Nhân Mùa Xuân Đi Tìm Ý Nghĩa Chữ "Xuân"

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 
XuanQuyMao PCT2B

“ Xuân” là muà chuyển tiếp từ Đông sang Hè, mùa mở đầu một năm. Ai chẳng biết, cần gì phải tìm !

Thực ra trong ngôn từ chúng ta, từ “ xuân “ không đóng khung trong một giới hạn ý nghĩa chật hẹp như thế. Ý “Xuân “ tiềm tàng, tình “ Xuân “ bao la. Xuân không đơn giản. Đã được gởi gắm vào xuân những hình ảnh quyến rũ muôn màu muôn vẻ và Xuân có thể đánh lạc lối ta như đã đánh lạc lối Lưu Thần, Nguyễn Triệu vào Thiên Thai một sáng xuân nào. Vậy thử làm một cuộc hành trình vào trong dòng ý nghĩa mênh mang của Xuân.

Trong bài dưới đây chúng tôi xin nêu ra một số ý nghĩa về “ xuân “, căn cứ phần lớn vào từ “ xuân “ tìm thấy trong một số thi phẩm phổ cập, đặc biệt trong Đoạn Trường Tân Thanh của Nguyễn Du.

Trước tiên thử nói đến một vài vướng mắc với từ “ Xuân “. Không nên lầm lẫn Xuân với từ đồng âm của nó, chữ xuân trong mấy câu sau :

Xuân huyên chợt tỉnh giấc nồng

 Hoặc :

Xót thay huyên cỗi xuân già              

( Đ.T.T.T )

“ Xuân “ ở đây tuy có liên hệ ít nhiều với mùa xuân, nhưng không phải mùa xuân. Là một thứ cây thuộc về loài xoan ( có lẽ do chữ xuân đọc trại ra và riêng ở Huế thì gọi là sầu đông hay thầu đâu ) thân to, gỗ cứng. Hình ảnh cây xuân thường được dùng để nói đến tuổi thọ của cha già :

Côi xuân tuổi hạc càng cao  ( Đ.T.T.T )

Sách Trang tử chép đời thượng cổ có thứ cây xuân sống lâu, mỗi mùa xuân của nó dài đến tám nghìn năm. Dùng từ “ xuân ‘ để chỉ người cha tức là mong cho cha sống lâu.

Nhân tiện cũng xin nói qua về từ “ huyên “ đi với chữ  Xuân. Khác với “ xuân “ là một loại cây to, gỗ cứng , “ huyên” là một loại cỏ yếu mềm, dùng để chỉ người mẹ. “ Huyên “ còn gọi là “ hiên “ hay “ kim châm “ và cũng có tên là “ vong ưu thảo “. Ăn vào có thể giải được ưu phiền ví như người mẹ thường giải nỗi phiền cho con :

Nhà huyên chợt tỉnh, hỏi cơn cớ gì   ( Đ.T.T.T )

Kết với “xuân” , lập thành ngữ kép thường gặp là “ xuân đường “ hoặc “ nhà xuân “. “Xuân đường “ và “nhà xuân “ cả hai có đều nghĩa nhà có trồng cây xuân và ý chỉ về cha.

Chữ “ xuân “ là cây xuân thường đọc lầm ra là “thung “ nên “ xuân đường “ có lúc biến thành “ thung đường “ hay “ nhà thung” nghĩa như “ xuân đường”. “ Xuân đình “ là sân có trồng cây xuân nghĩa cũng như “ xuân đường”. Nhưng “ Xuân đình “ còn có nghĩa là chỗ đi dạo chơi, nơi ra đó để thưởng thức mùa xuân.

Trong trường hợp này xuân lại chỉ mùa xuân :

Xuân đình thoắt đã dạo ( đổi )ra cao đình     ( Đ.T.T.T )

truyen kieu2

Tức là mới cùng nhau sum họp vui chơi mùa xuân đó mà nay đã đến lúc chia ly

Chữ “ xuân “ lại có khi được chữ “ đông “ thay thế. “ Đông “ là phương đông chứ không phải là mùa đông. Gió phương Đông ấm áp thổi về mùa xuân nên từ ngữ “ gió đông “ có nghĩa là gió mùa xuân. Nhà thơ Thôi Hộ, mùa xuân năm sau trở lại thăm người yêu cũ chỉ thấy :

Đào hoa y cựu tiếu đông phong

Hoa đào năm ngoái vẫn thắm nở trong gió xuân, riêng bóng người yêu không còn thấy. Dựa vào ý trên, Nguyễn Du đã viết :

Trước sau nào thấy bóng người

Hoa đào năm ngoái còn cười gió đông

hinh nen phong canh mua xuan 9

Đoạn Trường Tân Thanh và Chinh Phụ ngâm còn có những câu khác nói về gió đông :

Vì ai ngăn đón gió đông   ( Đ.T.T.T )

Thưở lâm hành oanh chưa bén liễu

Hỏi ngày về chỉ độ đào bông

Nay đào đã quyến gió đông

Phù dung lại rã bên sông bơ phờ    ( Chinh Phụ ngâm )

Gió đông trong mấy câu trên chính là gió xuân, ngọn gió ấm áp của tình yêu, của đợi chờ.

Truyen kieu2 PhanHongNhanE

Hẳn có người thắc mắc rằng gió đông cũng có thể thổi vào mùa thu. Trong Tam Quốc Chí có chuyện “ Đông phong dữ tiện “, lấy gió đông làm phương tiện. Nhờ gió đông thổi mà Gia Cát Lượng dùng chước hỏa công đốt quân Tào Tháo ở Xích Bich vào giữa tháng 10. Nhưng gió đông ở đây là nhờ Gia Cát Lượng lập đàn mà cầu chứ không phải tự nhiên thổi. Gió đông tuy thổi trái mùa vẫn là gió xuân. Có một điểm đáng chú ý là chữ xuân thường đem đặt cho tên người. Ở San Diego, vùng tôi cư ngụ, may mắn tôi đã quen biết tới 2,3 ông bạn Xuân. Tất nhiên xuân đây là người chứ không phải là mùa xuân, nhưng lấy chữ Xuân đặt tên người là mong người hiền hoà, đẹp đẽ như mùa xuân. Mà thật vậy mấy ông bạn Xuân của tôi ông nào cũng hớn hở vui tươi như cậu Xuân thơ ngây mà phần đông chúng ta đã gặp hồi xửa hồi xưa, trong Quốc văn giáo khoa thư :

Xuân đi học coi người hớn hở

Nhưng không phải ông Xuân nào cũng hiền lành. Đến như ông Xuân Tóc Đỏ thì trời cũng phải kiêng. ( Tôi xin lỗi mấy ông bạn Xuân của tôi. Tuyệt đối tôi không có một ý gì so sánh )

Sau lúc vòng vo “ tam nước “ tôi xin đề cập đến chữ xuân với ý nghĩa hạn hẹp là mùa đầu năm hay liên hệ với mùa đầu năm. Nói là hạn hẹp nhưng đến lúc đem chữ xuân phân tích ra thì mỗi người mỗi ý, người cho thiếu, kẻ bảo thừa. Đồng ý chăng là trong một vài ý niệm phổ thông : mùa xuân là mùa nối tiếp Đông và Hè, mùa ấm áp, trăm hoa đua nở,mùa hi vọng, ước mong và giàu thiện chí.

Trước sự trổi dậy của vạn vật lúc mùa xuân đến biết bao thi sĩ Đông Tây đã tốn thật nhiều mực để ca tụng mùa xuân. Có những nhà thơ như Miên Thẩm ( con vua Minh Mạng ) đã lấy mùa xuân làm đề tài chính cho thơ mình, nhưng đặc biệt muà xuân lại thường đem đến cho ông những nỗi buồn dằng dặc ;

Lạc hoa như mộng liễu như sầu

Dao đảng xuân phong đô bất trú

Tạm dịch :

Hoa rơi ảo mộng, liễu u sầu

Vời vợi gió xuân tan biến mau

Hình như chỉ có ông cùng một số ít nữa cảm thấy buồn lúc xuân đến. Trái lại phần đông các văn nhân thi sĩ khác đều thấy Xuân là mùa của ánh sáng , của màu sắc dịu dàng và kiều diễm. Lý Bạch thấy cỏ xuân như những dòng tơ biếc :

Xuân thảo như bích ti

Nguyễn Du điểm xuyết mùa xuân bằng những câu thật đẹp, không mấy ai không biết đến :

Ngày xuân con én đưa thoi

Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi

Cỏ non xanh tận chân trời

Cành lê trắng điểm một vài bông hoa

Huy Cận thì thấy lòng đầt hoan lạc khi mùa xuân đến :

Xuân gội tràn đầy

Giữa lòng hoan lạc

Trên mình hoa cây...

Sau những ngày thu vàng và mùa đông giá buốt cây cỏ như hồi sinh với muôn nét mỹ miều trong mùa xuân nên xuân cũng thường mang ý nghĩa là tuổi trẻ và sắc đẹp. Một nhà văn Pháp đã ví von  : “ Ôi mùa xuân,tuổi trẻ của năm tháng. Ôi tuổi trẻ, mùa xuân của cuộc đời “ ( Oh !  printemps jeunesse de l’année, oh ! jeunesse printemps de la vie.)

muaxuan voh2
Vương Quang thương tiếc Đạm Tiên, người kỳ nữ tài sắc mệnh bạc, chết lúc còn son trẻ, đã ví nàng như một cành thiên hương gãy giữa muà xuân :

Nửa chừng xuân thoắt gãy cành thiên hương

“ Nửa chừng xuân “ mấy chữ trong Kiều cũng là nhan đề một tập truyện của Khái Hưng, mô tả mối tình dang dở giữa một đôi thanh niên trẻ đẹp Lộc và Mai.

Chữ “ xuân “ có nghĩa là sắc đẹp biểu thị rõ ràng nhất trong mấy câu sau trong Đ.T.T.T :

Ông bà trông mặt cầm tay

Dung quang chẳng khác chi ngày bước ra

Bầy chầy đãi nguyệt dầu hoa

Mười phần xuân có gầy ba bốn phần

“...xuân có gầy ba bốn phần “ nghĩa là vẻ đẹp đã giảm đi nhiều, trông dáng mỏi mệt, vẻ mặt, ánh mắt không còn những nét thanh thoát nhẹ nhàng như núi mùa xuân, làn nước mùa thu :

Làn thu thủy nét xuân sơn

Nhưng xuân , đâu phải chỉ vẻ đẹp bên ngoài. Xuân còn là nỗi lòng đằm thắm hay rạo rực...Những chữ tình xuân, lòng xuân, chén xuân...cũng như gió đông  hay gió xuân đã nói bên trên, thường được dùng để chỉ những tâm cảnh ví như tâm cảnh Kim trọng lúc nghe Thuý Kiều đánh đàn  :

Khúc đâu êm ái xuân tình

.........................................

Lòng xuân phơi phới, chén xuân tàng tàng.

Nhưng có tâm cảnh nào không phức tạp ! Ý nghĩa chữ xuân biểu thị tâm cảnh do đó cũng phức tạp theo. Có thể là những tình cảm đằm thắm nhẹ nhàng nhuần thấm muôn loài, giống như vì bao dung mà Thúy Kiều có thể chiếu cố đến Kim Trọng :

Lượng xuân dầu có hẹp hòi...

Nhưng lòng xuân, tình xuân cũng là những rạo rực, băn khoăn ,những thúc bách đắm say có thể đưa đến sa ngã.

Thử xem ông Chúa xuân trong Cung Oán, tình xuân lai láng :

Cái đêm hôm ấy đêm gì

Bóng gương lồng bóng đồ mi trập trùng

Liều thược dược mơ màng thụy vũ

Đóa hải đường thức ngủ xuân tiêu

Cành xuân hoa chúm chím chào

Gió đông thôi đã cợt đào ghẹo mai.

Nếu nói đó là những đoạn văn kích dục ( porno )thì cũng không sai mấy, nhưng là một thứ kích dục kín đáo gói ghém trong mấy chữ xuân, ý xuân. Ta có thể tìm thấy rất nhiều trường hợp chữ xuân dùng theo ý nghĩa đó trong Kiều cũng như ở nhiều thi phẩm khác xưa và hiện đại. Trong Kiều có những câu :

Mặc người mưa Sở mây Tần

Những mình nào biết có xuân là gì !

Xuân ở đây, nói văn hoa là người tình đồng điệu, nhưng đồng điệu ở phương diện nào, hiểu cho đúng mạch ý mấy chữ mưa Sở, mây Tần ở trước ? Có lẽ chúng ta có được một lời đáp rõ ràng lúc đọc đến đoạn Kiều gặp Từ Hải :

Vinh hoa bỏ lúc phong trần

Chữ tình ngày lại thêm xuân một ngày

Tuy là trai tài gái sắc gặp nhau, nhưng tình yêu giữa Từ Hải và Kiều không phải là một thứ tình yêu không tưởng , “ platonic “. “ Thêm xuân một ngày “  là một ngày một thêm khắng khít về mặt tinh thần và đương nhiên cả về thể xác.

Người chinh phụ của thi hào họ Lý sẽ không tự hỏi :

Đông phong bất tương thức

Hà sự nhập la vi ?

Tạm dịch :

Gió xuân không quen biết

Cớ sao thổi phòng the ?

Và cô con gái trong thơ Hàn Mặc Tử “ đợi gió đông về để lả lơi “ sẽ không

...sợ lang quân ( em ) biết được

để

Nghi ngờ đến cái tiết trinh ( em ).

Nếu gió đông ( gió xuân  ) chỉ là gió đông thuần túy, trong lòng họ không có ý nghĩ khắng khít, ôm ấp, yêu đương. Tôi xin trời đất hãy tha thứ cho Kiều, cho người chinh phụ, cho cô gái trong bài “ Bẽn lẽn “, cho chúng ta nói chung, đã có những ý xuân như trên kia. Trời đất  không tha thì xin mùa xuân đừng bao giờ đến, cả trên vạn vật và trong lòng người.

Sau lúc lan man mãi, tôi vẫn chưa nói hết ý nghĩa của từ xuân. Xin đành nêu ra đây một số từ ngữ xuân khác chưa được đả động đến : “ Ba xuân, buồng xuân, phòng xuân, khóa xuân,xuân mộng, xuân cáo, xuân lan thu cúc...”để xin quí vị định nghĩa giùm.

Và thật là một điều thiếu sót, lúc mùa xuân đến mà không chúc quí vị một mùa xuân vui vẻ và hạnh phúc, Nhưng xin quí vị chớ đừng quên để “ lòng xuân ( quá ) phơi phới, chén xuân ( quá ) tàng tàng”.

Nguyễn Đăng Ngọc