Từ Hồ Léman Đến Bờ Sông Bến Ngự

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 Ho Leman02

Ben Ngu03

               Mưa tầm tả vừa dứt. Trời đầu Thu lành lạnh. Trên con đường nhựa loang lổ từ trường Nguyễn Hoàng đến bờ sông Thạch Hãn ( Quảng Trị ) , nước mưa đọng lại thành vũng hay rỉ rả đổ xuống hai bên đường. Một ông già chít khăn đóng chữ nhân, áo dài đen thẳng nếp, quần trắng, giày “ bottine “ đen láng, khoác chiếc “ pelerine “ dạ cũng màu đen, vẻ quắc thước, đang đi về phía sông. Bước đi chắc chắn, ông tránh né những vũng nước nhanh nhẹn, khác thường so với tuổi tác

               Người ta bảo đó là ông Võ Thành Minh. Nhưng tôi không tin và tự hỏi : Có phải đó là Võ Thành Minh tôi từng quen 20 năm về trước ? Ông Minh tôi biết quê ở tận Chợ Si, Yên Thành, Nghệ An. Trong ký ức của tôi đó là một người táo bạo, gân guốc, tóc cắt ngắn, nước da ngăm đen với chiếc mô -tô to tướng, cũ kỷ...Dù có đổi thay nhưng cốt cách, phong thái này, không thể là Võ Thành Minh ấy. Vả lại theo chỗ tôi biết thì ông Minh đã ra nước ngoài từ lâu.

               Nghi ngờ nên tôi quyết định hỏi xem. Rảo bước đến gần sau lưng ông già tôi nhẹ nhàng gọi :

               - Dã Mã ! ( 1 )

Ông già quay lại, ngạc nhiên, nhìn tôi ôn tồn hỏi : - “ Em là ai mà biết tôi ? “

Thôi đúng là Võ Thành Minh. Quên việc mình không nhớ tới người quen cũ, tôi hỏi ngớ ngẩn :

               - Anh quên rồi sao ? Trước kia em dạy ở trường quốc học Vinh. Một đêm trăng sáng từng cùng anh nằm ngoài trời, bàn về chuyện hoạt động hướng đạo sau 45.

               - Ngọc  ! đoàn trưởng đoàn Nguyễn Xí, đoàn hướng đạo duy nhất còn lại ở Nghệ An lúc bấy giờ  ! Trông em khác hẳn đi, trước kia trắng trẻo, xinh xắn hơn..., anh hóm hỉnh nói  tiếp.

               - Cám ơn anh còn nhớ, nhưng 20 năm qua rồi !

Thế là từ đó tôi lại tiếp tục giao thiệp với anh Võ Thành  Minh. Người bạn vong niên ấy ngày nay không còn nữa nhưng hình ảnh con người ôm ấp một lý tưởng cao đẹp “ yêu nước “ thiết tha, nhiệt thành muốn “ giúp ích “ cho đồng bào như châm ngôn hướng đạo đã vạch ra, còn mãi dấu ấn sâu đậm trong tôi.

               Ông Võ Thành Minh xuất thân từ một gia đình Nho gíáo, nhà ở cạnh Chợ Si, huyện Yên Thành, tỉnh Nghệ An, như đã nói bên trên. Lúc nhỏ, ông học chữ Nho với thân phụ rồi theo học chữ Pháp. Sau lúc đỗ Thành chung ông dạy học ở trường tư thục Hồng Lạc, Huế một thời gian rồi về Vinh tiếp tục dạy học, làm báo và hoạt động hướng đạo.

               Anh Minh gia nhập hướng đạo rất sớm, trước cả ông Tạ Quang Bửu, cùng lớp với các ông Nguyễn Hy Đơn ở miền Trung và sau  ông Hoàng Đạo Thúy ở Bắc không bao lâu. Anh là một tráng sinh đã “ lên đường “ , có tên rừng là “ Dã Mã “ ( 1 ). Tráng đòan Hồng Lam ( Hồng Lĩnh và Lam giang  ) anh hướng dẫn ở Vinh là một tráng đoàn hướng đạo nổi tiếng ở miền Trung. Anh cũng là một trong những ủy viên tổ chức trại Họp bạn Hướng đạo toàn quốc rất thành công ở Rừng Thông Từ Hiếu, Huế, vào năm 1940. Sau cuộc họp bạn đó tinh thần hướng đạo lên rất cao thể hiện đặc biệt trong tinh thần yêu nước chân chính. Chủ yếu họ không chịu để tinh thần “ Phục hưng quốc gia “ của Pétain lung lạc và hăng hái dấn thân vào công việc từ thiện để cứu giúp đồng bào càng ngày càng cơ cực với cao điểm là nạn đói khủng khiếp ở Bắc và ở Trung trong thời gian 44 – 45.

               Nói đúng ra hướng đạo không phải là một đoàn thể chính trị nên ảnh hưởng trong quần chúng không rộng rãi, nhưng phong trào ấy đã khơi dậy được lòng yêu nước và ý thức dân tộc độc lập cho một số đông thanh nhiên và học sinh ở thành thị

               Trời vừa sáng, tuổi hai mươi, đất vẫn tươi ! Máu anh hùng !

               Tìm đường sống ...! Tìm đường sống...!

Đó là câu hát phổ biến của hướng đạo và cũng của đa số thanh niên lúc bấy giờ. Không chịu đựng được sự đô hộ khe khắc của Pháp và Nhật họ cương quyết đi tìm một cuộc sống tự cường và tự do.

               Về mặt từ thiện, những bàn tay nhỏ bé không ngăn chận được thác lũ nhưng những cố gắng của anh em hướng đạo đã giúp cho nhiều gia đình kéo dài sự cầm cự với cơn đói ngặt nghèo và có lúc nhờ vào đó  mà sống sót. Trong việc cứu giúp những người nghèo đói anh Võ Thành Minh có kể lại cho tôi nghe một chuyện rất cảm động : Một sáng sớm trên đường về nhà sau buổi tập thể dục anh đã gặp một chiếc xe bò của Sở Vệ sinh thành phố đang chở đầy xác chết đi chôn. Lúc đi qua chiếc xe, ngoảnh nhìn lại anh thấy như có một đôi mắt còn long lanh đang theo dõi anh. Đi vòng lại, anh yêu cầu người phu xe tạm dừng xe. Tìm trong đống xác qủa có một em bé chừng  9, 10 tuổi còn ngắt ngoải. Anh đem đứa bé đó về nhà săn sóc. Sống cùng anh một thời gian nó khỏe lại rồi sau đó tìm về với gia đình.

               Năm 1947 sau lúc thành phố Vinh bị triệt phá theo chính sách tiêu thổ kháng chiến của Việt Cộng, anh về sống tại quê nhà. Cuộc sống của anh bắt đầu có nhiều biến động từ đây.

               Về quê chẳng bao lâu, không rõ vì lý do gì anh bị Ủy ban Hành chánh huyện Yên Thành bắt giam tại huyện. Theo lời anh kể lại thì một sáng sớm mấy tên du kích phụ trách canh tù đã thì thầm lúc đi qua phòng anh : “ Đêm nay cho thằng này tắm “. Linh tính cũng như thực tế cho anh biết sẽ chuyện chẳng lành. Anh suy nghĩ thật lung , tìm cách đào thóat.

               Nhà cửa ở vùng Yên Thành  phần lớn xây bằng đá ong, một loại đất màu đỏ, mềm lúc còn nằm dưới đất nhưng rắn lại khi ra ngoài trời. Dân địa phương thường tìm những hầm đá ong, chắn thành khối hình chữ nhật, đem phơi khô dùng xây tường với một thứ vữa không có gì chắc chắn, đặc biệt lúc bị ngấm nước. Anh Minh hiểu rõ tính chất của đá ong  nên từ sáng hôm ấy, sau khi nghe hai du kích nói, anh đã nhịn không dùng khẩu phần nước được cấp hàng ngày. Ngay nước tiểu anh cũng tìm cách giữ lại trong cái gáo dùng cho phạm nhân làm vệ sinh về đêm. Anh kín đáo cho nước dần dần thấm vào vữa quanh một viên đá để viên đá long ra tuy vẫn nằm nguyên tại chỗ. Tối hôm ấy, sau lúc nhà giam tắt đèn, anh vờ ngủ thật say. Chờ bọn du kích đi khám xét lần cuối xong, anh lấy gối chăn và quần áo xếp thành hình người như đang ngủ. Nghe ngóng thật kỷ, anh nhẹ nhàng tháo viên đá ong đã long, rồi tháo tiếp thêm ít viên nữa vừa đủ chỗ để chui ra .

              Thoát khỏi nhà giam anh định về gia đình lẫn trốn, nhưng nghĩ du kích sau lúc phát giác thế nào cũng  đến nhà tìm kiếm, nên anh lại thôi. May mắn nhặt được cái “ oi “ ( giỏ ) cá bên đường, anh cải trang thành người nông dân đi bắt ếch rồi nương theo đồng ruộng chạy ngược về Đồ Lương. Yên Thành cách Đồ Lương non 30 cây số nên lúc gần Đồ Lương trời đã tang tảng sáng. Biết thế nào cũng lộ tông tích, anh đã táo bạo quyết định : Đến ngay thẳng nhà ông Chủ tịch Ủy ban hành chánh huyện Đồ Lương để trình diện. Sỡ dĩ anh có quyết định này vì ông Lục, chủ tịch huyện Anh Sơn lúc bấy giờ nguyên là một huynh trưởng hướng đạo. Ông Lục tất nhiên không che dấu được và sẽ phải giao anh cho Ủy ban tỉnh. Trường hợp anh bị bắt giam như vậy được công khai hóa và phải được đem ra xét xử rõ ràng. Đúng anh dự liệu, ông Lục đã gải giao anh cho Ủy ban tỉnh. Vốn được nhiều giới trong tỉnh biết với lại chẳng có bằng cớ gì để buộc tội, Ủy ban tỉnh đàng phải thả và cấp giấy phép cho anh trở lại sinh sống ở quê qúan, một hình thức để đe dọa vừa kiềm chế chặt chẽ.

               Biết không thể kéo dài cuộc sống  nguy hiểm ấy nên năm 1948  nhân có họp bạn tráng sinh ở Rừng Thông Hoàng Mai  (  giữa Nghệ An và Thanh Hóa ) anh đã xin phép đi dự họp rồi tìm cách lánh vào vùng quốc gia. Cuộc họp này do ông Bạch văn Quế, huynh trưởng hướng đạo cũ và đương kim Ủy viên thanh niên trong Ủy ban hành chánh liên khu 4, triệu tập nhằm mục đích giải tán phong trào Hướng Đạo và đặt các huynh trưởng, những người có nhiều kinh nghiệm điều khiển thanh, thiếu niên, dưới tay Cộng Sản.

               Sau lúc vào vùng quốc gia, anh trở lại Huế sống một thời gian. Tại đây lấy tư cách là Ủy viên  Hướng đạo  miền anh đã triệu tập một cuộc họp tráng sinh, thảo luận về tình hình đất nước nhằm xác định thái độ của người thanh niên trước thời cuộc. Vì khuynh hướng chính trị khác nhau cuộc họp không đưa đến kết qủa.

              Nhận thấy miền Cộng Sản không phải là nơi có thể thực hiện chí nguyện yêu nước và vùng quốc gia với  sự hiện diện của quân đội viễn chinh Pháp , triển vọng  một Việt Nam độc lập thật khó khăn và xa vời, anh vận động đi sang Âu Châu. Từ bên ngoài hi vọng nhìn rõ tình hình đất nước hơn anh ước mong có thể dựa vào các lực lượng dân chủ và tiến bộ thật sự, vận động một tiến trình hoà bình cho quê hương hầu tránh khỏi chiến tranh tương tàn.

               Nghe anh nói chuyện tôi thông cảm với lòng nhiệt thành nhưng vẫn nghi ngờ về lập trường của anh. Có phải anh có khuynh hướng thân Pháp không ? Vì sự nghi ngờ này có lần tôi đã thẳng thắn hỏi anh : - Trong tình thế khó khăn lúc bấy giờ  làm sao anh có thể đi ra nước ngoài được và lấy gì để sinh sống ?

             Đáp lại anh cho biết : - Đúng, khó khăn  ! Về việc đi Pháp anh phải nhờ anh Niedrich ( 2 ) can thiệp, nhưng sau lúc sang Pháp anh đã đi Thụy Sĩ và ở bên ấy. Anh không nhận tiền bạc của bất cớ một người hay một tổ chức nào. Sống nhờ chính vào sức mình bằng cách đổi công như đi cắt cỏ cho các tư gia, hái qủa ở các nông trại và cũng nhờ dịch một số tài liệu Hán văn cho một vài trường Đại học ...Lúc đau ốm thì tự chữa lấy là chính, bằng cách tĩnh dưỡng và tập trung nghị lực.

               Tôi không tin vào lời anh nói cho lắm, nhưng sau này lúc hiểu rõ hơn lề lối sinh hoạt ở nước ngoài, một cuộc sống như anh không phải không thể thực hiện được. Nhiều người hiện nay theo chỗ tôi biết, cũng có lối sống như anh.

               Năm 1954 đại diện của hai chính  thể Việt Nam, quốc gia và cộng sản, cùng đại diện các cường quốc Pháp. Mỹ,Anh, Nga và Trung quốc họp tại Genève để tìm cách chấm dứt cuộc chiến Việt Nam. Giải pháp chính trị và quân sự tạm bợ chia đôi nước Việt đi ngược lại với lòng dân.  Gương lịch sử còn đó, một cuộc chiến tương tàn giữa Nam Bắc rồi ra không tránh khỏi. Những ai có chút hiểu biết về lịch sử và tình thế không thể không lo lắng trước viễn ảnh mờ mịt của đất nước. Không liên hệ với một đảng phái nào và cũng chẳng có một thế lực chính trị mạnh mẻ hổ trợ, anh đành mượn gương người xưa để kêu gọi lòng yêu nước của những người đại diện hai bên tìm đến những biện pháp hoà bình nhất cho dân tộc. Một đêm trăng sáng, bên hồ Leman, gần nơi lưu trú của các phái đoàn anh mượn tiếng sáo trúc thổi lên những khúc nhạc buồn Việt Nam. Anh mong tiếng sáo đánh thức được tình đồng bào ruột thịt  trong lòng những người đại diện của hai chế  độ. Anh ao ước đất nước  không bị chia cắt để khỏi lâm vào một chiến tranh nồi da xáo thịt. Nếu ngày xưa tiếng sáo của Trương Lương đã làm cho quân Sở nhớ nhà và nhớ tới quê hương thì tiếng sáo của anh Dã Mã hôm ấy hình như không động lòng một đại biểu nào. Có chăng tiếng sáo chỉ vang vọng đến trong tâm tư của một số Việt kiều và  đồng bào yêu nước.   

   Năm 1963, sau chính phủ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị lật đổ, với hi vọng làm được một việc gì có ích anh đã trở lại Việt Nam. Nhưng ngoài mọi dự tính, vừa bước xuống phi trường Tân Sơn Nhất thì anh đã bị một lực lượng nào đó đón anh đi rồi đưa anh thẳng lên Pleiku ( 3 ). Sau một tuần lễ gần như bị giam lỏng ở Pleiku người ta hỏi anh muốn về đâu thì được đưa về đó. Suy tính kỷ anh thấy trở lại Huế là thuận tiện nhất vì anh đã từng sinh sống ở đó. Anh lại nhớ tới nhà thờ Cụ Phan Bội Châu, một người đồng hương, một người yêu nước anh vô cùng kính mến. Không làm gì được thì sớm tối hương khói cho Cụ gọi là bày tỏ lòng hiếu đối với Cụ và cũng vơi được lòng yêu nước lúc tuổi già. Trở về Huế phụng thờ Cụ Phan anh đã bày tỏ rõ ràng lập trường yêu nước của mình.

               Ngoài ra Anh còn có một người kế mẫu và một người em trai ở Quảng Trị. Huế – Quảng Trị không xa lắm anh có thể đi lại thăm viếng dễ dàng. Theo chỗ tôi biết thì anh phụng sự bà kế mẫu rất chí hiếu theo kiểu một nhà nho xưa. Với một chiếc mô-by-lết cũ kỷ, tuần nào anh cũng ra vào Huế – Quảng Trị. Có lần đi qúa sớm, lúc trời còn lờ mờ tối, các cổng gác chưa mở và anh đã đâm sầm vào các vòng giây kẻm gai vắt qua đường. Mấy anh lính canh nghe động vội vàng lấy súng và lên đạn nhưng lúc thấy một cụ già  đang lúng túng gỡ chiếc xe ra khỏi giây kẽm họ vội vàng đến giúp đỡ và mời vào trạm gác uống nước trà sáng. Với thái độ thân mật và tài nói chuyện sẵn có, anh đã làm cho các anh lính gác vui vẻ và có nhiều thiện cảm. Có lần lại mang theo chiếc đàn cò ( nhị ) hay cái sáo trúc , anh đàn và thổi đủ mọi miền Nam- Trung – Bắc. Từ đó các anh lính ở trạm gác trên đọan đường Huế – Quảng Trị thường mong chờ ông già với chiếc xe mô-by-lết lộc cộc.

               Nếp sống khắc kỷ của một nhà nho hình như không phù hợp mấy với gia đình của người em nên thời gian về sau anh vẫn đều đặn ra hầu thăm bà kế mẫu nhưng không còn ở lại nhà em như trước kia nữa. Và mỗi lần ra Quảng Trị anh dành nhiều thì giờ hơn để gặp gỡ và trao đổi với các nhà nho ở đây. Có thể nói Nho giáo là niềm say mê  và cũng là nếp sống của anh, một nếp sống thường được gọi là thanh bần. Không những ở Quảng Trị mà ở Huế cũng vậy phần lớn thời gian giao du của anh cũng là tiếp xúc với các cụ nhà nho. Một trong những ước vọng lớn lao của anh hình như là đưa xã hội về với đạo đức nho gíao, không phải thứ nho gíao hình thức nhưng là nho giáo với tinh thần  “ Nhân – Thứ “ làm gốc. Mê Nho giáo đến độ, như anh đã tâm sự, muốn biến Ấu, Thiếu, Tráng sinh Hướng đạo ra thành Nho Âu, Nho Thiếu và Nho tráng..

               Thấy anh tin tưởng vào Nho gíao mà Nho gíao lấy chuyện tham chính làm trọng nên tôi đã hỏi : - “ Nếu chính phủ mời anh tham chính anh có nhận lời không ? “ . Với tất cả nhiệt thành anh cho biết : “ Tham chánh hay không anh không biết, nhưng làm được việc gì có ích  cho đất nước thì dù chết anh cũng muốn làm”. Trước tinh thần tích cực của anh tôi gợi ý với anh nên đi tìm gặp một số nhà trí thức  cùng các vị lãnh đạo tinh thần ở Huế để thử xem có thể làm được chuyện gì thích hợp.

               Không rõ anh có theo gợi ý của tôi không nhưng sau một thời gian anh cho biết anh đã tìm gặp nhiều người, trong số có ông Viện trưởng Đại học Huế, Nguyễn thế Anh, một số giáo sư và một số các vị lãnh đạo tinh thần cùng nhân sĩ ở Huế. Anh cũng cho biết thêm là phần đông thành tâm và thiện chí nhưng với tinh thần nho giáo “ uy vũ bất năng khuất “ anh không đồng ý với một vài vị  lãnh đạo tôn gíao qúa tự tôn và tự kiêu  dù anh biết tôn gíao là lực lượng chủ yếu lúc bấy giờ.

               Bỗng xẩy ra biến cố Mậu Thân. Trong một đêm , Việt Cộng đã tràn khắp thành phố. Tiếng súng lớn, nhỏ nổ ran mọi nơi, dân chúng già trẻ, lớn bé bồng bế nhau chạy giặc. Người chết, kẻ bị thương, trẻ con lạc nẻo, người già không ai nâng đỡ...Tinh thần “ giúp ích “ bỗng bừng trổi nơi người hướng đạo già. Mặc Việt Cộng, mặc tiếng súng, anh Dã Mã đã chạy đi chạy lại khắp nơi, lúc thì băng bó cho người bị thương, lúc dẫn dắt một cụ già xuống hầm trú ẩn, lúc giúp một em bé tìm lại gia đình...Hoạt động của anh không thoát khỏi sự chú ý của Việt Cộng. Hẳn đây là một tên địch trá hình tìm cách do thám tình hình để báo cho ngụy quân, ngụy quyền hay cho Mỹ. Và những tên nằm vùng nắm được cơ hội lập công đã bắt anh giao lại cho bọn Việt Cộng chính qui. Chúng dẫn anh về mật khu để đưa ra miền Bắc khai thác. Trên đường ra Bắc anh đã gặp được ông Nguyễn văn Đãi, đại biểu chính phủ Vùng I chiến thuật và cũng là nhà văn Hoàng Liên. Hai người có quen nhau nhưng không nói chuyện với nhau vì sợ chúng khai thác nên chỉ đối đáp nho nhỏ với nhau qua một vài câu thơ Đường  ( 4 )để bày tỏ ý hướng của mình. Nhưng trong khi ông Nguyễn văn Đãi bị chúng dẫn ra Bắc thì anh Dã Mã hoặc vì phản đối hoặc vì tìm cách trốn thoát hay vì do tiếng Nghệ An nằng nặng của anh mà  chúng nghi là một người đã phản bội Đảng nên đã bị chúng hành quyết trên đường đi.            

               Hai mươi năm trước Cộng Sản đã giết chết biết bao nhà trí thức và những người yêu nước chân chính. Cũng hai mươi năm trước anh Võ Thành Minh may mắn thóat chết nhưng đúng hai mươi năm sau anh lại đối diện với Cộng Sản và đã bị thủ tiêu. Người trí thức, người yêu nước chân chính, người có tinh thần độc lập khó có được một chỗ đứng trong một xã hội độc tài, đảng trị.

               Anh Dã Mã – Võ Thành Minh, một người hướng đạo gương mẫu, một người anh trên đường đời, xin anh hãy nhận nơi đây tấm lòng thương tiếc và kính mến của một người bạn vong niên.                                                     

San Diego, Hè 2002

Nguyễn Đăng Ngọc
------

Bị chú : - 1- Dã Mã hay Dạ Mã, vì sơ ý tôi đã không hỏi rõ. Tiếng Nghệ An đọc dấu ngã và dấu nặng giống nhau. Tôi nghĩ Dã Mã đúng hơn là Dạ Mã

               - 2- Ông Niedrich là một huynh trưởng Hướng đạo làm giám đốc Nhà Đèn Huế trước 1945.  Lúc Nhật đảo chánh Pháp ngày 9 tháng 3  năm  45, theo tin đồn thì ông đã theo đường núi cùng với một số ít binh sĩ Pháp trốn lên Lào. Ông ta đã trở lại Huế sau lúc Pháp tái chiếm Huế vào năm 1947.

                - 3 – Về chuyện này tôi có hỏi Trung tướng Vĩnh Lộc bấy giờ là Tư Lệnh Quân Đoàn 2 . Trung tướng không biết chuyện này. Tôi nghĩ lực lượng cầm giữ ông Võ Thành Minh là một lực lượng đặc biệt của Trung ương với lại chuyện xảy ra trong một thời gian ngắn lúc ông Lộc vừa mới nhậm chức nên hình như đã không được báo cáo.

                  - 4 – Việc này chính anh Nguyễn văn Đãi đã kể lại cho tôi.