Trung Học Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

  

 Đọc Tiếng chim ngoài cửa lớp của nhà thơ Trần Hoan Trinh tức giáo sư Trần Đại Tăng, bỗng chập chờn một thuở Phan Châu Trinh – Đà Nẵng. Tôi đến trường trung học Phan Châu Trinh trước anh một năm: 1957, cũng tháng chín, mùa tựu trường nhè nhẹ sương thu… Năm mươi năm qua sao mà rõ ràng quá đỗi: nhớ về ngày xưa, tôi như em bé được mẹ nắm tay ngày tựu trường năm ấy; Thanh Tịnh bảo: “Hôm nay tôi đi học”.

Trên chuyến tàu tốc hành Huế-Đà Nẵng, mẹ tôi nắm chặt tay tôi khi tàu chui qua hầm Sen tối mò vì biết tôi sợ, nhất là lòng đang lo lắng cho đoạn rẽ cuộc đời, bâng khuâng vừa rời xa những ngày áo trắng. Mẹ thì thầm bên tai “ngày mai con thành người lớn”.

Ngày mai, 7-10-1957, mẹ nắm tay tôi dẫn đi từ nhà dì tôi đường Hoàng Diệu để đến nhận việc tại trường Trung học Phan Châu trinh. Hôm nay… Tôi đi dạy! Và sau đó nhiều lần nữa tôi vẫn trẻ thơ bên mẹ dù đã vào đời. Mỗi lần nhớ, lại cảm động đến buồn cười. Những ngày sau đó đi chấm thi ở các tỉnh xa vẫn được mẹ “dẫn đi”.

Lần chấm thi Trung học đệ nhất cấp tại trường Tran Quốc Tuấn, Quảng Ngãi, hai giáo sư nhận nhiệm vụ, giáo sư Nguyễn Trung Hối và tôi. Trong toa tàu hầu như toàn cả thí sinh, tôi được mẹ đặc biệt chăm chút. Thí sinh nhìn tôi như một người bạn đồng cảnh lều chỏng may mắn. Hôm sau vào phòng thi, các cậu thấy “cô bé” là giám thị, rụt cổ lắc đầu.

Tôi rụt rè bước vào phòng Hiệu trưởng. Thầy Nguyễn Đăng Ngọc nhìn tôi trong áo lụa trắng học trò, tóc dài mượt đen được làm gọn đằng sau bằng chiếc kẹp đồi mồi màu nâu. Thầy hiền từ cho phép tôi ngồi chiếc ghế trước bàn Hiệu trưởng. Hơi mỉm cười, thầy bảo:

-Cô giáo trẻ quá!

Không nhìn thấy sự lo lắng của tôi, thầy tiếp:

-Học trò ở đây từ các vùng mới tiếp thu …nên học chậm, lớn lắm, dạn dĩ, nghịch ngợm, sợ cô giáo trẻ không điều khiển nổi. Cô N. N trước đây khóc đó!

Sợ ông Hiệu trưởng nghi ngờ khả năng, tôi bối rối tìm cách bênh vực quyết định của mình. Ong hiệu trưỏng còn trẻ như các thầy tôi nhưng tôi không xưng “con” như ở trường mà làm cho mình “lớn” hơn một chút, tôi lễ phép thưa:

-Thưa ông cho cháu dạy thử, quả thực không được thì…

Thầy Ngọc nhìn sự vụ lệnh bổ nhiệm của Nha Giáo dục và hồ sơ của tôi trước mặt. Thầy ôn tồn bảo:
-Có cách chi …Cô phải có bề ngoài người lớn hơn một chút nữa.

Nhìn thấy sự ngạc nhiên trong mắt tôi, thầy tiếp:

-Ví dụ như cô đừng để tóc kẹp …học trò quá, trẻ quá không được.

Biết “khuyết điểm” vì dáng dấp học trò của mình, tôi vẫn quả quyết:

-Cháu sẽ cố gắng, xin ông cho cháu dạy thử. Cháu tin là có thể dạy được.

Thầy Ngọc nhìn tôi, hiền từ mỉm cười cho quyết định:

-Chị chuẩn bị, mùa tựu trường năm nay chị trở lại nhận việc. Tôi sẽ gởi thời khóa biẻu về sau. Chị dạy Anh, Pháp văn và Việt văn đều được phải không?

Tôi mừng rỡ cám ơn và chạy vội ra cửa báo tin cho mẹ.

Để trở thành giáo sư trường Trung học Phan Châu Trinh năm ấy, tôi phải hy sinh mái tóc dài, uốn ngắn cho thành “người lớn”. Bạn bè tôi tiếc nuối dùm tôi. Bạn T.Đ.Q học sau tôi một năm nhưng cùng sinh hoạt báo chí và văn nghệ ở trường, lúc đạp xe ngược chiều gặp tôi giữa cầuTràng Tiền đã đưa hai tay lên trời la lớn:

-Trời ơi, răng rứa?

Sau năm năm thành lập, trường trung học Phan Châu Trinh vẫn còn trống trải lắm. Sân trường nắng chang chang. Vài cây phượng vỹ mới trồng nhỏ xíu như không có, thèm một bóng mát. Bước vào cổng là một sân cát vàng và khô. Cát cứ bám vào chân mỗi lần xuống xe đạp, đẩy xe vào và nhắc xe lên ba bốn bực cấp, dựng xe trước phòng giám thị. Năm ấy thầy Diêu là Tổng giám thị; bà Chín vừa là giáo sư Nữ công vừa là giám thị. Tôi còn nhớ em Trần Đình Thanh Lam, con trai của bà, bắt đầu vào Lycée Đà Nẵng thì phải? Nhớ bà Chín tôi còn nhớ bác sĩ Trần Đình Nam có ngôi nhà đầy hoa, nhất là hoa lan mà các chị Kim Đính, An Hà Châu và tôi ngưỡng mộ …Cô Lệ An cũng là một giáo sư Nữ công lâu năm của trường … Tôi đang nhớ quá nhiều đây. Có lẽ vào măm ấy tôi là cô giáo trẻ nhất nên được sự thương yêu và chăm sóc của tất cả nữ giáo sư đương thời: chị Liệu dạy Anh văn; chị An Hà Châu dạy Việt văn và Sử địa; chị Kim Đính dạy Vạn vật, cùng ở Huế nên chúng tôi thường có những chuyến đi về Huế- Đà Nẵng cùng nhau. Những lần tàu qua hầm Sen, tôi cũng được chị nắm tay để khỏi sợ bóng tối … Có thể nói, lúc đó 90% giáo sư Phan Châu Trinh là dân Huế nên những ngày cuối tuần bến xe An Lợi tấp nập thầy cô tìm một vé xe trở về Huế sớm nhất.

Cùng dạy môn Văn, tôi biết anh Quế, giáo sư kỳ cựu, kinh nghiệm; anh Hối, anh Đáo…Anh Am, anh Hào dạy Anh văn; anh Tăng dạy Toán, anh Tòng dạy Toán và Vạn vật, anh vào trường Phan Châu Trinh trước tôi; anh Nhân gầy, cao … Trong tất cả các bạn cùng dạy những năm ấy, có lẽ cùng đường đi về dạy học, lại có biết từ ngày ở Quốc Học, nên anh Đặng Minh Trai là giáo sư tôi được dịp trò chuyện nhiều nhất. Chúng tôi bàn chuyện dạy, chuyện báo chí, sách vở và nhớ có lần lạm bàn về một nữ sinh có bút hiệu là Mai Trinh. Nhớ có lần phải cầu cứu anh xuống xe đạp, đi bộ với tôi một đoạn đường, vì các học sinh trường Bán Công cứ nghịch ngợm đi theo lải nhải “my English teacher”…Rồi tôi rời trường Phan Châu Trinh vào Nam, mất liên lạc. Sau đó lưu lạc xứ người, tôi được tin buồn anh không còn nữa…thương tiếc một người bạn hiền lành…

Một thoáng nhớ buồn cười trở về ký ức: suốt ba niên học ở trường Phan Châu Trinh, tôi dành hết thì giờ cho học sinh, yêu mến, tâm sự, sinh hoạt ngoại khóa, đạp xe lên đồi xuống dốc với các lớp của T.N. Tuý, N.D.L. Hương, P.N. Lâm …cắm trại bên dòng sông Thu Bồn … Tôi đã nói hết với học sinh tôi ngày ấy. Làm sao tôi quên được những ngày tập văn nghệ cho các em: vở kịch “Bến nước Ngũ Bồ” với Kim Long, Lê Thị Phú, Liệu… Với các em, tôi nhiều lời là thế mà sao với các nam đồng nghiệp tôi lại quá ít nói năng, có nhiều bạn trong ba năm dạy học đã không một lần trò chuyện. Năm 2001, anh Nguyễn Trung Hối đến Toronto tham dự Ngày Hội Huế chúng tôi tổ chức, nhắc lại những ngày ở trường Phan Châu Trinh, tôi phải xin lỗi mãi vì cái “nhút nhát kỳ cục” của cô giáo trẻ người Huế ngày ấy.

Thời khóa biểu của nhà trường thay đổi hằng năm. Có năm tôi dạy cả Anh văn và Công dân. Tôi gặp hầu hết các lớp của trường những năm ấy, lứa học trò đầu đời dạy học, tôi nhớ mãi hoài…

Sau bao năm rời xa trường, tôi “người lớn” đã lâu, con cái đùm đề, bỗng một hôm có một quân nhân tìn đến thăm tôi giữa giờ giảng dạy ở trường T.V Sài Gòn: Em Di đã làm tôi cảm động đến sửng sốt, cũng như hôm tôi gặp em N. P. Minh sau ngày em ở trại cải tạo về. Lần tôi nhận được thư của Trịnh Thái Cơ, nước mắt tôi đã làm nhòe dòng thư “Nhớ cô, em chọn nghề dạy học, em đang ở Gò Công…” Sau biến cố năm 1975, tôi nhìn ra em Kim Long, mặt buồn xo đang đứng đợi mua gạo ở phường Đakao, sau ngày đi cải tạo về … Tôi dừng xe đạp, bước xuống gọi, Long ngơ ngác, đưa tay sửa kính cận, nheo mắt hỏi
-Xin lỗi, chị là ai?

Biết ra tôi, cô trò đều khóc, Trưóc mắt tôi lúc nầy còn như đang nhìn thấy một em trưởng lớp cao lêu nghêu Cao Ngọc Trãn. Lớp tôi là giáo sư chính thì em Huỳnh Ngọc Lạc, một trưởng lớp nhỏ con, hiền lành, các bạn nói gì cũng cười…

Những ngày xa xứ, gặp lại một số học sinh trường Phan Châu Trinh, may mắn chúng tôi còn tìm lại được những ngày xưa thân ái: T. N. Tuý, N. D. L. Hương, Thu Liên, Thu Hà, Trần Ngọc Yến, Lê Bạch Nga, Huỳnh Thị Thương + anh Tuyến (tôi không gặp anh Tuyến trong lớp học ngày ấy thì phải?) nhưng dù sao cũng là những người Phan Châu Trinh để còn được nhắc đến những ngày xưa… Có một ngày nghe Thượng Tọa Thích Tịnh Đức thuyết pháp, để vui mừng biết đó là em T. T. Toản, học sinh của trường Phan Châu Trinh ngày nào… Những điểm son của nghề dạy học, tôi trân quý mãi hoài … Cho nên trường Phan Châu Trinh dù chỉ còn là hoài niệm, hoài niệm êm ái của đời tôi!

Xin được xin lỗi anh Trần Đại Tăng, vị giáo sư đã cùng tôi hai niên khóa ở trường Phan Chau Trinh mà không một lần trò chuyện. Cám ơn nhà thơ Trần Hoan Trinh với Tiếng chim ngoài cửa lớp đầy vơi tâm sự của người thầy bên bục giảng, nhất là bục giảng của trường Trung học PHAN CHÂU TRINH ĐÀ NẴNG đã cho tôi một tìm về trọn vẹn thương yêu.

Bài Viết Của YLA Lê Khác Ngọc Quỳnh  

Canada, chớm thu năm 2002

( bản nguyên tác của người viết )

 

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 5oVH2BW

 

Rb7b0f54aec1e439e13b6238a8688ad18

Ngày tôi vào học lớp đệ thất, niên khoá 1955-1956, trường Phan Châu Trinh còn rất nhỏ và chưa ổn định. 
Trường chỉ có 6 phòng học và một văn phòng, như một cái đình trong khu đất trũng và hẹp. Sáu phòng học dành cho hai lớp đệ tứ, hai lớp đệ ngũ và hai lớp đệ lục. Bốn lớp đệ thất chúng tôi phải học nhờ ở trường Nữ Tiểu học.

Khu trường Nữ trước kia là trường Nữ và trường Nam Tiểu học cùng với Ty Tiểu học của thành phố. Niên khoá này (1955-56) trường Nam Tiểu học được dời về khu bịnh viện cũ, đối diện với trường Phan Châu Trinh. Gần cuối niên khoá, tức mãi qua năm 1956, chúng tôi mới được về học tại 4 phòng học mới tiếp nhận từ "Ecole francaise" cũ, bây giờ là nhà Hiệu trưởng và các Giám thị.

Ngày ấy ,so với các trường trung học chính của mỗi tỉnh, thì trường Phan Châu Trinh của Đà Nẵng vẫn là một trường nhỏ. Những người có trách nhiệm chọn khu đất xây trường học đã không có cái nhìn cho sự phát triển về tương lai của trường cũng như của thành phố.

Hiệu trưởng bấy giờ là thầy Huỳnh văn Gi. Tên của thầy là một cách viết và đọc ngoại lệ của quốc ngữ. Niên khoá sau thầy Gi đổi về trường Quốc Học, Huế, và thầy Nguyễn Đăng Ngọc từ trường Quốc Học vào thay thế.

Trong các hiệu trưởng của trường, có lẽ thầy Nguyễn Đăng Ngọc gắn bó với sự phát triển của trường lâu nhất , và Thầy Ngọc cũng là vị hiệu trưởng gắn bó với tình cảm của học sinh Phan Châu Trinh nhiều hơn cả.

Các thầy , cô cũng thay đổi nhiều lần trong niên khoá . Thầy Oanh dạy Việt văn, cô Như Nguyện Pháp văn, cô Trà dạy Đức dục,thầy Bửu Thiết Anh Văn, chỉ dạy chúng tôi vài tháng rồi lần lượt trở về Huế.

Thầy Huỳnh Thố dạy Toán, chuyển về Sài Gòn để chuẩn bị đi du học. Thầy Nguyễn Đôn thay thế, đến hết niên khoá thầy Đôn lại trở về Sài Gòn tiếp tục học Y Khoa. Thầy Đôn dáng cao, mãnh khảnh, nhanh nhẹn và là một giáo sư rất vui tính. Những bài toán của thầy thật là khó, điểm thầy thường cho với nhiều số không sau dấu phẩy (0,00001.. .), rồi sau đó rất vui vẻ dùng thuốc tẩy để bôi sổ điểm cho cả lớp khi học trò năn nỉ ! Cả 4 lớp đệ thất không có ai giải nổi các bài toán của thầy Đôn. Sau tôi mới tìm ra rằng, với bài toán nhiều câu hỏi, thầy Đôn đã cắt đi các câu hỏi đầu để chỉ cho câu hỏi cuối ! Bỏ các câu hỏi trung gian, bài toán thường cũng sẽ trở thành một bài toán khó. Ai giải đúng bài toán sẽ được thầy cho điểm 19,9999 !

Thầy Nguyễn Lượng dạy Lý Hoá vài tháng, khoảng tháng 10 ( hay tháng 11 gì đó) thì được chính phủ Cọng Hoà trao cho một chức dân biểu, đại diện cho một đơn vị nào đó ở Quảng Nam.

Chỉ có cô Tôn Nữ Từ Diệm là dạy hết niên khoá. Các thầy, các cô thay đổi liên tục nên hầu như cô Diệm được giao phụ trách mọi môn trong khi chờ đợi có người đến thay, từ Vạn vật, Công dân, Lý hoá, Việt văn.. . môn nào cô Diệm cũng đều có dạy qua, " thập bát võ nghị" cô đánh tuốt !!! Đến cuối niên khoá cô Diệm lại nghỉ, vào Sài Gòn học khoá 4 trường Quốc gia Hành chánh.

Ngoài các Thầy , Cô từ Huế vô, lúc đó trường còn có các Thầy, Cô từ Bắc di cư vào. Và Đà Nẵng cũng như trường Phan Châu Trinh là nơi dừng chân tạm thời của các Thầy, Cô.

Các Thầy Hào, Toản, Bảo ngụ chung với nhau ở căn phòng trên đường Pasteur. Thầy Hào dạy Anh Văn, đẹp trai, ăn mặc rất bảnh và nói chuyện vô cùng hấp dẫn. Tình sử bấy giờ của nàng công chúa Margareth lãng mạng và chàng đại tá hào hoa Peter Townsend là câu chuyện mà thầy Hào kể nhiều lần cho học sinh các lớp thầy phụ trách. Bằng một giọng Hà Nội thanh lịch, nói rõ và rất nhanh lúc nào thầy cũng bắt đầu câu chuyện " Chúng ta biết rằng công chúa Margareth là người thế nào.." rồi thầy kể những giai thoại về nàng công chúa sầu mộng ,em gái của Nữ hoàng Anh quốc, và sau đó "Chúng ta biết rằng đại tá Peter Townsend là người thế nào.. .Đại tá Peter Townsend là anh hùng trong Không lực Hoàng gia Anh ..v..v và v..v.."

Các bạn tôi và tôi thường diễn trò bắt chước Thầy Hào kể chuyện, nhưng không ai có thể nói được nhanh, trơn tru không vấp váp như Thầy!..Mãi năm 1969, tôi mới được dịp gặp lại Thầy Hào ở Sài Gòn, lúc đó Thầy đang học năm cuối cùng ở Đại học Dược khoa.

Cũng là người Bắc nhưng Thầy Mậu ở đơn độc trong một phòng ở đường Quang Trung. Với thầy Mậu, môn Vẽ trở thành môn học chính! Chúng tôi tốn thì giờ cho môn Vẽ nhiều hơn các môn khác. Dù mỗi tuần chỉ có một giờ học Vẽ, nhưng luôn luôn có bài tập Vẽ phải làm ở nhà, không trang trí theo lối kỹ hà thì cũng luật phối cảnh, chân trời nằm trên, chân trời nằm ngang, chân trời nằm dưới ! Học Vẽ với Thầy Mậu phải chuẩn bị giá vẽ, giấy "croquis", bút chì đen số 2 , hộp màu chì, hộp màu nước, kẹp giấy .. ., lơ mơ không thuộc bài ,không đủ dụng cụ để đi vẽ ngoài trời là lãnh "zéro" ! Con số "zéro" của Thầy Mậu trong quyển vở rất là lớn. Thầy Mậu hát rất hay và có dáng dấp đặc biệt "nghệ sĩ". Tiếc rằng cuối năm Thầy lại rời trường để về học Vẽ ở trường Mỹ thuật Gia Định.

Các cô Nguyễn thị Hiển và cô Nguyễn thị Ngọ là hai chị em chú bác. Hai Cô di cư vào Nam, còn gia đình vẫn ở lại Hà Nội. Cô Hiển kể rằng lúc vào Đà Nẵng không có thân nhân, các Cô đến gặp ông Thị trưởng nhờ giúp đỡ nên được tạm thời ở ngay trong toà Thị chính với gia đình ông Thị trưởng , sau đó mới tìm được nhà trọ ở đường Hùng Vương.

Cô Ngọ dạy Việt văn, tuy là người Hà Nội nhưng cô có giòng nói khó nghe. Chúng tôi khổ vì môn chính tả, với giọng đọc của cô chúng tôi tha hồ bị nhiều lỗi ! Rõ ràng là đọc cuốn "Vàng và máu" của Thế Lữ, có đoạn tả về núi Văn Dú. Biết là núi Văn Dú, nhưng khi nghe cô Ngọ đọc là "Văn Rú" thì chúng tôi viết theo "Văn Rú", đến khi chấm bài nó lại là "Văn Dú", viết "Văn Rú" là sai !

Cô Hiển phụ trách môn Pháp văn, giọng nói Hà Nội của cô rất hay và rõ , nhưng cô lại không nghe được giọng Quảng Nam ! Tôi được cô chọn như là " thông dịch viên" của cô về giọng Quảng. Một hôm trên đường về, ở đường Đông Kinh Nghĩa Thục, trước sân vận động, cô hỏi tôi tại sao ở Đà Nẵng người ta bán gỗ mà lại gánh bằng thúng ? Tôi ngạc nhiên đáp chẳng ai bán gỗ mà bỏ trong thúng cả. Cô chỉ tôi người đàn bà gánh hàng đi trước. Ngay lúc đó người bán hàng rao : "Gộ không.. ." Thì ra, nhiều người Quảng Nam đọc "Gạo" thành "Gộ" và khi rao giọng kéo lên cao nên có thể cô Hiển nghe "gô." thành "gỗ" ?

Gắn bó với trường từ khi mới thành lập đến cuối đời chắc chỉ có các Thầy Trần Tấn, Bùi Tấn và Trần Ngọc Quế.

Thầy Trần Ngọc Quế dạy Việt văn. Tôi còn giữ mãi một kỷ niệm vui nhỏ trong giờ Việt văn, khi Thầy giảng Kiều. Thầy có vẻ vui thú pha chút tinh nghịch , hóm hỉnh khi đọc câu :

"Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng"

Đọc xong, Thầy lấy ngón tay đẩy cái kính cận thị lên một chút, nhìn chúng tôi một lúc rồi mới đọc tiếp các câu cuối ! .. Thầy đã mất trong trại tập trung của Cọng Sản…..

Thầy Trần Tấn dạy Pháp văn các lớp lớn , hồi đệ thất tôi chưa được Thầy dạy. Tôi không nhớ do đâu tôi tình cờ, may mắn có một cái chìa khoá để "mè nheo" Thầy. Lâu lâu hỏi Thầy :

"Thưa Thầy, tiếng Pháp dịch thế nào câu "coi như không có sự gì xảy ra…" hoặc rõ hơn một chút thì..." "à, là coi như không có chuyện gì xảy ra.. ." thì sẽ nhận được cái cười bẽn lẽn của Thầy với câu nói :"Cái thèn".. . Sau đó nếu thấy Thầy rãnh rỗi và vui vẻ có thể tiến tới một bước dụ Thầy đi ăn bò khô ở quán bò khô bên cạnh rạp Đại Nam. Thầy Trần Tấn cận thị rất nặng. Bị gọi lên đọc bài nếu không thuộc bài thì có trò hô "absent",( giọng nói của tôi Thầy quen nên không dám hô "absent" vì sợ Thầy biết !). Lớp tôi có Lê văn Nuối thay "chiêu" absent bằng cách viết cả bài "récitation" đem dán bên cạnh bàn Thầy, lên trả bài cứ nhìn đó mà đọc !

Năm đệ thất, chúng tôi chưa được Thầy Bùi Tấn dạy Toán, nhưng đã học sách của Thầy cùng viết với các Thầy Đinh Quy và Lê Nguyên Diệm. Thời gian này Thầy Bùi Tấn tạm rời Phan Châu Trinh đi làm Hiệu trưởng trường Trần Cao Vân ở Tam Kỳ mới được mở. Và khi có thầy nào được chính phủ bổ nhiệm thay thế thì Thầy Bùi Tấn lại trở về với trường Phan Châu Trinh.

Ngoài môn Toán, Thầy Bùi Tấn còn dạy môn Hán Văn cho những học sinh chọn cổ ngữ thay thế cho Anh văn, sinh ngữ hai.

Về giờ giấc, Thầy Bùi Tấn đã chính xác như một máy điện toán ! Suốt cả năm , bao giờ kẻng vào học thì Thầy đã bước đến cửa lớp. Giảng bài xong, Thầy đóng lại cặp sách thì kẻng báo hết giờ, như một công thức, không bao giờ sai khác.

Mùa Hè năm đệ tứ, chúng tôi chuẩn bị đi thi, bài học cuối cùng chấm dứt trước nửa giờ để Thầy dặn dò về chuyện thi cử, và năm phút sau cùng để chúc chúng tôi thi kết quả tốt, và lúc đó Thầy nở nụ cười đầu tiên trong năm. Khi Thầy Bùi Tấn cười, không bỏ lỡ cơ hội, Nguyễn văn Bé, người bạn hay đùa phá vội nói :" Thưa Thầy , năm nay tụi chúng em thi đậu hết vì ….. Thầy cười" Thầy quay đi để dấu cái cười nhẹ nhàng thứ hai.. .Hiền hoà mà nghiêm, đó là đặc điểm của Thầy Bùi Tấn. Học trò có lẽ chẳng ai dám quấy phá trong giờ Thầy dạy, nhưng cũng không ai là không thương mến và tôn kính Thầy…...

Nguyễn Chí Thiệp



User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

                                                                      

 TAPANH2 001

 

Vào một buổi sáng, anh Trần Huy Diệm, Trưởng ban liên lạc cựu học sinh trường Phan Châu Trinh-Đà Nẵng khóa 1957-1964 gọi điện yêu cầu tôi viết một bài hồi ký về ngày khai giảng đầu tiên khóa học của chúng tôi để đưa vào Bản tin sinh hoạt của nhóm tháng 9-2011.

Yêu cầu này hơi khó đối với tôi vì “ngày ấy” đã lùi sâu vào dĩ vãng, không biết tôi có còn nhớ được những gì. Vã lại 54 năm trôi qua, nhất là sau 1975, thầy cô, bè bạn mỗi người một ngã, người thì xa cách nghìn trùng, kẻ vĩnh viễn ra đi còn cuộc sống của cá nhân tôi thì biết bao nhọc nhằn, vất vã không cho phép tôi có thì giờ rảnh rỗi để suy ngẫm về mình. Với một lương giáo viên ít ỏi, mà phải nuôi đàn con bốn đứa ăn học tôi không còn cách gì hơn là phải lao động quần quật suốt ngày thì còn đâu thời gian mà nhớ về quá khứ xa xôi. Giờ đây các con khôn lớn, tôi không còn phải tất bật sớm hôm thì cũng đã đến lúc sức khỏe kém đi vì tuổi đời xấp xỉ “cổ lai hy” rồi!

Tuy thế, ở lứa tuổi của chúng ta ai lại không tha thiết với ước muốn cho “thời gian trở lại”, đi tìm chút dư hương của tuổi học trò để sống vui với bè bạn trong những năm tháng còn lại của cuộc đời nên tôi cũng thử cố gắng nhớ lại đôi điều để góp vào bức tranh toàn cảnh của ngôi trường xưa.

Ngày ấy đã lâu lắm rồi, lúc đó chúng tôi chỉ là những cô bé, cậu bé trạc tuổi 12, 13, người lớn nhất cũng chỉ 14, ngỡ ngàng, lúng túng trong bộ đồng phục mới được mặc lần đầu nhất là các cô bé phải mặc áo dài đi học.

Hôm ấy, tôi còn nhớ là ngày 15 tháng 9 năm 1957, một ngày cuối thu, tuy không có lá vàng rụng nhiều ngoài đường và những đám mây bàng bạc trên không một cách thơ mộng như nhà văn Thanh Tịnh miêu tả trong bài “Tôi đi học” mà học sinh đã thuộc lòng từ những ngày tấm bé. Nhưng ngày ấy tiết trời Đà Nẵng cũng bắt đầu dìu dịu, không còn cái nắng gay gắt của xứ biển ngày hè. Sáng đó, không đợi mẹ gọi tôi cũng thức dậy thật sớm, ăn vội vàng chén cơm nóng lót lòng rồi thay bộ áo dài lụa trắng mới tinh được mẹ may cho ngay khi có kết quả trúng tuyển vào lớp Đệ Thất trường Phan Châu Trinh. Quả thật đây là một vinh dự lớn lao đối với tôi bởi vì trong cái xóm nghèo lao động nằm sâu trong con hẽm đường Hoàng Diệu, hiếm có đứa con gái nào cùng trang lứa được đậu ngay vào trường Trung học công lập duy nhất của thành phố như tôi. Đa số chúng cứ học hết bậc Tiểu học mà không vào được trường công, thì phải nghỉ học ở nhà giúp mẹ bán buôn hay bồng em, lao động chứ cũng không có tiền đi học trường tư.

Học ở cấp một tôi quen mặc đồ bộ gọn gàng, chân mang dép thấp, chơi đùa, chạy nhảy dễ dàng, thoải mái, đôi khi đang say sưa nhảy dây, hay trốn tìm, nghe tiếng trống, vội vã chạy vào lớp học bỏ quên cả dép ngoài sân trường còn giờ đây phải chỉnh tề trong bộ áo quần dài, guốc cao thì tránh sao khỏi vụng về, lúng túng. Từ nhà tôi đến trường xa gần vài cây số nên ba tôi còn thưởng cho một chiếc xe đạp để đi học. Vừa chuẩn bị ra đi tôi đã thấy Lựu chờ trước sân nhà rủ tôi đi học. (Lựu là bạn thân của tôi từ thời Tiểu học và cùng học bảy năm trung học ở Phan Châu Trinh, nay đã ra người thiên cổ ). Lúc sắp bước lên xe mẹ tôi còn dặn với theo bảo tôi phải vén áo cho gọn gàng kẻo áo bị cuốn vào sên xe. Tôi cầm tà áo dài gập đi gập lại mấy lần mà chẳng biết làm sao cho ổn chẳng lẽ cột túm lại thì đến trường mở ra sẽ nhàu nát mất, loay hoay mãi cuối cùng tôi cũng tìm ra được cách nhét hai góc của tà áo dài vào lưng quần vừa không bị vướng mà áo vẫn thẳng tưng. Tôi và Lựu vừa đạp xe vừa nói chuyện, dọc đường có rất nhiều anh chị học sinh cũng đang đến trường trong bộ đồng phục khiến lòng tôi cảm thấy vui hơn vì kể từ hôm nay mình đã được có mặt trong đội ngũ của họ. Mãi mê trò chuyện chẳng mấy chốc đã đến cổng trường.

Trường Phan Châu Trinh ngày ấy chưa có cổng tam quan đồ sộ như ngày nay, chỉ có một số lớp ở dãy chính giữa, chưa có hai dãy lầu ngang phía đường Thống nhất (nay là đường Lê Duẩn) và đường Nguyễn Hoàng (nay là đường Hải Phòng). Hai dãy lầu này khi chúng tôi vào học đang xây dựng dở dang. Sân trường bằng phẳng hơn nhờ vừa được đổ thêm đất, mấy hàng cây kiền kiền và phượng vĩ mới trồng năm trước từ khi thầy Nguyễn Đăng Ngọc chuyển về làm hiệu trưởng còn thấp lè tè nên không có bóng mát. Cột cờ cũng sơ sài và chưa có tượng chí sĩ Phan Châu Trinh. Tượng đồng này do giáo sư Đỗ Toàn thực hiện, được chính thức dựng trước cột cờ ngày 24 tháng 3 năm 1966 nhân lễ húy nhật thứ 40 của cụ Phan.

Trong sân trường học sinh từng nhóm quây quần bên nhau nói cười vui vẻ, họ đang kể cho nhau nghe những câu chuyện vui buồn mà họ phải ấp ủ trong lòng suốt mấy tháng hè vì không được gặp nhau để nói.

Khóa của tôi mới được tuyển vào từ nhiều trường Tiểu học của thành phố và cũng có nhiều bạn từ Quảng Nam và các tỉnh khác chuyển tới nên trong ngày đầu khai giảng tôi chưa biết hết chỉ quen một số bạn học cùng lớp ở cấp một như Nguyễn thị Trân Châu, Đinh thị Kim An (hai người đẹp của lớp Nhất B (nay là lớp năm), trường Nữ Tiểu học Đà Nẵng đã từng được hóa trang làm Trưng Trắc và Trưng Nhị diễu hành quanh thành phố trong ngày lễ Hai Bà Trưng. Trân Châu hiện giờ sống tại Cần Thơ còn Kim An nghe nói ở Mỹ), Phạm thị Tuyết Nhung (học với tôi từ lớp Nhì tại trường Trần Quốc Toản, lớp Nhất tại trường Nữ Tiểu học và cùng vào Phan Châu Trinh, nay vẫn ở Đà Nẵng), Lưu thị Lựu, Nguyễn thị Lạc Giao v.v…Đặc biệt khóa học năm đó trường xếp tất cả nữ sinh vào lớp Đệ Thất 1 gồm 71 nữ, ba lớp còn lại toàn là nam sinh. Đến lớp Đệ Lục(nay là lớp Bảy) mới chia lớp có nam nữ học chung căn cứ vào sinh ngữ chính là Pháp văn hay Anh Văn.

Nữ sinh lớp Đệ Thất 1 của tôi nhìn chung ai cũng xinh cả nhưng có mấy người nổi bật được lắm kẻ trong trường chú ý nhất là các lớp đàn anh: Phan thị Thu Liên, Phan thị Thu Hà (hai cô gái Huế đẹp, duyên dáng, vui vẻ, hoạt bác, cởi mở và dễ thân thiện với mọi người. Liên và Hà là hai chị em ruột từ Nha Trang theo ba chuyển công tác về Đà Nẵng), Phạm thị Quỳnh Chi, Lê thị Quý Phẩm (cũng gốc Huế, hiền lành, thùy mị, hay rụt rè, ít giao tiếp với bạn bè), Phạm thị Duyệt (đẹp sắc sảo với nét Tây phương), Hồ thị Hồng(da bồ quân, sống mũi cao, mắt to rất giống Ấn Độ) và còn rất nhiều người nữa…

Đúng 7 giờ( bây giờ là 6 giờ), một hồi trống vang lên, tất cả học sinh rời nhóm bạn đến xếp hàng ngay thẳng theo đơn vị lớp, mỗi lớp hai hàng, nữ đứng trước, nam đứng sau.

Lớp được phân công trực buổi chào cờ thì xếp hàng chính giữa sân trường trước cột cờ, nam sinh phải mặc đồng phục màu trắng chứ không mặc quần xanh áo trắng như những lớp khác. Lớp trực phải hát quốc ca và cử hai nam sinh kéo cờ.

Buổi lễ khai giảng diễn ra trong không khí vô cùng trang nghiêm. Chào quốc kỳ xong, thầy Hoàng Bích Sơn bắt bài Hiệu Đoàn ca Phan Châu Trinh cho học sinh toàn trường cùng hát. Bản nhạc này do chính thầy sáng tác, lời hát ca ngợi sự hy sinh cứu nước, vì độc lập tự do, dân chủ, dân quyền của Chí sĩ Phan Châu Trinh và hô hào học sinh phấn đấu làm theo gương sáng của cụ Phan.

Phần nghi lễ chấm dứt, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc uy nghi trong bộ veston màu đậm lên đọc diễn văn khai giảng năm học mới. Thầy tổng kết và biểu dương khen thưởng những thành tích xuất sắc về mọi mặt mà học sinh các lớp đã đạt được trong năm học vừa qua và đề ra hướng phấn đấu cho năm học mới. Giọng thầy dõng dạc, nét mặt nghiêm trang, quắc thước khiến cho tất cả học sinh phải chăm chú lắng nghe. Từng tiếng, từng tiếng của thầy như rót vào tai chúng tôi những lời căn dặn, cùng niềm tin và lòng tự hào về các thế hệ học sinh của trường khiến chúng tôi khắc sâu lời thầy vào tâm khảm và tự nhủ phải nỗ lực học tập, rèn luyện để xứng đáng với danh hiệu học sinh Phan Châu Trinh.

Anh nắng ban mai đã tràn ngập sân trường và buổi lễ khai giảng cũng vừa kết thúc. Chúng tôi từng lớp theo giáo sư hướng dẫn vào phòng học của mình để xếp chỗ ngồi, bầu lớp trưởng, tổ trưởng, học nội qui và chép thời khóa biểu rồi ra về chuẩn bị sách vở để ngày mai chính thức bước vào năm học mới.

                                                                             Châu Yến Loan

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

thayTranTruu 000

Người ta thường nói:
Nhất nghệ tinh, nhất thân vinh.
Chỉ có người hèn, chứ không có nghề hèn.

Tôi đã qua nhiều nghề trong suốt cuộc đời: làm ruộng, dạy học, công chức, kinh doanh, luật sư, công nhân. Mỗi nghề đều có cái vinh, cái nhục của nó, và nghề nào cũng có những vui buồn riêng.

Những năm trong nghề giáo, lúc ở trường Phan Chu Trinh Đà Nẵng, đã để lại cho tôi nhiều kỷ niệm. Những chuyện buồn vui đó, dẫu đã hơn 40 năm qua, tôi vẫn nhớ hoài. Những gì tôi sắp kể ra đây, trong tâm trạng hoài niệm, chỉ không ngoài ý muốn như chia sẻ với các cựu học sinh Phan Chu Trinh vài kỷ niệm đã có nơi trường xưa. Mong rằng những học sinh cũ mà tôi nhắc đến, liên quan trong những kỷ niệm của tôi, dù không ghi rõ tên thật, nếu nhận được chính là mình thời ấy, thì cũng đừng giận hờn. Ai cũng biết, ngày còn đi học, lúc tuổi trẻ vô tư, phần đông sao tránh khỏi những nghịch ngợm vì “nhất quỷ, nhì ma, thứ ba học trò” mà ! 

GIỜ DẠY CHỮ HÁN

Tôi được Sự vụ lệnh của Bộ Quốc Gia Giáo Dục cử vào dạy tại trường Trung học Phan chu Trinh, Đà Nẵng năm 1960, ngày mới 24 tuổi.( Hai năm trước đó, 1958 đến 1960, tôi đã dạy Toán lớp Đệ Tứ cho hai trường Trung học Bình Minh và Mê Linh ở Huế )
Dù tốt nghiệp Đại học Sư phạm ngành Toán, nhưng lúc vào nhận việc ở trường Phan chu Trinh, vì thiếu giáo sư, trường chỉ phân phối tôi phụ trách môn Toán hai lớp Đệ Ngũ, số giờ còn lại phải dạy Việt văn một lớp Đệ Lục và môn Công Dân cho 4 lớp đệ Ngũ.
Thời đó, môn Việt văn vẫn còn kèm theo môn chữ Hán mỗi tuần một giờ. Tôi thật bàng hoàng vì thấy rằng mình chưa qua một ngày Sư phạm ngành văn ,và nhất là Hán văn thì chỉ biết năm ba chữ ! Lúc còn nhỏ tôi có học vỏn vẹn mấy tháng chữ Hán ở làng (1944) sau đó không học thêm nữa .Hơn 16 năm qua, tôi hình như quên bẵng hết !
Đã thế, khi biết ở trường Phan chu Trinh có một số học sinh con của người Hoa, dĩ nhiên khá giỏi chữ Hán, làm sao tôi không lo cho được !
Lại nữa nghe tiếng đồn học sinh Quảng Nam hay cãi, thường hỏi những lời thầy giảng.

Một đồng nghiệp tôi, dạy Việt văn lớp Đệ Tam của trường, giảng hai câu trong Chinh phụ ngâm:
Ngoài đầu cầu nước trong như lọc,
Đường bên cầu cỏ mọc còn non.
như sau : “Nước trong như lọc có nghĩa là nước trong suốt không có bụi bặm, rong rêu giống như nước trong các bình nước lọc”.
Một nam học sinh đứng dậy:
-Thưa thầy, nước trong như lọc có nghĩa là nước trong suốt như bánh bột lọc, vì rằng thời xưa đâu có bình lọc nước mà thầy bảo trong giống như nước trong các bình lọc.
 
Một bạn đồng nghiệp khác dạy Công dân Đệ tứ, khi giảng về các chính thể. Chính thể Cộng hòa thì anh đánh bóng toàn những cái hay, cái đẹp. Đến khi giảng về chính thể Cọng sản, anh kể nào là độc tài, đảng trị, khát máu, giết người v.v.
Một nam học sinh dong tay hỏi: Thưa thầy! Tại sao Cọng sản xấu xa, tồi bại như vậy mà trên thế giới cả hàng triệu người theo. Ngay ở Việt nam, cũng biết bao nhiêu người theo Cọng sản.
 
Nghe những câu chuyện vậy, tôi cảm thấy lo. Nếu dạy chữ Hán, gặp học sinh hỏi thì biết làm sao trả lời?
Giờ chữ Hán đầu tiên, tôi đã soạn bài rất kỹ và giảng cho học sinh:
“Chữ Hán là loại chữ có rất nhiều nét, chữ ít nhất có 1 nét, chữ nhiều nhất có 36 nét”.
Đúng như điều tôi lo, mới giảng đến đó. một nam học sinh, tên Nguyễn văn N., dong tay: -Thưa thầy, xin thầy viết cho cả lớp biết chữ Hán 36 nét.
Tôi sửng sốt khi nghe trò N. hỏi như vậy. Làm sao tôi biết được, ngay cả nhìn trong sách có chữ đó, rồi viết lại cũng không viết được nữa là!
Cuối cùng, tôi giữ được bình tĩnh, vận dụng hết cái khôn khéo của mình để trả lời N.:
-Trò muốn biết chữ Hán 36 nét để làm gì? Trình độ trò học năm nay chỉ cần biết những chữ Hán có một vài nét. Sang năm học thêm chữ Hán có nhiều nét hơn. Ít nhất học thêm nhiều năm nữa, trò mới cần biết cái chữ Hán có 36 nét.
Cả lớp ngồi im phăng phắc, không có ai hỏi thêm gì.
Cũng may N. là một trong số ít học trò nghịch ngợm nhất lớp. N. ở tận Nam Ô, thường hay đi trễ và cả lớp cũng ít có thiện cảm với N.

Tôi trông mau hết giờ dạy chữ Hán. Nghe kiểng đánh đổi giờ, tôi nhẹ nhõm người bước ra khỏi phòng! Gặp chị Như Hà, một đồng nghiệp ở hành lang, tôi kể cho chị nghe chuyện vừa rồi, Chị cũng thở dài, kể cho nghe:
Hôm đó cũng giờ dạy chữ Hán. Chị soạn 10 chữ viết cho học trò chép. Chị đã viết đi, viết lại nhiều lần ở nhà, thế mà khi đến lớp, chép lại trên bảng, không biết vì sao có một chữ bị trật.
Một học sinh tên Nguyễn ngọc Ch. dong tay nói:
– Thưa Cô! Cô viết chữ đó trật rồi.
Và khi trò Ch. lên bảng sửa lại chữ trật đó, Chị đỏ mặt, nhưng đành phải ngậm miệng!

Lần sau, mỗi lần giờ chữ Hán, chị nhờ trò Ch. lên bảng viết mấy chữ mà chị sắp dạy, vì trò Ch. là người Hoa.
Thật là một kỹ niệm nhớ hoài. Cũng may, hai niên khóa sau đó trường hết phân phối tôi dạy Quốc văn, mà chỉ còn phụ trách môn Toán. Từ đây, tôi không còn mối lo sợ của những giờ dạy chữ Hán nữa ! Nhất là niên khóa 1962 – 1963, thầy Bùi Tấn lên làm Giám học, nên tất cả các lớp Đệ Tứ đều do tôi dạy Toán. Môn Toán là môn sở trường của tôi, nên học sinh có thắc mắc, hỏi han điều gì, tôi cũng sẵn sàng giải đáp. Ngay cả lúc nhiều trò đem những bài toán đố, tôi cũng vui vẻ chỉ dẫn.

Sau khi thuyên chuyển về trường Đại học Luật Khoa Huế, tôi gặp lại một vài học sinh cũ Phan chu Trinh cùng lớp với Nguyễn văn N. ra học Luật cho biết N. đã theo Cọng sản từ Tết Mậu Thân. Sau ngày 30.4.1975, cũng theo tin vài học trò cũ ở Phan chu Trinh cho hay là khi Việt Cọng chiếm Đà Nẵng, Nguyễn văn N. trở về tiếp quản Đà Nẵng với Quân hàm Đại úy Công an Việt Cọng. Đến nay, nếu còn trong ngành Công an, có lẽ ít nhất trò N. cũng lên đến Trung tá hay Đại tá.

Tết vừa qua, 2001, trở về thăm quê hương, sau một thời gian dài xa cách. Tôi ghé Đà Nẵng thăm lại thành phố mà tôi đã ở mấy năm, thăm lại hai ngôi trường Phan chu Trinh và Sao Mai (nay đổi tên Trần Phú) mà tôi đã dạy học. Cũng may tôi không gặp lại Nguyễn văn N. Nếu gặp, chẳng hiểu N. có còn nhớ lần yêu cầu tôi viết chữ Hán 36 nét không? Hay bây giờ với cấp bậc lớn của ngành Công an, trò còn hỏi tôi nhiều điều khác nữa, thì tôi biết làm sao trả lời? 

CẬU ẤM R. 

Khi có Sự vụ lệnh vào dạy học trường Phan chu Trinh, Đà nẵng, buổi sáng đến trình diện trường xong, chiều đó hai vợ chồng tôi đến thăm O Tham Đ., Hiệu trưởng trường Nữ Tiểu học Đà nẵng, là người bà con cùng làng. Lúc chưa lấy chồng, O tên là Ng., dạy học, nên trong làng gọi O là O trợ Ng. Ở nhà quê ít ai gọi bằng Cô mà chỉ gọi bằng O, có vẻ thân thương và gần gũi hơn. Sau này O lấy người chồng tên là Trần Đ, Tham sự Công Chánh, nên ai cũng gọi O là O Tham Đ. O không những là người cùng làng mà còn là người cùng họ Phan đình với mẹ tôi.

Vừa đến nhà O ở đường Cô Giang, kín cổng cao tường, vợ chồng tôi gặp một cậu bé khoản 13, 14 tuổi, mặt mày trắng trẻo, trông đẹp trai, đang bỏ hai tay vào túi quần, đứng ngay trước cổng. Vợ chồng tôi hỏi thăm:
-Xin lỗi cậu có O Tham Đ. ở nhà không, cho phép chúng tôi vào thăm O.
-Đi vắng rồi. Bữa khác đến.
Sau câu trả lời cụt ngũn, cậu bé ngoảnh mặt đi vào nhà.
Vợ chồng tôi vừa định quay về bỗng thấy một người đàn bà mở cửa bước ra.

Tôi nhìn vào thấy đúng là O Tham Đ., nên không đi về nữa mà bước vô. Vừa thấy vợ chồng tôi, O Tham Đ. đã vui vẻ mời vào nhà, cậu bé thấy vậy mặt có vẻ hằm hằm giận!
O Tham Đ. ân cần hỏi thăm sức khoẻ của cha mẹ tôi, và tôi cho O hay thân phụ tôi về mở tiệm thuốc bắc ở Cầu Hai, mẹ tôi vẫn ở Huế, còn tôi vừa tốt nghiệp Đại Học Sư Phạm và buổi sáng nay đến trình diện trường, buổi chiều cùng người vợ mới cưới (đã dạy ở trường Hoà vang một năm rồi) đến thăm O rồi sau đó, nay mai, đi thăm mấy người làng hiện ở đây, như chú Cà phê Xương ở Chợ Cồn, anh Thầm làm việc trên Ga tàu hoả v..v..

Chuyện trò xong, trước khi về tôi hỏi O xem anh con trai vừa rồi là con thứ mấy của O, thì O cho hay không có con và đó là “thằng R., con của cậu Ấm Tr., thấy nó mồ côi cha mẹ nên O đem về nuôi cho ăn học”.

Tôi nhớ lại Bác Ấm Tr. trước đây làm Tỉnh Trưởng Thừa thiên. Bác chết vì tai nạn xe . Còn bác gái thì bị Việt Minh bắn lầm. Việt Minh vào ám sát bác trai, trong lúc hai bác đang ngồi đánh bài với mấy người bạn. Đạn không trúng bác trai, mà lại nhầm bác gái.
Lúc ra về, vợ tôi nói : Mới có mấy tuổi mà trông cái cậu vợ chồng mình gặp trong nhà O Tham Đ. có vẻ hống hách, xấc láo. Cho nên người ta thường bảo con của những vị làm quan to là cậu Ấm!

Hồi nãy nghe O Tham Đ. nói cậu bé tên là R., nên vợ chồng tôi đặt ngay cậu là”cậu Ấm R”.
Ngày đầu tiên vào Phan chu Trinh, giờ đầu của tôi ở lớp Đệ Ngũ 2, dạy môn Công dân. Bước vào lớp, học trò đứng dậy chào. Tôi đưa tay ra dấu cho học sinh ngồi, xong tôi đi từ trên lớp xuống cuối lớp để quan sát học trò. Lúc đến bàn cuối cùng, thấy một trò hình như tôi đã gặp. Cố nhìn kỹ để xem, thì đúng thật là “ cậu Ấm R.” cậu bé mà vợ chồng tôi gặp tại cổng nhà O Tham Đ.

R. hình như ngượng khi thấy tôi. Tôi vẫn tỉnh bơ coi như chưa quen.
Suốt cả năm học, đến giờ tôi dạy,” cậu ấm R.” không bao giờ làm ồn hay hỏi han điều gì. Tôi đối xử với cậu đồng đều như các học sinh khác, nhưng không bao giờ tôi nói chuyện hay hỏi han gì về cậu. Nhưng theo mấy bạn đồng nghiệp cùng dạy lớp Ngũ 2 cho biết, ”cậu ấm R”. đã học dở mà còn lại là người phá phách, hoang nghịch nhất lớp nữa!

Cuối năm trong phiên họp Giáo sư, sau khi nghe Giáo sư Hướng dẫn lớp Ngũ 2 trình bày một số học sinh trong lớp ngỗ nghịch đáng trừng phạt. Hội đồng Giáo Sư đã quyết định đuổi hẳn mấy trò, trong số đó có “cậu ấm R”. (Tôi không có ý kiến, vì trong giờ tôi dạy, không thấy có học sinh nào phá phách cả, và đặc biệt R.trong giờ của tôi lại ngồi im ru ). Thế là “cậu ấm R.” bị đuổi hẳn ra khỏi trường Phan chu Trinh.

Vài tuần sau, một người anh con cậu của tôi ở Huế vào thăm kể chuyện anh có ghé thăm O Tham Đ. nghe O giận lắm và trách tôi thậm tệ bởi lẽ tôi “ là giáo sư ở Phan Chu Trinh, dạy cả lớp thằng R. nữa mà đành làm lơ để nhà trường đuổi R.”
Ông anh cho tôi biết như vậy, rồi chính anh cũng trách tôi:
-Chú dạy trong trường mà lại dạy lớp R., sao chú không can thiệp để người ta đuổi R ra khỏi trường.
Dù sao mình và R. cũng là người bà con cùng làng với nhau.

Tôi trả lời với người anh, tôi biết can thiệp như thế nào. Ngay trò Bửu Ch. học sinh lớp Đệ Nhị, em ruột của một giáo sư ở trường, và trò Trần Đ., học sinh lớp đệ Tam, con của một người cũng ở trong ngành Giáo Dục ở Đà Nẵng, vừa cũng là bà con cô cậu ruột với một nữ giáo sư khác của trường, cũng bị Hội đồng Giáo sư đề nghị đuổi vì lý do kỹ luật, thì làm sao tôi can thiệp cho R được?. O Tham Đ. có trách hay oán giận, tôi cũng đành chịu thôi.
Từ đấy, tôi không bao giờ dám gặp mặt O tham Đ. nữa. Mấy lần đi coi thi tuyển vào đệ thất, thấy O đầu xa là tôi đã tránh đi chỗ khác!
 
Nhưng rồi ít lâu sau, một người bà con khác cùng làng, bấy giờ cũng ở Đà nẵng, kể cho nghe chuyện “cậu ấm R.” Câu chuyện không biết có đúng sự thật không là O Tham Đ. chẳng còn nuôi R. nữa, mà đã gởi trả cậu về Huế. Lý do “cậu ấm R.” đã rèn được cái chìa khóa tủ đựng tiền của vợ chồng O, và lấy cắp số tiền để dành trong tủ. Nếu tin có thật, thì việc nhà trường đuổi R là đúng quá rồi.

Đã hơn 40 năm kể từ ngày “cậu ấm R.” bị đuổi cho đến nay, tôi không bao giờ gặp mặt R. nên không biết sau này cậu làm gì, ở đâu. Tôi cũng không còn dạy học ở Đà Nẵng, mà đã thuyên chuyển về Huế, rồi vào Saigon, và qua Canada gần 10 năm nay, nên cũng không biết giờ này O Tham Đ còn sống hay đã qua đời, vì O nay cũng quá 90 tuổi rồi.
Dù còn hay mất, tôi cũng xin O đừng oán trách và giận tôi nữa về việc tôi có dạy trong trường mà để R. bị đuổi.
Tôi cũng rất tiếc cho R. thuộc con nhà tử tế, trong họ toàn là những người học hành đỗ đạt và có địa vị cao trong xã hội, sao” cậu ấm R” đã không noi gương tốt mà lại ham chơi, học hành dở, hoang nghịch đến nỗi phải bị nhà trường trục xuất.
Thật đúng với câu người ta thường nói: Cây ngọt sinh trái đắng

“TRÒ X. CỦA LỚP ĐỆ NGŨ 4”

Niên khoá 1960 – 1961, năm đầu tiên dạy học ở trường Phan chu Trinh, Đà nẵng, tôi được cử làm giáo sư hướng dẫn lớp Đệ Ngũ 4. Mỗi tuần, phụ trách 3 giờ rưỡi Toán và hai giờ công dân, cọng thêm một giờ hiệu đoàn, nên học sinh lớp Ngũ 4, ai học giỏi, học kém, trò nào ngoan trò nào phá phách trong lớp tôi đều biết rất rõ
Nói chung học sinh lớp đệ ngũ 4 năm đó rất chăm chỉ học hành và đều ngoan, ngoại trừ trò X. (hình như là Trịnh văn X, lâu ngày nên tôi không còn nhớ rõ họ ), học đã dở, lại hoang nghịch nhất lớp. Khổ người to con, X có nước da đen, đã thế lại ăn nói cộc cằn. Vài học sinh trong lớp cho biết, không ai dám đụng tới X. Khi giận, X. chỉ cần đánh cùi chỏ là bạn bè cũng sợ khiếp vía !

Vào đầu niên học, Trường yêu cầu các Giáo sư hướng dẫn lớp đi thăm gia đình học sinh, tối thiểu là hai gia đình.
Với lớp Ngũ 4, tôi chọn thăm gia đình Bạch thế Th., một học sinh giỏi nhất , tánh tình rất dễ thương, và gia đình X., người học kém nhất lớp, lại hay phá phách, đùa nghịch, như đã nói ở trên.

Có đi thăm gia đình học sinh, tôi mới biết tùy theo hoàn cảnh của mỗi gia đình mà học sinh bị ảnh hưởng rất nhiều.
Bạch thế Th. may mắn có cha mẹ thuộc thành phần trí thức.Lúc tôi đến thăm gia đình Bạch thế Th., chỉ gặp bà mẹ. Dù mới gặp, Bà tiếp tôi ân cần với cách nói năng rất hoà nhã.Qua vài câu chuyện đủ cho tôi biết bà là một người mẹ hiền, rất chú ý đến sự chăm sóc và giáo dục con cái. Trong khi gia đình của X, kém may mắn hơn cha mẹ làm ăn lam lũ, và có thể vì quá bận lo việc sinh kế nên ít để ý đến việc học của con cũng như lơ là trong sự dạy dỗ.

Gần cuối năm, Trường tổ chức dạy riêng một lớp đặc biệt, gồm những học sinh các lớp học dở, hay phá phách, mục đích giúp cho các trò này ôn lại những kỷ luật học đường, đồng thời được chỉ dẫn thêm về đạo đức căn bản.Trò X. của lớp đệ ngũ 4 cũng được theo học lớp này.
Cuối niên học, sau buổi họp của Hội đồng Giáo sư, và theo lời đề nghị của Giáo sư hướng dẫn mỗi lớp, nhà Trường đã quyết định đuổi một số học sinh học dở lại ngỗ nghịch, bất trị. Đa số những họcsinh bị trục xuất đều ở trong cái lớp “đặc biệt” trên.
Riêng lớp đệ ngũ 4, mặc dù cũng có vài trò theo học lớp đó, nhưng tôi đề nghị Hội đồng Giáo Sư xét lại để khỏi bị đuổi, mong rằng khi cái tuổi “ương gàn” qua đi, các em có thể tự sửa đổi chăng? X. là một trong những người đó.Trong khi ba lớp đệ ngũ khác, một số học sinh bị đuổi hẳn ra khỏi trường, như Nguyễn Đ., R.(tức”cậu ấm R.”) của lớp Ngũ 2 v..v..

Hai niên khóa kế tiếp, tôi không dạy lớp của X. nữa, nên không hiểu sau đó trò học hành như thế nào, có thay đổi tiến bộ gì không ?
Giữa năm 1963, tôi rời Phan Chu Trinh và thuyên chuyển về Viện Đại học Huế, làm việc ở đây bốn năm rồi lại đổi vào Nha Học Bổng và Du học thuộc Bộ Giáo Dục Saigon hai năm kế tiếp, rồi lại qua một thời gian ra ngoài kinh doanh….. .
Cuộc đời đưa đẩy,đến năm 1971, sau khi nhận được giấy từ dịch của Bộ Giáo Dục, tôi xin vào tập sự Luật sư.
Khoảng cuối 1972, cũng gần 10 năm sau khi rời khỏi nghề giáo, một hôm dự phiên tòa ở Tòa Saigon, tôi vào phòng các Luật sư ngồi và lúc tôi đang coi lại hồ sơ trước khi ra Toà cãi thì bỗng có một Luật sư trẻ đến chào, mừng rỡ và hỏi tôi có nhớ anh ta không.
Tôi nhìn kỹ người Luật sư trẻ, có nước da ngăm đen đó, thấy như đã gặp ở đâu và tôi liên tưởng tới X. Có phải người Luật sư trẻ đang đứng trước mặt tôi là X.,người học trò năm xưa ở Phan Chu Trinh, ham nghịch phá hơn là ham học ? Với một chút ngờ vực trí nhớ của mình, tôi trả lời:
– Trông anh giống một người học trò mà tôi dạy cách đây hơn 10 năm ?
Người Luật sư trẻ tươi cười đáp:
-Em là thằng X., học sinh đệ Ngũ 4, trường Phan chu Trinh, Đà nẵng, năm đó Thầy làm Giáo sư hướng dẫn.
Tôi chưa kịp hỏi thêm, thì X. tiếp ngay:
– Hồi đó em có tiếng là thằng học dở và phá phách trong lớp. Em đã bị đưa vào học lớp đặc biệt, toàn những đứa hoang nghịch nhất trường. Đáng lý cuối năm đó, em bị nhà trường đuổi học, như thằng Đ., thằng R. lớp Ngũ 2 và mấy thằng bạn trong băng em ở mấy lớp Đệ Ngũ khác, nhưng vì có Thầy đó !
Rồi X. lại vui vẻ tâm sự :
-Hồi đó nhờ Thầy nên em được ở lại. Thầy biết cảnh gia đình em , nếu bị đuổi ra khỏi trường , nhà nghèo em lấy tiền đâu mà học trường tư ? Nhất là cha em, tánh ông nóng kinh khủng, ông sẽ không tha thứ cho em khi em bị đuổi học. Chắc em phải trốn khỏi nhà, bỏ học theo nhóm bụi đời để kiếm ăn sinh sống quá !
-Nhờ Thầy đã đề nghị cho em khỏi bị đuổi. Sau ngày đó, em mới biết nghĩ thương ông bà già cực khổ lo cho mình nên em sửa đổi tánh nết và chịu khó học hành từ đây. Đến năm 1965, em đậu Tú tài 2 xong thì vào Sài Gòn tiếp tục học Luật. Mỗi năm em lấy được một chứng chỉ, đến năm 1969 thì em hoàn tất Cử nhân Luật, và được Luật Sư Phan Thanh Hy chấp nhận cho vào tập sự Luật sư. 

Nghe chuyện, tôi thật ngạc nhiên chen lẫn thích thú khi vụt nhớ lại một trò X. phá phách của lớp đệ ngũ 4 năm xưa, và vừa mừng cho X. khi được biết anh ta may mắn được tập sự ở văn phòng của Luật Sư Phan Thanh Hy, một Luật Sư có tiếng ở Sài Gòn. Và mừng hơn cho X khi biết anh đã xong tập sự, lại vừa tốt nghiệp Luật Sư thực thụ sau kỳ thi tháng sáu vừa rồi, và đã về miền Tây mở văn phòng riêng.
Vô cùng hân hoan trước thành đạt của người học trò cũ, tôi bắt tay X. để khen ngợi và thành thật chúc mừng.
Tới giờ dự phiên toà, chúng tôi tạm chia tay, hẹn một dịp khác hàn huyên lâu hơn.
Hôm ấy, trên đường trở về nhà, tôi nghĩ đến X. cùng lần gặp gỡ buổi sáng, lòng tôi tự nhiên dâng lên một niềm vui khó tả. Hồi tưởng đến những ngày còn dạy học ở Phan Chu Trinh, lớp đệ ngũ 4 và trò X., một trò X. ngỗ nghịch và biếng học năm xưa đó đã thay đổi, một sự thay đổi kỳ diệu để ngày nay cho tôi gặp lại một X. thành đạt.
Nhiều người thường nói, nghề giáo cũng là một nghề bạt bẽo nhất.

Nhưng riêng tôi, có lẽ điều làm tôi vui hơn hết trong cuộc đời đi dạy là những khi tình cờ gặp lại những người học trò cũ mừng rỡ lại thăm hỏi vẫn trong tình thân thầy trò năm xưa, tôi như được chung vui với thành đạt ngày nay của họ. Niềm vui đó lại càng nhiều hơn đối với sự thành công của những học sinh như X. chẳng hạn, vì cái vui đó chen lẫn một ngạc nhiên thích thú. Thế mới biết, nhiều trò ngày nhỏ phá phách, và biếng học, nhưng một khi cái giai đoạn nghịch ngợm qua đi, và biết thay đổi kịp, thì những con người đứng thứ ba sau ma, quỷ đó lại là những người thành công lúc ra đời.
Nhiều khi thấy được học trò thành đạt hơn mình, thiết tưởng cũng là một cái vui của người đi dạy.

Một chuyến xe Lam
Cuối niên học 1960 – 1961, sau buổi họp, Hội Đồng Giáo Sư quyết định trục xuất hẳn một số học sinh vì lý do kỹ luật. Các trò này không những phá phách và ương ngạnh mà cũng thường là những người học dở nhất trong lớp.
Tiếp theo phiên họp của Hội Đồng Giáo sư là nghỉ Hè. Học sinh các lớp đến xem thông cáo của trường niêm yết trong ngày hôm sau, để biết ai bị đuổi hoặc phải thi lên lớp.
Một số học sinh Đệ Ngũ, có tên ở “bảng phong thần”, chẳng hiểu có họp nhau bàn tán gì không, mà ngay chiều hôm sau, khi tôi đang ngồi nhà đọc sách, Bùi ngọc L. của lớp đệ ngũ 4 đột ngột gõ cửa “để báo một tin liên hệ đến Thầy”.
Nhìn vẻ mặt hốt hoảng của L., tôi lấy làm lạ hỏi:
-Có chuyện gì quan trọng liên can đến tôi thì em cứ bình tĩnh nói cho tôi biết.
Vừa thở hổn hển, L.vừa kể:
-Em mới ở dưới trường xem thông cáo niêm yết danh sách những học sinh bị đuổi. Mấy trò đệ Ngũ đó xúm nhau lại có vẻ giận Thầy lắm. Họ bảo bị đuổi ra khỏi trường là do

Thầy đề nghị, vì Thầy làm trưởng khối Giáo sư lớp Đệ Ngũ. Đặc biệt Nguyễn Đ., lớp Ngũ 2, nói với mấy trò kia là sẽ tìm Thầy để “thanh toán”(!). Nghe như vậy, nên em liền chạy đến tin Thầy biết mà đề phòng.

Nghe xong chuyện, dù hết sức ngạc nhiên, nhưng trước mặt trò L. tôi cũng bình tĩnh để cám ơn cho hay tin và nói “các trò bị đuổi đang lúc tức giận có thể phát biểu bậy bạ. Tôi chắc sau đó họ sẽ suy nghĩ lại và không có hành động nông nổi đâu”.
L. là một học sinh bản tính thật thà, nhà nghèo, người Bắc di cư. Thỉnh thoảng lên thăm Cha Sở nhà thờ Hòa Vang, tôi thường gặp L. giúp lễ cho Cha. Dạo đó tôi thuê nhà ở đường Phan chu Trinh, mỗi ngày lúc L. đi học hay trên đường về nhà thường đi bộ ngang nhà tôi. Mỗi lần gặp, trò đều lễ phép chào hỏi, và khi nào cũng nhăn răng cười vui vẻ.

Tiễn trò L. ra về xong, tôi trở vào nhà ngồi suy nghĩ. Tôi tin chuyện L. nói là có thật. Lòng nặng buồn phiền, tôi tự hỏi sao việc trục xuất những học sinh học dở và hoang nghịch là do quyết định của cả Hội Đồng Giáo Sư, nhưng những học sinh bị đuổi đó lại chỉ oán trách mình tôi? Tuy nhiên tôi cũng nghĩ, vì bị đuổi, các trò đó trong một phút tức giận, tuổi trẻ bồng bột, đã phát ngôn bừa bãi, chứ thực tế chắc không dám hành động. Việc học sinh bị đuổi tìm cách “thanh toán” Thầy dạy mình để trả thù thì hình như chưa xảy ra trường hợp nào ở tất cả các trường học miền Trung, nhất là ở thời buổi bấy giờ, ở xã hội Việt Nam lúc đó, nếu quan niệm “nhất tự vi sư, bán tự vi sư” của thuở xưa không còn thì dẫu sao nghĩa Thầy Trò cũng vẫn được tôn trọng ít nhiều. Ở Huế, Thầy Nguyễn văn H., thời làm Hiệu trưởng trường Quốc Học, có tiếng vô cùng nghiêm khắc và hay đuổi học trò, nhưng có trò nào sau đó hăm dọa, hay tệ hơn, “thanh toán” Thầy đâu.

Hơn nữa, những đề nghị của tôi trong buổi họp của Hội Đồng Giáo Sư đều trung thực và từ tinh thần xây dựng, ở vai trò của người dạy học, nên tôi tin tưởng sẽ không có chuyện gì xảy ra.
Tuy vậy, tôi vẫn “đề cao cảnh giác”, nhất là với trò Nguyễn Đ. lớp Ngũ 2, nổi tiếng hoang nghịch và phá phách nhất lớp.
Đ. khổ người gầy, tóc quăn, hình như trò có cái sẹo lớn ở màng tang, nên mái tóc quăn thường phủ xuống che kín cái sẹo. Nhà trò ở cùng phố nên hằng ngày thường đi ngang qua nhà tôi.

Để cho vợ tôi yên tâm, tuần lễ kế đó, tôi không ra khỏi nhà. Thời gian này vợ tôi lại nghỉ hè, nên hằng ngày tôi khỏi đưa đón bà đi dạy học. Vợ tôi còn dặn người giúp việc, ban ngày đóng cửa chính ra vào, chỉ mở cửa sổ và có học sinh nào đến” thăm hỏi” thì trả lời là tôi về Huế cả tuần nay rồi!
Nằm ở nhà một tuần, tôi cảm thấy nản và buồn cho cái nghề dạy học, một nghề được coi là cao quý .Và ngày chọn nó để theo đuổi, tôi đã mảy may không hề nghĩ đến có lúc phải va chạm với học trò, dẫu rằng chính tôi cũng đã qua một thời cắp sách, và còn nhớ trong lớp học của tôi ngày trước cũng có vài bạn hoang nghịch, phá phách .Có lẽ

chuyện học sinh hoang nghịch, phá phách trong lớp xảy ra trong các lớp ở mọi thế hệ, mọi nơi chốn khác.
Một tuần lễ và rồi một tháng qua không thấy có gì đáng tiếc xảy ra. Lúc đó tôi mới đi xuống trường, hay thỉnh thoảng chở vợ tôi đi phố. Đời sống chúng tôi trở lại bình thường, và chuyện qua không còn làm tôi bận trí nữa.
Hai niên khóa kế tiếp ở Phan Chu Trinh, cũng trôi qua nhanh. Có lẽ một số học sinh hoang nghịch đã bị trục xuất, nên tương đối trong hai năm này, học sinh các lớp phần đông đều ngoan ngoãn chăm học. Và trong suốt giai đoạn này tôi không gặp các học sinh lớp Đệ Ngũ bị đuổi cũng như chẳng còn thấy trò Nguyễn Đ, lớp Ngũ 2 đi qua lại trước nhà tôi nữa.

Thời gian sau đổi về Huế, rồi vào Saigon, tôi không còn theo đuổi nghề giáo, nên hết trực tiếp liên lạc với học sinh. Những chuyện xảy ra trong những năm dạy học, hình như quên lãng vào quá khứ, mặc dù tôi vẫn còn nhớ mặt hoặc nhớ tên gần hết các học sinh cũ.
Nhiều năm sau, vào một buổi sáng ở Saigon, tôi xuống thăm vợ chồng cô em ruột nhà nơi đường Bạch Đằng, Gia định, gần chợ Bà Chiểu. Lúc trở về, đứng đợi xe Lam Saigon-Thị Nghè-Bà Chiểu. Khi xe ngừng lại, bước lên xe và vừa ngồi xuống, nhìn qua băng ghế đối diện, tôi bỗng thấy trò Nguyễn Đ. Một cảm giác khó chịu bất chợt đến, tôi định bảo người tài xế ngừng xe để xuống. Nhưng chưa kịp nói, thì Đ. đã lên tiếng chào:
– “Thưa Thầy! Lâu quá mới gặp Thầy. Thầy còn nhớ em không?”
Làm sao tôi quên được, nhưng vẫn hỏi:
– “Có phải là Nguyễn Đ. học sinh lớp Ngũ 2 trường Phan chu Trinh Đà nẵng, hồi 1960 – 1961 không?”
Đ. hồn nhiên tiếp lời tôi :
– “Dạ đúng. Trí nhớ Thầy tốt quá. Em ngày xưa là thằng phá phách nhất lớp Ngũ 2 mà!”

Rồi câu chuyện qua lại bỗng thân mật tự nhiên như bất cứ cặp Thầy trò cũ nào tình cờ hội ngộ sau một thời gian lâu rời trường .Đ. còn vui vẻ cho tôi hay đã vào Sài Gòn làm ăn mấy năm nay và hiện có “kiosque” bán hàng ở đường Nguyễn Huệ, trước mặt Ngân Hàng Nam Hải.
Chuyện trò đến đây thì xe Lam chạy gần đến chợ Thị Nghè, Đ. nói cần ghé để mua hàng. Trước khi xuống xe, Đ. xin phép được trả tiền xe Lam cho tôi, lễ phép chào cũng như không quên ân cần mời tôi có dịp đi qua đường Nguyễn Huệ, ghé thăm cửa hàng.
Tôi từ giả Đ, với lời hứa “Thế nào tôi cũng ghé thăm nay mai”.

Xe tiếp tục chạy, ngồi trên xe tôi nhớ lại chuyện năm xưa và bàng hoàng trước sự thay đổi của một người học trò cũ. Thật không ngờ, vì Nguyễn Đ. ngày hôm nay và trò Đ. thuở trước của lớp đệ ngũ 2, một thời “vua” phá làng xóm ở Phan Chu Trinh, là hai con người khác hẳn. Trước nhận xét của tôi bây giờ Nguyễn Đ. là một người lịch sự, nhã nhặn. Những định kiến về một trò Đ. phá phách, hoang nghịch đã vụt biến khỏi trong tâm trí tôi.
Sau đó, một hôm đi qua đường Nguyễn Huệ, tôi ghé thăm chỗ mua bán của Đ. Mừng thấy công việc làm ăn của Đ. tương đối khá, vì đường Nguyễn Huệ là con đường nổi tiếng của Saigon, kiếm được một chỗ ở đó để mở cửa hàng không phải là chuyện dễ.
Những năm sau 1975, thời cuộc đảo lộn tất cả, và bận rộn vì mãi lo chuyện vượt biên, tôi ít có dịp ra đường Nguyễn Huệ, nên không biết Nguyễn Đ. còn buôn bán ở đó nữa hay không, và cũng không hề gặp Đ. ở Saigon, nên chẳng hiểu Đ. có còn ở Việt nam?

Gần đây khi vào xem Web Site “Một thời Phan Chu Trinh, Đà Nẵng”, mục Links, xem trong danh sách học sinh lớp đệ Nhất lứa 64 – 65, có ghi: Nguyễn Đ., USA, như vậy là trò Đ. hiện đã ở California rồi. Tôi cảm thấy vui vui khi nghĩ, một ngày rất gần đây, có dịp qua Cali thăm gia đình hai cô em ruột, tôi có thể gặp lại Đ. Lần này chắc tôi không còn ngỡ ngàng khó chịu như kỳ gặp Đ. trên xe Lam Saigon-Thị Nghè-Bà Chiểu năm xưa nữa. Thầy Trò bây giờ có lẽ cả hai tóc đều đã bạc, sẽ rủ nhau ra tiệm ngồi nhấm nhi ly cà phê, để ôn lại những gì đã xảy ra hơn 40 năm qua ở trường cũ Phan chu Trinh, Đà Nẵng, để nhớ lại những năm sống lăn lộn, vất vả ở Saigon, nhất là nhớ lại hôm tình cờ gặp nhau trên chuyến xe Lam Saigon-Thị Nghè-Bà Chiểu. Chính nhờ lần gặp gỡ đó, bao nhiêu ý nghĩ xấu về Nguyễn Đ. đã được xoá hết trong ký ức của tôi. Và đối với riêng tôi, đó là một là điều vui và cũng là một niềm an ủi mỗi khi tôi nhớ lại mấy năm còn trong nghề giáo ở trường Phan Chu Trinh, một quãng đời với những vui buồn khó quên.  

Uyên Minh 

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

 

Thỉnh thoảng trong cuộc sống tha hương, có những lúc rãnh rổi, ngồi nhẩm tính, thì quay đi ngoảnh lại kể từ ngày rời trường cũ đến nay, thế mà cũng đã hơn ba mươi bảy năm rồi, nhưng những ngày xưa của một thời Phan Châu Trinh tưởng chừng như mới đâu đây…

Nhớ buổi đầu tiên tung tăng bước chân vào trường, cho tới ngày từ giả, cái nao nức hồi hộp của buổi mai hôm ấy một buổi mai đầy sương thu có thể giảm dần sau mỗi niên khoá cùng với tuổi lớn. Tuy nhiên, năm học nào cũng để lại trong hồn tôi như một dấu tích êm đềm của những ngày tháng khó quên nhất. Mỗi năm có những kỷ niệm, những cái vui riêng, để nhớ mãi về trường, cũng như về mỗi Thầy, mỗi Cô.

Ôn lại những ngày hồn nhiên của năm đệ thất là nghĩ ngay tới những giờ Vẽ của Thầy Phạm Hữu Khánh. Dáng người cao, gương mặt luôn luôn hồng hào cùng với bộ râu và mái tóc trắng trông Thầy đẹp hiền hoà như một ông già Noel ! Giờ của Thầy rất thoải mái, đám học trò nhỏ được phép nói chuyện đôi tí trong khi vẽ, nên thỉnh thoảng Thầy phải nhắc nhở ỒN ! Mỗi lần như vậy thì tụi con nít lau nhau đó, im lặng được vài phút, rồi tiếng rào rào như ve kêu trong mùa hạ lại tiếp tục!
Khi lên các lớp trên, vẫn còn được nghe tiếng la nhắc ỒN vô cùng quen thuộc, dễ thương của Thầy, từ một lớp đệ thất ở phòng kế cận vọng sang…
(Vài năm sau, mùa Hè 1963 thi Tú tài I, tình cờ Thầy làm giám thị hôm thi môn Pháp văn. Thầy như thể ngạc nhiên khi thấy tôi trong phòng thi! Ngày khai trường kế tiếp của năm đệ nhất, khi đi qua dãy hành lang, gặp Thầy, tôi chào và nghe tiếng Thầy nói: Chóng thật, mới ngày nào phá phách, giờ đã là ² cô tú² !)

thayKhanh

Cô Trần thị Kim Đính dạy Vạn Vật và Lý Hoá. Giờ học với Cô bao giờ cũng rất linh động. Trong ký ức của tôi, Cô trẻ lắm, dáng thanh thanh và mái tóc ngắn úp vào làm Cô thêm xinh xắn dễ thương! Hình như Cô thoải mái khi dạy đám nhỏ đệ thất hơn dạy lớp đệ tam trường Bán Công niên khoá đó,-( thỉnh thoảng qua học nhờ phòng của Phan Châu Trinh)- có những ² ông² học trò chưa chừng lớn tuổi hơn Cô ! Một hôm vài bạn trong lớp tôi nghịch phá, Cô nói như than: Ở cạnh lớp đệ tam B bị ảnh hưởng rồi !

 

CoDinh 000

 

Năm này Thầy Nguyễn Văn Đáo dạy Việt Văn. (Thầy cũng phụ trách môn Lý Hoá ngày đệ tứ, nhưng những giờ quốc văn với Thầy năm đệ thất để lại cho tôi nhiều kỷ niệm hơn). Nhớ một chủ nhật theo mẹ đi chùa Phổ Đà, suốt buổi thơ thẩn và bay nhảy trong sân vườn Chùa, tối về mệt quá. Ngày mai lại thi Học thuộc lòng, trong số bài Thầy chỉ định, học kỹ các bài khác trừ bài Xóm Giếng của Thanh Tịnh (?) . Sáng thứ hai, Thầy gọi lên, bốc thăm đúng ngay bài học qua loa đó ! Nhớ được câu đầu: Xóm Giếng, ngõ thăm thẳm hai hàng tre xanh.. rồi đứng im! Thầy không hỏi tôi mà hỏi chị tôi:
-Thu L, ngày qua Thu H. làm chi ?
-Thưa Thầy, H. đi chùa .
Thầy nhìn tôi, nửa nghiêm nghị, nửa như cười, nói đại khái: Đi chùa thì rất tốt, nhưng phải học bài, Phật không giúp cho thuộc bài được!
Cả lớp cười rộ lên!
Ngày đó xấu hổ mãi với Thầy, với bạn.. đến kỳ đệ nhị cá nguyệt được làm sơ mi Việt văn mới tạm quên đôi tí !

ThayDao

Ngày đệ lục, Thầy Nguyễn Trung Hối dạy Lý Hoá, đặc biệt cho năm này vì Thầy là giáo sư Việt văn. Với Thầy, các phương trình hoá học phải được đóng khung cẩn thận và tô màu kỷ lưỡng. Khi viết sai tí gì là cũng phải xé bỏ ngay, qua một trang mới chứ không được tẩy xoá. Thầy thích học trò giữ vở thật sạch và thật đẹp đến độ có hôm Thầy giơ cao một tập và nói :
 Đây…quyển vơ, …gương mẫu,…100 trang,…xé còn 50 trang !

Những giờ Pháp văn với Cô Liễng (Bà Trần Ngọc Liễng) năm này vui biết bao! Cô cũng từng là cô giáo của mẹ tôi ngày xa xưa, nên như có một liên hệ đặc biệt khiến tôi cảm thấy gần gụi với Cô hơn. Đôi lúc Cô gọi tôi con gái của N. thay vì tên tôi, rồi Cô vừa cười vừa lấy tay vỗ lên trán nhiều lần như để nhớ ra! Tuy đã đứng tuổi nhưng Cô vẫn nhanh nhẹn, vui chẳng khác gì chim khuyên. Mấy phút cuối của giờ học, Cô thường tập cho chúng tôi vài bài hát Pháp dành cho con nít. Giờ này nhắm mắt lại, thả hồn về ngày xưa, tôi như còn được nghe văng vẳng bên tai tiếng hát của một đám trẻ thơ là các bạn và tôi, ngày đó:
…On entend sous la feuillée
les oiseaux siffler
et l’abeille réveilée,
lèves-toi soleil !…

Lên đệ ngũ, Thầy Trần Đình Hoàn dạy Công Dân và cũng là giáo sư hướng dẫn . Thầy có nhiều sáng kiến nên bích báo năm ấy của lớp đẹp và bài vở phong phú.
Thầy Hoàn cũng có một hình phạt đặc biệt cho những trò để quên vở, không may tôi ở trong số đó ! Một lần Thầy gọi lên trả bài, dù bài thuộc vẫn bị Thầy phạt viết 500 lần câu Đi học tôi sẽ không bao giờ để vở ở nhà, đánh số đàng hoàng từ 1 đến 500. Nhằm tuần thi lục cá nguyệt, quên bẳng vụ chép phạt ! Mãi khi coi thời khoá biểu thấy ngày mai có giờ của Thầy, tối hôm đó phải thức khuya viết đủ số câu, để nộp phạt cho đúng kỳ hạn , sợ Thầy tăng hình phạt lên gấp đôi (như vài bạn trong lớp đã từng chịu) thì khốn !

ThayTrandinhHoan

Năm này, Cô Ngô thị Như Hà dạy Việt văn. Để thực hành bài học về luật bằng, trắc cùng các thể thơ lục bát và song thất lục bát v..v..Cô bắt học trò làm thơ.Một khám phá thích thú, vài thi sĩ mầm non với những câu thơ được Cô chọn đọc cho cả lớp nghe .Có điều ngạc nhiên là Nguyễn thị Bích L. nổi tiếng trước đó với đôi bài thơ dí dỏm, (tiêu biểu là bài Vịnh Oxy mất chìa khoá đã được thích thú chuyền tay nhau xem từ bàn đầu tới bàn cuối, chỉ trừ Ngô thị Kim O., đang bực dọc lại bị phá,nhất định không thèm coi !) không có thơ được đọc lên . Hình như Bích L. chỉ có cảm xúc để xuất khẩu thành thơ trào phúng mà thôi!

Năm đệ tứ, chúng tôi có những giờ Việt văn khó quên với Thầy Trần Ngọc Quế .Ôi! những bài giảng văn về Tú Xương, hoặc những bài bình giảng Kiều của Thầy hay làm sao… Cả lớp chăm chú để nghe, có khi quên bẳng cả ghi chép mà cũng vẫn thấm vào đầu để ngày thi Trung học, môn quốc văn, gặp đề luận Tú Xương như được gặp tủ ! Thầy đặt tên cho những bài đó là ² bài dọn² . Chỉ mỗi một câu của Chu Mạnh Trinh (trong bài cảm đề Kiều ?) : cánh hoa rụng chọn gì đất sạch mà nghe Thầy giảng, bọn tôi ghi hàng trang, hàng trang…Thầy dạy hay mà còn rất có óc khôi hài nên không khí trong lớp học khi nào cũng nhẹ nhàng vui. Những giờ Việt văn năm ấy như qua nhanh hơn… Nguyễn thị A.tìm được một hột đu đủ tía , trông giống như cái đầu người có miệng móm , bỏ vào hộp viết Pilot, vẽ thêm một bộ xương. Thầy đi qua bàn nhìn thấy,cầm lên ngắm nghía, rồi lẳng lặng tịch thu ! Ngày còn nhỏ hồn nhiên , đôi khi chẳng có chuyện gì đáng cười lắm mà chúng tôi, ở tuổi vô tư, vẫn thấy vui ,và thêm trong lớp cái cười hình như dễ lan ! Một hôm Nguyễn thị Lạc G. bị gọi lên trả bài nhằm lúc cả bọn đang rúc rích. Thầy cho một phút để cười cho xong. Lạc G. cố gắng làm nghiêm , nhưng hễ cứ nhìn xuống bạn bè thì lại rũ rượi. Phút gia hạn đã qua, Thầy đành cho trò về chỗ ngồi, rồi vừa gật gù ngâm câu : Nụ cười… đáng giá… nghìn vàng vừa ghi ² 01² vào sổ điểm!
Lần khác, Nguyễn thị Th. lên đọc bài, ngang đoạn có hai câu:
² …Trải vách quế gió vàng hiu hắt,
Mãnh vũ y lạnh ngắt như đồng² …
Thầy bắt Th. ngưng lại, và nhìn bọn tôi hỏi:² Có thấy tội nghiệp không ? Đem trải nơi vách thì còn chi cái thân nữa !²

ThayTNQue

Năm này Thầy Lý Châu là giáo sư hướng dẫn và dạy Sử Địa. Vốn không thích môn học này cho lắm , nhưng những giờ Sử của Thầy Lý Châu đối với tôi là một ngoại lệ thích thú.Nghe Thầy giảng bài như thể được đi ngược với giòng thời gian về sống với một giai đoạn nổi trôi nhất của đất nước.Ngày 15,16 tuổi, cảm động biết bao khi tưởng tượng ra cảnh cô Nguyễn thị Giang can đảm đứng nhìn người yêu, Nguyễn Thái Học, cùng các liệt sĩ khác, với khí phách hào hùng, trước khi lên máy chém, vẫn bình tĩnh hô to hai chữ Việt Nam ! Còn nhớ mãi giọng trầm trầm của Thầy khi kết luận bài giảng Sử ngày đó:² Phải chăng cái nhìn của cô đã bắt gặp ánh mắt của một người?²

Chương trình Việt văn năm đệ tam gồm phần Cổ văn thật khô khan với những bài thơ khẩu khí( rất khó cảm ) của vua Lê Thánh Tôn đáng lẽ nản lắm nếu không nhờ có Thầy Lâm Sĩ Hồng dạy.Ý nghĩ đệ tam làthời gian thong dong ² nghỉ khoẻ² , trước những mùa Thi của mấy năm học kế tiếp, đành tạm gát với những bài trần thuyết Thầy Lâm Sĩ Hồng chỉ định mỗi tuần cho từng nhóm.

Đầu niên khoá 1962-1963, năm đệ nhị, một sự thay đổi và mất mát lớn đối với trường: Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Đăng Ngọc thuyên chuyển đi nơi khác.Còn nhớ một lần dạy thế ở lớp tôi hai giờ Việt văn,Thầy giảng bài ² Thề Non Nước² của Tản Đà :
² Nước non nặng một lời thề,
Nước đi đi mãi không về cùng non…²
Buổi dạy ngắn ngủi nhưng Thầy đã để lại một ấn tượng đẹp.Và cũng như cả trường, tôi đón nhận tin Thầy đổi đi xa với niềm luyến tiếc.

Năm đệ nhị này Thầy Trần Đại Tăng dạy Toán . Thầy giảng bài, giải toán tự nhiên, giọng nói thong thả, hiền hoà như kể chuyện , như con người của Thầy. Suốt năm , Thầy khi nào cũng điềm đạm và công bằng với tất cả.Ngày ấy, sổ điểm mỗi người một tờ. Ngồi vào bàn lật sổ, đúng tên ai Thầy gọi người đó , tuyệt nhiên không có chuyện gặp học trò đi phố là hôm sau bắt lên để ² quay² ! Sau mấy chục năm gắn bó với trường ,Thầy có lẽ là người giảng dạy cho nhiều thế hệ học trò của trường Phan Châu Trinh hơn bất cứ giáo sư nào khác :
…² Ta đến khi tóc xanh,
Ta về khi tóc bạc²…
…² Ta đến hồn như trăng
Ta về lòng như suối² …ThayTang

Cùng niên khoá này, chúng tôi được tác giả ² Khúc Tình ca Xứ Huế² dạy Việt văn.Giờ học đầu tiên đã nhiều hứa hẹn khi Thầy Trần Đình Quân đọc cho cả lớp nghe bài thơ ² Màu tím hoa sim ² của Hữu Loan. Về sau học trò không ngạc nhiên khi biết Thầy còn là một nhạc sĩ, tác giả của những khúc tình ca nổi tiếng khác.
Ngày vừa qua, tôi nhận được thư của một người bạn học cũ, nhắc đến Thầy và bản nhạc ² Anh cho em mùa Xuân² màThầy có lần hát cho chúng tôi nghe. Bức thư gợi nhớ lại một ngày vui năm xưa, trong không khí lạnh ngây ngây vào những ngày trước Tết, cái nao nức chờ đón năm mới của ngày còn nhỏ như rộn ràng thêm khi nhìn Thầy vừa đàn vừa hát…
Thật buồn biết tin Thầy bị bịnh Alzheimer, ở vào tuổi mới nửa đời, và chắc chắn nguồn sáng tác còn đầy ắp trong hồn…Có phải đó là sự ² đố kỵ của con tạo² ?

 

GiaoSu TranDinhQuan

Thầy Đặng Xuân Nhi, phụ trách Sử Địa.Với Thầy, quan trọng của những biến cố lịch sử là ở sự chính xác của thời gian, không những năm tháng mà còn cả ngày nữa. Khi trả bài , cho dù các câu trả lời khác đúng mà chỉ một câu sai về ngày tháng là cũng dễ làm Thầy bực mình ngay và cho điểm một cách không thương xót ! Những câu hỏi Địa lý thì còn được phép nghĩ một vài giây trước khi trả lời, còn những câu hỏi về Sử, liên quan ngày, tháng, năm là phải đáp ngay tức thì.Lưỡng lự trả lời chậm cũng xem như không thuộc bài. Vì theo Thầy,năm tháng thì nhớ hoặc không, chẳng có gì mà phải ² suy nghĩ² cả! Ngày đó Thầy được tặng hỗn danh ² Ô Mã Nhi². Rồi một hôm, khi đi qua hành lang nghe tiếng ² Ô Mã Nhi ! Ô Mã Nhi !² , Thầy- như thể phản xạ- chụp vội ngay một nam sinh đứng gần giáng một bợp tai, rồi bình thản bỏ đi, để lại đàng sau đám học trò sửng sốt, vừa sợ vừa thương người bạn , có thể nói hiền lành nhất trong lớp, chịu ² oan Thị Kính², trong khi chính phạm cao bay xa chạy !

Thầy Ngô Hữu Ngọc dạy Lý Hoá, khá nghiêm, ít khi cười. Ngày gần Tết năm đó,Thầy cho cả lớp được nghỉ một giờ để vui chơi Tất niên .Và Thầy đưa chúng tôi từ ngạc nhiên này đến một ngạc nhiên thích thú khác khi lấy ra bản nhạc ² Phiên gác đêm xuân² và hát cho học trò nghe.Giọng hát của Thầy ấm và hay. Thật vui khi chúng tôi khám phá ra, hôm đó, sau vẻ nghiêm trang trong những giờ dạy, Thầy là người cởi mở và rất yêu nhạc, đặc biệt các sáng tác của Nguyễn văn Đông.

Lên đệ nhất , Việt văn được thay bằng những giờ Triết, một môn học như mới lạ đối với chúng tôi.Thích nhất là giờ ² Tâm lý học² , nghe Cô Phan Thanh Gia Lai giảng bài ² Đam mê² ! Khá tiếc sau đó, Cô không dạy các lớp ban A nữa và chỉ phụ trách môn Triết ở ban C và B mà thôi.

gialai

Thầy Đặng Như Đức, dạy Sử Địa ngày đệ nhất, có dáng dấp của một thư sinh.Thầy được học trò kính mến vì năng khiếu dạy cũng như vì tư cách, dù Thầy là giáo sư trẻ nhất .Nghe hình như khi tốt nghiệp đại học Sư phạm Thầy mới tuổi đôi mươi (?) , và năm dạy chúng tôi chỉ là năm thứ hai của Thầy. Không biết nay Thầy còn thích hát bài ² Hoa soan bên thềm cũ² nhiều như ngày xưa ?

ThayDuc

Phụ trách môn Anh văn năm này là Thầy Trần Xuân Giảng. Tuy không ² giಠlắm nhưng Thầy thường xưng ² Bố² và gọi học trò là ² các con² , một cách tự nhiên vàrất chi thân mật . Những giờ Anh văn khá vui ,còn nhớ ² Bố² có giọng đọc như Mỹ !

Một trong những hình ảnh khó quên của trường là Thầy Nguyễn Bá Việt. Thầy tận tuỵ trong giờ dạy và luôn vui vẻ. Gặp Thầy trong lớp, trên trường ,ngoài phố hay nhiều năm sau ở Sài Gòn, khi nào cũng thấy Thầy tươi cười . Với bản tánh vui tự nhiên , có lẽ Thầy sẽ ² trẻ mãi không giಠnhư nhận xét của bạn Vương Ngọc H.

Thầy Lê Quang Mai được nhắc đến nhiều nhất ngày đó vì cái đề thi Lý Hoá đặc biệt của Thầy, ² con lắc trong xe Opel² mà đối tượng là Hoàng Bích Q., vừa từ Trưng Vương Sài Gòn ra.Cho đến bây giờ, buổi họp mặt nào có Bích Q. là bạn bè lại vui cười nhắc đến thầy Mai cùng cái đề thi có một không hai đó.

Một giáo sư gần gủi với học trò là Thầy Nguyễn Thanh Trầm, dạy Vạn Vật và cũng là Giáo sư hướng dẫn hai năm liên tiếp, (niên khoá 1962-63 và 1963-64). Nhắc đến Thầy là nhớ bài viết của Thầy trong tờ Nội San của đệ nhị A, cũng như nhớ mãi một lần đau phải nghỉ học gần ba tuần lễ, Thầy cùng với mấy bạn trong lớp: Vương Ngọc Hà, Nguyễn Quang Trung, Vũ văn Long.. đến thăm ở nhà thương.

3776037067 05c709588b m 000

 

Bảy năm nơi trường cũ tuy xa xưa nhưng sao vẫn còn đậm nét trong trí nhớ.Những buổi sáng vào lớp, những giờ ra chơi hay những lúc tan trường theo tiếng trống mấy năm đầu , đến vài năm sau,theo tiếng kẻng báo hiệu của ông Cai và rồi theo tiếng chuông…, còn ngỡ như ² mới đó² …
Thời gian trôi nhanh thật ! Đôi lúc tôi tự hỏi có phải vì những ngày ở Phan Châu Trinh vô cùng êm ả hay vì quảng đời hồn nhiên âý đã qua đi , không còn trở lại với chúng ta thêm một lần nữa nên càng thấy đẹp hơn và vui hơn ? Có lẽ cả hai …

Phan Thị Thu Hà