Ký Ức Về Thuở Học Trò

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

Đáng lẽ niên khóa 1956-1957 tôi đã vào học đệ thất trường Trung học công lập Phan Châu Trinh ở Đà Nẵng, nhưng vì làm bài thi qúa vội vàng, hấp tấp nên tôi đã tính một giờ bằng 60 giây thay vì  3600 giây nên đáp số bị trật đường rầy mặc dầu bài tóan quá dễ ! Đó là lý do tôi thi hỏng vào trường công lập. Thế là tôi đành phải ghi danh vào trường Trung học tư thục Phan Thanh Giản ở đường Lê Lợi để học. Sau khi thi đậu bằng trung học đệ nhất cấp , tôi liền nộp đơn thi vào đệ tam trường Phan Châu Trinh và đã trúng tuyển. Vì vậy, mãi đến 4 năm sau kể từ khi thi hỏng vào đệ thất trường công lập, tôi mới trở thành một học sinh trường công. Nếu tôi nhớ không lầm những anh học với tôi tại trường Phan Thanh Giản cũng đã thi đậu vào đệ tam trường Phan Châu Trinh lúc bấy giờ là các anh sau đây : Trần Cầu, Phan Chí, Trần Xoài, Cát văn Uẩn, Lý văn Trạch, Thái đình Cương.

Trong niên khóa 1960-1961, lúc đang theo học lớp đệ tam tại trường Phan Châu Trinh, tôi học luôn chương trình của lớp đệ nhị ở trường Văn Hóa Quân Đội ban đêm tại trường trung học tư thục Sao Mai. Và cuối năm đó tôi đánh bạo nộp đơn thi lấy bằng tú tài bán phần và đã trúng tuyển.Một người bạn thân của tôi đang học cùng lớp đệ tam tại trường Phan Châu Trinh thấy tôi học băng cũng theo gót chân tôi quyết chí đêm ngày đèn sách với tôi tại trường Văn Hóa Quân Đội ban đêm. Kết quả là anh ta cũng thi đậu tú tài bán phần năm đó luôn. Đó là anh Phan Chí, con ông Phan Phước , chủ tiệm Pharmacy ở đường Hùng Vương Đà Nẵng. Anh Phan Chí ít nói, tính tình hiền lành. Có một lần tôi mở học bạ của anh ấy ra thấy Cô Tôn Nữ Phùng Khánh phê 2 chữ : im lìm ! Sau khi thi băng đậu, thầy hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc không cho học đệ nhất tại  trường Phan Châu Trinh lấy cớ học trò bỏ băng không tốt ,sợ anh em học theo mất căn bản . Thế là mới vào học trường công lập chỉ được một năm thôi bây giờ tôi lại phải ghi danh vào trường trung học tư thục tiếp...Lúc bấy giờ tại Đà Nẵng, may mắn thay trường trung học tư thục Sao Mai mới mở lớp đệ nhất đầu tiên nên tôi liền ghi danh vào học. Vì vậy mà trong ngày Đại Hội các trường trung học Quảng Đà trên thế giới về họp mặt tại California, sau khi tôi mua vé vào cửa xong, một cô ngồi ở bàn hỏi tôi học trường nào để ghi tên vào tấm thiệp đeo ở ngực, tôi nói với cô ta rằng cô ghi dùm tôi 3 trường : Phan Thanh Giản, Phan Châu Trinh, Sao Mai. Cô ta vừa cười vừa ghi vào mãnh giấy đúng ba trường tôi đã học. Vì chủ đề bài này là trường Phan Châu Trinh nên tôi xin trở lại lớp đệ tam niên khóa 61-62 mà tôi chỉ học có một năm thôi.

Mặc dầu chỉ học có một năm tại trường công lập Phan Châu Trinh nhưng mỗi lần hồi tưởng lại những bạn bè, thầy cô, không hiểu sao tôi vẫn còn nhớ và nhớ cũng khá rõ. Nếu tôi nhớ không lầm những người cùng học đệ tam với tôi trong niên khóa ấy gồm các anh sau đây : Trần Cầu, sau này là dược sĩ, Phan Chí,sau này là dược sĩ, anh Mót, sau này là dược sĩ, anh Thanh sĩ quan QLVNCH, anh Khải,giáo sư, anh Vượng, anh Diệm ,anh Đào Bạch Thạch, anh Cầm, anh Bích , Lý văn Trạch hiện là giáo sư Anh Văn tại Đà Nẵng, Hồ Mạnh Xuân, Trần Xoài, anh Lê Hà Lâm ( nghe đâu anh này đỗ bằng gì cũng ưu hạng cả ), anh Nhự, Hoàng trọng Ngân, sau này là sĩ quan Không quân phi hành , anh Gà,anh này hát bài Mexico rất hay , v..v....Lúc còn học tại trường Phan Thanh Giản , tôi đã nghe tiếng anh Vượng là một người rất giỏi về Anh ngữ.Lúc bấy giờ anh ta đang theo học tại trưường tư thục Nguyễn Công Trứ. Mặc dầu lúc ấy tôi cũng là một trong những người tương đối giỏi Anh văn trong lớp đệ tứ tại trường Phan Thanh Giản, nhưng nghe nói anh Vượng rất giỏi Anh văn nên tôi cũng nể và phục vì có tin đồn rằng ai đố chữ gì anh Vượng cũng trả lời được cả. Nghe đâu anh ấy học không những chữ vi trùng mà chữ vi khuẩn tiếng Anh là gì anh ta cũng biết luôn ! Đáng nể thật ! Khi thi đậu vào trường Phan Châu Trinh, anh ta cùng hoc với tôi một phòng. Có một lần, giáo sư Anh văn, cô Tôn Nữ Phùng Khánh ra một đề tài tả một trận đá bóng ( dĩ nhiên viết bằng tiếng Anh ). Sau khi cô Phùng Khánh chấm điểm xong tôi thấy điểm của anh Vượng thua điểm của tôi quá xa. Từ đó tôi không ngán anh ta về môn Anh văn nữa.

Như đã đề cập ở trên,ngoài  số nam sinh ra, lớp tôi lúc bấy giờ chỉ có 3 nữ sinh mà thôi : Cô May, cô Máy và cô Lệ Hằng, sau này là một trong những nữ văn sĩ nổi tiếng ở miền Nam qua một số tác phẩm ( tôi đã quên tên ). Vì có một cô tên là Máy, một cô tên là May nên lớp tôi có một bàn Máy May, khi nào ai cần may vá áo quần thì có máy may sẵn, khỏi ra ngoài tiệm !

Nhắc đến bạn bè cùng lớp hồi bấy giờ tôi xin đề cập đến thầy và cô. Mặc dầu chỉ học một năm thôi nhưng tôi vẫn còn nhớ nhiều kỷ niệm với một vài thầy và cô trong thời gian học tại trường. Có một lần trong giờ giải trí, anh em chúng tôi thay phiên nhau, người thì kể chuyện vui, người thì hát. Sau đó anh em đề nghị thầy hát một bài. Giờ giải trí này đúng vào giờ học môn Vật lý nên thầy Lê Quang Mai được đề nghị hát một bài. Thầy Mai từ chối lấy cớ không biết hát thay vào đó thầy xin hát điệu “ RU EM “ ! Thế là thầy Mai cất giọng hát một bài theo điệu ru con ngủ nghe cũng mùi mẫn lắm !

Riêng về kỷ niệm với cô giáo, tôi có một vài kỷ niệm với cô Tôn Nữ  Phùng Khánh như sau :

Kỷ niệm thứ nhất là bị phạt. Số là sáng hôm đó, trong lúc cô Phùng Khánh đang giảng một bài về văn phạm Anh văn, tôi và anh Hồ Mạnh Xuân ngồi ở dướí lớp không chịu nghe cô giảng mà lại đùa giỡn ồn ào nên bị cô kêu cả hai anh em chúng tôi lên đứng giữa lớp , quay mặt vào bảng đen. Lúc tôi và anh Hồ Mạnh Xuân đứng quay mặt vô bảng đen , cô Phùng Khánh vẫn tiếp tục giảng bài. Khoảng 15 phút sau cô cho hai anh em chúng tôi về lại chỗ ngồi.

Kỷ niệm thứ hai : gặp nhau trong ngày tuyệt thực tại trường Đại học Sư Phạm Huế, năm 1964. Thuở học trò không hiểu sao tôi rất thích làm chính trị. Vì vậy sau khi tốt nghiệp tú tài phần hai, tôi ghi danh vào Trường Đại học Luật khoa Huế ngay. Lúc bấy giờ tôi nghĩ rằng chỉ có học ngành Luật mới có nhiều cơ hội để làm chính trị thôi. Vả lại, tôi cũng muốn trở thành một luật sư trong tương lai vì lúc đang theo học ở bậc trung học, khi đi xem phim “ Vụ án Nuremberg “ tại rạp chiếu bóng Kinh Đô ở đường Độc Lập về, tôi thấy vị luật sư trong phim biện hộ hay quá. Anh chàng này ăn nói thật tuyệt vời nên tôi rất thích. Năm 1964 , khi tôi đang học năm thứ nhất tại Đại học Luật khoa thì tướng Nguyễn Khánh làm một cuộc chỉnh lý lật đổ nội các để lên làm thủ tướng.Sự kiện chính trị này khiến giáo sư Cao Huy Thuần , lúc bấy giờ đang dạy môn Quốc tế Công pháp , tập họp anh em sinh viên Luật khoa lại, rồi giải thích cho anh em nghe rằng chính phủ này bất hợp pháp và xúi sinh viên xuống đường lật đổ. Sau đó, tôi thấy giáo sư Bùi Tường Huân, dạy môn Kinh tế hoc, vừa vung tay múa ngón, vừa nói với anh Tuấn, sinh viên Luật năm thứ ba, rằng tình hình Việt Nam bây giờ “ interruption “cả thế giới !!! Thế là sinh viên Luật khoa phối hợp với các sinh viên thuộc các ngành khác tổ chức xuống đường biểu tình, tuyệt thực để lật đổ chính phủ Nguyễn Khánh. Tôi cũng nằm trong số sinh viên đó nên cũng đã tham gia tuyệt thực tại trường Đại học Sư phạm ở Huế. Ngồi tuyệt thực khoảng vài phút, tôi bỗng quay mặt về bên phải thì thấy anh chị em sinh viên cũng đang ngồi tuyệt thực rất đông. Bỗng tôi thấy một khuôn mặt quen quen ngồi bên phải tôi thuộc phái nữ. Sau khi nhìn kỹ, tôi mới biết đó là cô Tôn Nữ Phùng Khánh. Gặp lại vị giáo sư Anh văn của mình, tôi liền lên tiếng chào cô ngay :

- Thưa cô, tôi là Dương Viết Điền, học trò của cô ở trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng niên khóa 61-62 lớp đệ tam B ạ.

Cô Phùng Khánh nhìn tôi nói :

- Rứa hả ? Sau đó vài giây ,cô nói :

- Bữa ni lớn rồi đừng kêu bằng cô nữa, kêu bằng chị đi, nghe Điền.

- Thưa chị, dạ

Năm trước đó tôi có nghe bạn bè nói cô Phùng Khánh đang đi du học hay tham quan gì đó ở ngoại quốc vì vậy tôi liền hỏi cô :

- Thưa chị, nghe anh em nói chị đi ngoại quốc mới về,phải không chị ?

Cô Phùng Khánh trả lời :

- Vâng, tôi mới đi một vòng ở ngoại quốc về.

Sau đó cô Phùng Khánh kể cho tôi nghe về tình hình chính trị của đất nước Việt Nam lúc bấy giờ. Bỗng cô mở tạp chí Newsweek ra và chỉ cho tôi một chữ có cái tên là Vietnamize rồi cô nói :

- Lần đầu tiên tôi thấy chữ này xuất hiện trong sách báo đó, Điền ạ.

Bận nói chuyện với cô Phùng Khánh nên tôi không để ý một nữ sinh viên ngồi tuyệt thực bên cạnh cô. Bỗng nữ sinh viên này quay nhẹ mình qua bên phải rồi qua bên trái như để làm cho máu lưu thông vì ngồi lâu quá. Sau đó nữ sinh viên này nằm nghiêng lại, lưng tựa nhẹ vào vai cô Phùng Khánh, miệng vừa mĩm cười vừa nhìn cô Phùng Khánh vừa nói :

- Khi anh hùng thấm mệt !

Nữ sinh viên này vừa nói xong, cô Phùng Khánh nói ngay :

- Em thật là vô duyên !

Nhìn kỹ nữ sinh viên này, tôi mới biết đó là chị Tôn Nữ Phùng Thăng, em ruột của cô Phùng Khánh. Chị Tôn Nữ Phùng Thăng đang theo học ở Đại học Văn khoa. Hai chị em rủ nhau cùng tuyệt thực một lần. Nhắc đến chị Tôn Nữ Phùng Thăng, tôi nhớ có đọc một tác phẩm mang tựa đề “ Câu chuyện của dòng sông “ do cô Phùng Khánh và chị Phùng Thăng cùng dịch chung một tác phẩm tác giả người Đức tên là Herman Hess. Ai đã từng đọc tác phẩm này rồi mới thấy rằng lối văn dịch thuật của cô Phùng Khánh và chị Phùng Thăng rất nhẹ nhàng và tự nhiên.cau chuyen dong song 2

0e9e63ca73d0103535980241126e5602Phùng Khánh thời sinh viên

phung thang 2

Phùng Thăng – Trong Ký ức Đinh Cường

Sau này gia nhập vào quân đội, khi nhớ lại vụ tham gia tuyệt thực này tôi nghĩ lúc ấy mình quá dại dột. Thấy bạn bè làm gì mình cũng làm theo mà không nghĩ đến hậu quả. Bởi vì sau vụ tuyệt thực này, tôi nghe trên đài phát thanh Huế nói rằng chính quyền đã bắt được hai tên Việt cộng cũng ngồi tuyệt thực trong ngày hôm ấy. Sau này trưởng thành mình mới biết đằng sau cuộc tuyệt thực và cuộc biểu tình đó, các đoàn thể, tôn giáo, đảng phái ,Việt cộng đang đứng giật dây ! Dù sao đi nữa, có lẽ lúc bấy giờ tuổi còn trẻ, chân ướt chân ráo bước vào ngưỡng cửa đại học lại thích làm chính trị nên còn hăng máu. Sau này khi trưởng thành, tôi mới thấy rằng chính trị mà đơn thương độc mã dấn thân vào chính trường thì có ngày cũng bỏ mạng sớm. Đó là lý do tại sao các chính trị gia thường gia nhập đảng phái này, đoàn thể nọ, tôn giáo kia để được bảo vệ. Chưa nói đến vấn đề nhiều khi đã gia nhập đảng phái rồi mà lắm lúc còn bỏ mạng một cách thê thảm nữa.

Khi vào quân ngũ, tôi nghe tin cô Phùng Khánh đã xuống tóc để xuất gia. Tiếp theo đó, cô Phùng Thăng nối gót chị mình cũng xuất gia luôn. Lúc còn học tại trường Phan Châu Trinh, tôi đã nghe bạn bè nói rằng cô Phùng Khánh muốn đi tu từ lâu nhưng gia đình không chấp thuận. Mãi về sau này, cô mới được phép gia đình cho xuất gia. 

phung thang

Lớp Đệ Nhị C – Đồng Khánh Niên khóa 1958 – 1959 Thầy Phan Văn Dật dạy Việt văn
Phùng Thăng bên góc trái (khoanh tay)i). Chụp năm 1972 tại Bảo Lộc. 

 tricc81 hacc89i phucc80ng khacc81nh

Ni sư Trí Hải

 Thích Nữ Trí HảiRiêng cô Phùng Khánh, lúc mới xuất gia cô được mang tên là Thích Nữ Trí Hải. Con cô Phùng Thăng thì tôi không biết tên là gì ? Sau này khi bị Việt Cộng bắt bỏ  tù vào trại cải tạo 10 năm, tôi hoàn toàn chẳng biết gì ở dưới thành thị cả. Vì vậy tôi cũng chẳng biết lúc bấy giờ cô Phùng Khánh đang tu ở chùa nào. Mãi đến khi Việt Cộng trả tự do cho tôi và sau này qua Mỹ theo diện HO, sau khi đọc tác phẩm : NGÕ THOÁT do nhà văn Vĩnh Hảo tặng tôi mới biết rằng , cô Phùng Khánh đã tham gia vào Lực lượng Việt Nam Tự Do do thầy Tuệ Sĩ và Lê Mạnh Thát sáng lập vào năm 1977 và cô cũng đã bị Việt Cộng bắt bỏ tù một thời gian sau khi Lực lượng này bi đổ vỡ tại chùa Già Lam năm 1984. Và cũng nhờ đọc bức thư của chị Thanh Mỹ ( em của danh ca Thanh Thúy ), Hội trưởng Hội từ thiện REACHING OUT FOUNDATION gởi đến cho gia đình tôi nhân dịp đầu xuân, tôi mới được biết rằng cô Phùng Khánh tức Ni sư THÍCH TRÍ HẢI là người đã sáng lập ĐOÀN SỨ GIẢ TỪ BI ở quê nhà từ lâu. Mãi đến mấy năm gần đây , khi hay tin Ni Sư Thích Trí Hải qua đời vì bị tai nạn xe hơi ( ? ) tại Việt Nam trong lúc đi phát đồ cứu trợ ở Nha Trang về... tôi đã xúc động đến nghẹn ngào. 

R3ec622b2a75c374115e846ca4ed1caa6 1

Trên đây là một vài ký ức về thuở học trò khi còn đang theo học lớp đệ tam B tại trường Phan Châu Trinh Đà Nẵng.

Dương Viết Điền

California, Xuân Ất Dậu 2005

nguồn : ̣( trích từ ĐS  PCT- HĐ )