Tâm Sự Người Thầy Giáo

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Tâm Sự Người Thầy Giáo

(Để tặng bạn bè và học sinh Phan Châu Trinh của tôi)

 

       1-Thầy giáo tại Việt Nam

Hằng năm cứ gần đến ngày 20 tháng 11 là mình nhận được nhiều tấm thiệp chúc mừng của các em học sinh cũ từ Việt Nam gửi qua nhân ngày nhà giáo.  Có những em học với mình hơn hai mươi năm, nay đã có cháu nội, ngoại, nhưng vẫn một điều "Thưa Thầy" xưng em, hai điều "Thưa Thầy" xưng em. Cả người chồng hay người vợ cũng được giới thiệu với Thầy như là một học trò"rể" hay học trò "dâu"!

Những tấm thiệp, những câu chúc của các em đã làm tâm hồn mình chùng xuống, và như một ánh flash, ngôi Trường cũ ngày xưa bất chợt hiện về.

Những năm tháng dạy học sau ngày 30 tháng 4, 1975 thật cơ cực nhưng cũng thật vui.  Nếu không có những tấm chân tình từ phía các em học sinh chắc mình đã bỏ dạy từ lâu để ra bán "chợ trời"!  Học trò ở đâu thì vẫn thế, nghịch ngợm, nhưng tình cảm đối với Thầy Cô vẫn thật chan chứa.

Mình vẫn còn nhớ ngày "chạy loạn" từ Sài gòn về lại Đà Nẵng đúng vào ngày 1 tháng 5, nhà cửa thì bị niêm phong gần hết, vợ chồng con cái "được" cho ở dưới bếp!  Các em học sinh Phan Châu Trinh nghe tin Thầy Cô về ghé thăm và tỏ vẻ thất vọng ra mặt!  "Vì tụi em ai nấy cũng đều tưởng là gia đình Thầy Cô đã qua Mỹ cả rồi! Tại sao Thầy Cô và em lại trở về?". Phải tin tưởng nhau lắm mới dám hỏi những câu "phản động chết người " ấy!  Và Thầy thì cũng gồng mình trải lòng mình ra: "Cũng đã tìm đường đi rồi đấy chứ mấy em, nhưng Cung Thiên Di của Thầy Cô chưa được sáng lắm nên mới trở về gặp lại các em đây!".  Hôm sau cả đám thay nhau mang đến "ủy lạo" gia đình Thầy Cô nào là gạo, muốI, mắm, đường, sữa... ôi thôi hầm bà làng đủ mọi thứ "để Thầy Cô và em dùng tạm qua ngày!". Hai vợ chồng nhận quà mà nước mắt cứ chảy ròng xuống trên mặt!  Thầy trò cùng ôm nhau khóc. Thương cho thân phận Thầy Trò mình hay thương cho vận nước nổi trôi? Có lẽ cả hai!

Ao dai hoa phuong 1

Giờ đây thỉnh thoảng mình vẫn mở ra đọc lại những bài viết mà các em đã gửi từ trước.  Những câu thơ và những câu văn học trò bây giờ đọc lại sao mà thấy dễ thương đến thế? Cô bé Như Ý 12C1 đã viết trong cuốn lưu bút gửi Thầy:

                    " Ai có ngang Trường cũ

                      Hái hộ dùm tôi nhánh phượng hồng

                      Tôi đã nhớ và tôi đã khóc

                      Kỷ niệm buồn như sợi tóc bay ngang"

Đúng rồi Như Ý à, chỉ một sợi tóc bay ngang thôi cũng đủ để ngàn năm vương vấn, cũng đủ để chúng ta sau nầy có dịp bồi hồi hạnh phúc khi nhớ lại một thời cắp sách.      

Hay như Đoàn thị Huyền Trang, cô bé giỏi Pháp Văn nhất 12 C1 đã viết trong tấm thiệp gửi Thầy:

                       "Thầy đi rồi

                        Để lại bài thơ tình Chateaubriand

                        nửa chừng chưa giảng hết 

                        Chúng em nhớ Thầy lớp học vắng teo!

                        Cái bảng đen nhỏ nhớ Thầy biết bao

                        Hàng chữ nghiêng nghiêng buổi đầu tiên lên lớp

                        Tiếng gọi dò bài từng làm em hồi hộp

                        Theo thời gian còn vọng mãi đến bao giờ?..." 

Hoặc như anh bạn đồng nghiệp Trần Đại Tăng, dạy Toán nhưng tâm hồn rất ướt át, đã gửi lời trách cứ nhẹ nhàng đến bạn bè:

                        " Bỏ Trường mà đi

                         Ta đến khi tóc xanh

                         Ta về khi tóc bạc

                         Nay mai trên Trường xưa

                         Có một người thiếu mặt

                         Ta đến hồn như trăng

                         Ta về lòng như suối

                         Cây sao già trên sân

                         Người thua ta một tuổi!

                         Ôi phấn trắng bảng đen

                         Thôi cũng đành vĩnh biệt

                         Rồi năm tháng cuối đời

                         Chắc nhớ người tha thiết!..."

         Ôi những em học sinh và những người bạn đồng nghiệp bây giờ đã xa cách hơn nửa vòng trái đất!  Mình vẫn còn nhớ đến nhau, vẫn còn tìm về nhau trong những ngày lễ Tết hoặc trong những ngày thiêng liêng của nhà giáo.  Mình muốn khóc, khóc thật nhiều để được sống cùng kỷ niệm. Nhưng cuộc sống quá bộn bề không đủ thời gian cho mình khóc, không đủ thời gian cho mình ôm ấp kỷ niệm mà bắt mình phải luôn đương đầu với hiện thực của cuộc sống cơm áo ở xứ Mỹ nầy!

Mình thèm một giây phút yên ả.  Hãy cứ giữ cho mình chút hưong vị của ngày xưa, của quê hương, bạn bè, của bảng đen phấn trắng, của các em học sinh nghịch ngợm nhưng đầy tình nghĩa của một thời dĩ vãng hồn nhiên.

                          " Có chi vướng mắc như là...

                            Nào giây trói buộc! Rời xa khôn cùng!

                            Thế rồi đành phải chôn chân

                            Ngẩn ngơ như kẻ phân vân lạc hồn" 

                                          (Yến Nga 12 C4)

          2- Teacher's Aide:

Đến Mỹ vào một thời điểm khá muộn màng, mình vẫn ưóc mơ "được" làm thầy giáo trở lại, mặc dầu bà chị và nhiều người thân trong gia đình cản trở. Lý do: bên nầy muốn đi dạy là phải học lại, phải gửi lên Sacramento làm equivalent bằng cấp của ĐHSP, rồi phải lấy Credentials... nhưng  khó nhất vẫn là phải đậu cho được kỳ thi CBEST. Tuy nhiên vấn đề lớn nhất là học sinh bên nầy khác xa một trời một vực với học sinh  bên nhà, thiếu tôn trọng thầy cô giáo vì kỷ luật học đường rất lỏng lẻo.  Mình vẫn quyết định thử liều xem sao, vì dầu sao mình cũng cần tìm hiểu thêm lối dạy học bên Mỹ nầy để còn dạy kèm cho cô con gái bắt đầu vào lớp 2.

Một tháng sau khi đến Hoa Kỳ, mình đã apply xin làm Teacher's Aide tại một ngôi trường Junior High ở Corona, Riverside. Đã có sẵn một " mớ kinh nghiệm" về vấn đề điền giấy tờ từ lúc mới bước chân lên xứ Mỹ nên lần nầy mình điền đơn khá nhanh!  Nạp đơn xong các nhân viên văn phòng bảo về nhà chờ thư gọi đi phỏng vấn. Hai tuần sau mình được nhận vào làm Teacher's Aide, và với công việc mới nầy mình đã học được rất nhiều điều bổ ích để có thể dạy cho con gái mình học và làm bài vở ở trường. Từ ngôi trường John Adams, mình đã thấy được những khác biệt hoàn toàn giữa hai nền giáo dục Việt - Mỹ. Lối dạy của các thầy cô giáo với thật nhiều đồ dùng dạy học khá bắt mắt dễ cho các em học sinh tiếp thu bài vở nhanh chóng.  Sách giáo khoa được soạn quá kỹ lưỡng và quá hay. Những bài học được soạn từ đơn giản đến khó, thầy cô dạy từng bước một để các em, cho dầu ở trình độ trung bình hay kém, cũng vẫn hiểu được bài vở dễ dàng.  Công việc của một Teacher's Aide là chỉ đi lại trong lớp để khi có em nào không hiểu bài thì giáo viên chính nhờ giúp đỡ. Sống giữa môi trường giáo dục mới mẻ nầy mình vẫn "thèm" đựợc nghe một tiếng "Thưa Thầy" thân quen của ngày nào, vẫn mơ ước được nhìn thấy các học sinh trong bộ đồng phục tung tăng giữa sân trường... nhưng tất cả chỉ là mơ ước!  Và điều bà chị và những người thân quen tiên đoán đã xảy ra: không chịu nổi cảnh học sinh vào lớp ngồi gác cả hai chân lên ghế hay các em đứng ôm nhau ngay trước cửa lớp nên mình đã xin nghỉ dạy. Hai nền văn hóa và hai quan niệm sống khác nhau xa lắc xa lơ, Đông vẫn là Đông, Tây vẫn là Tây, Đông Tây không bao giờ gặp nhau!  Ngày rời trường mình cũng có nhận được một Postcard thật lớn với hình ảnh từng em học sinh, chữ ký của cả lớp và câu viết thật bay bướm đủ màu sắc :" We all miss you, Mr. Pham! ".  Giáo viên chính và bà Hiệu Trưởng bảo các em:" Give Mr. Pham a hug and say Thank You!" Mình cũng đã cảm động và... cũng đã khóc! Thì ra học sinh bên nầy cũng tình cảm lắm!

Không thể nào tìm được một việc làm nào trên vùng đồi núi Riverside đó, mình đã phải dọn về dưới vùng Quận Cam nầy, và trong hơn mười năm mình đã làm đủ thứ công việc. Từ thư ký phòng mạch Bác Sĩ đến Machine Operator, từ thất nghiệp đến đi học lại Đại Học, rồi làm việc tại Assessment Center ở Golden West College trong hơn bốn năm, mình tưởng rằng sẽ không bao giờ làm thầy giáo trở lại nữa!  Cho đến một ngày...

                3- Tutor:

Làm việc tại Golden West College được hơn bốn năm thì mình nghỉ hưu.  Nằm nhà mấy tháng buồn quá, không lý chỉ đi ra đi vào xem TV hay nghe nhạc?  Vào một ngày "đẹp trời", sau khi đã đọc tất cả các mục trên báo, mình tò mò mở trang rao vặt và quảng cáo ra xem.  Có một rao vặt làm mình chú ý:" Trung Tâm dạy kèm cần người có kinh nghiệm để dạy kèm các em từ K đế 12. Xin liên lạc với.......ở số điện thoại.......". Mình gọi thử, được hẹn ra phỏng vấn và được nhận vào dạy. Rồi kể từ dạo đó đến nay mình "được" làm thầy giáo trở lại, được nghe hai tiếng "Thưa Thầy" từ phía các phụ huynh trong những lần họp hằng tháng để report các cố gắng hay các yếu điểm của con em, hay tiếng " Yes Mr. Pham", "No Mr. Pham" từ phía các em học sinh.                

Qua liên lạc email với các học sinh ngày xưa, các em cũng đã chia xẻ niềm vui với ông thầy cũ của mình đã tìm lại đúng môi trường để sinh hoạt. Tuy không còn phấn trắng bảng đen (vì bên Mỹ nầy xài Marker đen để viết lên bảng trắng!) mình vẫn cảm thấy hạnh phúc thật sự.           

Các em học sinh cũ và mới của Thầy ơi!  Thầy muốn mượn câu thơ cuả Thầy Trần Đại Tăng, một đồng nghiệp ngày xưa ở ngôi Trường Phan Châu Trinh thân yêu để kết thúc bài viết nầy, bài viết mà Thầy đã đề tặng các đồng nghiệp và các em: 

               " Bước đi trên hành lang

                 Bước đi trong lớp học

                 Cọng lại bằng con đường

                 Nối vòng quanh trái đất...."     

(Để kỷ niệm ngày hội ngộ 55 năm Phan Châu Trinh tại Quận Cam, 1 và 2 tháng 9 năm 2007)

 Phạm Ngọc Trác