Tôi thường xem chương trình Phóng Sự Cộng Đồng, và buổi chiều hôm đó, đài VietfaceTV phát sóng cuộc phỏng vấn một bác sĩ VN thành công trên đất Mỹ, hiện đang làm việc tại thành phố Bloomington, tiểu bang Indiana.
Bất ngờ nghe giọng Quảng Nam thân thuộc: “Tôi là người Đà Nẵng”, rồi bên dưới chạy hàng chữ mầu cam: “Dr. Khương Đại Lượng”. Ngỡ ngàng quá. Bạn mình đây sao? Hồi nào mới qua Mỹ, bạn bè gặp lại khá nhiều. Nhớ có lần nói chuyện với Lượng qua điện thoại, vui vẻ, cởi mở, và khi tôi nhắc ngày xưa Lượng hát nhạc ngoại quốc hay thiệt, Lượng vui lắm. Vậy mà giờ thấy mặt người bạn cũ, tôi hoàn toàn không nhận ra, 50 năm rồi còn gì! Nơi Lượng ở không có chợ Việt, người Việt cũng rất ít, vườn nhà Lượng trồng những loại cây gợi nhớ quê hương như tre, trúc, lan… đặc biệt là cây cóc trổ từng chùm trái căng mọng tươi xanh. Nhấc phone gọi cho Lượng liền: “A mới thấy L trên Tivi nè.” Lượng cười: “Lâu rồi, tháng trước kìa.”
Hồi nhỏ ở Huế, tôi rất thích nhìn các chị Đồng Khánh đi học về, áo dài trắng tung bay như đàn bướm, mong sao mình mau lớn, thi đậu vào ngôi trường nữ danh tiếng của miền sông Hương núi Ngự này. Vậy mà buồn thay, vào năm cuối bậc tiểu học, tôi phải theo gia đình chuyển vào Đà Nẵng, nơi đây chỉ có một trường công lập Phan Châu Trinh, nam nữ học chung.
Học cùng đám con trai nghịch ngợm, thật là bất tiện. Bọn con gái chúng tôi đi đâu cũng rủ cả bầy, phô trương lực lượng để khỏi bị chọc ghẹo. Nhất quỉ sứ nhì ma le, mấy cậu nhỏ bày ra đủ trò, đáng sợ nhất là tụm năm tụm ba, chờ cô nhỏ nào đi một mình là nhe răng trố mắt, nhìn theo đếm nhịp 1, 2, 3… làm “nạn nhân” quýnh quáng, mặt mũi đỏ rần, chân tay không biết để đâu. Nhưng đó chỉ là những năm đầu trung học. Dần dần, tình bạn bè khác phái cũng được hình thành qua những tháng năm cùng chơi, cùng học, cùng sinh hoạt hiệu đoàn, chia sẻ những kỷ niệm vui buồn tuổi hoa niên. Tình cảm đó, tuy không mặn mà thắm thiết nhưng cũng đủ thân thiện để nhớ đến nhau khi thời gian đã nhuộm trắng mái đầu.
Một ngày cuối thế kỷ 20, tôi nhận cuộc điện thoại của Tôn Thất Toản, hiện là một thượng tọa trụ trì ngôi chùa lớn nhất Dallas, bang Texas. Từ Mỹ, Toản về VN làm từ thiện, gặp lại bạn bè như Lê Tự Rô, Phan Xuân Tứ, Phạm Ngọc Chấn, Trần Thể Sâm, Nguyễn Phước Đãi, Huỳnh Bá An, Nguyễn Văn Vượng… chúng tôi đã có những buổi họp mặt rất vui vẻ chân tình, và cũng từ đó, ở Sài Gòn, các bô lão thành lập nhóm “bạn bè PCT 57-64” được gọi vui là “nhóm Tào Lao”, thỉnh thoảng gặp nhau ăn uống chuyện trò, du lịch đó đây.
Khi công nghệ thông tin trở nên phổ biến trên toàn cầu, trang Web Một Thời Phan Châu Trinh được thành lập, do Trần Đình Thắng chủ trương. Thắng là bạn cùng lớp từ đệ lục đến đệ nhất, nên tôi không ngần ngại gửi bài vở về đóng góp. Hôm tôi qua Mỹ định cư, Thắng đã trân trọng báo tin trên mạng, và bạn bè nhanh chóng phone cho tôi, nói chuyện trên trời dưới đất, thân ái như giữa chúng tôi không hề có khoảng cách thời gian. Vũ văn Long cùng ở thành phố Houston, đã lái xe đến, đưa tôi lên nhà anh chơi. Tôi được bà xã anh chở đi chợ Việt Hoa, chợ Hồng Kông… và thưởng thức món phở thơm ngon do chính tay chị nấu.
Thùy An và Long Vũ
Về lại Việt Nam, ra Đà Nẵng hội ngộ bạn bè… Mai Xuân Lương, Nguyễn Văn Khánh, Huỳnh Khải, Thái Đình Cương, Trương Phước Đẩu, Lê Văn Tiên… Một lần ghé Cali, Phan Thanh Hòa đưa tôi đến thăm Nguyễn Hữu Lân, không ngờ, đó là lần cuối.
Còn một người bạn nữa, ban B, hiện ở Houston: Nguyễn Gia Ẩn. Nhớ mãi lần đến nhà Ẩn thưởng thức món bún bò do Ẩn tự nấu, đặc biệt dành cho người ăn kiêng, không béo, không mỡ màng, mùi vị rất thanh đạm. Đàn ông ở Mỹ xem ra giỏi hơn ở VN nhiều. Ngoài việc kiếm tiền, còn biết cắt cỏ, làm vườn, phụ vợ việc nhà, lại nấu ăn ngon nữa chớ. Buổi chiều, Ẩn đưa chúng tôi ra quán cà phê Ông Già nổi tiếng ở Houston, chủ quán người Đức lấy vợ VN, nên cách bài trí trong quán theo phong cách đông phương, nhạc VN nhè nhẹ ru ngủ tâm hồn người xa xứ.
Mới đây, Thu Hà báo tin Trần Duyệt Tảo sẽ từ Las Vegas về định cư tại Houston. Tôi liên tưởng đến người bạn Quảng Nam da ngăm ngăm, hiền lành chất phác, cùng học 3 năm cuối cấp. Tảo tốt nghiệp Y Khoa Huế, hành nghề tại Mỹ, giờ đã nghỉ hưu. Nghĩ về Tảo là khó quên một giai thoại hơi nhạy cảm, liên quan đến bài học về Rong Biển (tên thường gọi là Tảo) vào năm đệ nhị, không biết các bạn tôi còn nhớ không? J J J… Bấm số gọi thử, không ngờ gặp Tảo ngay. Tảo cho biết vừa mới dọn xuống Houston được 5 ngày, chưa ổn định chỗ ở. Cách đây hai năm, nghe tin Tảo bị tai biến, đi đứng chậm chạp, phát âm khó khăn. Bây giờ chắc đã bình phục, vì nghe Tảo nói năng lưu loát, thăm hỏi lung tung, nói nhiều đến nỗi tôi không có cơ hội chen vô lời nào... L L L Mừng cho Tảo.
Bước vào ngưỡng cửa thất thập cổ lai hy, nhóm bạn bè chúng tôi như những cổ xe chạy trên đường dài lâu quá, không hư chỗ này thì hỏng chỗ khác. Có những chiếc không còn sửa chữa được nữa, đành phải rời bỏ cuộc vui trần thế, để lại bao nỗi tiếc thương. Thôi thì cứ vui được ngày nào…
Houston, mùa Thanksgiving 2014
Thùy An
Những Bà Ngoại Niên Khóa 57-64 PCT
Hồ Minh Châu & Hoàng Bích Quân (Canada)
Từ trái: Nguyễn Thi Ái – Tố Nga – Hồ Thị Hồng (Sài Gòn) & Phạm Quỳnh Chi (California)
Phạm Quỳnh Chi (California)
Ái & Ðào Thị Thái (Sài Gòn)
Nguyễn Bích Lan (Pháp) & Lê Thị Trang (Ðà Nẵng)
Ðinh Kim An (San Jose, CA)
Phạm Thị Duyệt & Nguyễn Lạc Giao (California)
Lê Quý Phẩm & Châu Yến Loan (Ðà Nẵng)
Bích Quân & Minh Châu (Quebec - Canada)
nguồn : trích trong Tập ảnh Một Thời Phan Châu Trinh Đà Nẵng