Gốm Cổ Việt Nam Thế Kỷ 15 Kho Tàng Hội An, Một Di Sản Văn Hóa Lớn Của Việt Nam

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive
 

 

Gốm Cổ Việt Nam Thế Kỷ 15
Kho Tàng Hội An, Một Di Sản Văn Hóa Lớn Của Việt Nam

 ...nước Đại Việt ta từ trước

Vốn xưng nền văn hiến đã lâu .

Cõi bờ sông núi đã riêng ,

Phong tục Bắc Nam có khác...

( Bình Ngô Đại Cáo – Nguyễn Trãi  )

Lời cáo của Nguyễn Trãi xác định văn hoá nước ta độc lập với Trung quốc hơn năm trăm năm trước lại được chứng minh hùng hồn gần đây qua việc tìm thấy một số lượng lớn đồ cổ có giá trị nghệ thuật cao, sáng tạo sau thời Ức Trai chẳng bao lâu.

Đứng vào hàng đầu trong những cuộc phát triển trên thế giới vào thế kỷ 20 , cuộc phát kiến này quan trọng không những vì số lượng đồ cổ tìm thấy đã nhiều mà chính nhờ vào nó giới nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Đông Nam Á có thêm nhiều kiến thức chính xác , nhận rõ vai trò và giá trị của nghệ thuật gốm Việt Nam, xưa nay bị lu mờ bên hình bóng Trung quốc.

Tau va xa lan

Thực hiện ngoài khơi Đà Nẵng và kéo dài trong ba năm từ 1997 đến 1999 , cuộc khai quật đã phát hiện và thu hồi từ đáy biển sâu hơn một phần tư triệu ( 250.000 ) món gốm cổ Việt Nam, xưa đến 500 năm theo đo lường Carbon 14. Số gốm cổ vớt được gồm có 150.000 bát, đĩa, bình hoa, nậm rượu, bình trang trí, tượng kỳ lân, tượng rồng …( H. 1-2-3 ) trong tình trạng nguyên vẹn hay gần như nguyên vẹn, sáng tạo với xảo năng kỳ diệu và hơn 100.000 món hư hỏng ở nhiều mức độ khác nhau.
IMG 5137R

IMG 5139R

IMG 5142R2

 Ngoài số lượng được vớt lên vừa nói còn có một số khác, lớn hơn nhiều theo tính toán , hiện vẫn còn nằm ở đáy biển.

Nguy hiểm, khó khăn và tốn kém , dich vụ khai quật do Công ty trục vớt Saga ( Mã Lai ) đài thọ phần lớn phương tiện và tài chánh. Cơ quan khảo cổ Anh Mare-Oxford cung cấp kiến thức chuyên môn phối hợp với các cơ quan chức năng trong nước.

Việc đi đến công cuộc khai quật và thu hồi cổ vật bắt nguồn từ một số sự kiện tầm thường. Vào quảng đầu thập kỷ 90 , một số ngư dân vùng Hội An ( Quảng Nam ) đã lưới được từ ngoài biển khơi một số ít bát đĩa xưa. Họ cất dấu rồi lén lút bán cho các nhà buôn đồ cổ. Thấy có lợi, họ tiếp tục quẳng lưới và rà sâu xuống đáy biển . Được thêm một số khác họ lại dấu diếm và kín đáo bán tiếp. Số đồ cổ bán ra dần dà thấy bày bán ở các tiệm đồ cổ Hội An , Saigon,Singapour,Tokyo, Hongkong và London. Không lâu sau, hải quan ở sân bay Đà Nẵng đã bắt giữ hai thương gia buôn đồ cổ người Nhật với những chiếc va-ly đầy những đồ gốm cùng loại.

Một số chuyên gia khảo cổ từng chú ý đến gốm Việt Nam trong nhiều thập kỷ qua dựa vào những sự kiện trên tin rằng tại vùng biển Việt Nam có một kho tàng đồ cổ nhưng không rõ ở đâu. Tự tìm kiếm và liên hệ với các cơ quan Việt Nam họ đã tiếp xúc được với các ngư dân từng lưới được những món đồ cổ.

Theo chỉ dẫn của các ngư dân này và dùng máy móc đo lường, kho tàng đã được xác định. Đó là một chiếc thuyền buôn , nhiều phần chắc là của Thái Lan, bị đắm từ xa xưa ở độ sâu 70m dưới mặt nước, cách bờ biển Đà Nẵng 22km, gần mũi Cù lao Chàm  ( H.4 ).

Chuyên viên khảo cổ của Mare Oxford lần đầu tiên đứng trên chiếc thuyền bị đắm đã phần nào thất vọng vì thuyền như vừa nói, đắm ở mức khá sâu, nước lạnh căm , tầm nhìn được rất ngắn và rọi đèn đến đâu chỉ thấy toàn những mãnh vụn ở đó. Cách vớt và rà lưới của ngư dân làm vỡ nát khá nhiều món . Tuy nhiên sau lúc thăm dò lớp bùn ở đáy thì thấy còn có nhiều chồng bát đĩa chôn sâu vào trong ấy. Từ phát hiện này các chuyên viên trong và ngoài nước cùng đi đến quyết định khai quật chiếc tàu như một hiện trường khảo cổ.

Việc khai quật thành công không phải là một công việc dễ dàng vì đã có nhiều trở ngại lớn lao. Trước tiên như đã nói, chiếc tàu đắm ở một mức khá sâu, không thể dùng bình hơi thông thường để lặn mà phải dùng đến lối lặn với thùng lặn bão hoà ( saturation diving ) , một lối lặn rất nguy hiểm cho thợ lặn nếu xảy ra một sơ xuất nhỏ nào ( H. 5 ). Thứ đến tại vùng biển này hằng năm thường có những cơn bão lớn . Những cố gắng khai quật trong năm 1987 và 88 đã phải đình chỉ chỉ vì hai chiếc xà- lan lớn dùng vào việc khai quật suýt bị đắm. Thêm nữa vùng này vẫn như thời xa xưa còn có nhiều đám cướp biển hoành hành . Vào thập kỷ qua đã có hàng ngàn chiếc tàu và thuyền bị cướp  và riêng năm 1995 theo thống kê, đã có đến 195 vụ trong lãnh hải này. Những chiếc xà-lan chất chứa đầy dụng cụ lặn đắt tiền và cổ vật vớt lên hẳn là những mục tiêu không thể tránh khỏi sự dòm ngó của bọn cướp nên cần được đề phòng và bảo vệ chặc chẽ.

IMG 5144R

Việc thu vớt tiếp tục vào năm 1999 và tiến hành ở mức cẩn thận tối đa. Hai chiếc xà-lan lớn đầy đủ dụng cụ và phương tiện túc trực tại nơi. Một tàu con thoi liên lạc với đất liền để cung cấp  ngay những nhu cầu khẩn thiết. Trước khi vớt, chiếc tàu đắm có kích thước khá lớn, dài 30m và rộng 10m, được một tấm lưới sắt thưa chia thành ô vuông mỗi bề 2m . ( H. 6 ).

IMG 5145R

Gốm thu hồi được xếp lên trên xà-lan theo đúng khung tương đương để giữ nguyên vị trí tương đối ở đáy biển. Công việc bảo tồn được thực hiện ngay trên xà-lan. Các đồ gốm vớt lên sau khi được rửa sạch, chụp hình, ghi chú đặc điểm , xã mặn ( desalisation )…được xếp vào kho tạm thiết lập ở Cù lao Chàm trước khi chuyển về kho chính ở Đà Nẵng để tiếp tục công việc bảo trì. Xét chung lại công việc bảo trì còn khó khăn và tốn kém nhiều công sức và tiền bạc hơn cả việc trục vớt.

Số gốm cổ thu hồi được từ ngoài khơi Đà Nẵng có tầm mức quan trọng đặc biệt. Từ trước đến nay sự hiểu biết nói chung về kỹ nghệ gốm và việc mậu dịch gốm ở các nước Đông Nam Á rất hạn chế vì các nhà nghiên cứu thường bị lóa mắt trước tầm cỡ lớn về mậu dịch và sản xuất của Trung quốc. Gốm Việt Nam không được chú ý tới nhiều, coi như lệ thuộc vào gốm Trung quốc. Việc thu hồi gốm từ Hội An đã thay đổi quan niệm trên. Có những thời kỳ gốm Trung quốc không làm chủ thị trường mậu dịch và gốm Việt Nam không lệ thuộc vào Trung quốc như người ta thường nghĩ. Thật ra thì gốm Việt Nam đã đóng vai trò cung ứng cho thị trường quốc tế khi nền kỹ nghệ gốm của Trung quốc bị sa sút như vào thời nhà Minh bế quan , ngưng sản xuất và xuất cảng gốm ra nước ngoài.

Những gốm vớt được từ biển Đà Nẵng tổng quát là những đồ men chìm màu xanh-trắng ( underglaze blue and white ). So sánh với gốm Trung Hoa thì gốm cổ từ kho tàng Hội An có phần giống với gốm thời Nguyên Minh sản xuất một trăm năm về trước. Nhưng dù phỏng theo mẫu trang trí của Trung Hoa, gốm vớt được tại  Hội An là một loại gốm riêng , độc lập, biểu lộ rõ rệt tính đặc thù Việt Nam với những nét vẽ trang trí nhẹ nhàng, phóng khoáng và biến hoá hơn, vượt hẳn gốm Trung Hoa bị gò bó trong khuôn khổ điển lệ.

Xin đọc một đoạn phê bình sau đây của một chuyên viên khảo nghệ thuật Đông Á thuộc Công ty buôn đồ cổ Butterfield : “Người thợ gốm Việt Nam đã tạo ra những hình dáng hết sức đặc thù và mới mẻ  như những chén có con két ôm theo miệng, một hình dáng tìm thấy  riêng ở kho tàng đồ cổ Hội An. Ngoài ra người nghệ sĩ gốm Việt Nam còn biểu lộ được bản sắc và sức sống vào trong những đồ hình thiên nhiên như hình chim...hoặc những đồ hình nhân gian khác như hình con cá gáy nhảy trên đám  cỏ rong. Có những nét tuyệt diệu vẽ những vật linh thần thoại, những hình vẽ thanh lịch vẽ hoa mẫu đơn và hoa sen nở. Tất cả đã được diễn tả bằng một ngọn bút phóng túng thoải mái phối hợp với sắc độ và đường nét chừng mực để phản ảnh chi tiết và tạo nên cảm giác tinh khôi nguyên thủy “. ( The Vietnamese potter  produced such original and inventive shapes as the parrot cups that are found uniquely in the Hoi An Hoard. Meanwhile, the Vietnamese ceramic artist brought a confidence and energy to the representations of the natural world, as seen in the bird on the vase belowand in the other popular designs, such as leaping dragon fish among waterweeds. There are superb line drawings of majestic and mythical creatures and of elegant peonies and lotus blossoms. All were captured with a combination of loose brushwork and carefully grades washes and lines to elaborate detail and original effect ) .

Những gốm vớt được từ biển sâu ngoài khơi Đà Nẵng có cái như còn mới nguyên nhưng nói chung mang dấu vết của 500 năm nằm sâu dưới đáy biển. Lớp men phủ ngoài gốm đã sờn mòn theo nhiều mức độ , có thứ mặt gốm không còn bóng nhoáng, màu sắc các hình vẽ mờ phai và có thứ mất hẳn men, chỉ còn lớp gốm thô bên trong …Ở dưới nước sâu sau một thời gian dài nên trên mình có một số võ sò, võ ốc, đá, cát hoặc rong rêu ở đáy biển dính cứng vào. Những vật lạ này đôi lúc làm tăng vẻ đẹp của gốm nhưng nói chung lại nhắc nhở cho chúng ta biết là gốm đã được biển sâu thử thách qua một thời gian dài . ( H. 7 )

IMG 5146R

Từ những gốm thu hồi được ở kho tàng Hội An thử tìm về nguồn gốc. Đem so sánh những gốm này với những gốm cổ còn gìn giữ và trưng bày ở các viện bảo tàng Hải Dương hay Hà Nội hoặc so sánh với các mảnh gốm xưa đào được ở các vùng Chu Đậu và Bát Tràng, phía Bắc Hà Nội chúng ta thấy có sự tương đồng trong cách chế tạo, trong vật liệu , nước men và trang trí . Điều này cho phép kết luận là những gốm vớt lên từ biển Hội An là do các lò gốm như Chu Đậu hoặc Bát Tràng ở Hải Dương làm ra. Với một số lượng lớn, có giá trị nghệ thuật cao lai được chuyên chở trên một chiếc thuyền buôn cở lớn từ nước ngoài, điều này cũng cho phép đoan xác là nước ta đã có một kỹ nghệ gốm qui mô, lâu đời. Gốm sản xuất ra không những để cung ứng nhu cầu trong nước mà còn để xuất cảng sang nhiều nước khác.

Các kết quả nghiên cứu gần đây cho biết đã tìm thấy nhiều gốm Việt Nam ở các nước láng giềng. Gốm Việt Nam đã có mặt trên các đảo Phi Luật Tân và ở trên thuyền Padawan, đắm từ xưa ở ngoài khơi đảo Panawan. Ở Nam Dương cũng có nhiều gốm Việt Nam. Có nhiều tượng gốm Việt hình dung người phụ nữ mặc triều phục hai tay bưng bát hương ở miền Đông Java. ( H. 8 ).

IMG 5147R

Theo các nhà khảo cổ học thì những tượng này với giá trị nghệ thuật cao, đã do triều đại Majapahit ở vào thời thịnh đạt du nhập vào Java trong thế kỷ 15. Trong cuộc khai quật thực hiện vào năm 1988 ngoài khơi đảo Brunei người ta cũng đã tìm thấy nhiều đồ gốm Việt Nam.

Theo đo lường thì những gốm này được sản xuất sau gốm vớt được ở Hộ An không bao lâu. Ở Thái Lan và ở Nhật Bản rải rác đều thấy gốm cổ Việt Nam.

Ngoài Nam Dương ra, nơi tìm thấy nhiều gốm cổ Việt Nam nhất là các nước Trung Đông. Các thương gia người Ả Rập hình như đã chú ý đến thị trường gốm Việt Nam từ lâu và họ đã bán cho các thợ gốm Việt Nam chất cobalt, một kim loại để chế biến ra men xanh hay nâu như họ đã từng bán cho các thợ gốm Trung Hoa. Có thể họ đã mua gốm Việt Nam qua trung gian các thương gia Trung Hoa nhưng cũng có thể họ đã đặt hàng trực tiếp cho các nghệ nhân gốm Việt Nam. Trong những gốm cổ Việt Nam thấy được ở Trung Đông có những bình hình dáng không thấy trong truyền thống Việt Nam. Những hình này có lẽ do các thương gia Ả Rập đặt hàng rồi sau đó các nhà làm gốm Việt Nam tiếp tục mô phỏng theo. Có những đĩa lớn để chứa thức ăn dùng trong tế lễ và thích hợp cho tập tục ăn tập thể của nhiều tôn giáo ở Trung Đông như đĩa thấy ở đền Aedebil thuộc Teheran.

Và nổi tiếng là một nậm chứa ( vase bouteille ) nổi tiếng ở viện bảo tàng Topkapi Saray ( H. 9 )  Nguồn gốc của nậm này một thời đã được bàn cải nhiều. Trước đây có chuyên viên bảo là của Trung quốc nhưng nay  thì đã được xác nhận là do nghệ nhân Việt Nam làm ra. Vòng quanh cổ nậm có ghi  : “ Thái Hoà bát niên, Nam Sách châu, tượng nhân Bùi thị hí bút “ nghĩa là nữ họa sĩ họ Bùi ở châu Nam Sách vẽ cho vui vào năm Thái Hoà thứ tám “ . Nam Sách thuộc tỉnh Hải Dương và Thái Hoà năm thứ tám tương đương với  1450 .

IMG 5148R

Gốm cổ Việt Nam có khi vượt qua Trung Đông  đến tận Ai Cập và vùng Địa Trung Hải. Giữa những mảnh vở gồm cổ Trung Hoa đào xới được ở Fostat ( Cựu Cairo  ) thuộc Ai Cập có một mảnh gốm Việt có vẽ hoa với nét vẽ điêu luyện ( H.10 ) giống như nét vẽ ở cái nậm tại bảo tàng viện Topkapi.

IMG 5149R

Lại còn thấy gốm cổ Việt Nam tại một số gia đình quí tộc ở Châu Âu như cái bát men lam được thống kê vào năm  1595  trong bảng liệt kê những đồ vật ở điện  Zwinger- Dresden . Bát này là một tặng phẩm  của Công tưỡc Florence cho hoàng tử xứ Saxony  ( H. 11 ) .

IMG 5150R

Điểm qua sơ lược một số ít đặc điểm của gốm cổ Việt Nam đặc biệt là gốm từ kho tàng Hội An và căn cứ vào sự hiện diện rộng rải của các thứ gốm ấy qua nhiều  thời đại và ở nhiều địa phương trên thế giới, chúng ta có thể kết luận là Việt Nam đã có một kỹ nghệ gốm từ lâu đời. Gốm cổ sản xuất từ Việt Nam có giá trị nghệ thuật cao, không thua kém gì gốm Trung quốc. Tuy chịu ảnh hưởng phần nào của Trung quốc, nhưng gốm Việt là một loại gốm riêng, độc lập với nhiều mẫu hình trang trí thanh nhã và độc đáo, những đường nét nhẹ nhàng phóng khoáng. Gốm cổ Việt Nam đã được nhiều giới thượng lưu sành điệu ưa chuộng, điều này nói lên sự đóng góp quan trọng và tích cực của Việt Nam vào lịch sử nghệ thuật của Đông Nam Á.

Gom Chu dau

San Diego, Mùa Xuân Tân Tỵ ( tháng Giêng, 2001 )  

Nguyễn  Đăng  Ngọc