Thương tặng các bạn xưa ở xóm Alma và Beaubien- MTL.
Kỷ niệm những ngày đầu tiên trên xứ Canada
Những đợt nắng vàng tràn lan trên đường vắng. Mùa Hè đã trở về mặc dù cơn gió lạnh đôi lúc vẫn còn thổi qua. Mọi vật như đổi mới và lòng người cũng rộn ràng theo sinh hoạt của xóm nhỏ bắt đầu náo nhiệt.
Tôi dọn đến xóm này trong một ngày đầu tháng Bảy năm trước, nay đã gần một năm qua. Những gương mặt lạ thành quen, những ngõ ngách bụi cây bên đường trở thành thân thuộc. Đầu góc đường là một bụi cỏ xanh, cuối hè ngọn cao đến đầu, nhưng tàn lụi vào cuối thu, và biến mất dưới đống tuyết đồ sộ của bốn tháng đông dài . Đến nay tôi vừa bắt gặp lại những đọt non xanh nhu nhú dưới lớp đất đen vừa sạch tuyết, lòng gợn một chút vui mừng như thấy lại người bạn nhỏ lâu ngày xa cách.
Vào một ngày nắng ấm bỗng nhiên con tôi gạn hỏi :
-Mẹ ơi ! Cái ông chống nạng trước nhà mình sao không thấy ra ngồi hong nắng như năm ngoái nhỉ, ông đi đâu rồi ?
Tôi ngạc nhiên với trí nhớ của con, ô hay, cũng như mình, nó cũng đã in những kỷ niệm vào ký ức. Lòng bùi ngùi, tôi nhớ đến mùa hè năm ngoái, hầu như suốt ngày, ông cụ ngồi trên một ghế xếp đặt ở “ balcon “ tầng hai căn nhà đối diện phòng tôi ở, cặp nạng dựa trên ghế. Luôn luôn mặc áo len dày che kín ngực, ông ngồi bất động, nhìn ngắm đàn trẻ nô đùa bên dưới, theo dõi im lặng sinh hoại náo nhiệt của con lộ nhỏ. Ông là một hiện hữu thường trực, im lặng nhưng quen thuộc với mọi người. Đôi lúc tôi nghe loáng thoáng vài câu chào hỏi của ông với những hàng xóm đi về qua trước ngõ nhà. Và rồi ông ngồi đó mãi đến chiều tối, cô cháu gái đỡ vào nhà.
Suốt mùa đông lạnh giá, vài ba lần tôi bắt gặp khuôn mặt mơ hồ của ông qua khung cửa kính, ông ngồi nhìn tuyết rơi hay đợi ngắm một vài khuôn mặt quen thuộc của lũ trẻ giờ tan trường ?
Một vài lần ông phải đi bịnh viện , để chạy điện cho bệnh tê bại của ông, theo một người hàng xóm thì ông đã bị tê liệt mất nửa người sau một tai nạn xe hơi. Qua cửa sổ, tôi theo dõi từng bước nhọc mệt, khó khăn của ông bước xuống cầu thang lộ thiên đầy tuyết. Cô cháu gái cẩn thận đi kèm và chiếc taxi chờ đợi bên dưới.
Khoảng tháng hai, trời vẫn tuyết nhiều, một hôm tôi nghe tiếng còi xe cứu thương dừng lại trước ngõ, vội chạy ra để kịp thấy người ta đưa ông xuống cầu thang trên chiếc băng ca, tôi thầm cầu nguyện đó chỉ là một chuyến đi bịnh viện hơi bất thường và mong ông sớm trở về. Tôi hẹn thầm mùa hè tới thể nào cũng đem hai đứa nhỏ qua làm quen và trò chuyện cùng ông. Tôi nhớ đến ba tôi rất yêu thương bầy cháu ngoại và nghĩ rằng ông sẽ hài lòng với sự làm quen của mình.
Thế nhưng, ông hàng xóm của tôi đi lần này không trở lại. Ngoài bịnh tê liệt ông còn yếu tim và ra đi vĩnh viễn vì một cơn đau tim nặng.
Và rồi mùa hè trở lại, con phố nhỏ đầy tiếng trẻ cười, hàng cây lá đã xanh và nắng vàng phơi phới, nhưng trên lầu cao, vắng bóng cụ già.
Tôi còn một người bạn già nữa, cùng một cao ốc với tôi nhưng ở tận lầu 3. Mỗi ngày chúng tôi gặp nhau ở cuối cầu thang, chỗ đặt thùng thư vào giờ ông phát thư đi ngang với một túi dết căng phồng.
Mỗi sáng ông xuống lầu, đứng chỗ cánh cửa. Những ngày nắng ấm , ông ra vệ đường đi bách bộ tới lui chờ ông phát thư. Tôi đưa con xuống chờ xe bus đi học và luôn thể lấy thư. Ba tháng đầu chúng tôi chỉ chào nhau bằng tiếng “ bonjour “ hoặc gật đầu , rồi lâu lâu trở thành quen, chúng tôi trao đổi vài câu trời nắng trời mưa, công chuyện làm ăn thường nhật, và về lũ trẻ nhỏ con tôi. Tôi cũng được biết ông là một viên chức chính phủ về hưu, sống an nhàn với vợ, các con đều lập gia đình và ở xa. Điều đau khổ cho ông là có bà vợ mù, gần như mù vì một bịnh đặc biệt, cho đến bây giờ y khoa đành bất lực, nguyên do là một loại sắc tố đặc biệt ăn lan vào màng mắt và ảnh hưởng vào thần kinh não, vì thế bà ở mãi trong phòng, mỗi lần đi ra ngoài phải dùng đến gậy hoặc có người dẫn. Ông rất buồn. Dẫu sao, ông là người hoạt bát và thích chuyện trò. Ông đến ngụ tại khu cao ốc này đã gần 12 năm và hầu như ông quen mặt hết mọi người trong xóm. Ông tâm sự rằng điều làm ông vui nhất là được thư các con ở xa, nhưng độ chừng thư đến không nhiều với ông ngoài những tờ “ chèque “ lương hưu, một vài quảng cáo và sách báo hàng tuần.
Có một lần, ông vui ra mặt, khoe với tôi con ông sẽ về thăm ông bà và ông chờ đợi một cách nóng nảy thư báo tin đích xác ngày con về. Đã hơn hai năm ông không gặp các con. Nhìn ông tôi lại nhớ ba má tôi đã già, đã hơn 3 tôi không về thăm quê mẹ, và biết đến bao giờ tôi mới được trở về thoải mái trên quê hương ? Tôi thầm cầu chúc cho ông láng giềng có những ngày vui đoàn tụ.
Rồi đến các bạn con tôi, bạn Tây, bạn Việt đủ cả. “Tây “ đây là những nhóc Québecois đặc sệt , với những thành ngữ “ lò, lo “phía đuôi, và con tôi cũng đối đáp, chuyện trò với một giọng từa tựa, mỗi lần tôi nói tiếng Tây lũ trẻ lại cười tôi nói không đúng giọng.
Khu phố nhỏ có một ngôi trường công giáo lớp từ mẫu giáo đến lớp 6. Con tôi vì vậy có bạn cùng xóm lại cùng trường. Nhìn chúng nó rủ nhau đi học một bầy lao xao, tôi đỡ lo mỗi khi con tôi đến trường phải băng qua 2 con đường lớn. Năm ngoái trong lớp con tôi còn có mấy cô bạn Việt Nam, năm nay các cháu dọn nhà lại phải đổi trường. Sợ con buồn và quên mất bạn Việt, thỉnh thoảng tôi tổ chức mời các cô bạn cũ trở về chơi suốt buổi vào cuối tuần với các con.
Thôi thì căn phòng nhỏ ầm ầm như buổi chợ trưa, thức ăn, sách vở vất bừa bãi mọi góc. Tôi rút vào sau một bàn nhỏ kê ở góc phòng , viết thư hay đọc sách ; đôi lúc lắng nghe tụi nhỏ nói chuyện với nhau, chẳng nhịn cười được. Chúng nó trao đổi với nhau những lời bắt chước như trong lớp học, một đứa làm cô giáo, ba bốn đứa làm học trò, ban đầu nói tiếng Việt, lâu lâu chen vào một tiếng Québecois. Chết thật, điệu này lũ trẻ lần lần quên mất tiếng Việt rồi đây, tôi tổ chức cho lũ trẻ họp bạn cũng với ý định cho chúng nó nói tiếng Việt với nhau và giữ lại những nét đặc thù của quê mẹ.
Nhưng không thể can thiệp vào giờ phút hào hứng nhất của chúng nó, thôi thì cứ tiếp tục cho lũ trẻ gặp gỡ nhau và tạo tình bạn tốt.
Tôi cũng chả ngồi được yên lâu mà suy tư lẩm cẩm, khi lấy bánh, khi tiếp nước ngọt, đôi khi tôi còn bị lôi ra ngoài làm trọng tài phân xử ! Đứa nào cũng thích làm cô giáo cả, chả đứa nào chịu làm học trò lâu, thế là giận bỏ chơi, con út của tôi mếu máo tìm mách mẹ :
- Mẹ ơi,chả ai cho con làm cô giáo cả. Chị Lan cứ làm cô hoài, không chịu đổi phiên cho con.
Tôi phì cười. Cô bé chỉ mới tròn 5 tuổi vào tuần trước, đi học lớp mẫu giáo được vài tháng nay, mộng cũng to lớn dữ .
Ngày lại ngày, như một cái máy biết suy nghĩ, tôi làm việc, trở về nhà lo lắng mọi việc trong gia đình, bận rộn với những sinh hoạt tầm thường của một gia đình bé nhỏ, lòng xôn xao vui buồn với những thay đổi chung quanh, đôi lúc lẫn lộn giữa hiện tại và kỷ niệm xa xưa...
Tôi sống giữa quê người khép kín, nhỏ nhoi, yên lặng như người thiếu phụ buồn với tâm tư thời trẻ nhỏ, với một quá khứ êm đềm xa tít mù khơi.
Mùa hè đã trở lại, nhìn hàng cây bắt đầu xanh lá, tôi tự nhủ phải có chương trình gì cho lũ nhỏ sắp xa trường đây ?
Lê Thị Bạch Nga
Hè 1978