Đám tang Mẹ xong, Hảo đọc được lá thư ngắn người để lại. “ Thứ sáu, ngày ...”, hai hôm trước khi Mẹ mất. Nét chữ vẫn đẹp , vẫn rõ ràng, tuy không đều đặn như khi Mẹ còn khoẻ. Cầm thư trên tay, những giòng cuối cùng của Mẹ mờ dần, mờ dần trước mắt Hảo ...
Khi biết thời gian còn lại chỉ là ngày một, Mẹ vẫn giữ được sự tĩnh tâm kỳ diệu, bình thản xem điều sắp xảy đến cho mình như một chuyện đương nhiên. Mẹ bảo “ Sống, chết là thường ...”, tuy vẫn thiết tha sống, và còn muốn về nhà mỗi ngày , dù chỉ đôi giờ ngắn ngủi, vội vàng. Dù yếu dần và mệt, nhưng Mẹ vẫn vui khi có người thân vào thăm. Mẹ bao giờ cũng vậy, yên lặng, trầm tĩnh đón nhận mọi hoàn cảnh, suốt cuộc đời.
Những ngày cuối, lạ thật , trông Mẹ không xanh mà lại như trắng ra. Đôi mắt Mẹ vẫn linh động, như ngọn đèn trước khi tắt vụt sáng trở lại . Mẹ còn giữ được vài nét thanh thanh của ngày xa xưa, lại có vẻ vui khi mấy cô y tá lưu ý tới điều đó .
Nhớ mấy tháng sau cùng về thăm , ngồi bên giường cầm tay Mẹ, biết Mẹ đau nhưng vẫn còn đây. Nhưng rồi ý nghĩ “Mẹ chẳng còn bao lâu nữa...” lại đến . Người ta nói chết là hết, hay chết là sự giải thoát cho một kiếp người ... Nhưng với Hảo, không có gì buồn hơn cái chết. Đi xa cách mấy cũng có thể một ngày gặp lại. Những chia lìa tưởng chừng như không bao giờ còn được trông thấy nhau lần nữa, vậy mà vẫn có lúc hội ngộ, vô cùng bất ngờ, như những bất ngờ khác của cuộc đời . Chết tức là vĩnh viễn mất nhau ... Như đọc được ý nghĩ của Hảo, bao lần Mẹ nhắc đi nhắc lại : “ Hảo. ơi, sống chết là thường. Con đừng dại mà buồn. Hảo buồn, Mẹ ra đi không yên tâm...” Rồi như để làm lãng quên, Mẹ gợi lại chuyện ngày Hảo còn nhỏ.
oOo
Mẹ ơi , gần đến ngày giỗ của Mẹ, biết con sắp về nhà, một người bạn cùng trường cũ Phan Châu Trinh gởi cho con bài hát “ Bông Hồng Trắng “. Con nghe và nhớ Mẹ nhiều hơn. Con tin tưởng Mẹ linh thiêng và tình thương giữa mẹ với con khiến Mẹ cũng “ nghe “ được. Con muốn cùng Mẹ nối tiếp câu chuyện Mẹ tỉ tê với con, một trong những buổi sáng cuối cùng của Mẹ ở bịnh viện . Câu chuyện “ ngày xưa “ của hai mẹ con mình đã dừng lại khi có L.P. vào thăm. Mẹ nhớ không ? “ ... hồi đó, Mẹ bồng con từ Tour Chàm ra Thanh ...”.
Con biết Thanh Hoá là nơi Mẹ có thật nhiều kỷ niệm êm đềm . Mẹ thường ôn lại với con, nhất là dạo sau này , mỗi lần con về thăm. Những lúc rãnh rỗi là Mẹ nhắc đến quảng thời gian ở Thanh. Ngày Mẹ còn đi học, bao lần bãi trường Mẹ thường về đây cùng chị em và đám cháu trong nhà, tất cả san sát tuổi nhau, hồn nhiên vui đùa suốt mùa Hè. Rồi ngày Mẹ đã có chồng, có con mà vẫn được ở gần Ông Bà Ngoại. ( Khi con lớn đã có gia đình riêng, đời sống và công việc khiến con phải ở xa cha mẹ hoài, con mới hiểu rõ hơn tại sao Mẹ thương tiếc những tháng năm ở Thanh ).
Thanh Hóa là những hình ảnh vui, buồn tương phản trong trí nhớ của con ngày đó. Từ Linh Cảm , gia đình ra Thanh, những năm đầu con được ở cạnh bên Ngoại. Thanh Hóa của bao tháng năm êm ả nhiều hơn những ngày buồn mãi còn rõ rệt trong ký ức trẻ thơ của con.
Như con chẳng bao giờ quên được lần gia đình rời Thanh Hóa về thành. Thoạt tiên chuyến đi không may mắn. Đêm ấy, chúng ta phải tạm trốn nơi nhà Bác N. Để tránh bị lộ , Ba và L. với hai em ở lại. Mẹ phải đưa M. và con trở về nhà ngay. Quảng đường từ làng Gh. về ấp Tiền Th., Mẹ kể lại, chỉ trên dưới mười cây số ( ? ) nhưng sao ngày nhỏ con thấy như xa lắm. Con nhớ khuya hôm ấy , trăng thật sáng, ( có phải là đêm rằm hay mười sáu không Mẹ ? ), trên những con đường làng vắng hiu, vắng hắt, hình như chỉ có ba mẹ con mình. Mẹ tay bồng M. nhưng vẫn rảo chân, con lúp thúp theo Mẹ. Lúc mỏi và đau chân quá, con gần rưng rức khóc, nhưng vẫn tiếp tục chạy. Có lẽ vì con cảm nhận được sợ hãi của Mẹ trong bàn tay Mẹ thỉnh thoảng bóp chặt tay con, trong tiếng Mẹ thì thầm liên tục “...con giỏi, con gắng giỏi...”.
Đi suốt cả đêm, tới nhà vẫn còn sớm tinh sương. Trời mới hơi tảng, sáng vừa đủ cho Mẹ và con thấy căn nhà như lạ hẳn ; hầu hết đồ đạc đã bị ai dọn mất đêm qua ! Lần đầu tiên trong đời, con thấy sợ hãi thật sự, dù đang có Mẹ bên cạnh.
oOo
Bây giờ con mời Mẹ cùng về Huế với con. Con biết Mẹ cũng yêu thương thành phố Huế vô vàn . Nơi đây Mẹ được sinh ra, lớn lên qua suốt thời con gái, ngày Mẹ còn đi học .Thời gian ở nội trú cạnh “ dì “ Tạ Ph., người bạn thân nhất của Mẹ, gần gụi từ thuở thơ dại tới khi khôn lớn, rồi cho đến tuổi già, dù mỗi người một nơi trên quê người. Những ngày vui một thuở hồn nhiên nơi ngôi trường cũ, những lần “ sorties “ cuối tuần...Ngày lễ “ Hai Bà Trưng”, 194... xa xưa để lại cho Mẹ kỷ niệm khó quên. Nhưng chỉ một thời gian ngắn sau, Mẹ rời nơi đây, bước vào đời sống trăm năm với nhiều vui buồn. Hay những hôm trời oi nồng, Huế vào giữa hạ, Mẹ theo Ông Bà Ngoại xuống ở dưới thuyền, thả trôi êm đềm trên dòng sông Hương. Buổi tối những con đò nhỏ chèo sát đến thuyền bán đủ thức chè . Bao lần trong giọng nói và trong ánh mắt của Mẹ khi kể lại, con như thấy được tất cả những gì vừa vui, vừa buồn, chen lẫn vô vàn thương tiếc...Mẹ cũng nhớ mãi những dịp Tết , lễ Vu Lan, nhất là những ngày Hè thuở nhỏ, Mẹ thường theo Bà Ngoại đi chùa...Bao nhiêu kỷ niệm nho nhỏ, Mẹ còn ôm ấp , nhớ thương rõ rệt từng chi tiết. Và cũng bao nhiêu lần con thấy Mẹ rưng rưng khi kể lại cho con. Thương Mẹ lắm, nhưng không hiểu sao ngày đó con chỉ biết nói lãng qua câu chuyện khác để Mẹ vơi buồn, thay vì ôm lấy Mẹ, nói một lời yêu thương cho Mẹ vui lên. Như Mẹ đã bao lần ghì con vào lòng mà dỗ dành, ngày con còn nhỏ khiến những muộn phiền trẻ thơ của con tan biến nhanh. Và ngay khi con đã lớn, cũng đã bao nhiêu lần Mẹ vẫn ôm con, sẵn sàng chia sẻ nỗi đau thầm kín của con, và cho con an ủi kỳ diệu ở những lúc tinh thần con xuống thấp .
Thời gian sống ở Huế của con rất ngắn , chỉ một vài năm , nhưng qua Mẹ, vẫn cho con tìm thấy nơi thành phố này những gì thật gần gụi Con biết dù ở đâu, khi nào Mẹ cũng vui mừng mỗi lần được trở lại Huế. Và mấy năm gia đình ở Đà Nẵng, nơi đã cho con những ngày tháng khó quên nhất trong đời, đây cũng là thời gian hạnh phúc của Mẹ. Các con tạm lớn, Mẹ có thể về Huế thường xuyên thăm Ông Bà Ngoại, mỗi dịp Tết, mỗi độ Hè , những ngày giỗ chính hay các dịp vui khác của đại gia đình.
Huế còn mãi trong con, Mẹ ơi, cũng là hai hình ảnh vui buồn tương phản. Huế của những ngày vui , dù mưa lê thê. Trong cái se buốt của tháng chạp, và trong nỗi rộn ràng vào những ngày cuối năm, khi Ba Mẹ và chúng con từ Đà Nẵng ra “ ăn Tết “ với Ông Bà Ngoại...Huế của mùa Hè xa xưa, vừa có bảng xong, nơi khuôn vườn mênh mông nhà Ngoại, con qua bao nhiêu buổi trưa thơ thẩn một mình , đọc đi đọc lại cuốn sách nhỏ “ Nhật ký của Anne Frank “, quà nhận được từ A. , người bạn đang ở cách xa con “... cả một đại dương ...”. Những buổi trưa Hè êm ả của một thời mới lớn, bao lần con đã ước mong thời gian ngừng lại ...
Và Huế của những ngày chẳng thể nào quên được. Sau Tết Mậu Thân, con trở lại nơi đây, thấy một thành phố tràn ngập tang thương. Con nghĩ Mẹ chẳng thể cầm được nước mắt khi nhìn “ Huế của Mẹ “ có ngày điêu tàn như vậy.
oOo
Con về lại Huế sau mấy chục năm . Trong vài ngày ngắn ngủi con đã cố gắng tìm gặp thăm được anh Vĩnh Ph. Con biết anh là người cháu Mẹ thương và hay nhắc nhở. Con cũng đi lại gần hết những ngõ đường ở Huế. Bây giờ tất cả như khác lạ, dù Huế có lẽ là thành phố it thay đổi nhất sau gần nửa thế kỷ , từ biến cố đau thương của đất nước, 30 tháng 4, 1975.
Con chẳng còn nhận ra được dấu tích thân thuộc nào của mấy căn nhà trên những con đường xưa. Con ghé qua ngôi trường cũ của Mẹ với ý nghĩ “thăm giùm cho Mẹ “ . Rồi qua Hàng Bè, và ghé lại chùa Thiên Mụ. Từ nơi đây nhìn sang bên kia qua nhánh sông nhỏ, nhưng con chẳng thấy được ngôi nhà và khuôn vườn của Ông Bà Ngoại như thuở xưa nữa. Con nhớ ao ước của Mẹ là được trở về thăm quê hương một lần, nhất là được về thăm Huế, sau ba mươi mấy năm ở xứ người. Tại sao ngày còn khỏe Mẹ đã không đi ?? Ôi chao, có phải vì vậy mà buổi chiều cuối nơi đây, lòng con tự nhiên nao nao...Trời tháng mười lất phất mưa, nhưng vẫn còn chút nắng hiu hắt , vừa đủ cho con chụp được vài tấm ảnh trên cầu Tràng Tiền, và bên bờ sông Hương .
Rời Huế trong chuyến bay sớm mai ngày hôm sau , từ cửa sổ nhỏ của máy bay, con nhìn xuống thành phố. Cảnh vật, nhà cửa từ từ nhỏ và xa dần dần...”Adieu Huế ! Có thể đây là lần cuối ? “, hồn con trĩu nặng... Và khi con viết những dòng này, Mẹ đâu còn cho con mong lần nữa trở lại , để ngày về kể chuyện với Mẹ, như con vẫn thường làm sau mỗi chuyến đi xa.
oOo
Mẹ ơi, con đọc những giòng chữ cuối của Mẹ không biết bao nhiêu lần. Con xin cám ơn Mẹ. Tình thương của Mẹ cho con sẽ là một an ủi êm ái trong những tháng năm còn lại của con. Cũng như nhiều lần Mẹ đã cho con nỗi ấm áp khi biết mình là đứa con gần gụi với Mẹ. Con nhớ Mẹ hay bảo “… Lúc nhỏ con theo Mẹ như cái đuôi ! Ngày ở Linh Cảm , mỗi lần đi đâu Mẹ phải như “ đi trốn “ ! “. Khi con lớn, cũng như lúc đã có gia đình riêng, bao lần con ra vào nhà thương, lần nào từ phòng mổ ra , vừa tỉnh thuốc mê, Mẹ cũng là người đầu tiên con trông thấy. Con chưa hề đền đáp được một chút gì cho Mẹ ! Con nhớ lại những lần về thăm sau này, buổi tối được ngủ với Mẹ, được ôm Mẹ, thủ thỉ chuyện trò với Mẹ trước giấc ngủ cho con nỗi ấm áp trong cảm tưởng như vừa được nhỏ lại...Buổi sáng, Mẹ cho ăn thức này đến thức khác, khi nào Mẹ cũng băn khoăn thấy con như “ gầy “ hơn so với lần gặp trước !
Thương yêu và ưu tư của Mẹ dành cho con từ ngày con còn nhỏ cho đến khi con đã trưởng thành , Mẹ ơi, bây giờ con thật hối tiếc Mẹ không còn cho con được đền đáp lại, dù chỉ trong muôn một phần ơn của Mẹ. Và ngay lúc Mẹ phải đương đầu với lần đi xa đơn độc, buồn tẻ nhất , Mẹ vẫn cố gắng giữ vui để tinh thần của Bố các con không suy sụp. Như buổi sáng ở bịnh viện, khi biết rõ tình trạng của mình chỉ còn ngày một, Mẹ vẫn còn nụ cười trên môi, nắm tay bác sĩ và nói lời cám ơn. Nhớ mãi tờ giấy nhà thương cho để mấy chị em con có thể xin nghỉ bất ngờ : “...Mrs T… is now at our palliative department care. She’s at the very end of her life ...” và câu nói đầy tình người, thật dễ thương về Mẹ của Dr Champagne đã cho con một chút hãnh diện, trong thương đau.
Mẹ ơi, con xin nghe theo lời Mẹ dặn, và hiểu đời sống là một chuổi những ngày vui, ngày buồn nối tiếp nhau , đừng để những gì không vui đã qua vô tình gây muộn phiền , “cho tâm hồn được thanh thản “, như Mẹ thường khuyên bảo. Và bây giờ, quan trọng hơn đối với con , là để hương linh Mẹ, ở một nơi xa xôi nào đó, khỏi bận tâm về con nữa.
Con nhớ và thương Me vô vàn, Mẹ ơi !
Hảo Thanh
Nhớ ngày về giỗ Mẹ, tháng 8, 2009