Mục 1
Bảo Sơn và Video NGƯỜI THẦY
Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc , phương danh của Thầy có nghĩa là viên ngọc sáng và trong chức vụ Hiệu Trưởng Thầy cũng đã là ngọn hải đăng soi chiếu và dẫn đường cho bao nhiêu thế hệ học sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Tuy Thầy ra đi nhưng những lời dạy bảo của thầy vẫn hằng in trong tâm trí của các môn sinh của Thầy trãi khắp các quốc gia trên thế giới.
Video " Người Thầy " được thực hiện với nhiều xúc động để tri ân Thầy Hiệu Trưởng Nguyễn Đăng Ngọc và những " Thầy giáo, Cô giáo" của Trường Trung Học Phan Châu Trinh Đà Nẵng thuở xưa đã góp phần khai sáng trí tuệ và nhân phẩm của "học sinh là người Tổ Quốc mong cho mai sau" dưới chính thể Việt Nam Cọng Hòa
Phan Châu Trinh Đà Nẵng ngày xưa ấy, ngôi trường đã phát triễn Trí Dục, Đức Dục, Thể Dục cho những học sinh được may mắn trúng tuyển theo học và việc giáo huấn của nhà trường dựa trên triết lý giáo dục của chính thể Việt Nam Cộng Hòa là nhân bản, dân tộc, và khai phóng.
Năm xưa, đối diện vối Trường Phan Châu Trinh là Trường Nam Tiểu Học, khoảng cách chỉ là một con đường khoảng mười bước mà thôi nhưng học sinh lớp nhất phải hoàn tất một năm học với chứng chỉ tốt nghiệp Tiểu Học thì mới được thi tuyển vào Đệ Thất Phan Châu Trinh. Nếu không trúng tuyển và không muốn tụt lớp thì theo học tư thục và 4 năm nữa mới được tham dự kỳ thi vào Đệ Tam Phan Châu Trinh mà điều kiện ắt có và tiên khời là ứng viên là phải tốt nghiệp Văn bằngTrung Học Đệ Nhất Cáp do Bộ Giáo Dục VNCH tổ chức hàng năm. Lẽ đó, mang trên áo cái phù hiệu Trung Học Phan Châu Trinh là hãnh diện lớn lao được làm học sinh Phan Châu Trinh .
Trong một cuộc thi tuyển vào trường công lập Phan Châu Trinh , Thầy Hiệu Trường Nguyễn Đăng Ngọc đã ra đề thi : "Các trò hãy bình luận câu nói "Kẻ nào mất của cải là mất nhiều, mất bạn là mất nhiều hơn nữa, nhưng mất can đảm là mất tất cả." ( Diễn Đàn Sinh Hoạt)
Nếu mất đi can đảm, thử hỏi có bao nhiêu Học Sinh Phan Châu Trinh năm xưa đã có thể thoát khỏi địa ngục đỏ Cọng Sản ghê rợn sau ngày 30/4 và nay đã thành nhân và thành danh để hãnh diện "là học sinh Phan Châu Trinh ta tiến bước ..." theo nhạc bản Hiệu Đoàn Ca , nhạc và lời của Thầy Hoàng Bích Sơn.
Lâu lắm rồi, chắc mấy chục năm trước đây, tôi gặp anh DH tại DC, nhắc về trường xưa, anh kể chuyện sau ngày 30 tháng 4, trong cuộc họp mặt của một nhóm nhỏ Học Sinh Phan Châu Trinh Đà Nẵng, bất ngờ có học sinh thuộc phe Giải Phóng đã to tiếng mạt sát những học sinh đồng trường nhưng rất may , có sự hiện diện của Thầy Ngọc, với giọng nói thật cảm động và tình người nhưng đầy thuyết phục, Thầy đã lên tiếng can ngăn kịp thời nên không xảy ra chuyện đáng tiếc...
Tình thầy trò của ngôi trường Phan Châu Trinh năm xưa thật gắn bó sâu đậm cho dầu sau trận cuồng phong lịch sử…
"Những kỷ niệm của cái thời đi học- bạn xưa, thầy cũ, mái trường thân yêu- có lẽ là kỷ niệm êm đềm nhất, hình như có phép huyền diệu vỗ về được những mất mát hoặc làm ấm áp tuổi già hay tuổi về già, nhất là của những tấm thân mất nước long đong trong những ngày tháng tha hương ..."( trìch những dòng giao cảm /Webmaster tiền nhiệm).
Ngôi trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng năm xưa, cả thấy và cả trò khi nhắc đến cơ hồ như nhắc đến cái thiên đường tuổi trẻ mà Thây Hiệu Trưởng đã thật yêu mến và phong chức cho những cô học trò cho những cậu học trò của mình năm xưa nay trường thành là "những người bạn trẻ. " ( Những Người Bạn Trẻ/ Hoàng Nguyễn)
Ôi thật là thương nhớ :
Ngôi trường đó là trong anh nổi nhớ
Là trong em cả tuổi trẻ thiên thần
Là của em một thời ham sách vở
Là của anh những giờ giảng thiên đường”
(Giáo Sư Trần Đại Tăng )
Thay mặt "Một Thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng " http://www.phanchautrinhdanang.com , các môn sinh xin thành thật chia buồn cùng gia đình Thầy Nguyễn Đăng Ngọc và nguyên cầu Hương Linh Thầy sớm về miền Cực Lạc.
Thầy ra đi nhưng âm dung của Thầy vẫn uyển tại.
"Sinh ly tử biệt là như thế
Biết thế mà sao lệ vẫn trào"
(Hải Đà/ PCT)
Thành Kính Phân Ưu
Webmaster baoson99
Mục 2
Những Kỷ Niệm về Thầy Nguyễn Đâng Ngọc
Đan Thanh:
Hồi đó các thầy,các cô đều trẻ măng, chỉ có hai thầy Tần là đứng tuổi. Thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc trẻ mà oai lắm. Thấy thấy đi từ xa, chúng tôi đã giạt ra, cứ y như nước giạt ra cho mũi thuyền lao tới vậy. Bây giờ nhìn tấm ảnh của thầy tôi mới biết, chứ hồi đó tôi có dám nhìn thầy đâu
Tuổi thơ trong sáng và đẹp đẽ quá, bảy năm học dưới mái trường Phan Châu Trinh là quãng thời gian đẹp nhất trong cuộc đời tôi,hay vì sau này đời tôi chìm nhiều hơn nổi nên những kỉ niệm những năm đèn sách ấy luôn ngát thơm trong tôi.
(Nhớ lại buổi đầu đi học/ Đan Thanh )
Phan Thị Thu Hà :
Đầu niên khoá 1962-1963, năm đệ nhị, một sự thay đổi và mất mát lớn đối với trường: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc thuyên chuyển đi nơi khác. Còn nhớ một lần dạy thế ở lớp tôi hai giờ Việt văn, Thầy giảng bài ² Thề Non Nước² của Tản Đà :
² Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non…²
Buổi dạy ngắn ngủi nhưng Thầy đã để lại một ấn tượng đẹp.Và cũng như cả trường, tôi đón nhận tin Thầy đổi đi xa với niềm luyến tiếc.
( Nhớ về Trường Cũ/ Phan Thị Thu Hà)
Châu Yến Loan:
Thầy Nguyễn Đăng Ngọc, bề ngoài trông nghiêm khắc, lạnh lùng, ít nói khiến họcsinh khi giáp mặt thầy ai cũng phải sợ. Thế nhưng thầy lại là người giàu tình cảm, rất quan tâm đến học sinh, sẵn sàng giúp đỡ khi cần.
Tôi còn nhớ năm 1968, sau khi tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm Huế, tôi vào dạy tại trường Nữ Trung học Quảng Ngãi. Lúc bấy giờ thầy Nguyễn Đăng Ngọc làm tại Nha Học Chánh Trung Việt, thầy cùng phái đoàn vào thanh tra các trường TH ở Quảng Ngãi trong đó có trường Nữ Trung Học tôi đang dạy. Gặp thầy tôi chỉ biết vòng tay cúi đầu chào thưa rồi lẹ làng tránh đi nơi khác, không dám tới gần thầy.
Buổi chiều trở lại trường, sau khi dự giờ, kiểm tra, thầy thân mật gọi riêng tôi, ân cần hỏi han về hoàn cảnh gia đình, và dặn dò tôi cố gắng giảng dạy cho tốt, tôi cúi đầu vâng dạ cám ơn thầy. Sau đó thầy cho tôi biết thầy sẽ đề nghị bổ dụng tôi làm Hiệu trưởng trường này. Thấy tôi tỏ ra rất bất ngờ và ngạc nhiên, thầy liền giải thích cho tôi hiểu là cô Hiệu trưởng đương nhiệm chỉ làm tạm thời vì cô mới tốt nghiệp Cao Đẳng sư phạm, chưa đạt yêu cầu, nhưng vì thiếu nhân sự nên cô bị bắt cóc làm Hiệu trưởng, còn các giáo viên Đệ Nhị Cấp toàn là nam giới, trường đang cần một nữ giáo viên tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm có năng lực để giữ chức vụ này, hiện tại trường chỉ có tôi đủ điều kiện.
Tôi rất biết ơn thầy nhưng thực lòng tôi không muốn xa gia đình mà chỉ xin thầy giúp đỡ cho tôi được chuyển về Huế vì lúc đó anh Dũng – chồng tôi -đang dạy tại trường Quốc học. Thầy đem những điều hơn lẽ thiệt phân tích để thuyết phục tôi, thầy nói đây là cơ hội hiếm có, nhiều người ước muốn mà không được, thầy rất mong các cựu học sinh Phan Châu Trinh của thầy luôn cố gắng vươn lên trong ngành nghề, tiếp bước con đường thầy đã đi, nhưng tôi là người không ham chức vụ, chỉ muốn sống một cuộc sống yên ổn, bình thường nên tôi cứ một mực năn nỉ thầy cho tôi về Huế.
Sau khi tạm biệt thầy, tôi không nhận được tin tức gì nữa, tôi cứ tưởng việc đã chìm xuồng, vì tôi không đáp ứng được điều thầy mong mỏi; nào ngờ đến cuối Đệ Nhất lục cá nguyệt năm ấy, tôi nhận được quyết định thuyên chuyển về trường Đồng Khánh với ưu tiên một “vợ theo chồng”. Cầm tờ Sự Vụ lệnh trong tay tôi sung sướng, ngỡ ngàng không biết là mình mơ hay thật. Tôi thầm cám ơn thầy Nguyễn Đăng Ngọc đã hiểu được nguyện vọng của tôi và giúp tôi được sum họp với chồng.
( Nhớ Thày Hiệu Trưởng của Châu Yến Loan:)
Vũ Nguyên Hồng :
Vào khỏang năm 1954, Ecole Primaire Francaise de Tourane được giao lại cho Trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng. Thoạt đầu, những phòng ốc được dùng làm phòng thí nghiệm hay chỉ dành cho những lớp vẽ toán, rồi sau này một phần được sửa đổi lại thành nhà ở dành cho hiệu trưởng.
Một vị hiệu trưởng lúc ấy của trường Phan Châu Trinh mà tôi nhớ mãi, giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc. Thỉnh thoảng ông Hiệu trưởng Ngọc, buổi trưa đánh bóng bàn với học trò của ông, trong đám học trò đó, có cả cậu D., con trai của ông. Cậu thư sinh D. này hiền lành, mảnh khảnh, da trắng, lên đại học tốt nghiệp bác sĩ y khoa nhưng bất hạnh thay, trong cuộc đổi đời 30/4/1975 đã chết trong trại tù cải tạo dưới tay quản lý ác độc của Cọng Sản.
Giáo sư Nguyễn Đăng Ngọc được học trò coi như vị cha hiền lành và nghiêm minh. Những hôm trời mưa gió, có bão về, trường đóng cửa, ông hiệu trưởng Ngọc đi kiểm soát quanh trường, ra lệnh dõng dạc, ngắn ngọn "phải về nhà ngay" cho những cậu học trò còn mãi mê đuổi bắt những con chim bói cá trên bãi cát trắng đọng nước trong sân trường với vô số cánh chuồn chuồn lượn bay cao thấp…
(Chuyện Một Thời Đà Nẵng/ Vũ Nguyên Hồng )
YLA Lê Khác Ngọc Quỳnh:
Tôi rụt rè bước vào phòng Hiệu trưởng. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc nhìn tôi trong áo lụa trắng học trò, tóc dài mượt đen được làm gọn đằng sau bằng chiếc kẹp đồi mồi màu nâu. Thầy hiền từ cho phép tôi ngồi chiếc ghế trước bàn Hiệu trưởng. Hơi mỉm cười, thầy bảo:
-Cô giáo trẻ quá!
Không nhìn thấy sự lo lắng của tôi, thầy tiếp:
-Học trò ở đây từ các vùng mới tiếp thu …nên học chậm, lớn lắm, dạn dĩ, nghịch ngợm, sợ cô giáo trẻ không điều khiển nổi. Cô N. N trước đây khóc đó!
Sợ ông Hiệu trưởng nghi ngờ khả năng, tôi bối rối tìm cách bênh vực quyết định của mình. Ông hiệu trưỏng còn trẻ như các thầy tôi nhưng tôi không xưng “con” như ở trường mà làm cho mình “lớn” hơn một chút, tôi lễ phép thưa:
-Thưa ông cho cháu dạy thử, quả thực không được thì…
Thầy Ngọc nhìn sự vụ lệnh bổ nhiệm của Nha Giáo dục và hồ sơ của tôi trước mặt. Thầy ôn tồn bảo:
-Có cách chi …Cô phải có bề ngoài người lớn hơn một chút nữa.
Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, thầy tiếp:
-Ví dụ như cô đừng để tóc kẹp …học trò quá, trẻ quá không được.
Biết “khuyết điểm” vì dáng dấp học trò của mình, tôi vẫn quả quyết:
-Cháu sẽ cố gắng, xin ông cho cháu dạy thử. Cháu tin là có thể dạy được.
Thầy Ngọc nhìn tôi, hiền từ mỉm cười cho quyết định:
-Chị chuẩn bị, mùa tựu trường năm nay chị trở lại nhận việc. Tôi sẽ gởi thời khóa biẻu về sau. Chị dạy Anh, Pháp văn và Việt văn đều được phải không?
Tôi mừng rỡ cám ơn và chạy vội ra cửa báo tin cho mẹ.
( Bài Viết Của YLA Lê Khác Ngọc QuỳnhCanada, chớm thu năm 2002)
.........................
Mục 3
Văn Dĩ Tải Đạo
Mời đọc một số bài của Thầy Nguyễn Đãng Ngọc còn lưu trữ trên Một Thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng :
3/ Tĩnh Lặng
5/ Vui Buồn Với Trường Cũ - MTPCT
6/ Vữa
7.Tinh Thần Dân Chủ và Ý Thức Giá Trị Con Người về Thời Nhà Trần
Mục 4
Mừng Đại Thọ 90 năm Thầy Nguyễn Đăng Ngọc
tại San Diego ngày 28 tháng 12 năm 2013
(Photo by Nguyen Dang Nam)
(xìn bấm vào hình để xem tập ảnh. Cám ơn. Baoson99 )