Miên Mang Dòng Ký Ức 

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

 

Nhập học Phan Châu Trinh, lần đầu tiên đi học trong bộ áo dài trắng, tôi thấy như mình lớn hẳn lên và lạ lẫm ngay với chính mình.

viber image 2021 07 15 14 37 04 174Dẫu vậy trong giờ ra chơi, mình lại trở lại nguyên hình là học sinh tiểu học. Mình cùng các bạn Kim Anh, Loan, Phú… ra sân chơi u, vô tư, say sưa với việc chạy, tránh  né để khỏi bị bạn đánh trúng (là thua). Kim Anh đã“vô tư” đâm sầm vào thầy Nguyễn Đăng Ngọc - hiệu trưởng đang đi trờ tới. Cả bọn giật mình, sợ hãi, đứng yên như trời trồng, chờ đợi những lời khiển trách; nhưng không, thầy Ngọc nhìn quanh cả bọn, mỉm cười, xua tay rồi tiếp tục bước đi. Cả bọn thở  phào nhẹ nhõm và lại tiếp tục u. Hôm nào không chơi u thì lại chơi trốn tìm; sân trường trống trải, chơi không được, vào lớp trốn nhưng phải thu người lại sau mấy cái cột nhà hay sau lưng mấy chị cùng lớp nhưng lớn hơn, đang đứng tụm nhau lại trò chuyện.

Các bạn trai lớp minh, có nhiều người học rất giỏi, khi nào cũng giữ vị trí nhất nhì trong lớp như Lương Mậu Dũng; nhưng cũng có các bạn hay nghịch ngầm.

 Mình nhỏ con nhất lớp nên được xếp ngồi đầu bàn của bàn thứ nhất, trên bàn có khoét những ô tròn làm chỗ đứng cho bình mực. Thầy Trần Ngọc Quế dạy Pháp văn có hai mắt sâu và cận thị, miệng móm, thầy hay dùng từ “chi lạ”để đùa  vui hoặc trêu chọc những người có sai lầm nho nhỏ. 

ThayTNQue0029

 

thaybuitanthaytranngocque

Thầy Quế : áo vest máu trắng

Thầy Quế là vị “anh hùng” thứ tư trong câu vè về trường Phan Châu Trinh của lũ học trò tinh quái lúc bấy giờ. Thầy Quế khi giảng  bài thường đến đứng chống tay vào bàn nhất ngay chỗ tôi ngồi. Một hôm, khi vào lớp, tôi đã thầy một mớ hạt đu đủ tía để sẵn trong ô dành cho bình mực. Tò mò, tôi cầm lên xem và giật mình; sao mà giống mặt thầy Quế quá! Tôi cũng có ý nghịch ngợm nên đã để yên những hạt đu đủ tía ở đó chứ không bỏ đi.

Hôm đó, giờ đầu tiên là giờ của thầy Quế. Khi giảng bài, theo thói quen,  thầy đến chống tay nơi chỗ tôi ngồi , và thầy đụng những hạt đu đủ tía; cầm lên liền, thầy liền hiểu… Thầy hỏi: “Chơi chi lạ ri Chi?”. Tôi chỉ biết cười trừ . Nhìn xuống dưới lớp, thấy các bạn trai cúi mặt tủm tỉm cười, thầy biết ngay tôi không phải là “thủ phạm”, và thầy cũng không truy cứu nữa.. Mặc dầu là “đồng loã bất đắc dĩ” trong việc nầy, nhưng đến nay tôi vẫn chưa biết “thủ phạm” là ai.

Trong lớp có Bùi Thị Hồng, tính tình vui vẻ, có thân hình đẹp nên có nhiều bạn trai mơ tưởng, trong đó có Nguyễn Văn Sương. Nhưng tình cảm Sương chi đơn phương thôi , vì vậy các bạn trong lớp đã đổi câu thơ: “Đêm  thu buồn lắm chị  Hằng ơi “ thành ra: “Anh Sương buồn lắm chị Hồng ơi” để trêu chọc Hồng.

Suốt những năm Đệ nhất cấp, có những bạn đã biết yêu, đã được yêu, và đã cùng yêu nhau, thậm chí có bạn đã “sớm theo chồng bỏ cuộc chơi” như Nguyễn Thị Hường; còn tôi lại rất vô tư , say sưa với những đêm văn nghệ tự biên tự diễn, háo hức với những ngày cắm trại ở Lăng Cô, Mỹ Thị, sinh động với những giờ ra chơi, vô tư với những giận hờn, thù vặt không phải “của người lớn”.. Năm đó đã học Đệ Ngũ rồi, Nguyễn Diệu Liên Hương và tôi ngồi gần nhau ở bàn đầu. Liên Hương có thói quen bẻ các lóng ngón tay kêu rốp rốp mỗi khi thầy cô gọi lên trả bài hay hỏi bất cứ điều gì. Có một lần , không nhớ vì sao mình giận Liên Hương, bèn lấy phấn gạch trên bàn một đường thẳng ngay giữa mình và Liên Hương và giao hẹn: “Đứa nào để tay qua “địa phận “ người khác thì bị khẻ ráng chịu!”. Mà khi đang viết bài , hai cùi chỏ khuỳnh ra làm sao nhớ giữ để không “phạm luật” được ; và rồi Liên Hương bị mình khẻ cho một thước thật đau. Khẻ xong mình thấy hả cơn giận; nhưng khi về nhà,  nhớ lại cái khẻ, mình suy nghĩ: “Có nên làm vậy không? Có đáng trách không? “.  Và mình tự trả lời là  “đáng trách”. Nhưng xin lỗi thì “lép vế” quá, mà bãi bỏ ranh giới thì “yếu” quá nên không bỏ. Sau đó, những lúc Liên Hương “vi phạm” thì mình “nhắc nhở”  chứ không khẻ bạn nữa , và Liên Hương cũng “nhắc nhở” mình như vậy. Cho đến một ngày “đường ranh giới” biến mất khi nào không hay, và hai đứa lại vui vẻ như không có việc gì xảy ra cả. Liên Hương ơi ! Bây giờ bạn ở đâu, có còn nhớ kỷ niệm “thô bạo” nầy không ?

 

ngoidung1

 

Lên Đệ Nhị cấp,  mình có vẻ người lớn hơn, thướt tha hơn. Giờ chơi không còn ra sân chơi u hay trốn tìm nữa mà tụ lại từng nhóm nói i chuyện xưa, chuyện này, chuyện trên trời dưới đất, chuyện dương gian, chuyện âm phủ…,  hay từng đôi ra đứng bên hàng cây dương liễu dọc bờ rào vừa mới lớn hơn đầu người, hái lá, rút khớp lá ra rồi ráp lại như cũ và đố nhau khớp lá đó ở chỗ nào; có khi lấy giấy bút ra chơi croix-zero hoặc ra sau trường mua kẹo mè vô ăn với nhau, nhai miếng kẹo, ngọt thanh cả cổ, thơm mùi mè và cay cay vị gừng, ngon ơi là ngon.

Hẳn các bạn còn nhớ thầy Trần Đại Tăng. Thầy là một trong những thầy cô trẻ của trường, chuyện dạy toán mà hay làm thơ! Lên bục giảng bài, khi nào cũng một tay cầm phấn viết, một tay đút túi quần. Có một lần các bạn thách mình: “Đố mi dám xin tiền thầy Tăng để mua kẹo mè”. Bị khích vài câu, bản chất “chưa người lớn” trong tôi lại trỗi dậy  và tôi nhận lời. Khi tiếng kẻng báo hết giờ vang lên, tôi liền ra ngoài cửa chờ sẵn, thầy Tăng từ từ bước ra, tôi liền xìa tay: “Thưa thầy, thầy cho em xin ít tiền mua kẹo mè”. 

Thầy hơi bất ngờ một chút rồi thầy rút ví ra đưa tiền cho tôi một tờ bạc (không nhớ là bao nhiêu). Khi cầm tờ bạc còn nóng từ tay thầy, tôi chợt ân hận vì mình đã dại dột nghe lời nói khích của bạn bè.  Xấu hổ quá đi!

Năm lớp Đệ Nhị , học Pháp Văn với thầy Trần Tấn. Thầy là người lớn tuổi nhất trường , lại cận thị nặng,  mang cặp kính rất dày và nhìn xa không rõ nên sau khi điểm danh xong các bạn trai ngồi ở cuối lớp lén trốn ra ngoài.

Đầu giờ thầy thường dành mười lăm phút để gọi học sinh lên tập nói chuyện bằng tiếng Pháp. Tôi ngồi bàn nhất  thầy dễ thấy nên hay bị thầy gọi lên để nói chuyện với thầy (thầy đứng ngay trước bàn tôi ngồi). Tôi mạnh dạn nói vì thầy khuyến khích : “Cứ nói đi, sai thầy sửa”. Có một hôm, thầy gọi tôi đứng lên và thầy hỏi: 

  • Buổi sáng , trước khi đi học em làm gì?
  • Dạ thưa thầy, buổi sáng em ôn bài, ăn sáng và đi học .
  • Buổi sáng em ăn gì?

Trời đất ơi! Buổi sáng thì ăn nhiều thứ: khi thi bánh bèo chắn, khi thi bún bò, lúc lại xôi bắp, mì quảng, bánh chưng… nhưng tôi đâu biết những từ nầy dịch ra tiếng Pháp là gì đây? Chỉ biết pain là bánh mì, vậy là tôi trả lời:

  • Dạ thưa thầy, buổi sáng em ăn bánh mì.
  • Toute les matins

Bí quá, tôi trả lời đại:

  • Oui, toute les matins

Vậy là từ đó, thầy gọi tôi là La petite pain sec.

Khoảng 9 - 10 năm sau ngày rời xa trường, với biết bao đổi thay trong cuộc sống, tôi tình cờ gặp lại thầy ở Vĩnh Điện (cách Đà Nẵng 25 km). Tôi mừng quá, chào thầy và hỏi: “Thầy con nhớ con không?”. Thầy cười rất hiền, vỗ nhẹ vai tôi: “Ma petite pain sec”. Nghe xong, tôi xúc động đến rưng rưng nước mắt, nếu thầy nói là “La petite…” , chắc tôi không xúc động đến như vậy. Sau đó là một cuộc nói chuyện tuy ngắn ngủi nhưng thân thương,thắm đượm tình thầy trò - mặc dù trò nay đã lớn khôn và thầy đã bạc phơ mái tóc. Thương lắm thầy ơi!

( Thầy Trần Tấn đeo gương cận thị rất nặng )

Sau nầy, tôi vẫn ở Đà Nẵng, thỉnh thoảng có đi ngang qua trường Phan Châu Trinh, nhưng chỉ nhìn từ ngoài vào thôi chứ không có dịp vào trong. Mãi đến khi con tôi vào học Phan Châu Trinh và tôi đi họp phụ huynh. Lúc đó, sau mấy chục năm, lần đầu tiên trở lại trường xưa, tôi đứng lặng trước sân, nhìn tứ phía. Nào cây kiền kiền yếu ớt, oằn mình theo hướng gió, bóng mát không đủ che nắng cho hai người, nay đã cao như cây cổ thụ, bóng mát đổ xuống một khoảng sân rộng, gốc to một người ôm không hết… Phải chi lúc trước có gốc cây to như vầy để chơi trốn tìm… Nào những cây duơng liễu dọc bờ rào thì cao vời vợi,  nhìn mỏi cả cổ mới thấy được lá của nó,  làm sao hái lá để tháo lóng ra?

Trường đã xây thêm các dãy phòng mới. Sân trường không còn cát vàng nữa mà đã tráng ciment; giữa sân có tượng cụ Phan vẻ uy nghiêm mà hiền từ.

Vô lớp ngồi họp mà tâm trí cứ nghĩ đến những khuôn mặt thân quen thuở học trò.

 

AnhThao01

D1A651

 hs03

hs04

  • Lê Thị Thanh. Chững chạc với mái tóc dài kẹp gọn ra sau. 
  • Lê Thị Thái nhí nhảnh với tóc xoã ngang vai.
  • Nguyễn Thị Hoàng Mai hiền lành từ tốn.
  • Trần Thị Hường xinh xắn nhanh nhẹn
  • Nguyễn Thị Ái Liên khi nào cũng mang sandal và đi học có xe ôtô đưa đón.
  • Huỳnh Thị Kim Anh lém lỉnh, tươi vui.
  • Lê Quang Thục Nhi hơi móm nhưng rất có duyên
  • Trần Thị Ngọc Tuý nhỏ con và nhanh nhẹn
  • Công Tằng Tôn Nữ Tố Thanh với má lúm đồng tiền tươi xinh
  • Võ Thị Lệ Hưởng, hoạt bát, hát hay, dễ gần
  • Phan Thị Liệu với tráng sĩ Kinh Kha
  • Nguyễn Bảy với biệt danh “Bảy đầu heo”.
  • Hoàng Thị Vu với vóc dáng giống cô Lê Khắc Ngọc Quỳnh
  • Nguyễn Xuân Báu với biệt danh Tôn Tẩn
  • Trần Việt Hàn cao khều với mặt đầy lang beng của tuổi dậy thì 
  • Hồ Thị Như Ý trắng trẻo, dễ thương 
  • Hà Thị Phương Lan xinh xắn với tình duyên học trò 
  • Nguyễn Văn Mót với biệt danh “Mót lùn”

ThucNhivaPCT5764R1

( Lê Quang Thục Nhi : áo đen )

Còn nhiều bạn khác nữa như Nguyễn Thi Sừng, Nguyễn Thị Bích, Thái Thị Mai, Lê Thị Sâm, Trần Thị Ngọc Lâm, Trần 

Hữu Bằng, Trần Hưng, Nguyễn Văn Được, Nguyễn Đăng Trừng, Từ Dục, mỗi người một đặc điểm riêng, kể sao cho xiết.

Theo nhịp bước của thời gian, trường tôi đã có nhiều thay đổi, các thầy cô, kẻ còn, người mất, có vị đã đi xa. Bạn bè thì tung bay khắp bốn phương trời, nhưng với tôi, hình ảnh mái trường thân yêu với thầy xưa, bạn cũ luôn tràn đầy trong ký ức.

10-2007

Kim Chi

( bài do  bạn TDT chuyển đến )