Phan Châu Trinh và Kỷ Niệm

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Xa trường xa bạn từ lâu
Đại dương cách trở biết đâu mà tìm
Chiều nay mây gió im lìm
Tâm tư lắng đọng nỗi niềm nhớ thương

HNN

Nhớ lại những ngày cuối cùng của tháng tư  1975, đã 34 năm rồi mà mỗi lần nghĩ đến cơn ác mộng đó tâm hồn vẫn bàng hoàng dao động. Ngậm đắng nuốt cay để ra đi trong tức tưởi, không một lời từ giả với bà con và bạn bè xa gần. Đặt chân xuống mẫu hạm Midway, rồi ngồi cúi đầu xuống, hai tay ôm mặt, không khóc mà nước mắt cứ chạy quanh.

Thỉnh thoảng ngước mắt nhìn những chiếc trực thăng tiếp tục đáp xuống với hy vọng sẽ tìm gặp được bạn bè, hàng xóm hay thân nhân. Mình thấy Ngô Chí, học trước mình vài năm, ở cùng xóm và là không quân lái trực thăng tại Đà Nẵng. Mình cũng thấy Tướng Ngô Quang Trưởng  trong bộ quân phục tác chiến . Có lẽ Hà Sáu Hoà đứng đâu đó mà mình không thấy...Vào trại tỵ nạn Pendleton tại California, thì một hôm tình cờ gặp Tiểu Hương và Lệ Hải, cũng chỉ nói chuyện khoảng năm phút rồi chia tay ...

Trong tâm trí cứ tưởng tượng là chỉ tạm thời xa lánh vùng khói lửa và, vài tháng sau sẽ trở lại quê nhà. Dù có giàu óc tưởng tượng đến bao nhiêu đi nữa, thì mình vẫn không bao giờ nghĩ đến việc mất nước đã xảy ra năm 1975. Thế rồi 34 năm qua mình vẫn chưa có dịp trở lại thăm quê nhà ! Bây giờ thì nước mắt đã khô hết rồi, hồi tưởng lại những ngày xa xưa của thời học trò với những kỷ niệm thân ái về trường, thầy và bạn lại càng hâm nóng thêm tình cảm ràng buộc mình với Đà Nẵng xa xưa.

Bạn bè thì nhiều , và mình vẫn nhớ, nhất là những người đặc biệt : nào là Hà Văn Hải học chung với mình từ lớp ba trường Nam Tiểu học đến đệ nhất ( lớp 12 } Phan Châu Trinh, hoặc Trịnh Quang Tạ thỉnh thoảng ghé lại nhà chơi, và chỉ cho mình đánh đàn guitar, Phù Chí Thuận , người bạn học ở sát cạnh nhà, ngày đêm cứ tập đánh trống mà bạn bè thường gọi “ Thuận Taboo”...Lần cuối cùng mình gặp Nguyễn Văn Thảo “ A “ với Trịnh Quang Tạ tại Sài Gòn vào mùa hè 1970 . Ba đứa xuống phố uống nước và nói chuyện tào lao...Sau đó Thảo về chiến trường Bình Dương , rồi không bao giờ trở lại !

Nói về thầy cô thì nhiều lắm, mình chỉ nhắc đến vài vị giáo sư tiêu biểu cho trường Phan Châu Trinh của chúng ta, đó là thầy Quế ( dạy Việt văn ) và thầy Đức ( dạy Sử ký và Địa lý ) , có lẽ hai vị giáo sư đó ảnh hưởng nhiều đến cuộc đời và lý tưởng của mình, mặc dù chỉ phục vụ quê hương có mấy năm rồi bỏ nước ra đi...

Có mộtt lần mình đến thăm thầy Quế vào dịp Tết nguyên đán, thầy sống một mình và học trò đến thăm thầy thích lắm. Trong lúc nói chuyện nhiều vấn đề và cuối cùng trước khi ra về, thầy dặn dò thế này : “Mục đích của sự học là làm tròn bổn phận đối với quốc gia, xã hội, chứ không phải lãng quên trách  nhiệm của mình, nhất là trong tình trạng khó khăn hiện tại của đất nước. Vì vậy, phải đặt vấn đề nghĩa vụ lên trên, khi đã làm xong nghĩa vụ thì quyền lợi tất nhiên sẽ đến. Nhất thiết không bao giờ lấy quyền lợi làm mục đích của sự học “. Thầy nói như là một vị thủ tướng chánh phủ đầy nhiệt huyết phục vụ quốc gia làm nhìn tương lai đất nước với nhiều lạc quan hy vọn

ThayDuc

Thầy Quế ( dạy Việt văn )

Thầy Đức cũng rất đặc biệt, thầy dạy không những theo sách giáo khoa một cách đầy đủ để học trò đi thi được điểm “ Ưu “, mà trái lại còn tìm cách thêm vào những nhận xét sâu sắc mà học trò không tìm thấy trong sách giáo khoa để học trò có thể được điểm “ Tối Ưu “.

 

PCT777Thầy Đức ( thắt cà vạt màu )

PCT7777

Thầy Đức ( thắt cà vạt màu )

 

Đến năm 1974 mình thuyên chuyển từ Gia Định về làm việc tại Nha Trang. Một hôm thầy Đức ghé lại chỗ mình làm việc tại số  1 đường Độc Lập , bên cạnh công trường Hà Thúc Nhơn ( có lẽ thầy cũng mới đổi từ Đà Nẵng vào Nha Trang mà mình không biết ).

Mình chạy lại bắt tay thầy, vội vàng chào thầy và hỏi thầy đến đây có việc gì vậy ? Thầy bảo là đến nhờ yểm trợ chương trình văn nghệ của học sinh trong dịp Tết nguyên đán. Bây giờ mới nhận ra là thầy trò ở gần nhau mà không biết. Lẽ dĩ nhiên là tất cả những điều thầy yêu cầu đều được đáp ứng rất chu đáo...

Giờ đây dù thời gian và không gian cách biệt do hoàn cảnh tạo ra, hoặc có người đã ra đi vĩnh viễn, nhưng tình thân hữu luôn luôn lưu lại trong chúng ta qua nước mắt, nụ cười và nhất là kỷ niệm.

Nguyễn Ngọc Hợp  ( PCT 1959-1966 }

Chiều 30 tháng 4  năm 2009