Về Hai Người Thầy Của Trường Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

(Trình bày trong Đại Hội ngày  5-7-2009)

Kính thưa Quý Thầy Cô

Cùng các bạn Đồng môn thân quý,

Trong buổi gặp mặt hôm nay bên cạnh hoài niệm nhắc nhở cựu học sinh Phan Châu Trinh , chúng ta nhận thấy ra một điều kỳ diệu rất đổi cảm động và đáng tự hào ...Bởi từ mái trường ấy đã có những Thầy, Cô hiện thân nơi lớp học trong cuộc sống những nhân cách cao quý của một thế hệ Người Dạy Học, mà nay sau hơn 30 năm sau 1975 , chúng ta có thể khẳng định mà không sợ phần chủ quan quá độ .

Đã có một lần nơi Miền Nam ở Việt Nam hằng hiện diện một tầng lớp những nhà giáo dục hiện thực qua nhiều thế hệ Người Thầy kiến tạo nên cho xã hội những Học Trò biết sống xứng đáng với phẩm giá cao quý Con Người .

Thế nên , nhân buổi lễ này chúng tôi xin được nhắc nhở danh tính tôn quý của hai Người Thầy từng có mặt trên bục giảng của Trường Phan Châu Trinh và đã tạo dựng nên những học trò tốt, xứng đáng với danh hiệu của ngôi trường mang tên Nhà Cách Mạng Lớn của Dân Tộc Việt – Phan Châu Trinh, mà đến thế kỷ 21 này với tình hình của Việt Nam hiện tại, lý tưởng chủ đạo và phương thức hành động của Người vẫn còn nguyên giá trị trong thực tế lẫn lý luận .

Trước tiên là  Thầy Trần Đình Quân , Giáo Sư Phan Châu Trinh , Trưởng Đoàn Du Ca Đà Nẵng suốt một thời gian dài từ  1961 trong những ngày quê nhà vọng tràn tiếng súng , và lòng người luôn nặng chĩu băn khoăn cho đến 30 tháng 4 , 1975 . Thầy , trò , cùng ngôi trường một lần hứng chịu cảnh nổi trôi .

GiaoSu TranDinhQuan

Thầy Trần Đình Quân mất đi sau cơn bạo bệnh kéo dài suốt một thập niên  (1993 – 2003) tại Nam Cali . Nhưng sau lần trở về nơi chốn vĩnh hằng , Thầy đã để lại cho những người học sinh Phan Châu Trinh nơi hải ngoại cũng như ở trong nước , mối xót xa của một tấm lòng luôn thao thức cùng vận nước và Nỗi Đau Nhân Sinh  như câu hát của Lý Văn Chương , một học sinh Phan Châu Trinh trước mộ huyệt của Người Thầy , cũng là Người Anh ( với nghĩa cao qúy đầy đủ nhất ) : “ Anh đã dạy cho tôi nỗi Đau của Con Người...Ta vẫn còn có nhau trong đời bởi hằng nhớ đến nhau ...”

Thầy Trần Đình Quân , Giáo sư Phan Châu Trinh vẫn sống mãi với chúng ta như Khúc Tình Ca Xứ Huế hằng âm vọng như sông nước quê hương ...Như câu hát luôn sáng ngời niềm lạc quan hi vọng dẫu cuộc sống đầy dẫy bao điều đắng cay ...

Hát là để cho đời không phải hát để quên đời ...Quê hương ta còn đó với bao nhục nhằn...Trên quê hương dù cho tan nát điêu tàn...Chúng ta vẫn hát để cho đời không phải là để quên đời ...”

Người Thầy thứ hai là Nữ Giáo Sư có thể danh là Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh  cũng là Ni Sư Pháp danh Tâm Hỷ , Pháp hiệu Thích Nữ Trí Hải . Nữ Giáo Sư  Phùng Khánh xuất thân từ một danh gia vọng tộc nhiều đời thâm tín Phật Giáo . Thân phụ là Cụ Nguyễn Phước Ưng Thiều , thuộc Phủ Tuy Lý Vương , dòng Vua Minh Mạng .

   

Ni truong tri hai 2Công Tằng Tôn Nữ Phùng Khánh (ngoài cùng bên trái) và gia đình

Ni truong tri hai Chandung

Giáo Sư là con thứ năm trong gia đình có sáu anh em . Bởi có túc duyên sâu xa đối với Phật Pháp nên lúc còn là thai nhi ba tháng , Giáo Sư đã được sớm Quy Y Tam Bảo với Đức Đệ Nhất Tăng Thống Thích Tịnh Khiết .

Từ buổi thiếu thời vào những ngày đang học bậc trung học , Giáo Sư với thiên tư thông tuệ tài hoa , phẩm cách thanh cao đã nuôi chí xuất gia giữa tuổi hoa niên . Dẫu đã muốn mau chóng trở thành đệ tử nhà Phật , nhưng có lẽ do từ một cơ duyên tốt lành , Trường Phan Châu Trinh đã được hân hạnh đón Người vào lớp học sau khi Giáo Sư tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm .

Năm 1964  Giáo Sư quyết dứt trần duyên , cắt tóc xanh rời trường học xuất gia tại Chùa Hồng Ân , Huế . Năm 1970 Giáo Sư Phùng Khánh nay là Ni Sư Trí Hải thọ giới Tỳ kheo Ni và Bồ Tát Giới tại Đại Giới Đàn Vĩnh Gia tổ chức tại Đà Nẵng .

Ngoài những hoạt động giáo dục hoằng pháp , Giáo Sư Ni sư còn dành nhiều thì giờ cho việc phiên dịch , biên soạn và in ấn kinh điển để giúp Tăng Ni , Phật Tử có thêm tài liệu nghiên cứu , học tập mà tổng số lên đến cả trăm tác phẩm .

Đặc biệt nổi tiếng là những bản dịch của các danh tác Câu Chuyện Dòng Sông của Đại văn hào Hermann Hesse, Ghandi Tự Truyện , Câu Chuyện Triết Học , Thanh Tịnh Đạo Luận , Tụng Thư Sống Chết , Giải Thoát Trong Lòng Tay ...

Không những chỉ tham gia vào sự nghiệp văn hóa , giáo dục , cuộc đời Giáo Sư Ni Sư gắn bó mật thiết với thân phận của đồng bào nghèo khó , khổ đau khắp mọi miền đất nước , nhất là sau năm 1975  ở Việt Nam . Sau cuộc đổi đời xả thân với Đạo Pháp Cuộc Sống và Nhân Sinh , vào năm 2003 Người lâm đại nạn trên đường đi cứu trợ đồng bào nghèo , hưởng thọ 66  tuổi đời như một đóa Ưu Đàm ngát hương chợt bị bão tố vô thường cuốn đi vào cõi vô cùng .

Nữ Giáo Sư Phan Châu Trinh , Ni Sư trí Hải với một công nghiệp vĩ đại , quả là một danh tính rạng ngời cao quý mà người học trò Trường Phan hôm nay có thể nhắc lại với cảm xúc hãnh diện : Giáo Sư Phùng Khánh , Ni Sư Trí Hải là Cô Giáo của trường chúng tôi .

Phan Nhật Nam