Quảng Nam qua ca dao

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 chua cau hoi an 16E


Đất Quảng Nam chưa mưa đã thấm

Rượu Hồng Đào chưa nhắm đã say

Bạn về đừng ngủ gác tay

Nơi mô nghĩa nặng , ân đầy thì theo

 

Nói đến Quảng Nam người ta thường nghĩ đến vùng đất mở đầu cho cuộc Nam tiến, từ đó làm bàn đạp tiến đến đồng bằng sông Cửu Long. Quảng Nam có các nhà cách mạng, khoa bảng gọi là đất “ Địa Linh Nhân Kiệt “ “ Ngũ Phụng Tề Phi “, góp phần vào xây dựng đất nước, đem lại điểm son lịch sử nước nhà, và cũng là vùng  đất của thi ca, đóng góp vào lâu đài Văn Hóa Dân Tộc. Trong nhân gian ca dao truyền tụng qua câu hò giọng hát, phong phú và lãng mạng. Câu chuyện cô gái hái dâu tại Điện Bàn nhờ tâm hồn văn nghệ lời ca trữ tình , giúp cho nàng bước lên đỉnh cao của danh vọng.

Theo Đại Nam Liệt truyện ghi lại Sãi Vương Nguyễn Phước Nguyên ( 1563 – 1635 ) lúc còn là Thái tử làm Trấn thủ Quảng Nam. Nguyễn Phước Lan con thứ tư của Sãi Vương ( 1601-1648 ) là cháu ngoại của Mạc Kính Điển. Nguyễn Phước Lan đi du thuyền trên sông Thu Bồn trong đêm gió mát trăng thanh, thuyền Thế tử đang lững lờ trôi giữa dòng bỗng nghe tiếng hát giọng ca trong trẻo của cô thôn nữ từ xa vọng lại :

Tai nghe Chúa ngự thuyền rồng

Thiếp thương thân phận má hồng nắng mưa

Thuyền rồng Chúa ngự đi đâu

Thiếp thương phận thiếp hái dâu một mình

Tiếng hát thanh tao giữa đêm trăng nghe hấp dẫn. Thế tử Lan cho thuyền cập vào bờ, nơi đó là bãi đất trồng dâu ở ven sông thuộc gành Điện Châu còn gọi là An Phú Tây thuộc quận Điện Bàn ngày nay. Khi lên bờ Thế tử Lan gặp thiếu nữ 16 xinh đẹp đang đứng hái dâu dưới ánh trăng vàng. Nguyễn Phước Lan đến với nàng , như hai siêu tần số tâm hồn gặp nhau, tình yêu đến thật tình cờ không hẹn ước , phải chăng đó là duyên nợ định mệnh an bài. Sãi Vương cho phép Nguyễn Phước Lan làm lễ thành hôn với nàng “ hái dâu “ là Đoàn Thị Ngọc, con gái thứ ba của quận công Đoàn Công Nhạn quê Điện Bàn.

Thế Tử xin Chúa cho phép nàng được vào hầu trong phủ. Kể từ đó bà trở thành phu nhân Thế tử Nguyễn Phước Lan, nối ngôi Chúa ( 1635- 1648 ) là Công Thượng Vương, bà Đoàn thị Ngọc được Sãi vương sủng ái đưa lên chánh phi, phong Hiếu- Chiêu- Hoàng hậu. Bà trở thành Chính Phu Nhân. Bà sanh ra chúa Hiền Nguyễn Phước Tần ( 1619-1687 ), bà là người công dung ngôn hạnh vẹn toàn nên rất được Chúa sũng ái cũng như được mọi người trong phủ kính yêu. Bà mất năm Tân Sửu ( 1961 ) , lăng bà tại Gò Cốc Hùng, núi Chiêm Sơn, Quảng Nam.

Ca dao là di sản của văn hóa, văn chương bác học của dân tộc Việt Nam là những câu hát bình dân, thông thường trong sinh hoạt xã hội . Được truyền tụng từ đời này sang đời khác , ca dao mang mọi hình thái khác nhau theo thời gian, nói lên tình yêu của tuổi xuân nam nữ, trên cánh đồng lúa trưa hè trong tiếng ve sầu bên cây phượng vĩ, hay nỗi buồn chia tay của tuổi học trò, diễn tả mọi sinh hoạt đời sống, với thiết tha hay tiếng thở dài vì tuyệt vọng, nói lên lòng hiếu thảo của con cái đối với cha mẹ, cảnh tan thương bất mãn  hay lòng hào hùng trong đấu trang dành lại độc lập...Mỗi địa phương có những câu ca dao khác nhau.

Người Quảng Nam tiếp xúc văn minh ngoại quốc, từ thế kỷ 17 Trung Hoa có nền văn hóa lâu đời , ngược lại Tây Phương có tài về khoa học kỹ nghệ, bởi thế không có gì tuyệt đối với việc tiếp xúc học hỏi của người dân Quảng Nam. Tổ tiên khi xưa đặt chân đến nhận vùng đất Chiêm Thành với bản tính can đảm lúc đến lập nghiệp trong vùng đất mới khai phá, thích canh tân tiến bộ trong tinh thần dân chủ, cởi mở thích phát biểu ý kiến  và phải có lý luận rõ ràng. Ai nói điều gì mơ hồ không có dẫn chứng đúng thường bị cãi lại ngay. Cãi trở nên truyền thống của người Quảng Nam, bởi thế ca dao có nói về cá tính trong sinh hoạt xã hội :

Quảng Nam hay cãi, Quảng Ngãi hay lo

Bình Định nằm co, Thừa Thiên ăn hết

Đời sống gia đình, tình yêu mộc mạc của vợ hiền đảm đang việc nhà, dành thì giờ cho chồng yên chí học hành đỗ đạt ra giúp đời, hay hai người chỉ mới yêu nhau nhưng chờ ngày bái tổ vinh qui. Ngày xưa các thí sinh Quảng Nam, phải vượt đèo Ải Vân ra Huế thi trong các kỳ thi do triều đình tổ chức, vác lều chõng ứng thí, nhà giàu đi ngựa, nghèo thì đi bộ có người  gánh phụ hành trang đường xa cách trở. Các chàng trai xứ Quảng ra Huế thi, thấy nàng gái Huế mặc áo dài, mái tóc thề tung bay trong gió nhẹ của sông Hương, đi qua cầu Tràng Tiền sáu vài mười hai nhịp, khác với hình ảh người yêu hay vợ hiền ở quê nhà có thể với cái nhìn ngẩn ngơ :

Học trò trong Quảng ra thi

Thấy cô gái Huế chân đi không đành

Sau này trai Quảng Nam ra Huế học Đại Học không còn ngẩn ngơ, đến nỗi đi không đành ...như các cụ ngày xưa, học xong Đại học đi làm việc khắp nơi, không giới hạn làm quan ở triều đình Huế. Những thành phố Hội An , Đà Nẵng, Tam Kỳ trở nên sầm uất, các nàng xứ Quảng cũng xinh đẹp, văn minh dịu dàng ...nên các chàng sửa lại chữ “ thấy “  ra chữ “ mấy “ . Tình yêu lòng thủy chung thường nhắc đến , dù học hành đỗ đạt làm quan, đừng quên tình yêu ban đầu lưu luyến ấy :

Sáng trăng trải chiếu hai hàng

Bên anh đọc sách bên nàng quay tơ

Quay tơ vẫn giữ mối tơ

Dù năm bảy mối vẫn chờ mối anh

 

Non non, nước nước khơi chừng

Ái ân đôi chữ xin đừng quên nhau

Tình sâu mong trả nghĩa đền

Đừng vui chốn khác mà quên chốn này

Vợ chồng quê ngày ngày bận rộn việc ruộng đồng, ban đêm còn tranh thủ thời gian làm việc nhà, không mong ước gì cao xa ngoài lòng chung thủy :

Đêm hè gió mát, trăng thanh

Em ngồi chẻ lạt cho anh chắp chừng

Lạt chẳng mỏng sao thừng được tốt

Duyên đôi ta đã trót cùng nhau

Trăm năm thề những bạc đầu

Chớ ham phú quí đi cầu trăng hoa

Tình yêu khép kín trong lễ giáo gia đình, tình trong như đã mặt ngoài còn “ e” , nhưng tình yêu của phố Hội An cũng lãng mạng dành cho thi nhân và khách vãng lai :

Ai đi phố Hội, Chùa Cầu

Để thương, để nhớ, để sầu cho ai

Để sầu cho khách vãng lai

Để thương để nhớ cho ai chịu sầu

chua cau hoi an 7

Hội An nơi hẹn hò của các cặp nhân tình trong các mùa làm việc chung với nhau :

Thương nhau chớ quá e dè

Hẹn nhau gặp lại bến cầu Rô Be

Thiếp nói thì chàng phải nghe

Thức khuya, dậy sớm, làm chè 10 ngày 12  xu

Mãn mùa chè , nệm cuốn màn treo

Ta về, bỏ bạn,cheo leo một mình,

Bạn ơi, bạn chớ phiền tình,

Mùa ni không gặp , xin hẹn cùng mùa sau

Lạy trời mưa xuống cho mau

Chè kia ra đọt, trước sau cũng gặp nhau

Tình yêu có thể vượt không gian và thời gian không còn ngăn sông cách núi dù ở đâu cũng có thể tìm đến, ngày xưa thiếu phương tiện giao thông,phải vượt núi đèo tìm đến với người yêu trong đời sống mộc mạc của hoa đồng cỏ nội, hay trên đồi sim tím  :

Đói lòng ăn nửa trái sim

Uống lưng bát nước đi tìm người thương

Thương nhau, mấy núi cũng trèo

Mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua

Khoảng cách không thể so sánh với tình yêu, đường xa cách trở có thể thâu gần lại :

Rằng xa : cửa ngõ cũng xa

Rằng gần: Vĩnh Điện, La Qua cũng gần

Thân phận con gái đi lấy chồng, nhưng hình ảnh sinh hoạt trong gia đình không thể quên dù được sống trong hạnh phúc bên chồng, nhưng đôi lúc chạnh lòng nhớ thương cha mẹ :

Chiều chiều ra đứng ngõ sau

Trông về quê mẹ ruột đau chín chiều

Chiều chiều mây phủ Ải Vân

Chim kêu gành đá, gẫm thân lại buồn

...Chiều chiều mây phủ Sơn Trà

 Lòng ta thương bạn, nước mắt và trộn cơm

Người Quảng Nam tính tình cương trực, nói thẳng, không giấu diếm nỗi lòng, trong tình yêu gia đình, xã hội đạo làm người luôn được tuyệt đối tôn trọng  :

Đối với ai ơn trọng, nghĩa dày

Một hột cơm cũng nhớ

Một gáo nước đầy vẫn chưa quên

Người chồng vì bổn phận đi xa, vợ hiền lo gánh vác việc nhà nuôi con phụng dưỡng mẹ già, giữ lòng thủy chung mong ước ngày đoàn tụ dưới mái ấm gia đình để con có mẹ có cha. Truyền thống đàn bà Việt Nam hy sinh giúp chồng mong làm nên sự nghiệp , vợ khôn ngoan làm quan cho chồng tiễn đưa chồng ra đi không phải là những nụ hôn nồng nàn, nhưng là lời nhắc nhủ :

Anh đi em ở lại nhà

Hai vai gánh vác mẹ già, con thơ

Lầm than bao quản muối dưa

Anh đi ! anh liệu chen chân với đời

 

Đứng bên ni sông ngó qua bên kia sông

Thấy nước xanh như tàu lá

Đứng bên ni Hà Thân, ngó qua Hàn

Thấy phố xá nghinh ngang

Kể từ ngày Tây lại đất Hàn,

Đào sông Cù Nhĩ, tìm vàng Bồng Miêu.

Dặn tấm lòng, ai dỗ cũng đừng xiêu

Ở nuôi Thầy Mẹ, sớm chiều cũng có anh.

Các địa danh Tý Sé, Hòn Kẻm, Đá Dừng nhưng chúng ta chưa một lần bước chân đến đó. Xem lại bản đồ Quảng Nam địa danh trên nằm trên sông Thu Bồn phát xuất từ trên nguồn chảy qua giữa quận Quế Sơn và Đại Lộc, nhưng thuở xa xưa có thể người ta đến đó làm việc, trên sông dưới nước với cảnh khỉ ho cò gáy, nhớ về Mẹlà nhớ về cuội nguồn dân tộc :

Ngó lên Hòn Kẻm, Đá Dừng

Thương cha nhớ mẹ quá chừng bạn ơi

Công ơn sinh thành của cha mẹ cao như trời, rộng như biển, con cái có lòng hiếu thảo đó là nguồn an ủi đối với cha mẹ lúc tuổi già. Nhắc lại tình mẫu tử cao quý, qua kinh nghiệm cuộc sống nhắn gởi ai còn cha mẹ nên giữ lòng hiếu thảo.

Lên non mới biết non cao

Nuôi con mới biết công lao Mẫu từ

 

Công cha như núi Thái Sơn,

Nghĩa mẹ như nước trong nguồn chảy ra

Người mẹ hiền thường răn dạy con gái qua ca dao như thứ luân lý thực hành :

Mình là con gái trong nhà

Hình dung yểu điệu nết na dịu dàng

Khi ăn khi nói chững chàng

Khi ngồi khi đứng bỉ bàng dung nghi

Sống với quê nhà bên lũy tra xanh, trên con đường làng bé nhỏ, hay phải đi xa một phương trời nào, khó có thể quên được quê hương xứ Quảng, kỷ niệm gắn bó cuộc đời, sau năm 1975  làn sóng bỏ nước ra đi tìm tự do, được định cư khắp nơi trên thế giới, hội nhập vào văn minh xứ người, nhưng nỗi lòng người ra đi viễn xứ vẫn canh cánh bên lòng nhớ thương về quê Mẹ, mỗi địa phương mang một đặc thù riêng :

Ai ơi cách trở sơn khê

Nhớ tô Mì Quảng, tình quê mặn nồng

 

Hội An đất hẹp, người đông

Nhân tình thuần hậu là bông đủ màu

 

Hội An bán gấm, bán điều

Kim Bồng bán cải, Trà Nhiêu bán hành

 

Chiêm Sơn , là lụa mỹ miều

Sớm mai mắc cưởi, chiều  chiều bán tơ

 

Chồng em là lái buôn  tiêu

Đi lên đi xuống Trà Nhiêu, Kim Bồng

CayDaChoHoiAn 7E

Cây đa chợ Hội An

Dãy Trường Sơn chạy dọc theo bờ bể từ Nam Ô cho tới Chu Lai phần lớn dân số sống về nông nghiệp và ngư phủ cùng nhau phát triển kinh tế. Các quận trên nguồn như Tiên Phước, Quế Sơn...muốn ăn cá phải mua cá hấp chín, bán vào các buổi chợ sớm, các loại mắm người miền biển gánh lên nguồn đổi lấy ngũ cốc, tùy theo các muà, nhưng loại cá chuồn, người ta hay làm thính hay hấp, cá chuồn nấu với mít non một đặc sản ngon tuyệt vời :

Ai về nhắn với ngọn nguồng

Mít non gởi xuống , cá chuồn gởi lên

CayMit 02
Trái bòn bon bé nhỏ nhưng có hương vị ngọt, ngày xưa khi vua Gia Long hái ăn lúc vượt núi băng ngàn để chống lại nhà Tây Sơn. Khi thống nhất sơn hà 1802,đặt tên trái bòn bon là “ Nam Trân “. Trái măng cụt tại miền Nam tên là “ Giáng Châu “, để nhớ lại lúc thiếu lương thực nhà vua và quân lính thường hái các trái cây trên :

Trái bòn bon trong tròn ngoài méo

Tráo thầu dầu trong héo ngoài tươi

Em thương anh ít nói ít cười

Ôm duyên ngồi đợi chín mười con trăng

Vùng biển cát trắng Nam Ô nằm dưới chân đèo Ải Vân, sản xuất nước mắm ngon không thua gì Phú Quốc hay Phan Thiết. Chúng ta ít nhất một lần ăn với dưa cải muối với nước mắm Nam Ô :

Nói cho lắm cũng nước mắm dưa cải

Nói cho phải cũng dưa cải nước mắm

Tường linh có những vần thơ đi vào văn học :

Đêm Đà Nẵng vọng về cơn gió biển

Bún chợ Chùa thương nước mắm Nam Ô

Quận Hoà Vang giáp Đà Nẵng có bến Đò Xu, ngả ba Hoà Cầm quận lỵ Cẩm Lệ nơi sản xuất nem, tôi không hút thuốc nhưng nghe người ta thường nói nơi nầy nổi tiếng một vùng trồng thuốc thơm ngon, gọi là thuốc lá Cẩm Lệ các vùng Thanh Quít cũng trồng cau, thuốc lá được các ghe thương gia tới mua bán :

Tơ cau thuốc lá đầy ghe

Hội An buôn bán tiếng nghe xa gần

Hội An làm bánh tổ một đặc sản, vùng Tiên Đỏa từ Hương An trở vào cho đến quận Thăng Bình, vùng cát trắng phau thích hợp cho việc trồng khoai lang :

Nem chả Hoà Vang

Bánh tổ Hội an

Khoai lang Tiên Đỏa

Thơm rượu Tam Kỳ

Quận Trà My tại Quảng Nam trồng Quế vỏ nhiều dầu, phẩm chất cao đặc sản nổi tiếng , các nơi khác trồng nhưng có thể xa khí hậu phong thổ chất lượng kém, bởi vậy khó nơi nào sánh bằng :

Quế Trà My thứ cay thứ ngọt

Bởi anh thợ rừng mới lọt tay anh

Phàn du, bạch chỉ rành rành

Cân tiểu ly mới xứng, ngọc liên thành mới cân

Quế sản phẩm như Yến ở Cù lao Chàm nổi tiếng thơm ngon và đắt tiền .

Đầy hàng tháng ngát mùi hương

Sửa quế người xem khá rộn ràng

Số chở hàng năm khôn kể xiết

 Bán xong lại đến lấy thêm hàng ...

Lời ru ngọt ngào của mẹ hiền , tiếng ru à ơi ngọt ngào âm thanh kéo dài, trong những trưa hè nắng gắt, ru cho con giấc ngủ bình yên, liên khúc ca dao trữ tình như lời nhắn nhủ, lớn lên phải khôn ngoan vào đời. Nhờ truyền khẩu nên các bà thuộc lòng các câu ca dao kết hợp thành liên khúc ru con :

Ru con cho thét cho muồi

Để mẹ đi chợ mua vôi ăn trầu

Mua vôi chợ Quán chợ Cầu

Mua cau Nam Phổ mua trầu chợ Dinh ( tuỳ theo mỗi địa phương có thể thay tên chợ )

Công cha nghĩa mẹ chớ quên

Ơn vua lộc nước mong đền con ơi

Như vậy mới gọi rằng trai

Trên lo nghĩa Chúa, dưới mài Thảo thân

 

Con mèo trèo lên cây cau

Hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà

Chú chuột đi chợ đường xa

Mua mắm mua muối giỗ cha chú mèo

Các nàng được ví von như tấm lụa đào đẹp, như những giọt mưa sa trong mỗi dạo xuân về, con gái dịu dàng tha thước, nhưng thân phận so sánh như 12 bến nước trong nhờ đục chịu, tình yêu duyên nợ cột vào với nhau, tình yêu chỉ là giấc mơ cho phương trời viễn mộng ? Ngày xưa chịu ảnh hưởng gia đình “ cha mẹ đặt đâu con ngồi đó “ nhưng có câu “ ép dầu  ai nỡ ép duyên “ :

Thân em như tấm lụa đào

Phất phơ giữa chợ biết vào tay ai ?

Thân em như hạt mưa rào

Hạt sa bãi cát, hạt vào vườn hoa

Thân em như hạt mưa sa

Hạt vào đồng nội, hạt sa vũng lầy

Quảng Nam có những trang Sử oai hùng và bi đát, qua các cuộc đấu tranh chống lại thực dân Pháp. Tinh thần yêu nước hy sinh  của sĩ phu và những người dân quê, họ sống trên cánh đồng lúa bờ dâu, hiền từ chất phát không hận thù. Dưới thời Pháp thuộc bị bóc lột đến tận xương tủy, nên mọi người cùng nắm tay nhau lên đường đấu tranh. Phong trào đấu tranh xin xâu giảm thuế phát xuất tại Quảng Nam, đánh dấu một kỷ nguyên mới dưới thời nô lệ :

Đất Quảng Nam từ năm Bính Ngọ ( 1906 )

Xâu ngũ nhật , công sưu  công ích đường trường làm tội núi cao

Thuế bách phân gia ngũ, gia tam ,đủ ngón vét từng xu nhỏ

Mãi tới xuân này (1908 ) cực đà hết chỗ

Ra Tết trời làm tai biến , hạn hán tiêu khô

Nhiều nơi đất bỏ hoang dân tình đói khổ

Làn sóng đấu tranh nổ lên toàn tỉnh Quảng Nam sau đó kéo dài các tỉnh miền Trung :

Đời ông cho tới đời cha

Đời nào cực khổ như ta đời này

Ngoài đồng cắm cọc giăng giây

Vườn nhà đóng thuế, vợ gầy con khô

Đời xưa thuế một quan năm

Đời nay thuế lại hai đồng bốn giác

Con tay bồng tay dắt

Vợ tay đỡ tay mang

Vui chi mà hát mà mừng

Mua ngày mà ở cầm chừng với Tây

Từ ngày Tây chiếm Đế đô

Xâu cao thuế nặng, biết chừng mô hỡi trời !

Còn lo một nỗi khổ đời

Quan trên ỷ thế nặng lời hiếp dân

***

Kể từ Đồn Nhật kể vô

 Liên Chiểu, Thủy Tú, Nam Ô ,xuống Hàn

 Hà Thân, Quán Cái, Mân Quang

Miếu Bông, Cẩm Lệ là đàng vô ra

Ngó lên chợ Tổng bao xa

Bước qua Phú Thượng , Đại la, Cồn Dầu

Cẩm Sa, Chợ Vải, Câu Lâu

Ngó lên đường cá, thấy cầu Giáp năm

Bây chừ thiếp viếng, chàng thăm

Ở cho trọn nghĩa, cắn tăm nằm chờ.

Thời tiết các năm ấy hạn hán bị mất mùa, thu hoạch ngũ cốc chưa đủ sống nhưng bọn sai nha thâu thuế lấy xâu không nương tay, chỉ muốn thu tiền cho đầy túi dâng bọn thực dân hưởng thụ, bắt dân phu đi làm đường, đào mỏ, sống chết mặc bây. Người dân Quảng Nam không chịu đựng cảnh người bóc lột người của thời nôl ệ, từ đó họ đã biến đau thương thành hành động :

Tháng giêng cho chí tháng hai

Con dân áo rách quần xài đi ra

Mười lăm cho đến ông già

Cơm đùm, ruột tượng , xuống toà lãnh ban

Chức sắc cho chí viên quan 

Nguyễn Quý Đại

( “ Kỷ Yếu Hội Ngộ Phan Châu Trinh -  Hồng Đức”, 30 năm xa xứ,  2005 tại Hải ngoại )