Trung Học Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

    tren dong song que huong

Viết để tưởng nhớ Dương Đình Quang và tặng Vĩnh Lộc          

Tôi thường trở lại quê hương, một mình. Không như một du khách, nhìn ngắm, khen chê. Như một phần cơ thể trở về trong cơ thể, nghe tâm tư xao xuyến, rộn rả, buồn vui. Như chiếc lá lìa ngàn về với đại ngàn, rì rào trong gió.

Tôi dừng lại bên bờ sông Hồng, nhìn dòng sông đỏ như mội giải son, vươn theo những con đê dài, giữa ruộng vườn xanh thắm. Và bên Hồ Tây, nghe gió lạnh chiều thu ngấm vào trong da thịt. Núi Tản Viên mờ xa đưa về những ngày lịch sử vời vợi Sơn tinh, Thủy tinh, Thánh Gióng ...Ghé lại Côn Sơn dâng nén hương trước bàn thờ Tam Tổ ( 1 ), màu thiền nghi ngút, chợt nghe “ tiếng tang hải “. Cúi lạy Ức Trai Nguyễn Trải, nhớ lại Bình Ngô, nhân trí dũng sáng chói muôn đời.

 Tôi đi qua sông Mã, nước sông cuồn cuộn. Cầu Hàm Rồng nối liền hai đỉnh núi bền gan. Bãi Thượng, Hồi Xuân, những con kênh dài đổ vào sông. Thọ Xuân, Nông Cống, Chợ Neo, Chợ Cốc, Chợ Đu...Lam Sơn, một giải núi xanh, quê hương của Bình Định Vương, Lê Lợi.

 Vào  vùng Sông Lam. Núi Lam Thành soi bóng bên bến nước xanh. Trên đỉnh núi vết tích rã rời cột cờ  Trương Phụ ( 2 ). Phía bên kia sông, thành Lục Niên ( 3 ) hoang vắng, âm vang tiếng binh lính thuở nào, chống quân Minh ròng rã trong sáu năm liền. Núi Tùng Ảnh, sông La hiền hoà...Quê hương của Nguyễn Thiệp, Phan đình Phùng, Nguyễn Du, Nguyễn Công Trứ...và những cô gái Trường Lưu dệt lụa cần cù.

Vượt Sông Gianh, đến vùng Bến Hải. Những triều đại qua đi. Vết hằn lịch sử còn đó. Đau thương cho hiện tại, lớp  trước và mai sau.

 Con đường số 9 nối liền Đông Hà, Khe Sanh, Lao Bảo hiu hắt. Giòng sông Thạch Hãn êm ả trôi bên cổ thành Quảng Trị điêu tàn. Phía tả ngạn sông là vùng Ái Tử cằn cỗi. Vang lên bước dừng chân thứ nhất của cuộc Nam tiến dài lâu. Mịt mờ Tây Bắc là Cùa, là Tân Sở, những cố gắng sau cùng của Nguyễn triều giữ gìn đất nước.

 Theo đường Đìu Hiu tôi vượt qua Huế, đi vào Đà Nẵng để nghe tiếng hát đã hơn một thế kỷ vọng về : 

                   Tai nghe súng nổ cái đùng

                   Tàu Tây đã lại Vũng Thùng anh ơi !

 Tìm đến Trấn đài, Nguyễn Tri Phương trung trinh. Ghé lại Công qúan, nơi tiếp các phái đoàn Bồ, Tây, Anh, Pháp... và trạm nghỉ của các phái đoàn công cán Nam Bắc. Công quán không còn nữa. Một hí trường được dựng lên trên mãnh đất từng chứng kiến đổi thay của đất nước.

 Trấn hải đàì chỉ còn lưa những dấu vết mơ hồ. Trên vòng thành, nơi cao nhất một nhà nguyện Công gíao xây tự bao giờ. Dựa lưng vào đoạn thành gạch rêu phong còn lại mấy xóm nhà tôn lụp xụp.

 Đã đi vào lảng quê dấu vết thương xưa ! Bồi hồi trước cảnh đổi thay : Đà Nẵng, Hội An, phần đất Việt chịu đựng tiếng pháo xâm lăng Tây phương đầu tiên. Từ  thời Louis XVI, người ta đã quyết tâm tách khỏi cơ thể Việt Nam vùng đất cảng này. Đọc trong Traité de Paix 1787 giữa Việt và Pháp : “ Le Roi de Cochinchine ...lui ( Louis XVI – très chrétien ) cède éventuelllement la propriété absolue et la souveraintéde l’ile formant le port principal de la Cochinchine appelé Hoian, et par les Européens Touron...”  Vua xứ “ Cochichine “ ( ! ) nhượng cho Hoàng đế đầy tinh thần Thiên Chúa quyền sở hữu tuyệt đối cùng vương quyền trên hải đảo tạo nên cảng chính của Nam Việt có tên là Hội An hay Touron như người Âu gọi ).

 Rời Thu bồn vào Trà khúc. Núi Bút sừng sửng lặng yên đứng nhìn những guồng nước bên sông ngày đêm không ngừng nghỉ tưới mát cánh đồng mía ngọt ngào.

 Vùng Tam quan, những vườn dừa đong đưa, địa đầu Bình Định. “ Con gái Bình Định múa roi đi quyền “, đất nguồn võ Việt Nam. Tây Sơn, Bắc Bình Vương đã giãi phóng đất nước khỏi tay hai mươi vạn quân Thanh. Tiếng mõ trầm trầm mấy trăm năm xưa chuà Thập Tháp, giữa vùng đồi núi vắng lặng, đem hồn về một cõi đạo siêu nhiên.

Qua khỏi đèo Cù Mông đến Ô Loan, núi Nhạn, sông Đà ( Rằng ). Vượt Đèo Cả dằng dặc đi vào vùng cát trắng nên thơ Đại Lãnh, Tu Bông, Tháp Bà, Xóm Dừa, Xóm Bóng...Nha Trang bãi biển nghỉ mát tuyệt vời. Cam Ranh haỉ cảng đứng vào hàng nhất trên hoàn vũ.

Sau Khánh Hoà là Ninh Thuận. Những trái thanh long đỏ mọng, những Tháp Chàm của Chế Bồng Nga oanh liệt một thời.

 Rôi Bình Thuận, Phan Thiết. Những ruộng muối Cà Ná trắng phếu, những vựa cá nghều nghệu ; giọt nước mắm nhỉ nhểu ra thơm phức...

Từ già miền Trung, đi vào miền Nam. Thiên nhiên đã ưu đãi miền đất này nhiều hơn Trung và Bắc. Cây cối xanh tươi, đất cát phì nhiêu. Dừng chân qua Saigon rộn rịp. Đi về lục tỉnh ngắm những cánh đồng thẳng cánh cò bay Rạch Gía, Cà Mâu, những rừng cao su tăm tắp Biên Hoà, Long Khánh, những dàn tiêu xanh mướt Lộc Ninh, những rừng dừa biền biệt Bến Tre...Đứng trên sông Tiền, sông Hậu nghe róc rách nước chảy qua chín cửa sông. Tiếng hò “ ví dầu “ mênh mông bát ngát.

Vòng lên Cao nguyên, miền đồi núi trập trùng. Những địa danh xa lạ nhưng thân thương : Maragui, Blao ( Bảo Lộc ), Djiring  ( Di Linh ) , Phinom, Lanhanh ( Làng Hành )...Cao nguyên huyền bí, thơ mộng, sáng lạn tương lai. Những chiều Dalat mù sương, tách cà phê nóng bên hồ Than Thở. Con đường bụi đỏ từ Buôn Ma Thuột, Pleiku, nối liền Qui Nhơn, Nha Trang...như  50 người con vùng núi rừng tìm về với  50 người con miền biển Việt.

Và tôi trở về đây : Phần đất Huế, Thừa Thiên ; phần đất không giờ phút nào lià tôi. Nói đúng hơn tôi chỉ là một hạt bụi bé nhỏ không bao giờ tách khỏi sức hút của vùng này.

Từ ngày mới sinh ra, thầy mẹ tôi đã nghĩ như vậy. Đặt tên cho tôi là Ngọc. Không phải vì tôi có được một giá trị gì. Thầy mẹ tôi ước mong tôi đừng quên miền đất thân yêu,tổng Ngọc Anh bên bờ sông Bình Lục. Chưa yên lòng, thầy mẹ tôi đặt cho tôi thêm tên nữa : Thừa. Là đứa con thứ hai trong gia đình, chắc không phải thừa ra. Thừa vì vốn dĩ ở Thừa thiên. Từ nhỏ đến lúc khôn lớn, anh em bạn bè trong làng xóm đều gọi tôi như vậy. Đến bây giờ, hơn ba phần tư thế kỷ trên vai, thân thuộc có người vẫn gọi tôi là Thừa. Suy nghĩ lại Thừa mang ý nghĩa là thừa ra nơi tha hương, nhiều hơn là Thừa trong Thừa thiên.

 Dù sao tôi vẫn sung sướng và hãnh diện với tên thầy mẹ tôi gọi, quê hương trao gởi cho tôi. Trở về đây, mang theo tấm căn cước từ nhỏ và suốt đời, hoà mình vào xứ sở. Trở vể đây như một giọt máu trở về âm thầm lưu thông trong huyết quản. Lắng hồn mình vào trong cảnh vật thương yêu như đứa trẻ lắng giấc ngủ yên lành trong vòng tay người mẹ.

 Một buổi chiều đứng trên cầu Tràng Tiền lặng nhìn dãy núi giăng màn phía Tây thành phố. Đỉnh Kim Phụng cao vượt màu xanh thẩm in trên màu xanh nhạt mờ sương. Mặt trời về chiều thật đẹp. Từ đỏ tươi chuyển sang vàng sáng. Mấy giải mây tím bầm, trắng bạc xếp theo những hình thù kỳ dị. Nhìn vào mặt nước, mặt trời lặn sau núi và dưới dòng sông. Tôi đứng đó thật lâu, chờ cho đến lúc tối hẳn. Trên lưng chừng núi Kim Phụng mấy ánh lửa bập bùng, leo lắt, có lúc bùng lên, chảy dài. Những ánh lửa trong bóng đêm, mênh mông, sâu thẳm.

 Lúc còn nhỏ có anh bạn học kể cho tôi nghe câu chuyện một nhà văn ngoại quốc ngắm nhìn cảnh chiều xuống trên sông Hương và cho đó là cảnh mặt trời lặn đẹp nhất ông ta từng trông thấy. Tôi không may mắn được biết đến nhà văn ấy, chỉ biết cảnh chiều hôm đó thật đẹp. Hồ Diệp và Trang Sinh, quốc quốc và gia gia, một giây phút trong cuộc hiện sinh, thấy buổi chiều bàng bạc, ánh chiều  và mình hoà nhập vào nhau.

 Đất Huế, Thừa Thiên nhiều sông lắm phá. Có thể theo sông nước đi khăp tỉnh, chiều dọc, chiều ngang. Theo thuyền thăm chùa Túy Vân.  Chùa xây trên ngọn đồi u nhã. Trước mặt là phá Cầu Đôi mênh mông. Những ngày còn là đứa học trò nhỏ chăm chỉ, lúc Huế còn mù sương, nghe tiếng chuông Thiên Mụ, Diệu Đế bổng tỉnh giấc ngủ say. Tiếng chuông chùa Túy Vân trải vang trên sóng nước, chợt thương thân phận nổi trôi. Bạn bè còn vài ba đứa. Biết bao giờ đến bến bờ.

 Trở về đây đi lại con đường cũ đã từng đi với thằng Lộc, thằng Quang. Quang tài hoa không còn nữa. Ôm tập thơ dang dở đi ra khỏi cuộc đời. Lộc ẩn mình trong một gian nhà nhỏ xa xôi, viết lại những thao thức một thời trả nợ nam nhi trên mọi vùng đất nước. Ba đứa cùng leo lên con đường Bạch Mã ngoằn nghèo “năm cua bảy càng “. Miệng nhai bánh mì phết mức ổi, lòng vui vô cùng. Lên đến đỉnh núi, lần tới Thác Lớn. Nước đổ xuống nơi sâu thẳm, đập vào những tảng đá, bọt trắng tung tóe. Lại men theo dốc, xuống tận chân Thác. Những vừng nước  trong vắt, mấy con rùa trong hốc đá , những giây leo thòng từ giữa trời cao. Lưng chừng núi dừng lại. Tiếng côn trùng rỉ rả và tiếng vắng lặng của núi rừng. Giòng Thác Lớn như một giải lụa trắng lóng lánh, trải nghiêng trên một tấm thảm xanh vĩ đại.

Đi đến miền Nam Thừa Thiên. Lên đèo Hải Vân, nhìn Lăng Cô ngủ yên bên bờ cát trắng. Cửa Hải Vân Quan mặc lớp phong sương năm tháng. Mấy chữ Hải Vân Quan, nét bút tài hoa...Những vết đạn loang lổ đau thương, tấm lô- cốt bêông cốt sắt đè nặng lên cửa quan. Lặng nhìn trời biển mênh mang !

        Huế là một bài thơ

        Thừa Thiên là một bài thơ

        Quê hương là một bài thơ

  Tôi xin thêm đó là một bài thơ trữ tình vì chỉ có cảm xúc chan chứa, chỉ có một cuộc hành trình riêng tư đi vào hồn dân tộc may ra thấu hiểu phần nào.

 Thơ cũng là nhạc, là họa. Chỉ có thơ nhạc và hoạ lúc có tự do và hoà hài âm sắc. Không thể có thơ, nhạc và hoạ lúc con người chỉ biết có một màu, nghe theo một điệu. 

San Diego, chợt nhớ...
Nguyễn Đăng Ngọc – Hoàng Các     
                                  

Bị chú :

        1/  Chùa Côn Sơn hay Thiên Tư Phúc Tự còn gọi nôm na là Chùa Hun thuộc Chí Linh, Hải Hưng la nơi thờ Tam tổ Thiền Tông Việt Nam ấy là Điền Ngự Thiền sư, Pháp Loa Thiền sư và Huyền Quang Thiền sư. Cũng là nơi thờ Ức Trai, Nguyễn Trãi

        2/  Núi Lam Thành ở tả ngạn vùng hạ lưu sông Lam. Trên đỉnh núi hiện còn vết tích cột cờ của tướng nhà Minh Trương Phụ. Vết tích là một trụ gạch cao chưa đầy 1 mét và đường kính rộng hơn 1 mét.

        3/  Lục niên Thành ở phía hữu ngạn sông Lam, bên kia thành Trương Phụ, gần La giang. Tương truyền vua Lê đã dùng mưu đắp đập ngăn nước lại, chờ lúc quân Minh tấn công thì xả nước cho quân Minh tổn thất rất nhiều.

              

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

PMH26

Gió xuân khẽ ru đám lá xanh non cây phượng tím vườn sau, tôi sẽ nhớ mặc áo len dày. Hôm nay lòng chợt phơi phới vui khi nhìn thấy hoa nắng rắt trước sân nhà, những giọt trong veo thêu hoa lung linh trên thảm cỏ mướt xanh.

Nắng tháng Tư khi trời Cali lộng gió đem giá lạnh phương Bắc về. Tôi rét run những chiều loanh quanh xóm nhỏ mong cho cơ thể mạnh mẽ trong những bước chân líu ríu vội vã. Buổi tối mở máy thong dong tìm nguồn cảm hứng cho loạt bài viết về trường xưa kỷ niệm 60 tuổi. Ôi thời gian ! Thoáng đó mình đã già nua lúc nào.

Đã cuối mùa chay thánh, lễ Phục Sinh bao giờ cũng nở ra trong loang loáng đợt nắng reo mừng kỷ niệm Chúa sống lại. Cùng lúc mở trang Một thời Phan Châu Trinh chợt ngó thấy thiên hạ kêu gọi góp mươi dòng thương nhớ trường tôi  thương mến ...

Bao giờ quay về thăm quê nội tôi sao có thể quên được không ghé vào thăm xứ Quảng . Vì Đà Nẵng là quê hương thứ hai khi tôi đang tuổi trưởng thành, lăm le mộng đời chất ngất lý tưởng nghề “ Godautre “ . Sáng nay, một cậu đồng nghiệp đàn em của trường Áo Xanh, từ bên kia bờ biển Thái Bình Dương hăng hái gởi cho tôi qua điện thư, hằng nửa trăm hình ảnh học trò con gái “ aó trắng đơn sơ mộng trắng trong “. Họ đang đến trường và tan trường. Lúc này trường Phan Châu Trinh đã hội tụ nam sinh  chung  học với nữ sinh như nửa thế kỷ về trước . Và sau đó phân chia rạch rõi. Nam sinh ở lại và Nữ sinh hoá thành học trò Nữ Trung học Hồng Đức . Ngôi trường dành cho con gái tọa lạc trên đường Thống Nhất đầy bóng cây sao cao vút. Tôi ở bên này với bọn húi cua, vẫn thích ngắm đàn bướm trắng dễ thương như hình ảnh lúc mình còn là học trò Đồng Khánh.

Tôi thường đến Đà Nẵng nhằm lúc học sinh nghỉ học vì thế chỉ thấy trường xưa vàng úa buồn hiu. Tôi thích chụp hình nơi tượng cụ Phan Châu Trinh . Núp sau tượng, đứng trước tượng, làm như  thế tôi cảm thấy còn quanh quẩn sống với trường xưa. Rồi một mình lang thang trong sân trường hoang vắng. Chỉ thấy tiếc thương tháng ngày cũ. Ngẫng mặt nhìn lên để ngậm ngùi . Hành lang dài hun hút trên tầng cao, mơ hồ bóng dáng học trò giờ ra chơi xôn xao cười nói. Những khung cửa lớp im lìm , không còn nghe vẳng lời thầy cô giảng bài. Hàng cây trong sân trường giờ đã là cổ thụ, vẫn tỏa bóng mát êm đềm. Chạnh thương qúa vạt nắng đổ lung linh. Sân trường và hoa nắng có bao giờ mình nguôi quên ...

Đau lòng nhất khi nhìn thấy phía sau trường, một dãy tường lớp rêu phong, loang lổ màu thời gian xấu xí thảm hại...Vậy mà tôi cứ mải mê tìm lối đi con đường nhỏ đàng sau trường  ? Con đường ấy tên là chi ? Tôi đã quên mất ...Tôi hay tìm thăm “ quán “ bán hàng quà trước cổng lớn. Mấy chị con cháu bác cai đã nhận ra người xưa, khi  tôi hỏi thăm vài lời thương mến.

Lặng ngắm vuông bàn gỗ tạp treo bày lỏng chỏng mớ kẹo chanh, những vuông bánh xốp màu vàng nhạt, bánh cốm trắng ngon hiền. Chị quán gói cho khách bao nhiêu là quà, túi ô mai, chục trái me chua chua ngọt ngọt , quả cốc dầm vàng hươm. Chị nói “ Em tặng, cô đừng trả tiền”, có lẽ chị ấy muốn cho tôi nhấm nháp chút hương vị kỷ niệm ngày xưa thấm thía hơn.

 

PMH9

Tôi vẫn cảm thấy khó chịu mỗi lúc gió trật qua bên kia đại lộ Lê Lợi. Đối diện trường tôi thương mến bên ni. Nơi đó là khuôn viên PCT mới, dãy thành mới của trường mới, lạ hoắc lạnh lùng. Hồi trước vốn là Nam Tiểu học. Đó cũng là cái nôi đào tạo nhiều thế hệ học sinh PCT tương lai ngày ấy. Hàng hàng lớp lớp tuổi trẻ tài giỏi đã lớn lên, họ được ươm mầm cho quê hương xứ Quảng từ ngôi trường tiểu học ưu tú này. Tôi làm sao quên được qua Nam Tiểu học ăn bánh bèo chén với chị Nguyễn Khoa Diệu Trà. Hai chị em rình khi có giờ nghỉ, thường bất chợt xảy ra lúc lớp mình phụ trách trống giờ học . Quán bánh bèo nô nức khách lui tới. Học trò và cả thầy cô thích rủ nhau từng nhóm qua đây .

Chúng tôi tìm tới một góc quán cho kín đáo để cùng thi đua xếp chén cho cao lên. Ăn hôm nay nhớ hoài ngày còn đi học ở Đồng Khánh . Dốc Nam Giao dâng cao vời vợi, rẻ vào chân núi Ngự Bình, những quán nhỏ lợp tranh thơ mộng luôn đón chờ và chúng tôi nhặt khoan chèo bánh bèo, húp nước mắm ngọt dịu ...Nam Tiểu Học thiệt dễ thương với tôi vì thế.

PMH10

Để rồi sáng nay qua những trang hình ảo, tôi đã tìm được niềm vui . Chợt thấy hiện ra cảnh dập dìu hàng trăm cánh bướm trắng tươi xinh tỏa ra khắp nẻo đường thành phố Đà Nẵng . trái tim rộn ràng theo những tà aó trắng trong ấy . Bởi khi nào thế hệ trẻ lại chẳng ươm mùa nắng thơm ?

PMH29

Tuy nhiên tôi đã bật cười một mình. Hãy nhìn kìa, các cô thiếu nữ coi bộ lực sĩ gớm. Vai nở, cánh tay khỏe đưa lên, chân dài mau bước. Aó dài các cô gái toàn may hàng lụa bóng, trên quần dài lụa bóng . Gót hài diện đủ kiểu .

Dép thấp quai chéo cho em lướt đi nhẹ nhàng, giày gót cao nâng thân hình em thanh mảnh yểu điệu hơn . Tay aó ngắn ngang cùi chỏ. Lắm cô bé mặc áo đưa hông cao và quần chịu chơi trể quá rốn ! A, các em không bị chế độ “ quản chế “chặt chẽ thì phải . Những tóc thề đen mượt óng ả, những kiểu tóc túm đuôi ngựa tinh nghich, có em  tóc cắt  cao nhí nhảnh .

Tôi chỉ thoáng vui, khi nhìn thấy một cô học trò tóc thề, ôm chiếc cặp da màu cốm non, cô bé đứng lẻ loi tựa lưng vào vách tường, đôi mắt ngơ nhác nhìn tôi ...

Dăm nữ sinh phóng xe đạp, có người đeo khẩu trang, ba lô mang sau lưng. Bên hè phố gần trước cổng trường, các cô aó trắng chen chân quanh chiếc xe bán hàng quà sang. Bọn nam sinh ngó vẫn ra vẻ trẻ con như học trò tôi ngày ấy, aó trắng quần xanh , vai mang cặp vải đơn giản . Họ cười  nói tíu tít chờ giờ vào lớp .

Rồi tôi mất công tìm kiếm chiếc cặp sách vở thân thương thuở nào . Tuyệt nhiên không hề thấy. Qua bao mùa mưa nắng . Qua bao thế hệ học trò . Chiếc cặp da dễ thương ngày xưa ấy, là bạn thân thiết ủ ấp mớ sách vở rheo em đến lớp, giúp em dồi maì kinh sử. Chiếc cặp da màu nâu đen đơn sơ không quên chứa chất dăm vị đời hồn nhiên thiếu nữ. Gói muối ớt dầm với túi nhỏ cốc, me chua...thôi rồi nay biến mất .

Như hoạt cảnh trình diễn trên sân khấu thời trang. Áo trắng thướt tha vũ lượn, bên vai các nàng trẻ trung liền thay đổi. Đong đưa chiếc ví lớn hàng nhung nâu gạc nai, cô đeo túi màu xanh lục, cô diện túi vàng rực màu hoa mimosa hay khiêm tốn cũng là túi vuông rằn ri dệt bằng sợi ni-lông rực rỡ. Tôi thầm nghĩ nữ sinh hiện đại đến trường đẹp kiêu sa, diện túi hàng “ hiệu “ mắc tiền ! Rồi tôi vu vơ nghĩ ngợi chuyện đời ...

Các em thanh xuân này là học trò trường “ chuyên “. Có vẻ là con nhà khá giả. Nói theo ngôn từ quá quắt, các em xuất thân từ hàng “ đại gia “. E rằng không là nền nếp nho phong vì sang trọng thế kia cảnh nhà hàn vi làm sao vói tới . Giọng lưỡi tôi sao cực đoan thế. Nữ sinh đâu phải ai cũng có bố mẹ quyền cao chức trọng và các em chỉ biết ích kỷ học hành ?

Nhưng ...thực tế trên các miền đất nước số con cái thất học, nghèo nàn và ngu dốt nhan nhãn. Thiếu nữ con nhà nghèo khó, nhất là từ các vùng thôn quê thật chịu lắm cảnh đau lòng. Nửa chừng việc học, các em phải lao đao kiếm sống và quanh quất đầy dẫy những bọn ác ma côn đồ sẵn sàng dụ dỗ “ bán thân trinh trắng “ các em, hòng kiếm lợi cho chúng, đã mở lối cho hàng trăm em tìm đến xứ Hàn, xứ Mã...đầy quyến rũ mật ngọt.

Ôi, việc đời sai buồn thế, nên tôi không sao viết nổi thêm một dòng nào khi nhớ về “ Trường tôi mến thương “

PMH4

 

Phan Mộng Hoàn

 ( Tháng Tư buồn )

nguồn : ĐS 60 năm PCT 

nu Copy

Giáo Sư Phan Mộng Hoàn (11-7-1942 – 19-8-2020)

R8df2ac7ecb6e3bcf7f8e03a35d6b5bcf

 

Rea56be15d32a4887aebd14895e8dbf97

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

 

Ðiện Thái Hòa

Những thành quách  xưa
Sơn phết lại
Đứng buồn thiu
Giữa trái khuấy thời gian

12motif

Người thiếu phụ
Vào độ thu tàn
Khóac chiếc áo hai mươi
Hờ hững
Tình ta đã qua rồi

12motif

Sông không còn thơm
Dòng không còn thơ
Nước không còn ngọt
Những tàu lá chuối vật vờ
Những mãnh vá không kín
Trên lưng người mẹ già
Ngồi chờ bữa chiều nay

12motif

Có khúc hát Nam ai
Thoảng nỗi niềm Ô Lý ?
Còn đâu – Nức nở chiếc thân tàn
Đổi chén cơm vơi trong tiếng ca

12motif

Trăng buồn dăng trên sông
Gió buồn từ núi lại
Trăng theo gió vữa trong nước
Thành qúach vữa theo trăng
Và hồn ai đã vữa theo thành quách

R62967d74fbf0896e597c285bfdc436a1

Mùa Hè 98
(Trở lại Huế lần thứ hai )
Nguyễn Đăng Ngọc

 

 

 

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

 Mưa Sa Cuối Trời

 

Cuối trời điểm giọt mưa sa
Giọt thương giọt nhớ giọt ta giọt người
Mưa sa nước chảy trôi xuôi
Bâng khuâng con nước đất trời nhớ thương

R694546a632b255092442ce103196ce5d

Cuối trời nở đóa vô thường
Không không có có đoạn trường có hay
Sông dài biển rộng thuyền say
Đông quan ngỏ ấy còn hay đi về

7079763223 18209512f1

 

Cuối trời chiều xuống sơn khê
Cánh hoa vương giả mải mê mây ngàn
Chợt nghe lời gió thở than
Lá thư vàng úa bàng hoàng xót xa

176449339 1761004917439484 4793676737168138768 n

Cuối trời hiu hắt quê nhà
Tâm tư nghe ướt trùng ca đêm trường
“ Tuổi già hạt lệ như sương “
Bước chân đất lạ nẻo đường ngổn ngang

San Diego Mùa Đông 2003
Nguyễn Đăng Ngọc

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

59619519 2738064899543030 6367179812481531904 n

 

Xin được một sát na tĩnh lặng
Cho tâm tôi lại gặp hồn tôi
Cho nước mắt phù phiếm nụ cười
Chảy thành dòng thương chân thật


maxresdefault 1

 

Xin được một sát na tĩnh lặng
Máu về tim nước trở lại nguồn
Nghe róc rách sông Hồng sông Cửu
Gió rạt rào trên dãy nuí Trường Sơn

 
six rocks reversed e1562103143926

 

Sát na tĩnh lặng sát na vô cùng
Ánh mặt trời chợt sáng màn đêm
Từ tĩnh lặng nẩy mầm huyền nhiệm
Chữ đá màu...nói chuyện với ngàn sau

 Blog 7 Ways to Make Meditation Easier 1 1024x512

Xin được một sát na tĩnh lặng
Cho tâm tôi gập được hồn người
Chung tay tha thiết nguyện cầu
Cây thương lá biếc biển trời thương nhau

 makingmeditationalbum header 850x444

 

San Diego – Mùa Thu 97
Nguyễn Đăng Ngọc