Đời là giấc mộng lớn
Mộng là giấc mộng con”
Tản Đà
Bao năm, lòng vẫn mơ có ngày về thăm trường cũ …Như đáp với mong đợi , Hè năm nay nhiều bạn học ngày xưa rủ nhau cùng về một lượt. Tất cả đồng ý sẽ họp mặt ở Đà Nẵng, thành phố của kỷ niệm , và trở lại thăm trường Phan Châu Trinh dấu yêu cũng là một mục chính của chuyến đi.
Quả là dịp ngàn năm một thuở !. Phần vì bạn bè ở rải rác khắp nơi, phải kêu gọi nhau trước lâu mới có được ngày nghỉ chung, phần khác, nếu không bận rộn với cháu nội, cháu ngoại thì cũng vướng víu “vợ trẻ, con thơ” (MXLương chẳng hạn). Nhưng cái khó khăn hơn cả, tuy đang ở xứ tự do, song bây giờ ai cũng có “cái kềm, cái kẹp” ( chữ của TĐThắng), nên được các “nội tướng” hay “đức lang quân” vui vẻ cho phép đi thì cũng là một may mắn lớn !.
Bạn bè đều ở tuổi “gần già”, bây giờ còn khoẻ mạnh để vui họp mặt, tất cả đồng ý là không thể đợi được nữa! Mười năm và rồi hai chục năm sẽ trôi qua nhanh như áng mây, biết đâu sẽ có những “ra đi “ bất ngờ, hoặc hăng hái hôm nay không còn nữa. Và một khi phải “chống gậy” rồi, thì e dù lòng còn thiết tha với trường xưa bạn cũ cách mấy, chắc cũng không đi nổi!
oOo
Trông mãi rồi ngày mong đợi đã đến…
Nhóm bạn PCT ở Mỹ về khá đông đảo : Từ Texas đến có Tôn Thất Toản ( nay là Thượng Toạ Tịnh Đức). Vốn ưu ái đối với bạn bè, Thầy Tịnh Đức sốt sắng tham dự, dù bận bịu với Phật sự. Cũng từ Texas, có Vũ văn Long ( huyền đai Judo , đồng thời là tiếng hát khó quên với “Tôi đưa em sang sông” của Nhật Ngân), và Trương Công Siêu ( chàng PCT hay “ca” bản “Ai lên xứ hoa đào”, theo tiết lộ của Hoàng Thuỵ Vân, nơi mục gia chánh )
Thượng Toạ Tịnh Đức
Trương Công Siêu
Đến từ Atlanta, GA có Vương Ngọc Hà và Trần minh Xuyên.
Từ Cali về, hùng hậu hơn cả, có Nguyễn văn Quảng, Phạm thị Quỳnh Chi, Bùi thị Hồng Vân ( tức Hoàng Thụy Vân ), Nguyễn văn Hải, Võ thị Hồng Đoá, Đinh thị Kim An, Nguyễn ngọc Ái, Huỳnh thị Phú, Nguyễn Quang Trung, Nguyễn Hữu Lân,( người “rủ rê” được Lân chắc không ai ngoài bạn thân Võ văn Mại ?), Trần Duyệt Tảo, Võ văn Đức. ( Đức vừa về Việt Nam khoảng đầu năm, nhưng thấy bạn bè đi đông vui quá nên cũng hăng hái tham gia.). Riêng Nguyễn Văn Quảng, một người yêu hoa thật sự, lần này chịu để lại ở Cali Quỳnh Hương muôn màu (mà các bạn được thấy qua vài hình ảnh tượng trưng ở bài Tản Mạn về Hoa Quỳnh ), cùng đám Lan quý, và đàn chó , nhờ Bà xã thay thế chăm sóc trong thời gian bạn đi vắng.
Nguyễn văn Hải
Nguyễn Hữu Lân
Từ Chicago, IL đến có “thủ môn” Trần Đình Thắng , “cặp giò sáng giá” ngày nào ở trong đội túc cầu PCT.
Trần Đình Thắng , “cặp giò sáng giá”
Từ Washington D.C có Từ Văn Xin. (Bạn bè ở lớp đệ tứ 2 (60-61) hẳn còn nhớ câu suốt năm học, mỗi sáng đều nhắc nhở Xin ? )
Từ Ohio đến có Trần thị Nga ( nhà sưu tầm hoa lan ), Khương Đại Lượng, và Phạm Vũ Thi. Cũng như Nguyễn Hữu Lân, Khương Đại Lượng đã “nhắm mắt” tạm rời phòng mạch ít lâu để tham dự chuyến đi!
Trần thị Nga ( nhà sưu tầm hoa lan )
Nhóm bạn PCT ở Canada từ Québec đến có Phan thị Thu Liên, Hoàng Bích Quân ( cũng là một người yêu hoa lan), Mai xuân Lương ( tác giả của bài Giới thiệu Tờ Chủ Đề do Thầy Nguyễn Trung Hối chủ trương, các bạn nhớ đón xem) và Võ Hoà. Và nếu nhóm bạn ở Mỹ có Thượng Toạ Tịnh Đức thì nhóm PCT ở Canada có Đại Đức Khánh Hỷ ( hay Trần Minh Tài), vừa từ Miến Điện trở về sau chuyến hành hương dài thấm mệt, đã không ngại tham dự chuyến đi để hổ trợ tinh thần cho bạn bè ở xứ lạnh (nhưng tình nồng!), tạm giao phó Thiền viện ở Montréal cho các thiền sinh đệ tử trong thời gian Thầy vắng mặt.
Đại Đức Khánh Hỷ ( ngổi giữa)
Từ Ontario về có Hồ thị Minh Châu, Phan thị Thu Hà, và đôi vợ chồng Huỳnh thị Thương, Nguyễn Văn Tuyến ( hai bạn này đã “ hi sinh” một khoá tu Thiền tại Làng Hồng bên Pháp của Thầy Nhất Hạnh ).
vợ chồng Huỳnh thị Thương, Nguyễn Văn Tuyến ( phía trái )
Ngoài ra còn có Võ văn Mại, tuy gần đây “than thở” họp mặt bây giờ chỉ gặp toàn là L.19 (?!), cũng vui vẻ từ Alberta đến.
Võ văn Mại
Nhóm bạn PCT ở Pháp có Nguyễn thị Bích Lan ( tác giả của”Vịnh Oxy mất chìa khoá”và cũng là thi sĩ chuyên trị thơ trào phúng của đệ tứ 2) từ Troyes đến có Lê Quang Thục Nhi ( để lại ở nhà cháu ngoại đầu tiên ,” vườn hoa nhung nhớ ”, và trang GRTL!). Từ Paris thì có Phạm thị Duyệt và Đỗ quý Tấn (“thi sĩ chưa hề làm thơ”).
Lê Quang Thục Nhi
Đỗ quý Tấn
Phạm thị Duyệt
Từ Đức đến có Nguyễn thị Em, từ Úc về có nhà văn Bùi thị Lệ Hằng, ( tác giả của những truyện Sa Tăng dịu dàng, Bản tango cuối cùng …)
Bùi thị Lệ Hằng
Từ Thái Lan, Trương Quang là cựu PCT duy nhất nhập bọn với bạn bè cũ.
Trương Quang
Nhóm bạn PCT từ Pháp, Đức , Úc và từ xứ “Chùa tháp”, tuy ít so với hai nhóm PCT ở Mỹ và Canada, song “lực lượng vô cùng hùng hậu” ( hiểu theo nghĩa bóng !)
oOo
… Chuyến bay khá dài nhưng bạn bè đông đúc vui chuyện khiến quên hết mệt nhọc.
Đến Sài Gòn , đặt chân xuống phi trường là đã thấy nắng ấm chan hoà. Ấm ngoài trời, ấm cả trong lòng!.
Ba ngày ở đây, chúng tôi đi thăm các Thầy Cô cũ. Thăm Cô Hoàng thị Mộng Liên, thầy Nguyễn Tòng , thầy Nguyễn văn Đáo , thầy Vĩnh Vinh . Thăm thầy Nguyễn Thanh Trầm, nhớ lại Hè 64 trước khi chia tay, Thầy dẫn cả lớp Đệ Nhất A đi du ngoạn Non Nước… Thăm thầy Nguyễn Bá Việt , để thấy Thầy vẫn vui vẻ, trẻ mãi không già ( theo nhận xét của VNH )…Thăm thầy Trần Đại Tăng, và nhớ mấy câu thơ của Thầy:
“Có tiếng thì thầm
Trong cơn sóng lặn
Có kỷ niệm về
Trong hồn khô cạn”…
oOo
Từ Sài Gòn, lấy xe lửa ra Đà Nẵng. Có thêm Phạm Ngọc Chấn, Lê thị Quý Phẩm ( cám ơn Thầy Tăng đã cho phép!), Nguyễn xuân Huy, Phan Xuân Tứ, Nghiêm thị Kim Ngân, Hồ thị Hồng, và đặc biệt Lê Tự Rô từ Biên Hoà lên. Bạn bè mừng khi thấy Rô khoẻ để cùng đi cho thêm vui, và hai nhà văn Kim Hài ( Đào thị Thái ) và Thuỳ An ( Nguyễn thị Ái ).
Phạm Ngọc Chấn
Kim Hài ( Đào thị Thái )
Chúng tôi chiếm nguyên cả một dãy toa và chuyện trò như pháo rang. Nhìn chung quanh chỉ thấy bạn bè với những ánh mắt rạng rỡ như thuở nào thanh xuân! , dẫu tiếng thời gian cũng đã hiện rõ trên mái tóc, trên nét mặt của mỗi người nhưng chúng ta vẫn giữ được chút hồn nhiên để trẻ mãi trong tâm hồn…
Tất cả thay nhau , có lúc dành nhau , nhắc những kỷ niệm xưa , kể lại những mẫu chuyện vui trong lớp rồi cười đùa tựa ngày còn đi học. Con tàu về Đà Nẵng như đang đi ngược với thời gian, đưa chúng tôi trở lại một quảng đời êm đềm nhất, để có cảm tưởng như được trẻ lại !
Trong khi bạn bè mãi chuyện trò, thì Phạm Ngọc Chấn với máy ảnh trên tay chụp hình lia lịa.(Các bạn đã biết Chấn từng là “phóng viên” đặc biệt của MTPCT, đã cho những hình ảnh đầy đủ của buổi Họp Mặt Tất Niên PCT vừa qua tại Sài Gòn ?). Nếu Chấn còn nhớ vai trò “phóng viên”, thì Khương Đại Lượng cũng nhớ đem theo cây đàn guitare và Võ văn Mại cũng không quên tập nhạc để giúp vui ! Không đợi yêu cầu, Lượng đưa bạn bè trở về một thuở mới lớn với những bài hát “tủ” năm xưa như “ Tuổi 13”, “ Mưa hồng “ , “Tôi đưa em sang sông” , bài hát từng được một thế hệ PCT ưa thích thuở nào , và dĩ nhiên không thể thiếu “Ngày xưa Hoàng thị” ! Và Võ Văn Mại, tiếp theo Khương Đại Lượng, với những “Gợi giấc mơ xưa”, “Nhìn những mùa thu đi” v..v… cho bạn bè “phiêu diêu” trong những cung đàn xưa, chỉ tiếc không có “organ” cho Mại vừa đàn vừa ca .
Và rồi Khương Đại Lượng lại đệm cho tất cả hát:
Về đây nghe em, về đây nghe em
Về đây cùng hát trên sông núi này
Chở lòng người trở về quê hương
Chở hồn người vào dòng suối mát
Chở thật thà vào lòng dối trá
Và nhạc hoa xin tạ chút ơn
Hạnh phúc vì đã gặp nhau…
(Bài Hiệu đoàn ca Phan Chu Trinh để dành cùng hát với các bạn khi tới Đà Nẵng)
Đứng dựa vào cửa sổ , tôi nhìn ra ngoài thấy xe lửa đang đi qua đoạn ven biển Đại Lãnh, rồi Nha Trang, những bãi biển cát trắng xoá…, tiếng sóng vỗ đều đều vọng tới nghe thật rõ…Quê hương đẹp và thơ mộng biết bao ! Lại nhìn một vòng các bạn, rồi mong ước làm sao thâu hết những gương mặt thân mến hôm nay để giữ mãi mãi…
Tiếng vỗ tay kéo tôi về khung cảnh vui tươi trong toa xe. A`, thì ra mọi người đang yêu cầu Thầy Tịnh Đức hát! Chắc một số các bạn còn nhớ, trong một buổi Họp Mặt nhỏ, ở Montréal tháng 6 / 99 , bạn bè lần đầu được thưởng thức giọng ca của Thầy Tịnh Đức qua vài câu trong bài “Niệm khúc cuối” của Ngô Thuỵ Miên, và một câu hát được Thầy đổi lời :
“Rồi mai ai đưa Sư đến cuối cuộc đời…”!
Tiếp theo, mọi người lại đề nghị Hoàng Bích Quân hát lại bài “Dư Âm”. Lạ thật, lần này Bích Quân không cần bắt giọng ba lần như hôm gần Tết năm nào ở PCT nữa! “giai thoại” cũ được vui vẻ nhắc lại, ( thầy dạy Lý Hoá ngày xưa chắc nhảy mũi liên hồi?) .
Có tiếng ồn ào ở cuối toa : bạn bè đang chia nhau xem những tấm ảnh ngày đi học mà Võ thị Hồng Đoá đã đem theo qua Mỹ, và nhờ Huỳnh thị Phú sang nhiều bản”để san sẻ những kỷ niệm với bạn bè”. Từ tấm ảnh cả lớp ngày đệ thất, những gương mặt ngây thơ “con nít”, đến những ảnh của vài năm sau, thuở mới lớn, tuổi 16,17, tất cả “nét mặt còn non trong, và cặp mắt sáng” ( theo lời tả của Hồng Đoá) . Ôi! Những bức hình ngày đi học quý làm sao, gợi lại bao kỷ niệm , bao ngày vui của một thời Phan Châu Trinh dấu yêu xưa …
o O o
…Tàu đến sân “ga” Đà Nẵng! Tất cả xôn xao…Chưa thấy người nhưng đã nghe tiếng cười dòn của Ngô thị Kim Oanh! Ra đón chúng tôi còn có đông các bạn cũ khác nữa như Hoàng Thu Hồng, Tôn Nữ Như Hảo, Châu thị Yến Loan, Ngô thế Phiệt, Võ Thăng, Nguyễn văn Khánh, Cao Ngọc Trãn, Nguyễn văn Tham, Nguyễn thị Thêm, Nguyễn Xuân Quang, Lê thị Trang, Trương Phước Đẩu, Lê thị Hỷ, Mai Gia Kim Tri ( Or Savoir, thuở thơ dại ) , Lê Văn Chơn ( từ Huế nghe tin mới vào), và Công Tằng Tôn Nữ Phương Huệ, ”người xưa” của ngày tháng cũ, “chị” Lê thị Việt N. của “dốc tuổi thơ”và “vốc hạt dưa” định mệnh, và … bóng dáng “liêu trai” ( trong vùng sương khói của tưởng tượng ?) Lê thị Thu M., hư hư thực thực, sắc sắc, không không…
Cao Ngọc Trãn
Gặp nhau mừng rỡ, bao cảm động …Và thật nghẹn lời khi thấy Hoàng Thu Hồng, một Thu Hồng biết bao thân mến, một Thu Hồng lâu nay tìm kiếm vô vọng, chợt “hiện ra” như trong mơ…
Sân “ga” Đà Nẵng chưa bao giờ rộn ràng như thế! Những cái bắt tay thân ái trong tình bạn chân thật, những câu thăm hỏi nối tiếp, vòng tay ôm của Kim Oanh và Thu Hồng dành cho bạn bè vẫn ấm áp , nụ cười của Yến Loan vẫn còn thật tươi, và ánh mắt nhìn của Như Hảo vẫn đầy trìu mến … Vui mừng chen lẫn xúc động , niềm hạnh phúc còn được gặp lại nhau sau gần bốn chục năm với bao biến đổi của quê hương, của cuộc đời, như hiện rõ trên mỗi gương mặt…
Như Hảo
Yến Loan
o O o
Sáng hôm sau, tất cả cùng trở lại thăm trường .Chúng tôi đi lại trên những con đường cũ, vừa đi vừa nói chuyện , như ngày xưa, mỗi sáng đến trường , hay những buổi tan học trên đường về , tíu tít …Còn đây, con đường Thống Nhất rợp bóng mát dẫn đến trường, nhưng dốc Cầu Vồng đã biến mất, như năm tháng qua đi. Còn đây, con đường Lê Lợi ngang qua trường cũ thân yêu…
Đến trước cổng trường, tất cả dừng lại, không nói nhưng bạn bè đều như có chung ý nghĩ, thoáng bùi ngùi, thoạt nhìn đã thấy bao thay đổi … Cổng trường kiên cố .Nhớ ngày xưa, những năm Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc còn ở trường, cổng chính đi vào chỉ là cánh cửa gỗ đơn sơ giữa hai cột “ciment”.…
Nhìn bức tường gạch bao quanh lại nhớ cái hàng rào quanh trường, hồi trước, chỉ là giây thép mỏng manh. Thay đổi rõ rệt hơn cả là mấy hàng cây bây giờ cao
lớn, cành lá sum sê , nhìn để như thấy lại ,ngày nào, chúng còn ở tầm với của” cô học trò đệ thất” .Và cho đến lúc bọn tôi rời trường, thân cây cũng vẫn mãnh khảnh dư thừa trong vòng tròn của bàn tay !
Ừ nhỉ, mấy chục năm qua rồi, ngày từ giả trường yêu bạn bè chỉ mới sắp sửa bước vào tuổi đôi mươi…Bước vào sân trường, nhớ lại cái sân còn trải cát … Đứng trước cột cờ nhớ những ngày chớm thu xa xưa, bắt đầu năm học đầy hồi hộp trẻ thơ của hồi đệ thất, đệ lục, nhớ những buổi sáng thứ hai chào cờ đông đủ tất cả các lớp, rộn ràng êm vui, tiếng nói dõng dạc uy nghiêm của Thầy Ngọc từ “micro” vang vang khắp sân trường…Chụp chung ở đây một tấm hình để bùi ngùi nhớ bức ảnh kỷ niệm của ngày cuối năm đệ tứ (1960-61) với Thầy Trần Ngọc Quế và cả lớp, bạn bè còn đông đủ …Ngọn cờ hôm nay với một màu khác với màu thuở xưa, nhưng tâm hồn tôi vẫn là tâm hồn tôi năm nào …
Đang mùa Hè, trường vắng vẻ. Chúng tôi vào thăm lại các phòng học. Đây, phòng đầu tiên của tầng trệt , dãy phía tay mặt, một thuở là của lớp đệ thất 1 , và phòng cuối gần chỗ cầu thang đi lên lầu, vài năm sau, là lớp của đệ nhất A .Và trên lầu, gần cuối dãy là phòng của lớp đệ lục 2 xa xưa .Tôi vào chỗ của mình ngồi ngày trước, áp má xuống bàn , tay xoa trên bàn học mà nghe lòng bùi ngùi…
Ra khỏi phòng, từ hành lang nhìn xuống, sân trường buồn vắng lặng, giữa Hè hoa phượng đỏ thắm rơi rãi rác trên sân…
Mơ màng như nghe lại bên tai tiếng chuông báo giờ ra chơi của ngày xưa …Bỗng chợt tỉnh, thì ra tiếng reng của chiếc đồng hồ báo thức trên đầu giường kéo tôi về thực tại! Quả thật,
“Đời là một giấc mộng lớn
Mộng là giấc mộng con “
Và mơ ước cùng với bạn bè cũ về thăm lại trường xưa một lần vẫn còn là ước mơ …
Thôi thì không gặp được ở Đà Nẵng , chúng ta hẹn gặp nhau ở Cali tháng 11 sắp tới, nhân dịp Họp mặt PCT , kỷ niệm 50 năm thành lập của Trường . Nhớ về đông đủ nghe các bạn!
Thi Vân