“ Chao ơi cơn gió mùa đông cũ
Còn thổi mưa lên mấy cửa thành “
Nguyễn Bá Trạc
Rời ngôi nhà thân yêu nơi đường Hàng Bè Hà Nội, gia đình tôi vào Huế, cuối năm 1952. Hôm đầu tiên ở đây trời âm u, mưa lâm râm và lạnh buốt . Một ngày điển hình của mùa đông xứ Huế. Song tuổi nhỏ vô tư, tôi chẳng thấy buồn, chỉ nao nức khi được tới một nơi “ lạ”, mà biết đây chính là Quê Ngoại . Niềm hân hoan được trở về chốn cũ của Mẹ tôi như đã chuyền qua tôi .
Giờ nhớ lại thì hình như hôm ấy chẳng phải là một ngày vui lắm đối với cha mẹ tôi ? Không có ai ra đón gia đình ! Từ phi trường Phú Bài ngày xưa, (có lẽ đây là một sân bay heo hút và buồn nhất trong đời tôi từng ghé qua ? ) về thẳng nhà ông cậu, người anh cả của mẹ tôi. Nhằm ngày “ hợp kỵ “ nên đông đủ họ hàng bên ngoại.
Lần đầu tiên gặp, tất cả các anh chị họ lớn như ngạc nhiên trước giọng nói nửa Bắc, nửa Huế cuả mấy chị em tôi ! Càng được thăm hỏi, càng được chú ý, tôi lại thêm bẽn lẽn và cứ níu sát theo chân mẹ.
Chỉ vài tuần sau, Mẹ đã dẫn tôi theo khi vào thăm trường Đồng Khánh, và vui mừng gặp lại vài bà giáo cũ . (Sau đó tôi vào học ở đây, chỉ một niên khóa ngắn ngủi thôi. Ngày nhỏ không để ý điều này lắm, nhưng về sau lại cho tôi cảm giác êm đềm ; có một thời gian tôi cũng từng ngày hai buổi đến “ ngôi trường ngày xưa của mẹ...” )
Từ căn nhà thuê trên đường Đông Ba, con đường phố nhỏ nhưng ồn ào náo nhiệt của thành nội, nơi ông bà Ngoại tôi đến thăm đều đêu mỗi ngày,( để “ nâng đỡ tinh thần” gia đình nhỏ vừa hồi cư ? ) tới căn nhà thuê khác, số...kiệt 3 đường Âm Hồn . Ngôi nhà cổ khiêm tốn khuất sau mấy dãy cây cối um tùm, có cái ngõ đi vào thật dài và hẹp , giữa hai rặng chè tàu xanh biếc . Nơi đây, bao nhiêu buổi tối chị em tôi phải giữ im lặng hoàn toàn lúc cha mẹ theo dõi tin tức của đài BBC. Nhất là thời gian trước hiệp định Genève, khi cuộc chiến Điện Biên Phủ ngày càng thêm khốc liệt. Mấy chục năm dài trôi qua , giờ tôi vẫn còn như thấy rõ lại gương mặt đăm chiêu , thật buồn và nặng trĩu âu lo của cha mẹ tôi ; hầu hết bên Nội vẫn còn ở Bắc trong khi viễn ảnh đất nước chia đôi lại chẳng còn xa !
Không lâu sau đó, gia đình lại thêm một lần dời về căn nhà trên đường Bộ Tham. Đây cũng là thời gian cha mẹ tôi rất yêu thích tiếng hát Cô Minh Trang, qua những ca khúc của Dương Thiệu Tước. Đặc biệt “ Bóng Chiều Xưa “ bố mẹ tôi đã nghe đi nghe lại với đĩa 70 tours trên cái “ tourne disque “ khá cũ của nhà. Nhiều lần quá đến nỗi ngày đó tuy còn nhỏ, tôi đã thuộc hết lời ca và đôi lúc cũng “nghêu ngao” theo !
(Sau này khi đã lớn, mỗi lần nghe Quỳnh Giao thảnh thót qua bài hát cũ, cha mẹ không còn nữa, lòng tôi bùi ngùi tràn ngập nhớ thương)
Cạnh ngôi nhà đầy kỷ niệm này là trường tư thục Bồ Đề nên khi nào cũng văng vẳng tiếng reo vui, cười đùa của đám học trò vọng sang. Nơi đây, gia đình tôi qua gần hai năm êm đềm. Và rời xa Huế từ đây.
Cha tôi là công chức, nên thường cả nhà phải di chuyển theo từ tỉnh này đến tỉnh khác, nhưng chưa một lần người được trở lại làm việc ở Huế .Gia đình chỉ có dịp về chốn cũ trong những chuyến về thăm, thường thường vào độ Hè, sau những mùa thi, hoặc dịp Tết.
Huế, trong ký ức của tôi, là bao hình ảnh buồn vui thật tương phản.
Huế của mùa đông 1953 với trận lụt kinh hoàng khủng khiếp. Huế của lần về thăm vội vàng sau Tết Mậu Thân, xót xa thấy một thành phố tang thương đến ngậm ngùi. Cầu Tràng Tiền bị VC giật sập chưa được sửa lại, và trên những đường phố hay bất cứ ngõ hẽm nào trong thành nội Huế, đâu đâu cũng rải rác bàn thờ vong linh, còn nghi ngút khói hương .
Huế của những ngày vui rộn ràng, cuối tháng chạp với cái lạnh se buốt và dù mưa liên miên , kéo dài suốt ngày này qua ngày khác, nhưng lòng tôi lại vô cùng hân hoan , nao nức được về quê Ngoại “ ăn Tết “.
Huế của những ngày Hè với mùa thi... Tôi trở lại Đồng Khánh lần nữa ở kỳ thi sau cùng của thời trung học. Hôm thi xong môn cuối, buổi chiều tôi thơ thẩn trong sân trường. Giữa Hè , phượng rơi rụng đầy trên khắp lối . Vừa đi tôi vừa nghĩ ,những lối mòn trong sân trường tôi đang bước qua hôm nay cũng đã nhiều lần in dấu chân của Mẹ tôi. Tự nhiên tôi nhớ Mẹ thật nhiều , rồi tự hỏi không biết ngày xưa Mẹ tôi đã vui ra sao, buồn ra sao khi phải đột ngột rời nơi đây, trong một đám cưới chạy tang ?.
Huế của lần về thăm và buổi đi chơi núi vui, để lại kỷ niệm khó quên với mấy anh chị em họ thân thiết. Một dịp tình cờ không hẹn trước mà cùng ở xa về , và cũng là lần đầu tiên tất cả đến núi Kim Phụng.
(Núi Ngự Bình và dòng sông Hương thường được nói đến như những đặc điểm đã làm nên “ Huế Thơ, Huế Mộng “. Còn Kim Phụng ít khi được nhắc nhở tới, là một đỉnh núi cao, về phía tây của Huế, nằm trong dãy giang man bọc lấy cố đô. Kim Phụng tương đối xa Huế và hoang vu nên ít người đến thăm viếng.)
Ngoài ra mỗi dịp về thăm ông bà Ngoại vào mùa Hè, cha mẹ tôi đều cho các con viếng gần hết những thắng cảnh của Huế. Nơi thường ghé qua nhiều nhất là Chùa Thiên Mụ, chỉ cách nhà ngoại tôi, thôn Vạn Xuân, bằng một con sông , đúng ra là một trong nhiều nhánh sông nhỏ cùng đổ ra dòng Hương. Nhớ bao buổi chiều hè êm ả nơi nhà Ngoại , tôi đã bồi hồi đợi lắng nghe tiếng chuông từ chùa Thiên Mụ vang vọng qua.
Sau đó là hầu hết lăng của các vua nhà Nguyễn, ngoại trừ Lăng Gia Long. Các lăng tẩm có lẽ cũng biểu hiện tâm hồn của những vị hoàng đế xưa. Như vua Tự Đức, một vị vua hay chữ , thích làm thơ, có lẽ vì ông mang tâm hồn nghệ sĩ (? ), nên khung cảnh khiêm lăng của ông khá thơ mộng, khoáng đạt và không cầu kỳ như vài lăng khác. Tiếc ngày xưa đó, chúng tôi chưa được viếng lăng Gia Long. Thuở ấy còn chiến tranh, nơi đây không an ninh và muốn đến phải đi thuyền. Vua Gia Long, người sáng lập triều Nguyễn, tôi nghĩ, ông là người có công nhất và chính ông cũng đã hy sinh nhiều nhất trong tất cả vị hoàng đế nhà Nguyễn. Sau này, cảm động khi tìm thấy hình ảnh hai ngôi mộ song song nơi vua Gia Long và hoàng hậu của ông - người vợ đã cùng ông qua bao ngày đầu gian khổ - cùng nằm yên nghỉ trong giấc ngàn thu . Một hình ảnh thật đẹp và quý hiếm đối với các vị vua chúa nước ta ở thời đại xưa .
Nhớ mãi những ngày Hè, hôm nào bà Ngoại tôi đi lễ chùa đều dẫn cho tôi theo. Hình như chẳng nơi nào bên nhà có nhiều chùa như ở Huế ?. Song ngôi chùa nhỏ và thân thiết hơn cả với tôi là Chùa Sư Nữ Diệu Viên . Thường thường mấy bà cháu đi xe đò đậu ở ngoài đường cái, rồi theo một đường nhỏ đi bộ vào chùa. Tôi yêu biết bao con đường đất hẹp và khá ngoằn nghoèo này, mùa hè hai bên đường vô số cây sim và cây “ mâm xôi “ đầy trái chín !
Huế vào hạ, tiết trời thường rất oi nồng, nhất là khoảng tháng 7, hay tháng 8 , nhiều hôm với cái nắng đến“ nám trái bưởi ” ! ( Nhớ có lần tôi lại vô ý quên đem theo mũ, nón, bà Ngoại cho tôi đội một tàu lá sen để che nắng. Ôi chao, cảm giác mát rượi và mùi hương sen thoảng nhẹ dịu dàng, hơn mấy chục năm qua, vẫn như còn phảng phất trong hồn...). Tuy nhiên trong những ngày oi bức ngập nắng, thành phố Huế cũng vẫn giữ được nét đặc biệt nên thơ với hình ảnh các cô học trò Đồng Khánh, lúc tan trường về, từng nhóm tha thướt đi bộ trên cầu Tràng Tiền , hay từng đoàn xe đạp dập dìu như một đàn bướm trắng .
Và có lẽ không đâu nơi quê nhà có những con đường dài rợp bóng phượng như ở Huế . Điển hình nhất là con đường chạy dài từ chân cầu Tràng Tiền dẫn đến hai trường Đồng Khánh và Quốc Học . Vào Hè phượng nở thắm rực một trời, đẹp đến nao nao cả hồn...
oOo
Tôi trở về Huế sau gần bốn mươi năm.
Buổi chiều , đứng bên bờ sông Hương thẩn thờ nhìn quanh thành phố . “Huế bây giờ chẳng còn là Huế ngày xưa nữa ...”, tôi lặng nhủ thầm. Dù Huế có lẽ ít thay đổi nhất so với các thành phố khác bên nhà ? Nhưng, mấy chục năm dài đã qua , có gì mà không thay đổi, ít hay nhiều ? Theo thời gian, theo thời cuộc, cảnh vật cũng như con người, (và ngay cả tình người nữa ! ), sao khỏi đổi thay.
May mắn cho tôi còn được gặp thăm lại người bạn gái ngày nhỏ , và người anh họ thân thiết. Nay anh bước vào tuổi lớn và đã nhớ nhớ, quên quên chen lẫn , sau những năm dài “ học tập “. Ngoài ra chẳng tìm thấy lại được những gì một thuở gần gụi quen thuộc. Nhưng “Huế ngày xưa vẫn còn rõ rệt, và bao giờ cũng đằm thắm trong ký ức của mình “, tôi tự an ủi. Ý nghĩ đó thoa dịu hồn tôi và lòng cảm thấy bớt se sắt đôi chút .
Quê Mẹ quả thật như có điều gì thiêng liêng, vô cùng thương yêu và mãi mãi gắn bó với tâm hồn ...
Hảo Thanh
Tháng 10, 2005