Buồn Vui Như Mây Nổi  

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

    

Mẹ tôi là bạn bác Tôn Thất Hường, hai cụ quen nhau từ hồi ở Huế, lúc còn tuổi xuân xanh. Khi Sư Cô Thích Trí Hải bị bắt, Phật tử hải ngoại tiếp tế, Phật tử trong nước thì thăm nuôi. Ðược mẹ báo tin, cả gia đình chúng tôi hưởng ứng lời kêu gọi của Mẹ tôi và bác Hường. Riêng tôi, cũng vui mừng được đóng góp một chút với việc làm có ý nghĩa, vì Sư Cô là vị Giáo sư anh văn ngoài đời của tôi lúc còn học ở trung học Phan Chu Trinh Ðà Nẵng.

Hồi đó tôi mới 14 tuổi, đang học lớp đệ tứ. Thầy trò chúng tôi có nhiều kỷ niệm chung thời niên thiếu và là kỷ niệm đẹp… Chẳng là hồi đó giáo sư Tôn Nữ Phùng Khánh vừa tốt nghiệp đại học sư phạm xong, đến nhận nhiệm sở, dạy Anh văn. Cô ở trọ nhà bà con trên đường Phan Chu Trinh bên cạnh một ngôi chùa lớn nhất tỉnh, chùa tỉnh hội. Bên kia đường, xế xế một chút là chùa tiểu thừa với những vị tăng áo vàng rực rỡ, ngày ngày đi khất thực trên đường phố.

Nhà cô ở trọ cũng là nhà của bạn tôi, hai chị em Mộng Hiền và Ái Liên. Chúng tôi là một nhóm bạn gái gồm 6, 7 đứa chơi với nhau khá thân. Ngoài tôi và Ái Liên - Mộng Hiền, còn có Liên Hương, Ngọc Tuý, Liệu và Kim Dung.

Những ngày nghỉ học, hay cuối tuần, chúng tôi rũ nhau đạp xe lên nhà bạn, học bài, làm bài chung và đùa giỡn duới những tàng cây nhiều bóng mát. Ở đó, nếu không phải là những ngày Cô về Huế, chúng tôi thường nhìn thấy Cô ngồi ở hàng hiên cao, trên chiếc võng đu đưa, tay cầm cuốn sách, thỉnh thoảng nghe chúng tôi la hét om sòm. Cô nhìn lên cười, rồi cúi xuống tiếp tục đọc sách. Sau lưng Cô, chiếc sân rộng của ngôi chùa chan hòa ánh sáng. Ðó là hình ảnh đẹp đã in đậm nét vào tâm hồn ngây thơ của chúng tôi.

Ở lớp Cô rất nghiêm, nhưng ở nhà, Cô lại hiền và ít nói. Nhà tôi ở không xa nhà bạn, mỗi buổi sáng đi học, rẻ qua hai ngã tư là tôi đổ vào đường Phan Chu Trinh để đến trường. Vào những ngày nắng đẹp, xe đạp học sinh chạy đầy đường, những tà áo trắng tung bay như buơm buớm trong gió sớm. Nam sinh, quần xanh, chemise trắng, bỏ vào quần, đạp xe từng đoàn vẽ nên một bức tranh đầy màu sắc tươi vui. Vào cuối thu, những hôm trời se lạnh, chúng tôi khoác lên tấm áo trắng học trò, chiếc áo len tay dài màu đỏ. Màu đỏ đi với áo trắng rất nổi, cô học sinh nào cũng thích. Hôm đó, tôi vừa quẹo vào đường Phan Chu Trinh, thì chiếc cyclo chở cô Phùng Khánh cũng vừa đi tới, tôi dở nón chào Cô, rồi đạp xe lùi lại đi sau xe Cô để cùng đến trường, lòng vui sướng. Cái đuôi nầy không phải chỉ có một mình tôi, mà là cả đoàn học trò, các học trò của Cô thuộc nhiều lớp khác nhau, nối đuôi nhau thành một đám rước lớn. Cô vẫn ngồi nghiêm trang trên xe. Bác cyclo đạp thong thả, tôi cũng đạp xe thong thả đi theo một bên bác cyclo. Nhìn từ sau, mái tóc Cô rất dài, được bện thành bính (thắt bính con rết) và cuộn tròn lại gọn gàng như một đóa hoa màu đen, úp trên cổ áo của Cô giáo. Tôi nhìn ngắm lòng thơ thới an vui vì thấy Cô đẹp quá. Ý nghĩ này tôi may mắn đã nhắc lại được với Sư Cô Trí Hải vào năm 2002, sau mấy mươi năm không gặp lại.

Không phải ngày nào tôi cũng được gặp Cô như thế, vì có ngày Cô không có giờ dạy, còn tôi thì mỗi buổi sáng, dù nắng đẹp hay mưa rơi, tôi cũng phải đến trường. Hôm nào được gặp Cô trên đường đi học, lòng bỗng thấy vui vui.

Nhóm bạn tụi tui rất nhộn. Vào những ngày nghỉ học, chúng tôi thường tổ chức du ngoạn, đi chơi xa. Có lần các Thầy Cô giáo trẻ trong trường cũng theo chúng tôi đạp xe đi chơi, picnic, ăn trưa với nhau, thường là đi thăm cổ viện Chàm, các ngôi chùa cổ vùng phụ cận hoặc ra biển Sơn Chà, thăm núi Non Nước, Ngũ Hành Sơn … Có lần Giáo sư Việt văn của chúng tôi là cô Lê Khắc Ngọc Quỳnh cũng rũ cô Phùng Khánh cùng đi thăm cổ viện Chàm với chúng tôi và chụp hình kỷ niệm. Nhìn lại hình, Cô giáo thì trên 20, học trò thì 13, 14, thân vóc xem chừng gần bằng nhau, mà ai cũng nhận thấy rõ người ngồi giữa là Cô giáo của chúng tôi với nét mặt trang nghiêm, chững chạc, còn tụi tôi, vây quanh, lau nhau như một đám khỉ, quậy phá lung tung, mặt mày nhớn nhác, miệng cười toét toe. Những lần du ngoạn như vậy, hai Cô giáo của tôi rất vui và hài lòng.

Hai năm sau, Cô nghỉ dạy đi du học ở nước ngoài. Trước khi rời trường Cô hướng dẫn chúng tôi vào Sài Gòn du ngoạn và tham dự trại hè toàn quốc do bà Ngô Ðình Nhu tổ chức cho Thanh nữ Cộng hòa. Lúc đó, Cô giáo (Cô Nhơn và Cô Phùng Khánh) cùng bọn học trò chúng tôi đều trở thành Thanh nữ Cộng hòa hết!

Thời gian trôi đi, sau nhiều năm ở hải ngoại, nhờ một thuận duyên, và do tính ham đọc sách, tôi gặp được những bản dịch của Sư Cô Trí Hải. Cầm quyển sách trên tay, lòng bồi hồi xúc động như được gặp lại thầy xưa, với những kỷ niệm trong sáng, rực rỡ của tuổi học trò. Nhờ bạn bè, nhờ thuận duyên, tôi tìm được dấu vết các Thầy cũ, Cô Lê Khắc Ngọc Quỳnh, ở Toronto , Canada , Cô Trí Hải đã  thành một Ni trưởng với những tác phẩm dịch thuật nổi tiếng. Quý vị Giáo sư của trường xưa hãy còn nhiều lắm, cư ngụ rải rác khắp nơi trên thế giới, khung trời tuổi thơ lại mở ra đầy ánh sáng êm đềm. Qua những tác phẩm dịch thuật của Sư Cô, tôi đã hấp thụ rất nhiều về Phật pháp. Cùng thời gian này, tôi cũng may mắn được thụ giáo với nhiều vị Thầy ở hải ngoại, học thiền, học giáo lý.

Ðặc biệt tôi rất quý kính Thầy Thích Như Ðiển, vị Thầy giáo đạo đã hướng dẫn Phật pháp yếu nghĩa căn bản cho tôi và đã sách tấn tôi trên đường tu hành, cũng như khuyến khích tôi viết về Phật pháp để ‘chia xẻ với bà con”. Nhưng sau bao năm nhìn lại, đọc lại những gì mình đã đem ra chia xẻ cho người thân cùng học Phật, thì hóa ra những ý tưởng, những câu văn, những giai thoại “Vui chay ý đạo” làm chọc cười bà con của tôi đều tìm thấy bàng bạc trong những tác phẩm của Ni Sư Trí Hải và các bài giảng của chùa Quan Âm mà chị Thanh Trà có nhã ý tặng tôi trong những tháng ngày cùng nhau học Phật. Sau đó, chị Thanh Trà về Việt Nam xin xuất gia với Sư Cô, nhưng rồi vì tai nạn nghiệp lực sao đó, chị phải trở về Canada gấp, rồi xuất gia với Thầy Thích Trường Phước ở chùa Quan Âm. Nay lên chùa gặp chị,  tôi gọi chị là “Sư chị”, còn chị gọi tôi là “Tỉ tỉ”. Cùng đi mà không cùng đến là vậy đó. Giờ đây kẻ đạo người đời!! Hôm làm lễ 49 ngày cho Sư Cô, nhìn “Sư chị” của tôi lặng lẽ đứng lên châm nước dâng cúng giác linh Sư Cô, tôi xúc động không cầm được nước mắt; thương tiếc Sư Cô!

Tôi cũng có một thuận duyên rất lớn là được quen biết chị Chơn Như. Nhờ đó, tôi có đầy đủ sách báo của Sư Cô do Ưu Ðàm xuất bản tại Bắc Mỹ và cả báo Tuệ Uyển nữa. Tôi cứ ỷ lại với gia tài đồ sộ này, đọc hoài không hết, học hoài không xong. Sư Cô còn đó, Ưu Ðàm còn đó. Có gì thắc mắc cứ hỏi thẳng Sư Cô và anh chị. Nhờ anh chị, tôi nhận được rất nhiều băng giảng của Sư Cô mà tôi thích nhất là băng “Nhập Bồ Tát hạnh”.

Tôi xin cám ơn anh chị, nhất là chị, đã nhiều lần chia xẻ với tôi về chuyện đạo, chuyện đời chuyện buồn vui nhân thế, chuyện chùa, chuyện sư, nhờ đó tôi vững lòng bước mãi trên đường tìm về đời sống tâm linh.

Cho nên, sau một lần suýt chết, tôi thưa với chị xin Sư cho em quy y với Sư Cô, nhưng mà ở xa xôi quá không biết Sư có chấp thuận chăng?? Có khi nào có chuyện “quy y hàm thụ” giống như “học hàm thụ”, “thi hàm thụ” v.v… và v,v… Xin chị hỏi thử dùm, chứ em không dám xin thẳng. Tôi lại tìm cách tâm sự, năn nỉ ỉ ôi với chị như sau:

Năm nay em đã 60 tuổi rồi, gần chết rồi, đau yếu liên miên, quý Thầy dạy rõ ràng ai cũng phải chết, chỉ có chết trước hay chết sau, chết bây giờ hay ít lâu nữa, cho nên em cũng chấp nhận cái chết đến với mình, em bớt sợ chết rồi vì đã đọc kỹ “Tạng Thư Sống Chết’, nhưng em sợ là sợ khi chết rồi, lên đến cửa ngoài của cõi A Di Ðà, ở đó gặp thánh chúng hỏi rằng: đạo hữu quy y với ai? Học trò của vị Sư nào, pháp danh là gì, thì em biết trả lời sao đây??

Chị cười cho cái tâm trẻ con lếu láo của tôi. Chị điện về kể Sư Cô nghe, chắc Sư cũng chán ngán và buồn cười cho thứ “đệ tử hàm thụ” như tôi, nên Sư có nhắn qua “ưng chi thì viết thư về đi chớ!” Tôi vội vàng vận hết lòng thành và sự kính ái kèm theo đầy đủ bồ đề tâm để viết một cái thư nhờ anh chị chuyển về gấp. Thư viết tháng 11, thì đầu tháng 12 nhận được tin Sư Cô đã ra đi.

Sư Cô đã ra đi!! Lạy Phật, xin đừng hỏi rằng tôi cảm thấy gì vào lúc đó!!

Ðã qua bảy thất từ lâu, mà tôi vẫn cứ loay hoay với câu hỏi vang vang mãi trong lòng.

Sư đã đi xa, chuyện đó thật không? Ðó là một biến cố! Biến cố xãy ra và sau đó là những chấn động lan ra, lan bằng thư, bằng điện thoại, bằng e-mail, internet, báo chí… khắp bốn phương trời, và kỳ lạ thay, nhìn lên kệ sách của tất cả những nhà sách Việt Nam trên thế giới này và ở cả Việt Nam đều trống rổng. Tất cả những sách đề tên dịch giả Thích Nữ Trí Hải đã biến mất, biến mất hết, không còn một bản nào ngoài phố! Tại sao vậy? Thì có gì đâu, ngườI ta dành nhau rước sách về nhà cất làm gia tài châu ngọc cho đời sống tâm linh!! Những người chưa đọc thì xôn xao tìm đọc, những người đã đọc rồi thì tìm sưu tập cho đủ sách của Sư.

Nhìn rõ hiện tượng bất ngờ đó, lòng tôi thấy vui. Vâng, người đã đi, nhưng người đã để lại cho đời những đóa hoa thơm ngát, những vật quý vô giá, từ Câu chuyện của dòng sông đến Osho, từ Bắt trẻ đồng xanh đến Lấp lánh sao trời, từ Ðường vào nội tâm đến Ảo hóa rồi Tâm bất sinh, thế giới của Bankei… và còn nhiều nữa. Vườn Tuệ (Tuệ Uyển) vẫn còn đó, Ưu Ðàm vẫn còn đây, vậy thì câu hỏi người đã ra đi có còn nên đặt ra để hỏi nhau xao xác??

Người ra đi vì đến lúc phải ra đi, nhưng người vẫn còn đó, vì hương thơm đã ngược gió tỏa ngàn phương! Cho nên, khi ngồi viết những dòng này, tôi thấy lòng an ủi, miệng mĩm cười mà nước mắt tuôn rơi.

Kính bái giác linh Sư Cô

                                             LÊ THỊ BẠCH NGA

                                               Montreal, 19-2-04