Cổng trường

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active
 

 

 TheThao

“ 30 năm rồi tôi còn nhớ
Nhớ cổng trường xưa đẹp tuyệt vời “

 

Tôi dừng xe gắn máy ngay trước cổng trường Phan Châu Trinh, sau khi đi uống cà phê với ông anh họ ngay góc ngã tư Lê Lợi và Pasteur. Không phải để ghé vào trường cũ có công việc gì, mà chỉ để nhìn lại ngôi trường có thay đổi và tìm lại hương vị của những năm tháng kỷ niệm lúc còn đi học.

Tôi đứng lặng im một hồi lâu  để nhìn ngắm trường sau bao năm xa cách. Xuyên qua cổng, ngôi trường dù đã thay đổi đôi chút nhưng trước cột cờ vẫn còn tượng cụ Phan Châu Trinh, một công trình điêu khắc tinh xảo, tuy nhỏ nhưng chứa đựng đầy ý nghĩa bao la, mà thầy Đỗ Toàn, giáo sư Hội họa đã để lại. Các lớp học thì vẫn như cũ, nhưng hiện nay đang được xây thêm mở rộng qua tận trường Nam Tiểu học ngày trước.

Nhìn vào sân trường, tôi nhớ lại những hình ảnh và quang cảnh của một buổi chào cờ vào sáng thứ hai đẹp trời. Thầy Cô tề tựu trước cửa phòng Hội đồng giáo sư. Thầy Tổng Giám thị dáng cao gầy đang dõng dạc kêu gọi các học sinh sắp hàng để chuẩn bị làm lễ Chào cờ. Nữ sinh áo dài thướt tha màu xanh da trời . Nam sinh đồng phục aó quần trắng, tất cả chỉnh tề đứng xếp hàng . Mỗi lớp hai hàng, nữ trước nam sau, người thấp đứng trước, kẻ cao đứng sau. Buổi lễ chấm dứt với vài lời khuyên bảo của thầy Hiệu trưởng. Học sinh lần lượt nối đuôi nhau đi vào lớp. Các Thầy Cô chia nhau về lớp dạy ...Một khung cảnh thật đẹp và khó quên .

Cảnh cũ đã làm cho tôi sống lại những “ ngày xưa thân ái “ từ lâu đã nằm yên trong tiềm thức. Những kỷ niệm thời thơ ấu lần lượt hiện ra trước mắt tôi.

Tôi sinh ra và lớn lên trong một gia đình nghèo đông con. Xóm tôi ở ngay một góc ngã tư đường Quang Trung và Duy Tân, trước cạnh nhà Bác sĩ Đinh Văn Tùng, trước mặt Nữ Đoàn Bác Ái. Cái may mắn của tôi thuở thiếu thời là đã thi đâu đậu đấy. Lúc còn bé, tôi đậu vào trường Nam Tiểu học, học chung với Nguyễn Đăng Chương Dương, Nguyễn Đăng Yên Trúc, con thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc. Dương thì sau này bị mất trong vụ nổ kho đạn Long Khánh.

Cổng trường Nam đối diện với cổng trường Phan Châu Trinh. Sau khi thi đậu vào đệ thất với các bạn học cùng  các lớp Tiểu học như Phan Thuận Ái, Nguyễn Phước Dương, Nguyễn Sĩ Thuận, Tôn Thất Trịnh v..v... mà chúng tôi đã trải qua lớp Tư với cô Đê, lớp Ba với thầy Kính, lớp Nhì với cô Hiền, lớp Nhất với thầy Đặng. Chúng tôi chỉ cần bước qua khỏi con đường Lê Lợi đầy hoa phượng nở vào mùa hè, trồng dọc theo hai lề đường là đến Cổng trường Phan Châu Trinh, đánh dấu một con đường mới thật sáng lạng mà chỉ có những học sinh giỏi và xuất sắc của thành Phố Đà Nẵng hiền hoà và thênh thang mới  được vào.

Đứng bên ni sông ngó qua bên kia sông

Nước xanh như tàu lá

Ngó về sông Hàn, phố xá thênh thang ...

Đó là bài thơ mà thầy Lê đã đọc cho chúng tôi nghe để ca tụng cái vẻ đẹp của Đà Nẵng. Vì quá quen thuộc nên chúng tôi không để ý đến điều đó. Thật sự, ngày còn nhỏ, thành phố Đà Nẵng quá lớn chứ không phải như bây giờ trở lại, cũng những con đường phố cũ, như nhỏ lại ?

Năm tháng ở  bậc Tiểu học tôi không còn nhớ nhiều như tháng năm ở Phan Châu Trinh, nhất là những niên học cuối cùng của bậc Trung học.

Thi đậu vào Phan Châu Trinh tôi cảm thấy vui sướng và tự hào là đước tiếp tục học mà khôngh phải tốn tiền của cha mẹ. Nhất là , mình là 1 trong  250 học sinh thi đậu của hai ngàn học sinh dự tuyển. Phải nói là học sinh PCT toàn là học sinh giỏi và ưu tú.

Từ một trường toàn là nam sinh bước sang một lớp mà gần nửa lớp là nữ sinh và cũng không nghịch ngợm như ở Tiểu học. Một kỷ niệm nho nhỏ khó quên lúc vào đệ thất. Vào giờ Toán của thầy Cung Thế Mỹ. Thầy cầm tờ giấy đặt trên bàn thầy và đọc lớn : “ Cậu nào là Phạm Văn Thương, cô nào là Nguyễn Thị Hoa ? “ .Cả hai chúng tôi đều đứng phắt dậy, không biết chuyện gì sẽ xảy đến vì trông thầy rất nghiêm và gắt. Thầy nhìn hai chúng tôi rồi nhìn cả lớp , thuyết cho một bài giảng luân lý : “Các cô cậu phải nhớ không được cắp đôi, các cô cậu phải lo học...” Tôi cúi gầm đỏ mặt và thầy bảo hai chúng tôi ngồi xuống.

thaycungthemy

Thầy Cung Thế Mỹ

Đầu năm đệ lục thì có một sự thay đổi, lớp tôi chỉ toàn là nam sinh. Chúng tôi cảm thấy một cái gì nặng trĩu đã qua đi vì bây giờ chúng tôi tha hồ giỡn phá và vui chơi của tuổi học trò hồn nhiên mà không bị mắc cỡ hay dòm ngó của các bạn gái cùng lớp. Có một lần chúng tôi đốt pháo nổ chậm ( ngòi pháo cột  nối với cây hương đang cháy dỡ ) đặt dưới gầm bàn thầy cô lớp bên cạnh có nữ sinh, Tiếng pháo nổ rầm, chúng tôi bên này bụm miệng cười khúc khích vì biết cả lớp bên cạnh sẽ giật mình mà không biết ai là thủ phạm ! Viết đến điều này cũng mong thầy cô thông cảm và tha thứ cho.

Càng lớn chúng tôi càng chững chạc hơn, cái tinh nghịch của lớp nhỏ được thay vào là sự chưng diện, tán gẩu với các nữ sinh. Tôi và Dụng thì được các bạn gái học lớp Tứ 4 mến hơn nên cùng rủ nhau đi học luyện thi trung học ở trường Bồ Đề vào ban đêm. Hoa,Thục, Huy là cặp ba bài trùng của lớp Tứ 4 cùng với tôi và Dụng đêm nào cũng đi học thêm. Chúng tôi coi nhau như bạn thân nên đêm nào tôi và Dụng phải chạy kè kè đưa Hoa Huy thục về tới nhà vì sợ các anh chàng khác theo  ghẹo phá.

Huy Thục thì đã mất trong một tai nạn xe trong lúc  đi học Huế vào năm 1969. Tôi gặp lại hai cô bạn khi tôi lên đường vào Sài Gòn gia nhập Hải Quân, trên đường Quang  Trung đầy bóng mát và chúng tôi vẫy tay chào nhau lần cuối và  không bao giờ gặp lại “ Thục đen “ và “ Huy hụt hơi “. Buồn thật.

Đến năm Đệ tam thì cả một sự thay đổi ,kẻ đi ban này, người đi ban kia. Bạn bè cũ chia nhau các lớp. Tôi theo ban C vào một lớp mà phân nửa là nữ sinh. Và đặc biệt lớp tôi thì có rất nhiều học sinh Trần Quý Cáp Hội An ra học. Lớp tôi có hai chú tiểu : chú Bình ở phái Tiểu thừa, chú Đạt ở phái Đại thừa. Chúng tôi thường phá hai chú là thường kể chuyện về tình yêu hay tán gái cho hai chú nghe. Hai chú đỏ mặt còn chúng tôi thì mĩm cười .

Năm này thầy Trần Vinh Anh vừa về làm hiệu trưởng và cũng là giáo sư chính lớp tôi. Thầy dạy môn Sử Địa. Chúng tôi rất thích giờ học của thầy vì thầy ít giảng bài theo sách vở mà thầy hay kể cho chúng tôi nghe về kiến thức phổ thông mà thầy đã góp nhặt trên các tạp chí có liên quan về Sử Địa. Nhưng cuối năm đó thì trường Phan Châu Trinh đã mất đi một thầy hiệu trưởng tài ba và lớp chúng tôi vắng đi một vị giáo sư giỏi khi thầy chấm thi ở Nha Trang. Thật là chữ tài liền với chữ tai một vần.

 thay HT TranVinhAnh

Năm Đệ  tam là năm tôi có thêm nhiều người bạn mới. Lớp Anh văn tôi thì đặc biệt có Hồ Thị Tú vừa đẹp, thông minh mà lại sang nữa, nhưng tiếc thay Tú sang ngang quá sớm đã để lại bao nhiêu con tim thổn thức. Ngoài ra bên Pháp văn thì có Kim Thùy học giỏi quá chừng. Có một lần Thùy mời một số bạn đến nhà để ăn mừng sinh nhật  trong đó có tôi . Đến nhà Thùy, ba mạ Thùy để chúng tôi rất tự do và thoải mái, hai bác rất dễ mến và vui vẻ tiếp chúng tôi. Nhưng khi cắt bánh sinh nhật thì tôi tự cảm thấy buồn tủi vì đó cũng là ngày sinh nhật của tôi. Do đó sau này khi đến ngày sinh nhậr tôi thường hay gởi thiệp chúc cho Tỷ Tỷ.

Đến năm Đệ nhị là năm chúng tôi thường tổ chức đi chơi picnic. Lâu lâu vào cuối tuần chúng tôi rủ nhau đi chùa Non Nước hay Suối tiên ở Sơn trà. Tôi thường đứng ra tổ chức và mời các thầy tham dự như thầy Bảo, thầy Lê, thầy Quân, thầy Trác, thầy Hóa. Và cũng từ những cuộc đi chơi này mà tạo nên một chuyện tình “ vòng tay của thầy “ tuyệt vời và bền vững cho đến bây giờ.

Nguyên là lớp Anh văn ban C chúng tôi chỉ có ba nam sinh là tôi, Lễ và Cảnh. Còn lại hơn mười nữ sinh; trong đó có Nguyệt, Hà, Lê, Lệ Hoa, Tú, Hoà, Toán v..v...Về sau một cô bạn lớp tôi đã trở thành GS Anh văn Phu nhân, đó là bạn Nguyệt. Chúng tôi vui mừng vì hai kẻ bạn mình và thầy mình đã nên duyên tấn tần.

Thầy TQB và Nguyệt đã tạo nên hòa âm thật nhẹ nhàng cho một điệp khúc tình yêu. Và hai người thân yêu của lớp II C của chúng tôi đã đi bên nhau cho đến bây giờ.

Năm Đệ nhất là năm cuối mà tôi hoạt động nhiều nhất các sinh họat của trường. Lúc đó thầy Lê dạy Sử Địa và cũng là giáo sư chính lớp tôi. Còn tôi thì làm trưởng lớp. Thời gian này các thầy cô có vẻ hoạt động nhiều về mọi lãnh vực : Thầy Hiền dạy Triết và thầy Quân lo về báo chí ; thầy Tôn Thất Lan và thầy Hoàng Bích Sơn  lo về văn nghệ cuối năm, thầy Phụng và thầy Thanh lo về thể thao, thầy Lê lo việc xã hội ; thầy Quân với đoàn Du ca v..v...

Vào dịp Tết Mậu Thân năm 1968, trường tổ chức đêm văn nghệ cuối năm. Tôi cùng với Đỗ Thanh Vẽ, Toàn, Trí v..v...cùng các bạn nữ sinh Hoa, Sương, Vân Anh, Hồng Toàn, Tâm Nguyên v..v...đều có chân trong ban văn nghệ. Ngoài đêm trình diễn đơn ca và hợp xướng “ Trường ca mẹ Việt Nam và Lửa rừng “ tại sân khấu trường, chúng tôi còn được mời lên hát cho TiVi ( đài truyền hình Mỹ ở lưng chừng núi Sơn Chà ). Đó là lần đầu tiên ban văn nghệ của một trường trung học ở Đà Nẵng được hát trên truyền hình.

Còn nói đến thể thao. Trường chúng ta luôn luôn nổi tiếng là trường đoạt giải nhiều nhất của liên trường Đà Nẵng. Tôi đoạt chức vô địch vũ cầu đơn nam toàn liên trường Đà Nẵng sau khi hạ Hưng  ( đấu thủ quan thuế ) của trường Sao Mai. Và cùng Di, Thanh Tâm đem lại vô địch vũ cầu toàn đội cho trường. Đội bóng tròn Phan Châu Trinh theo gương các anh : Dũng, Nam, thầy Phụng v..v...Chúng  tôi thì có hàng tiền đạo rất mạnh như Lộc, Duy,Anh, Thương...đã thao túng các đội banh của trường bạn một cách dễ dàng để đoạt cúp. Đấu thủ bóng bàn thì có Thi Anh Kiếp ( lớp tôi ) và Trần thị Hạnh ( lớp Nhất A , nay đã qua đời ở Florida. Trong thời gian Hạnh bị bịnh, chúng tôi thường liên lạc với nhau như đôi bạn có cùng một hoàn cảnh ). Cũng đem lại ngôi vị số một của liên trường. Riêng đội bóng  rỗ thì trường chúng ta đánh không lại trường Phan Thanh Giản và Thọ Nhơn. Vì có chân trong đội bóng tròn, bóng rỗ và vũ cầu nên thầy Phụng cho tôi và Kiệt chia nhau phần thưởng thể thao cuối năm của trường.

Sau vụ Tết Mậu Thân, các thầy Lê, thầy Quân, thầy Phụng v..v...hướng dẫn các học sinh thiện chí đi công tác xã hội tại Huế. Làm sao tôi quên được “ mười ngày tại Huế “. Những tàn phá và chết chóc của chiến tranh để lại. Chúng tôi thu dọn nhà cửa đổ nát trên Thượng Thành, Gia hội và giúp đỡ đồng bào Huế sau những ngày lửa đạn hoang tàn. Với tuổi trẻ ở thành phố, lần đầu tiên chúng tôi mới được trực diện với hậu qủa của cuộc chiến tương tàn.

Trước Tết Mậu Thân thì tôi cùng với thầy Quân xuống đánh vũ cầu ở sân Toà Đại Biểu Chính phủ ( ngay góc đường Bạch Đằng và Gia Long ) cùng với thầy Đãi ( là chồng của cô Nguyễn Khoa Diệu Liễu, sau này cô làm Hiệu trưởng trường Nữ Trung học, cô ở phía bên kia đường đối diện với sân vũ cầu trường Phan Châu Trinh  ) . Nhưng Tết Mậu Thân thì thầy Đãi đã bị bắt tại Huế và được thả về sau này khi miền Nam bị cưỡng chiếm. Năm 1981 sau khi được thả về, tôi có ghé thăm cùng với thầy Quân , tác giả “ Khúc Tình Ca Xứ Huế ” . Lúc này hai thầy trò bàn nhau vượt biên. Rồi gần đây vào tháng 9 năm 2003, thầy Quân đã mất lúc tôi đang về thăm ba tôi và gia đình ở Việt Nam. Tôi nghe tin cảm thấy buồn hết sức vì như thế là mình đã mất đi một người thầy kính mến, một người anh huấn luyện vũ cầu và một người bạn cùng lý tưởng.

 

nho ve ba hieu truong

cô Nguyễn Khoa Diệu Liễu

lien hoan tet 73 voi ba hieu truong co lieu

 

Tình yêu đầu đời lúc nào cũng đẹp và thăng hoa, nó đánh dấu cho một ngã  rẽ của cuộc đời. Các bạn tôi ai cũng vậy, nếu mà không biết yêu thương thì xin “ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo “. Cũng chính cái tình yêu vun đắp cho chúng ta một sức sống mãnh liệt.

Frère Kế, ngài nguyên là cựu phó giám đốc học đại học xá Đà Lạt. Khi qua Mỹ ngài đi dạy Thần học cho các trường Adran ở Cali mà tôi được săn sóc ngài tại bịnh viện Alexandre trước khi ngài qua đời. Ngài cũng đã phân tích và giải nghĩa rõ ràng hai chữ tình yêu. Đối với ngài tùy theo từng hoàn cảnh và đối tượng, tình yêu có một ý nghĩa khác nhau, lúc ngài còn trẻ, khi chưa vào Dòng tu ngài cũng đã từng yêu một cô gái Hà Nội vậy.

Vào năm cuối của trường Phan Châu Trinh, các bạn ngang lớp cũng như tôi bắt đầu nghĩ đến chuyện yêu thương.Nhưng có kẻ thì cùng với nhau đến suốt cuộc đời như Nghĩa Hạnh, Aí Đa, Thiện Hoa v..v...và “ vòng tay thầy Bảo Nguyệt” nữa chớ . Riêng tôi và Nhung, cô láng giềng cùng trường, cùng đường, cùng yêu thương lại không được cái diễm phúc đó. Lúc nào gặp nhau rồi lại đứt đoạn. Ôi cũng chỉ là có yêu thương mà không có duyên nợ.

Trường Phan Châu Trinh đã đào tạo nhiều nam sinh đa tài, còn nữ sinh thì đẹp thôi là đẹp. Cứ mỗi lần tan trường, các nữ sinh với các tà áo trắng thướt tha đi trước là các nam sinh lò dò theo sau. Tôi còn nhớ một lần tan học ra trễ thì gặp Thanh Sơn đang đứng chần chừ phía cổng sau trường. Tôi hỏi Thanh Sơn chờ ai vậy  ? – A, thì nhờ Thương cùng đi với Sơn về nhà, chứ ông nội kia cứ lèo đèo mãi theo Sơn.  Tôi quay ngó lại thì thấy Chương “ mù “

Mỗi lần nghĩ đến trường Phan Châu Trinh là những kỷ niệm xưa đẹp của thời niên thiếu lại lần lượt hiện lên mà nó đã ẩn dật trong tiềm thức tôi bấy lâu nay. Nó thật êm đềm như dòng sông Hàn vào mùa nước cạn, mát mẻ như con đường Quang Trung, Duy Tân rợp bóng và đỏ tươi như cây phượng vĩ vào mùa hạ dọc đường Lê Lợi.

“ Đừng đòi hỏi Trường đã làm gì cho chúng ta mà tự hỏi chúng ta đã  làm gì cho trường chưa ? “. Đó là một câu hỏi mà tôi đã làm trong những ngày tháng còn đang học ở trường, dù rằng đó chỉ là một viên gạch nhỏ hay một thùng vôi, ít nhiều cũng tô điểm nét vàng son của Trường Phan Châu Trinh. Và chúng ta ai cũng tự hào là một cựu học sinh Phan Châu Trinh.

Tiếng còi xe inh ỏi ở trên đường Lê Lợi làm tôi giật mình trở về với thực tại. Tôi lên xe Honda rồ máy đi vào cuộc đời còn sót lại, bỏ lại đàng sau “ Cổng Trường “ khóa chặt những kỷ niệm khó quên của một thời cắp sách.

 

BTMD

 

  

Tôi rời trường, dần khuất xa cổng trường thân thương...Tôi một mình hát khe khẽ bài “ Bỏ trường mà đi “, bài hát tâm đắc của mình, để càng ngậm ngùi tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Đình Quân, tác giả, người anh, người bạn, người thầy của tôi một đời thương quý.

 

Thầy Trần Đình Quân

ngậm ngùi tưởng nhớ nhạc sĩ Trần Đình Quân,

tác giả, người anh, người bạn, người thầy của tôi một đời thương quý...

 

R3ec622b2a75c374115e846ca4ed1caa6 1

 

“...Bỏ trường mà đi, ngoài kia cuộc đời réo gọi

    Bỏ trường mà đi, bỏ lại đàng sau ánh mắt nụ cười

    Bỏ lại đàng sau những buồn vui cuộc đời

    Những ghế những bàn kia sao không lên tiếng

    Những ghế những bàn kia sao kông lắng nghe

    Lời tạ từ của một người sắp đi xa

    Này phấn trắng, này bảng đen sao không lên tiếng, sao cứ im lìm

   Sao cứ im lìm

   Hôm nao ta đưa ai đi ?

  Hôm nao ai đón ta về ?

   Đường xưa ngập lối dấu chân tìm đâu

   Bỏ trường mà đi...”

 

Phạm Văn Thương  ( PCT niên khóa 1961-1968 )