ đây đang thui thủi
bỏ làm thầy đi tìm củi chẻ thuê
đêm băn khoăn không biết một lối về
công viên rộng gối thơ nằm thao thức
giàu chữ nghĩa nhưng mơ hồ “đạo đức”
thứ “ đạo đời “ của chủ nghĩa vô lương
ngày theo đêm đời trôi nỗi trong buồn
con với vợ còn xa hơn dĩ vãng
ngục dẫu tối không ngăn hồn lãng mạng
ngồi “ Dựa Lưng Nỗi Chết “ nhớ bâng khuâng
mắt chiều xưa chuốc rượu gã phong trần
cho mõi mệt rớt “ Dọc Đường Số Một “
đời êm ái bởi vì chim vẫn hót ?
cớ vì sao tù tội Phan Nhật Nam ?
“ bỏ trường mà đi “ làm việc phải làm
lý tưởng đẹp như “ Mùa Hẻ Đỏ Lữa “
vợ con yếu mắt đêm sầu mở cửa
nghe gì không rừng núi hát trên cao
nhớ lắm ư mùi thuốc đạn ngày nào
trong đau đớn vẫn cao đầu ngó thẳng
Vẫn còn đấy vài ba ly cay đắng
xin mời anh gắng cạn Đynh Hoàng Sa
mấy mươi năm lặn lội chốn quê nhà
con đường cũ vẫn giăng buồn trước mặt
bột mấy bao trong những ngày nắng tắt
còng lưng mang qua “ Vùng Trú Ẩn Hoang Đường “
nói những gì với dân tộc quê hương
mà thơ viết phải âm thầm cất giấu
Còn hay mất những người con yêu dấu
những Nguyễn Nho Sa Mạc đã ra đi
những Phan Duy Nhân “ lầm lạc chưa về “
và nhiều nữa, tôi làm sao nhớ hết
Kể lể mãi đã lạc đề, thấm mệt
cho tôi xin mãi mãi được quên
chuyến thăm này là lần chót cũng nên ...
tôi sẽ trốn đi thật xa , xa lắm
Màu ngói hỡi xin vì ta đỏ thắm
màu cửa xanh xin hãy mở luôn luôn
tôi đi đây sầu mọc cỏ ven đường
hình như có một hạt gì trong mắt
ngày chưa hết nắng vàng đã tắt
Phan Châu Trinh ơi hỡi Phan Châu Trinh !
Đà Nẵng buồn Đà Nẵng cũng làm thinh !
Tôi cũng đã xa tôi rồi có phải ?
Luân Hoán