Nhật Ngân và Tôi - Tô Hoài Nam

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Số là tôi tính qua San Jose để tham dự Hội chợ Tết Nhâm thìn theo lời mời của ban tổ chức. Họ hứa sẽ dành cho anh em văn nghệ sĩ một gian hàng để giới thiệu sách, nhạc. Tôi có dự tính nhân Hội chợ này sẽ rủ Nhật Ngân cùng tham gia để anh giới thiệu nhạc của anh, còn tôi thì giới thiệu mấy tập truyện dài. Tôi có nhờ một người bạn ở Wesminster tìm Nhật Ngân và xin số phone của anh để tôi trực tiếp bàn với anh. Nhưng – bao giờ cũng nhưng cả – tôi không có số phone của Nhật Ngân để liên lạc, nên không biết là thời điểm giáp Tết này sức khỏe của anh đang nguy kịch.

Và cũng chínhvì không liên lạc được với Nhật Ngân  mà tin anh mất đã khiến tôi sửng sờ không ít khi đài SBTN đưa tin về sự ra đi của nhạc sĩ Nhật Ngân, vào một ngày giáp Tết . Nhật Ngân đã ra đi ? Tôi không tin đó là sự thật ! Nhưng anh đã thật sự ra đi trước bao thương tiếc của gia đình, bạn bè và nhất là hàng triệu người trong cũng như ngoài nước yêu nhạc của anh

 

Cá nhân tôi, tôi yêu “Tôi đưa em sang sông “ từ khi nó còn là một bản thảo viết tay của chính chàng nhạc sĩ Nhật Ngân mới tập tểnh vào làng ca nhạc miền Nam , vào những năm đầu thập niên 60. Rôi tôi lại yêu “ Qua Cơn Mê “  khi chán chường cuộc chiến tại miền Nam với rất nhiều khốc liệt và gian dối.

 

 

Tôi yêu “ Người lính già xa quê hương “ khi nhớ về một dĩ vãng vàng son nhưng dễ vỡ của một lớp trẻ , đã một thời dốc hết tâm huyết và xương máu cho quê hương , để cuối cùng chuốc lấy một tủi nhục khi được lệnh buông súng. Và rồi tôi cũng yêu cái mộc mạc đơn sơ trong ngôn từ cũng như giai điệu của “ Đà Nẵng quê tôi “, để nhớ về nguồn cội của mình, trong đó có ngôi trường thương yêu và thầy cô đã một thời tận tụy truyền dạy cho tôi sự hiểu biết để vào đời. Và nơi đó, tôi vẫn còn in sâu trong ký ức những người bạn dễ thương, đáng thương và cũng có những người bạn đáng trách đã và đang ở bên kia chiến tuyến ý thức hệ.

 

 

Nhật Ngân và tôi không có những bữa cơm thân mật gia đình, cũng không có những buổi trà dư tửu hậu, nhưng Nhật Ngân đã là một người bạn có cùng chí hướng , cùng quan điểm với tôi trong cuộc chiến bảo vệ tự do, dân chủ. Vào thời điểm anh moi tim óc  viết lên những ca khúc đầy tâm huyết để vận động tinh thần chiến đấu, bảo vệ tự do dân chủ của quân dân miền Nam , thì tôi đã âm thầm chiến đấu trong mặt trận  tình báo chiến lược cũng chỉ vì một lý tưởng chung như anh.  Nhật Ngân và tôi không cùng một quân phục, nhưng chúng tôi xuất thân từ cùng một mái trường thương yêu và sát cánh bên nhau trên một chiến tuyến. Tuy nhiên bây giờ anh đã ra đi ! Nhật Ngân ơi ! Anh đã để lại cho chúng tôi biết bao thương tiếc ! Không chỉ có những thầy cũ, bạn xưa của Phan Châu Trinh thương tiếc anh, mà hàng triệu người trong và ngoài nước thương tiếc anh qua nhạc của anh. Tiếc thương thay một vì sao trên vòm trời âm nhạc của miền Nam trước và sau năm 1975 !

Thuở còn ở bậc trung học, chúng tôi mê đá banh lắm, và Nhật Ngân là một cầu thủ đá banh khá. Nhưng anh đã rời Đà Nẵng để vào Sài Gòn trước tôi, và sống cạnh các anh chị của anh là nhạc sĩ Nhật Bằng, ca sĩ Thể Tần, Hồng Hảo v..v...Rồi từ đó, anh thành danh trên con đường âm nhạc. Tôi còn nhớ nhân chuyến về Đà Nẵng ăn Tết năm 1961,  chúng tôi có gặp nhau tại nhà một người bạn. Và dịp này, Nhật Ngân đã ôm guitar hát ca khúc đầu tay  “Tôi đưa em sang sông “ của anh. Tôi yêu ngay lời ca và giai điệu của “Tôi đưa em sang sông “từ đó. Nhưng Nhật Ngân ơi ! Tau sẽ không về chết trên quê hương như “Người kính già xa quê hương “ của mi đâu.”

Trần Nhật Ngân, Nguyễn Phương Minh, nhiều bạn đồng môn nữa ...và tôi học chung lớp ở Trung học Phan Châu Trinh Đà Nẵng  vào những năm 1957 – 1963. Mỗi bạn học trong số nầy đều để lại trong tôi nhiều kỷ niệm sâu sắc của thời cắp sách, hoặc về sau nầy khi chúng tôi đã vào đời cũng vẫn còn cho nhau nhiều điều khó quên. Nguyễn Phương Minh thì theo ngành Luật, tôi thì dạy học rồi làm chuyên viên tình báo Mỹ, còn Nhật Ngân thì âm nhạc, và chính lãnh vực nầy đã đưa tên tuổi Nhật Ngân lên một chỗ đứng khá vững trong làng ca nhạc miền Nam trước 1975 cho đến sau nầy khi anh ra hải ngoại. Thưở còn đi học, tôi chơi đàn trong ban nhạc của trường và tập tành viết nhạc, trong khi Nhật Ngân  thì chưa thể hiện nét sở trường nào về âm nhạc của anh. Nhưng anh đã tạm biệt chúng tôi để vào Sài Gòn trước, cộng với cái vốn ca nhạc sẵn có của các anh chị em họ trong gia đình, mà anh tiến nhanh trên lãnh vực nầy.

Tuy học chung với Nhật Ngân ngắn ngủi , nhưng tôi nhớ mãi anh với chất giọng khàn khàn miền Bắc pha với âm sắc đặc biệt Quảng Nam, trên gương mặt vui tươi và lúc nào cũng nở nụ cười rất hồn nhiên. Có lần, khi chúng tôi trật tự lên cầu thang  để vào lớp, thì Nhật Ngân lại nhảy từng hai ba bực cấp một . Choáng lối nhảy trước mặt anh lúc đó là Thầy Kế, Giám thị mà chúng tôi gọi là “ Thầy Kế lùn “vì chiều cao của Thầy rất khiêm tốn. Hôm đó Thầy Kế mặc quần tây xanh đen, aó sơ mi ngắn tay trắng, giống như đồng phục nam sinh của chúng tôi. Nhật Ngân ngộ nhậnThầy Kế là một học sinh nào đó, nên anh đã ôm hai vai của Thầy lay mạnh và xô qua một bên để nhường lối cho anh nhảy lên các bực cấp : “ Mau lên mi, mau lên ! “ Chúng tôi biết Nhật Ngân đã lầm và không dám cười. Qua khỏi Thầy Kế, Nhật Ngân biết mình đã “ xộ “, nên anh vội quay lại với nét mặt hối hận : “Em xin lỗi Thầy, em đã nhầm  ! “. Thầy Kế ngơ ngác nhìn Nhật Ngân không nói.

Một kỷ niệm khác với Nhật Ngân : Tôi ngụy trang tham gia đội banh hạng  A 1 Tây Ninh để tìm đường vượt biển trong suốt chuyến giao đấu dọc miền Trung vào năm 1976  khi tôi chưa bị bắt đi tù. Sau Nha Trang, đội banh chúng tôi lên đường ra Ninh Hoà đá giao hữu hai trận . chúng tôi được sắp đặt lưu ngụ tại nhà khách duy nhất tại thị xã này. Trước giờ giao đấu của mỗi trận tại các địa phương, tôi thường dùng phấn vẽ lên bảng đen vị trí và chiến thuật giao đấu cho các cầu thủ chính cũng như dự bị. Khi đội banh chúng tôi rời Ninh Hoà ra Qui Nhơn, thì đoàn văn nghệ “ Tiếng Hát Quê Hương “ của cố ca nhạc sĩ  Duy Khánh và Nhật Ngân cũng ghé Ninh Hoà trong một chuyến lưu diễn miền Trung.

Sau nầy, có dịp gặp lại Nhật Ngân vào năm 1998  tiệm ăn Tài Bửu,ngay góc đường Bolsa – Magnolia ở Wesmisnter bênCalifornia, thì Nhật Ngân cho tôi biết rằng , chính anh cũng lưu ngụ  tại căn phòng mà tôi lưu ngụ trước đó ở nhà khách thị xã Ninh Hoà, và anh còn nhìn thấy sơ đồ thi đấu cho đội banh A 1 Tây Ninh cũng như tên các cầu thủ do tôi vẽ lên tấm bảng đen còn để lại trong phòng đó. Nhật Ngân nói :

-“ Tau biết mi có thiết tha gì đá banh, đá biếc. Chẳng qua là mi đi tìm đường trốn thoát mà thôi.

- !!!

- Mi biết không, bên đội banh của mi thì sao tau không biết, nhưng bên đoàn hát của bọn tau, cứ mỗi lần đến địa phương nào trình diễn, là tụi lãnh đạo địa phương bắt Duy Khánh và tau phải ký “ Tờ Cam kết “, là sẽ không thiếu vắng bất cứ anh chị em nghệ sĩ nào lúc đoàn rời địa phương so lần mới đến...

- !!!

- Ký thì ký, nhưng anh em nào trốn được thì cứ trốn.  Nhật Ngân tiếp.

Từ chuyến lưu diễn đó của đoàn “ Tiếng Hát quê Hương “ cũng như đội banh A 1 Tây Ninh, tôi không còn gặp lại Nhật Ngân nữa, do tôi bị bắt đi tù. Cho đến một buổi sáng vào giữa năm 1983,  tôi tình cờ thấy Nhật Ngân , vai đeo túi xách, vội vã ra khỏi con hẽm trên đường Bình Thới, Quận 11.  Chúng tôi nhìn nhau qua ánh mắt thông cảm, rồi mạnh ai nấy đi về hướng của mình. Tôi biết Nhật Ngân đi đâu, và thầm cầu nguyện cho anh gặp nhiều may mắn.

Chất giọng miền Bắc pha âm sắc Quảng Nam của Nhật Ngân vẫn còn văng vẳng đâu đây. Tôi viết mấy giòng này về anh mà ngậm ngùi chua xót vì không gặp anh nhân Đại Hội I của cựu học sinh Phan Châu Trinh năm 2009 ở Santa Ana, vì lúc đó tôi đang hôn mê trên giường bịnh. Những ngày cuối của anh tôi cũng không gặp để thăm anh khi anh đang hấp hối. Rồi cuối cùng , tôi cũng không tiễn đưa anh đến nơi an nghỉ cuối cùng. Tôi càng thương tiếc Nhật Ngân càng thấy nhói trong tim ! Nhật Ngân ơi ! Tôi đang nghĩ về anh, và nghĩ thật nhiều...

Tô Hoài Nam

( Arlington, Texas cuối tháng  2/2012 )

( Trích từ ĐS 60 năm PCT )

 

 

NHATNGAN

 

R3ec622b2a75c374115e846ca4ed1caa6 1