Nhận được “lệnh” truyền đạt của anh Sở đã hơn hai tháng nhưng mình cứ đắn đo suy nghĩ mãi. Thực tình mà nói, mình vốn “văn không hay, võ không giỏi ”, mà bỏ trường đi vào Quân đội từ ngày 7/5/1962 - không thi Tú Tài năm đó.
Nhưng đến chiều hôm qua, sau buổi cùng các bạn đến thăm và vấn an sức khỏe nhạc mẫu của bạn Thôi, và tiếp tục sau đó là sinh hoạt bạn bè cùng khối lớp , mình mới quyết định viết các dòng nầy. Cùng với Ngô Văn Nhạn, Đặng Văn Sở, Nguyễn Văn Ca, bọn mình là bốn “Hoàng tử Bông tê sên” được diễm phúc nhập học Phan Châu Trinh niên khóa 1956-1957 với các bạn. Thực tế, sau nầy có nghe Ca các bạn nói lại là “Bông tê sên” năm đó còn có thêm Nguyễn Ngọc Hồ. Quả thật mình ít gặp Hồ và không biết chung trường, chung niên khoá đầu tiên!
Mình vẫn nhớ rõ ràng ngày thầy Kế đọc tên các học sinh trúng tuyển năm đó. Thứ 1, Từ Dục - mình còn nhớ lúc đầu thầy đọc nhầm là “Từ Đức” (na ná như Tự Đức) rồi đến thứ 5, rồi 10… 39 và 40 là Phạm Phú Quý.
Ngay những ngày đầu niên học lớp Đệ Thất 3, mình đã gặp lại một số bạn cùng học ở trường Nam Tiểu Học như Đinh Ngọc Hiền, Trần Viết Hàn, Nguyễn Xuân Châu v.v… Xem ra đời mình gần như gắn chặt định mạng với số 3. Đơn cử thời tiểu học, mình học lớp Ba C, rồi Nhì C, rồi Nhất C; vào Phan Châu Trinh học Thất 3, , Lục 3, Ngũ 3, Tứ 3, Tam B2, và Nhị B2. Vào quân ngũ mình chỉ lên đến bậc Thượng sĩ vào cuối năm 1974 - tức là cũng chốt lại con số 3 trong hàm hạ sĩ quan: Trung sĩ, Trung sĩ nhất, rồi Thượng sĩ.
Nhắc lại những ngày học tại Phan Châu Trinh các kỷ niệm cũ dồn dập hiện về lẫn lộn.
Nhớ các bạn Lê Mạnh Vũ, Trương Công Trứ, Bửu Hoài, Hạ Quốc Huy, Nguyễn Tuấn, Võ Công, Trần Văn Đệ, Trần Xuân Đán, Lê Tất Tri, Nguyễn Văn Còn, Hồ Dương Mình, Nguyễn Văn Phước, Trần Nhật Ngân, Phan Độ, Trần Quốc Sử, … và các bạn nữ, Trần Thị Hường, Phạm Thị Yến, Hoàng Thị Vu, Đỗ Thi Chi Viên, Nguyễn Thị Bích Yên, Nguyễn Thị Liên Hương, Trần Ngọc Tuý, Bùi Thị Nhâm, Đặng Thị Cầm, Kim Hằng, Kim Phụng, Hà Thị Phương Lan…
Hạ Quốc Huy
Trần Nhật Ngân ( áo trắng )
Lên lớp Tam B2 và Nhị B2 mình có thêm một số bạn mới như Lê Khắc Bé, Nguyễn Kiểm, Dương Phú Chung, Phạm Văn Quy, Trần Xê, Đặng Văn Vững, Nguyễn Trọng Chín,… và nhiều bạn nữa mà trong lúc nầy mình không nhớ hết, thành thật xin lỗi các bạn về thiếu sót của mình.
Làm sao quên được những buổi họp tổ, tranh luận có nhiều khi cãi cọ qua lại lớn tiếng như đá kiện, chuyền bánh tê-nít, bốc cà-rem, kẹo gừng trong sân trường, qua hàng rào.
Nhớ không lầm thì lớp mình và khối lớp chúng ta có thêm vài yếu tố đặc biệt. Nào là các anh Nguyễn Phúc và Nguyễn Dân; Nguyễn Phương Mình, Nguyễn Phương Toàn; Nguyễn Xuân Châu và Nguyễn Xuân Báu; Đặng Văn Liễu và Đặng Văn Như; Lê Thị Thái và Lê Thị i Thanh; cùng chị em Thái Thanh ( con bác sĩ Thái Can) là những anh chị em ruột học chung một lớp. Nào là các bạn đồng tên như : Nguyễn Xuân Báu, Nguyễn Văn Báu, Phan Văn Báu và Nguyễn Văn Lộc, Nguyễn Viết Lộc, Nguyễn Đức Lộc đều cùng chung lớp. Nào là những bạn nửa bước không rời nhau như: Nguyễn Kiểm và Dương Phú Chung; Nguyễn Văn Còn và Phạm Thanh Quang.
Nhớ những ngày Nguyễn Tuấn xúi Nguyễn Thị Liên Hương hát: “Anh Công ơi, đừng đi lính nhảy dù, trên trời rớt xuống… lộn nhào!”. Liên Hương vừa đọc hết câu đầu thì bọn mình bị các anh lớn như Đệ, Đán, Lê Mậu Thăng la chửi quá.
Những năm ở Đệ Nhất cấp, hơn một lần mình e ấp mối tình đơn phương với H.T.V. Trong một dịp V. mượn vở mình, mình đã viết mấy lời tỏ tình và đã nhận được hồi âm: “ Chị xem Quý như em, thôi chăm học thật giỏi đi đừng nghĩ viễn vông!”. Như con chim bị ná, và cũng vì mặc cảm mình nhỏ con, đen đúa, hoàng tử “Bông tê sên”, nên sau nầy dù có lúc ngấp nghé Đỗ Thị C.V. hay Nguyễn Thị B.Y. , mình cũng không bao giờ dám bộc bạch! Và cũng nhờ không suy nghĩ, không đeo đuổi mơ mộng nữa nên mỗi ngày học một tăng tiến thấy rõ mà đỉnh điểm là năm Đệ Tứ. Mình suýt đoạt học sính giỏi nếu như không bị thầy T. (giáo sư chính) cho 4 cặp số không (00.00.00.00) vào cột Hiệu đoàn cuối năm với lời phê “Ném đá giấu tay!”. Thì ra hồi đó mình đã đọc cho lớp nghe bài thơ của anh Hải : “ Trường Phan có một cô nàng…”. Và mình nhớ không lầm thì Nguyễn Văn Phước bị 2 cặp số không sau mình, cũng cùng một lý do!
Lại nhớ đến Ngô Văn Nhạn- nhà Nhạn ở tận làng Tân Thái. Hằng ngày đi xe đạp vào gởi nhà mình (gần bến đò Hà Thân) và hai đứa qua đò đi bộ đến trường. Nhạn tính hiền lành, ủy mị như con gái và rất lễ phép. Cha mình lấy Nhạn làm cái gương để răn dạy mình: “Học trò gần “đíp lôm” rồi phải như rứa, còn mi, tau thầy không tác phong gì cả “. Thực tế là mình rất mê thể thao, chơi nhiều môn như bóng tròn, bóng bàn, đá banh tay, bi sắt (đánh pool, bơi lội… và thường chơi với tư thế chỉ mặc quần đùi (không áo lót, không quần lót). Hồi đó mình say sưa với câu “Một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện”. Mọi ngày mình chỉ chủ yếu học ở lớp và soạn bài, học bài mỗi sáng từ 3 giờ 30 đến 5 giờ 30 là tối đa, thời gian rảnh rỗi dành tất cả cho thể thao. Quá trình ở Quân đội Sài Gòn mình cũng đã tham dự giải bóng bàn trong binh chủng Pháo binh. Mình đã gặp và thua Nguyễn Ngọc Trai, cũng là bạn học Phan Châu Trinh. Năm ngoái đây mình vừa vô địch bi sắt giải đồng đội phường An Hải Tây quận Sơn Trà, Đà Nẵng. Mới hôm kia đây lại vô địch giải bóng bàn “Người cao tuổi “ phường An Hải Tây, chuẩn bị tham dự giải toàn quận.
Ngô Van Nhạn mộng làm thầy giáo, trong khi đó Nguyễn Văn Ca thì mộng binh đao. Thực tế, Nguyễn Văn Ca lại học Sư Phạm Qui Nhơn và nay đã “mất dạy”; còn Nhạn lại vào khoá 16 Thủ Đức, hy sinh vì mìn tại huyện Duy Xuyên , để lại hai con gồm 1 trai (1960) và 1 gái (1967). Hiện nay hai con của Nhạn đã định cư tại Mỹ và mộ Nhạn tại Phú Thượng- Hòa Sơn-Hoà Vang. Một ngày nào đó, bạn nào muốn tìm đến thăm mộ Nhạn thì mình sẽ làm hướng dẫn viên. Trước đây đã hơn một lần mình dẫn Sở, Bửu và Ca đi tìm gần nửa ngày mà vẫn không ra, đành mượn một chiếc bàn để ngay ngã ba, van vái Nhạn!
Vào các năm 1974 và 1975, đã có lúc mình ở cùng đơn vị, cùng binh chủng với các bạn đồng lớp như Nguyễn Phương Minh (Tiểu đoàn 3 Pháo binh Phòng không) và Vũ Đức Ái, Quách Thưởng (ở Pháo đội 11 Biệt động Quân và Liên đoàn 11 Biệt động Quân).
Nhắc đến Vũ Đức Ái lòng mình lại dạt dào khôn nguôi. Ngày 21/3/1975, chắc cũng vì tình bạn nên Ái đã bảo mình (cầm Sự vụ lệnh) hộ tống một số vật tư của đơn vị về Bộ Chỉ huy Quân khu Biệt động Quân tại Non Nước, Đà Nẵng, một công việc chỉ đáng giao cho một quân nhân khác làm cũng được, trong khi mình là Thường vụ Đại đội . Đêm đó, thị xã Tam Kỳ tỉnh Quảng Tín bị “VC” đánh chiếm; thế là mình đương nhiên chỉ huy hậu cứ đơn vị, đoàn viên với gia đình từ ngày 22/3/1975.
Khoảng 1989-1990, trong lúc đang đạp xe thồ tìm khách trên đường Hùng Vương (hướng từ phía chợ Hàn đến chơ Cồn) thi bỗng thấy Vũ Đức Ái - tay xách túi dết đi lững thững đồng chiều trước rạp hát Trưng Vương.
rạp hát Trưng Vương
Dừng xe, tay bắt mặt mừng, mình tỏ ý đưa bạn lên bến xe Chợ Cồn để về thị trấn Hà Làm (Thăng Bình) cho sớm. Qua Hàn huyên mình biết, sau khi tập trung cải tạo về, bạn và vợ buôn bán nhỏ ở Hà Lam. Thỉnh thoảng Ái ra Đà Nẵng mua ít thuốc tây về bán. Đến bến xe, vừa dừng, hai đứa chưa kịp rời yên xe, thì bỗng hai người đàn bà đánh lộn với nhau, tông vào hai đứa cùng té; túi thuốc của Ái vung vãi! Hai đứa lom khom thu dọn thuốc: một chai thuốc, một hộp kim bị vỡ. Ái cầm lên với đôi mắt thẫn thờ , hai tay run lên bần bật; mà mình nước mắt như muốn tuôn ra! Ái ơi! Phải chi bữa đó hai đứa đừng gặp nhau. Mấy mươi đồng hay tối đa là 100 đồng năm ấy sao mà nó lớn thế! Minh đi thồ mỗi ngày không quá 10 đồng. Bạn đã khó, mình lại tả tơi! Nếu thời gian đó là bây giờ thì dù đổ vỡ, thất thoát 500.000 đồng hay 700.000 đồng, thậm chí nhiều hơn vẫn có phương án giải quyết gọn gàng. Mình xin lỗi, bạn nói: “ Không có gì!” Rồi thất thểu đi như người không hồn. Nỗi ân hận ấy con đeo đuổi mình đến tận hôm nay; thậm chí mỗi lần kể lại cho vợ mình nghe thì hai vợ chồng gần như rưng rưng nước mắt!
Hai năm sau, được tin Ái mất tại nhà vi cơn bệnh ngặt nghèo. Mình đến thắp hương, phúng điếu lòng chua xót khôn nguôi. Thỉnh thoảng có dịp đi ngang qua Hà Lam, mình đều đến thắp hương anh và vấn an sức khoẻ vợ con anh. Ái ơi! Bữa đó anh cụt vốn vì mình, chị nhà có xài xể anh không? Phần mình, mình nguyện không quên buổi trưa định mệnh đó; âu là trời xanh khéo trêu người!!!
Vào những năm chín mươi, có một buổi đi thồ xe đạp,nghe có người gọi “thồ”, mình dừng xe xe lại và nhận ra Hà Thị P.L., một bạn học, vợ một người thầy đạo mạo mà ta kính trọng. Xuống xe trong tư thế vô cùng vui vẻ mình không lấy tiền công và chúc chị ta sức khỏe. Tiếc thay, P. L. nhìn mình bằng nửa con mắt mà theo mình biết chắc người ấy phủ nhận một tình bạn chân thành và khinh thường một người bạn nghèo khó.
Những thập kỷ 80, 90, bạn bè học cũ gặp được nhau là mừng mừng tủi tủi. Mừng vì qua đại biến cố lịch sử mà vẫn giữ được sinh mạng, tủi vì bản thân đứa nào cũng ngặt nghèo về kinh tế. Đơn cử như Quý đi xe đạp thồ, áo vá nhiều mảnh; Nguyễn Văn Được cũng không khá gì hơn, lủi thủi đi bỏ từng lít rượu mía, rượu mật, thuốc điếu vấn thủ công để đắp đổi qua ngày và đưa đẩy con lớn khôn! Ngày đó hai đứa uống chung một ly nước lạnh sao mà nó ngọt ngào quá, mặn nồng quá!!! Nếu được phép so sánh, mình không ngần ngại quả quyết rằng nó còn ngon hơn, còn sướng hơn thời điểm gặp nhau với bia, với rượu và thức ăn ê hề!
Khuôn khổ một bài viết, có lẽ đến đây là quá nhiều, quá dài; thế nhưng vẫn còn nhiều ý tưởng, nhiều hoài niệm muốn tuông ra thêm… Hy vọng, 10 năm sau có dịp - nếu còn sống - sẽ viết tiếp.
Cầu mong sao cho những ngày còn lại chúng ta - ban học PCT 1956-1963 - cố gắng tạo điều kiện gần gũi nhau thật nhiều, đừng vì hoàn cảnh mà xa lánh nhau, xem thường nhau !!!
Viết xong 15 giờ 37’ ngày 12.8.2007
Phạm Phú Quý PCT56-62
nguồn : bài do bạn TDT chuyển đến