Bạn Phan Chánh Dinh ,
Phan Chánh Dinh
Gần 40 năm chưa gặp lại bạn, nhưng tôi nghĩ có thể tâm tình với bạn đôi điều, dù trước kia bạn và tôi không thân thiết lắm nhưng chúng ta hiểu rõ tâm tư nhau , tin cậy và có thể nói cho nhau nghe những gì chúng ta quan tâm , cũng như những nghĩ suy về những vấn đề xã hội đương thời.
Lần cuối bạn đến tôi đêm mùa thu năm 1960 . Hôm sau bạn đi Huế để tiếp tục lớp Đệ nhị ban C trường Quốc Học . Trường , lớp , thầy , cô , bạn bè gắn bó . Bạn không “ bỏ trường mà đi “, bạn đổi trường đổi ban học vì muốn có một sự thay đổi , dù chỉ một sự thay đổi nhỏ trong đời . Tôi hiểu bạn ...Đi xa và thay đổi lúc đó là một nhu cầu , vừa là sự thôi thúc...Thành phố cảng , tiếng sóng rì rầm réo gọi , đại dương trải rộng mênh mông đến chân trời xanh biên biếc...tiếng còi tàu ngân dài và sự đưa tiễn nhộn nhịp ở sân ga...tiếng gầm rú của phi cơ lên xuống tại phi trường...mỗi ngày nhắc nhở chúng ta những chuyến đi xa . Chúng ta ấp ủ mơ ước những chuyến đi xa . Đi để thực hiện mộng ước lụa là hoa gấm của tuổi trẻ . Từ Đà Nẵng vươn ra khắp bốn phương trời , đến đầu ghềnh cuối bãi , đến những đất nước văn minh phát triển , đến những trường đại học có giáo sư danh tiếng , thư viện sách vở trùng trùng , công viên cỏ hoa xanh tốt , những xưởng đóng tàu , những khu kỹ nghệ , với những ống khói cao ngất hoạt động suốt ngày đêm . Đi xa để thỏa mộng phiêu lưu vừa nuôi dưỡng ý tưởng rằng đến các chân trời xa lạ chúng ta sẽ được học hỏi nhiều điều hay khi có dịp sẽ đem khả năng làm cho đất nước tốt đẹp hơn , đồng thời giảm đi sự thống khổ của bà con đồng bào ...
Nhiều người hạnh phúc với tuổi trẻ vô tư . Chúng ta không có được may mắn đó . Thực tế xã hội chung quanh đã thúc đẩy chúng ta sớm già khi chưa trưởng thành và chưa đủ hiểu biết ...
Một buổi sáng năm Đệ lục tôi bỏ giờ Việt văn của thầy Lê Văn Nhân theo bạn đến ty công an đường Gia Long khi hay tin thầy Hồ Vinh, giáo sư Việt văn lớp bạn đã bị chết tại đó . Thầy Vinh bị công an bắt khoảng hai tháng trước . Hôm đó bạn xứng đáng là người hướng dẫn chúng tôi hơn vai trò một trưởng lớp thường ngày . Bạn đã dõng dạc nói với người công an rằng thầy Vinh không tự tử, thầy Vinh bị giết chết . Chúng ta chưa có ý thức gì rõ rệt về chính trị , nhưng chúng ta cảm thấy rằng công an bắt thầy Vinh tra tấn đến chết rồi bày ra chuyện treo cổ tự tử là điều dã man tàn bạo và hèn hạ , chúng ta không chấp nhận được . Bài học lịch sử dạy chúng ta căm thù người Tàu , người Pháp thi hành chính sách đô hộ hà khắc với nhân dân ta ... Chúng ta phẩn uất và xấu hổ vì người Việt Nam còn đối với nhau không hơn thời nô lệ . Từ năm học đệ thất , trong nhiều đêm mùa đông mưa tầm tả , chúng ta được thầy cô hướng dẫn, cầm đuốc đi khắp các đường phố hoan hô và cổ động cho cuộc trưng cầu dân ý truất phế Quốc trưởng Bảo Đại bầu chí sĩ Ngô Đình Diệm làm Tổng Thống, chúng ta được hướng dẫn tung hô chào đón nền Cọng hòa mới được thành lập ...Chúng ta hân hoan, vui mừng và hy vọng cho tương lai đất nước thoát khỏi tình trạng chiến tranh , thực dân, phong kiến bước vào thời kỳ mới dân chủ tự do , toàn dân ấm no hạnh phúc an cư lạc nghiệp . Chúng ta đón mừng một xã hội công bằng , con người đối đãi tử tế với nhau như người với người . Chúng ta hãnh diện và sung sướng là thế hệ người Việt Nam đầu tiên ra khỏi giai đoạn bi thương và tang tóc của dân tộc tiến bước vào dân chủ...Nhưng cuộc đời không dễ dàng và đơn giản như chúng ta nghĩ . Đời sống chung quanh ngày càng ngột ngạt . Bắt bớ tù đày vẫn tiếp diễn . Xã hội không gì thay đổi ngoài sự thay đổi người cầm quyền ...Sự thật bày ra trước mắt tuổi trẻ chúng ta như là những bi hài kịch lịc sử. Sự hứa hẹn dân chủ tự do chỉ là những thủ đoạn lừa dối lật lường tráo trở . Những gian lận không cần thiết trong những lần đầu phiếu làm cho những người cầm quyền từ thấp đến cao trở thành những vai hề chính trị vụng về. Tuy chưa trưởng thành nhưng chúng ta cũng đã biết rằng chế độ dân chủ không phải là những cuộc tranh thắng chính trị bằng bầu cử gian lận , rồi đưa ra những con số thắng cử với tỷ lệ cử tri đầu phiếu xấp xỉ gần 100o/o. Một vài vị giáo sư khả kính của chúng ta bỗng nhiên trở thành dân biểu đại diện cho những đơn vị bầu cử ma các thầy không sinh trưởng mà cũng không cư trú ; cử tri cũng không biết các thầy là ai. Có thầy một sớm một chiều trở nên giàu có nhờ được thay mặt gia đình của Tổng thống thụ đắc đất đai nhà cửa của người Pháp để lại trong thành phố khi họ phải về nước.
Thực tế lịch sử oái oăm của nển Cọng hoà tráo trở làm cho môi trường sống thành phố chúng ta đặc quánh và ngột ngạt. Chúng ta như những trái cây bị vùi cho chín vội về chính trị. Mới 12, 13 tuổi phải biết rằng người dân bị áp đặt những điều trái ngược với những hứa hẹn về dân chủ...Không còn niềm tin, chỉ còn ước mơ . Chúng ta mơ ước một đất nước tiến bộ , một xã hội công bằng nhưng ai có thể chỉ cho chúng ta làm thế nào để đạt những mơ ước đó.
Tôi nhớ hai câu thơ mở đầu một bài thơ về quê hương của bạn :
“ ...thân cau chín thước cao vời vợi
Thầm ru chim phụng ngủ trong lòng ...”
khẩu khí và mơ ước. Hai câu thơ thật hay , thật đẹp , tiếc rằng tôi không nhớ hết cả bài...Bạn ru con chim phụng trong lòng ...Con chim phụng không nằm ngái ngủ trong lòng tôi . Chim phụng của tôi đã tung bay thật cao, thật xa vào không gian mịt mùng và mông mênh của một ngày mưa to gió lớn...Con chim phụng tung bay đã làm cho tôi sớm trưởng thành hơn tuổi tác...
Không nhớ vì sao khi nghĩ về Đà Nẵng và trường Phan Châu Trinh , tôi lại nhớ đến những hôm trời mưa . Mưa Đà Nẵng không rả rích kéo dài một, hai tháng như mưa Huế . Mưa Đà Nẵng tầm tả như thác đổ . Trời và đất cùng sũng mềm trong nước . Nước dày đặc mênh mông...Năm giờ chiều trời đã tối mịt mờ. Hai bóng đèn lòng thòng tù mù không đủ ánh sáng trong phòng học . Gió lộng ầm ầm đập mưa rào rào lên cửa kính . Lớp học ngưng đọng lại. Thầy cô ngưng giảng bài làm các động tác theo thói quen...Thầy Trần Tấn trở lại ghế ngồi đong đưa hai vế, chúng ta được dịp cười vui theo nhịp chân của thầy. Thầy Lê Long Viên đứng lại bục giảng nhìn ra ngoài rồi cười ...không đẹp trai , nhưng cười thật hiền thật trẻ và thật tươi...Thầy Trần Đại Tăng sẵn sàng ném mạnh viên phấn vào người nói chuyện lớn tiếng ...Thầy Lý Châu gọi học sinh nào thuộc bài để trả lời các câu hỏi Sử Địa “ nghe cho được “...Thầy Trần Đình Hoàn , kể chuyện tương quan của thầy với các nhà văn thuộc nhóm Sáng Tạo . Mắt thầy sáng lên sự kiêu hãnh . Đọc Sáng Tạo thời đó là một cách tỏ ra là người trí thức...Nếu bạn nào lỡ miệng gọi thầy là James Dean thì thầy cũng không giận , dù thật sự thầy không giống tài tử nổi tiếng này chút nào.
Năm học Đệ tam , bình giải câu nói thời danh của Ngô Tổng Thống “...Tôi không phải là thần thánh , tôi chỉ thức khuya dậy sớm chăm lo công việc mà thôi ...” Thầy Hoàn cho tôi điểm 01/20 vì tôi đã viết “...chăm chỉ cần cù là tính tốt . Nhưng thức khuya dậy sớm không trở thành thần thánh , cũng không có ai gọi Ngô Tổng Thống là thần thánh, có chăng là những người nịnh bợ ...”
Bên lớp Đệ tam B 2 , thầy Hoàn cũng cho bạn điểm 01/20 với lời phê “ cục đỏ “. Tôi không biết bạn viết những gì, nhưng tôi không nghĩ bạn đã “ đỏ “ từ lúc đó.
Chúng ta lén lút trao cho nhau đọc vài cuốn sách, các tài liệu của “ bên kia “, dù rất hứng thú , nhưng chúng ta còn nhiều hồ nghi , chúng ta cũng biết việc tiêu diệt người khác chính kiến của họ là điều có thật. Chúng ta cũng đã phân biệt được nạn nhân của chiến tranh và nạn nhân của các cuộc tàn sát đẩm máu vì lý do chính trị là hai điều khác nhau . Mùa Hè năm 1963 , thư cho tôi , bạn kể chuyện lập gia đình với người con gái Hội An cùng học lớp Đệ nhất C trường Quốc Học ...Bạn tỏ tình bằng một bài thơ thật hay. Một người cùng lớp với bạn ở Đệ nhất C Quốc Học đã đọc cho tôi nghe bài thơ dùng “ lời hoa để ngỏ ý tim “ của bạn . Bạn đi dạy học ở quê vợ...Bạn gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng . Trong sinh hoạt chính trị , bạn không tìm thấy con đường lý tưởng như từng ước mơ...Mơ ước tham dự vào cuộc cách mạng xã hội...Bạn hỏi tôi rằng bạn có nên thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh như tôi hay không ?
Tôi viết cho bạn : “Hành chánh không phải là con đường cách mạng. Năm mươi năm trước cụ Phan Châu Trinh từ quan đi làm cách mạng . Cụ đi khắp cả nước vận động duy tân . Cụ sang Tàu , sang Nhật ...Cuối cùng cụ Phan thấy hoàn cảnh đất nước ta không thể dùng bạo động để đấu tranh giành độc lập , cũng không thể vọng ngoại ...Việc cần trước tiên là phải khai dân trí chấn dân khí và hậu dân sinh . Cụ Phan qua Pháp , cọng tác với những người Pháp tại chính quốc đấu tranh đòi chính quyền Pháp phải tôn trọng dân quyền, mở mang dân trí cùng phát triển kinh tế cho Việt Nam và Đông Dương . Cụ Phan Châu Trinh từ bỏ con đường cách mạng , theo con đường cải cách triệt để . Cách mạng đưa đến vấn đề quyền lực . Quyền lực nằm trong tay những con người có đầu óc khô sệt mà trái tim nhỏ xíu là thảm họa cho đất nước và nhân loại . Do đó cách mạng không phải lúc nào cũng tốt và không phải lúc nào cũng cần thiết. Cụ Phan còn có hoàn cảnh để chọn lựa . Chúng ta không có cơ hội để chọn lựa . Dân tộc ta hiện đứng trước hai con đường ngược chiều . Con đường tôi đi tuy không là giải pháp chúng ta mong ước , nhưng chính quyền là môi trường có thể hiểu biết xác thực cần thiết cho những ai có momg ước đóng góp cho xã hội . Ở trong chính quyền khó có thể làm cách mạng , nhưng có thể cải cách triệt để , dĩ nhiên với rất nhiều khó khăn . Sự độc tài của miền Nam chỉ do một nhóm người. Với nổ lực của nhiều người có thể đấu tranh thay đổi để xây dựng dân chủ...Con đường thứ hai tuyệt đối không thể có dân chủ vì quyền lực nằm trong tay một đảng độc tài có tổ chức chặt chẽ và một hệ thống quốc tế đứng sau lưng họ để yểm trợ và kiểm soát . Những hình ảnh đẩm máu do Việt Minh gây ra cho làng quê và gia đình tôi lúc tôi còn 5 tuổi , tôi không quên được...
Khi sử dụng hận thù làm động lực thì cách mạng không còn là phương tiện cải tạo xã hội . Khi chính quyền sử dụng bạo lực để cai trị thì người dân luôn luôn là nạn nhân của cường quyền . Bất cứ viên chức hạng bét nào của chính quyền cũng có quyền sinh sát và làm cho người khác khổ đau ...Bác họ tôi bị người em cùng cha khác mẹ tàn sát cả nhà không chừa đứa cháu nhỏ 3 tháng tuổi chỉ vì những mâu thuẩn nhỏ nhặt trong gia đình . Người em bác tôi là một dân quân du kích xã của Việt Minh . Chính quyền là môi trường dễ tha hóa nhưng cũng là nơi có cơ hội phục vụ ...Con én không làm nên mùa xuân , nhưng bông hoa dù đơn lẻ cũng làm cho người qua đường cảm thấy dễ chịu...” .
Bạn đã không thi vào trường Quốc Gia Hành Chánh , bạn theo con đường bạn chọn ...Ba mươi năm rồi chúng ta chưa gặp lại nhau . Nhanh thật như mới ngày nào...
Thời đó có lúc tôi nghe tin bạn dẫn đầu những người đấu tranh phát xuất từ chùa tỉnh hội...Bạn chạm mặt PHAN NHẬT NAM, sĩ quan Nhảy Dù trách nhiệm dẹp biểu tình. Hai người là bạn thân trở thành hai thế đối nghịch...Bạn bị bắt giam tại trại giam Kho đạn...Bạn bị Cảnh sát điều tra đánh gãy xương sườn...Bạn bị đày đi Côn đảo...Năm 1973 , bạn được trao trả cho phía bên kia tại Lộc Ninh . Năm 1975 bạn từ rừng về với tư thế kẻ chiến thắng.
Năm đó , tôi đọc một truyện ngắn của bạn trong nhật báo Sài Gòn Giải Phóng .Bạn tốn nhiều công phu để tìm kiếm người cảnh sát đánh bạn gãy xương , cuối cùng bạn tìm ra anh ta trốn vào Long Khánh . Bất ngờ nhìn ra bạn đứng ngay trước thềm nhà, anh ta quá sợ hãi quỳ xuống , vợ con anh ta quỳ theo . Cả nhà khóc xin tha mạng ...Bạn đã nói lời tha thứ...Chuyện có kịch tính...Luật pháp nước nào cũng cấm dùng nhục hình khi điều tra, hỏi cung ...Nhưng thực tế chuyện đánh đập , tra tấn vẫn xảy ra khi điều tra ...Đôi khi vì nhu cầu khai thác tin tức cấp bách trong thời chiến , có khi do thói quen hay tính độc ác của kẻ điều tra . Thời gian ở tù tôi cũng bị đánh đập nhiều lần , uất ức , căm thù...Tình cảm thông thường , nhưng rồi thì quên . Khi tôi bị giam tại sở Công an thành phố , tại đó có nhiều bạn cùng trường Phan Châu Trinh . Có người quen , có người tôi không biết ...Có lần tôi bị đánh rất nặng , không vì nhu cầu cung từ , mà hình như tại vì là cựu học sinh Phan Châu Trinh...Những anh em đánh tôi chỉ muốn chứng tỏ quyền uy kẻ chiến thắng ...Những người bạn đó nhắc cho tôi rằng họ biết tôi rất rõ khi tôi học lớp Đệ nhị thì họ học lớp Đệ lục .....Lớp Đệ lục nầy có nhiều bạn làm việc tại sở Công an thành phố . Người làm chấp pháp , người khác là trinh sát chính trị...Anh y sĩ của trại giam , trước là bác sĩ Thủy Quân Lục Chiến , đã gọi tôi trình diện . Anh ta bắt tôi đứng nghiêm , ngồi gật gù nhìn ngắm tôi từ đầu đến chân như mèo vờn chuột hồi lâu , rồi cười đắc thắng ...Bây giờ thì tôi muốn quên đi tất cả những điều đó . Thời gian đã trôi qua thật nhanh .
Tôi có đọc bài thơ “ Chị Sứ “, và bài thơ bạn ca tụng phi hành gia YOUGO GAGARINE cùng đất nước Liên Xô anh em của bạn...Ngậm ngùi tiếc một thi tài bị mai một . Tôi đã từng yêu những bài thơ của bạn. Nhiều người từng mến mộ bạn . Có người nhắc đến bạn chỉ gọi bút hiệu mà không gọi tên thật . Họ yêu thơ và quý trọng thi sĩ . Bạn đã chọn bút hiệu thật hay PHAN DUY NHÂN , vi con người , con người là đáng quý , con người là chủ thể của xã hội...Giờ đây phục vụ trong chế độ khủng bố đàn áp con người , bạn có khổ tâm không ? Bạn từng gắt gao phê phán những người lắp chữ theo vần . Bạn không công nhận họ là thi sĩ . Bạn nghĩ thế nào về thơ của các ông Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Xuân Thủy ? Họ có phải là thi sĩ ? Đó là thơ hay vè ? Thơ của họ luôn luôn được đăng ở vị trí trang trọng nhất của các tờ báo đủ loại của đảng . Những người làm văn học nghệ thuật của chế độ hiện tại gọi những lãnh tụ sính làm thơ kể trên là những đại thi hào của nước ta . Bạn nghĩ thế nào về ý kiến này ? Bạn có làm nổi bài bình giảng văn thơ của các “ đại thi hào “ này không ? Bạn có đủ can đảm để viết rằng ông Hồ Chí Minh là đại thi hào hay đại văn hào không ? Có thể bạn khó trả lời câu hỏi đơn giản của tôi...Sự thật và quyền lợi...Tôi thông cảm . Cũng thường tình thôi ...Cũng may bạn không có nhiệm vụ viết bài ca tụng thơ văn của các lãnh tụ như các đồng chí khác của bạn nên bạn không phải khó khăn chọn lựa giữa sự thật và nhiệm vụ . Những lãnh tụ sính thơ đã chết . Các lãnh tụ đương quyền đã “ đổi mới tư duy “, không còn cần làm thơ nữa . Bạn biết nhiều hơn tôi về những nhà bình luận , những văn nghệ sĩ chỉ có cái tài cần câu cơm , cần câu danh vọng , chức tước, là sự ninh hót . Một nhà văn gọi họ là những nhà nịnh học . Họ chỉ có mỗi một công việc là suy nghĩ tìm ra những tỉnh từ , trạng từ , hình dung từ thật kêu , thật đẹp , thật bóng bẩy để viết về thơ văn của các lãnh tụ , biến thơ văn hạng bét của lãnh tụ thành thơ văn “ cực kỳ “ . Tôi không biết bây giờ bạn thay đổi ra sao , nhưng với bản chất lúc trẻ thì tôi đoan chắc bạn không chấp nhận được , những điều bạn cho là đê tiện . Chắc chắn bạn sẽ phản kháng ...Thôi nói làm gì thời trẻ trung hoa mộng và dễ thương ấy . Phải chăng bây giờ bạn cũng đã già rồi ?
Bạn thân mến ,
Từng học trường Phan Châu Trinh 6 năm , tôi còn thuộc bài hiệu đoàn ca của thầy Hoàng Bích Sơn : “...Phan Châu trinh người chiến sĩ quốc gia bất diệt , đã từng hy sinh tranh đấu cho dân quyền...Buồn thấy đế quốc chiếm giang san , công lao bao đấng anh hùng , điêu linh dưới ách gông cùm . Ra đi quyết lòng vì nước quên mình ...Cùng phá xích xiềng , dành lấy dân quyền...Phan Châu Trinh muôn đời , quyết theo gương người ...Là học sinh Phan Châu Trinh ta tiến bước theo chân người giữ vững dân quyền...”
Hơn 100 năm kiên trì tranh đấu, bao nhiêu sinh mạng đã chết , bao nhiêu tài nguyên đất nước đã bị hủy diệt , các đế quốc đã rút đi , nhưng đất nước dân tộc Việt Nam vẫn còn sống trong cảnh lầm than cùng cực . Nhiều cán bộ , đảng viên Cọng sản lão thành, từng giữ các chức vụ then chốt đã so sánh đất nước ta hiện nay không có tự do bằng thời Pháp thuộc , công an của nhà cầm quyền dã man , tàn ác hơn mật thám Tây . Đời sống kinh tế cũng khổ hơn . Có người còn gọi là nạn Nội xâm. Phải chăng gông cùm của đồng chủng nặng nề nghiệt ngã hơn ách thống trị của ngoại nhân. Bạn nghĩ thế nào ? Là người trong cuộc bạn biết rành hơn tôi . Đau xót lắm phải không ?
Sự thật lịch sử đã rõ ràng , chúng ta không còn khó khăn chọn lựa , chúng ta chỉ có một con đường : “...là học sinh Phan Châu Trinh ta quyết theo chân người... rèn tâm chí ...” chúng ta tiếp tục ước mơ của thời học sinh : tự do , dân chủ , dân quyền và nhân quyền cho mọi người Việt Nam .
Bạn thân mến , chúng ta là bạn của nhau.
Nguyễn Chí Thiệp ( PCT 1955 – 1961 )
( Viết nhân Kỷ niệm 50 năm trường Phan Châu Trinh )