Trung Học Phan Châu Trinh

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 GiayRaTrai Sample

Hình mẫu một giấy ra trại

Sáng ngày  10-10-1980,  lúc 7 giờ 30 sáng  cửa phòng giam bật mở , cán bộ quảng giáo Thông bước vào phòng giam , tay cầm một xấp giấy dày và nói  :

- “ Những anh có tên sau đây thu dọn đồ cá nhân mang theo lên tập trung tại sân cơ quan ....Lê Quang Mai ...”

Không biết chuyện gì xảy ra đây ? Chuyển trại hay lục soát đồ cá nhân để hành hạ ? Tôi hơi sợ , vì mỗi lần chuyển trại ,không biết cuộc sống kế tiếp tốt hơn hay xấu hơn hiện tại ? ...Dù sao ở đây cũng gần 6 năm rồi . Sáng dậy , ăn xong dù không đủ no , đi làm lao động khổ sai ; lên rừng đốn củi để đốt lò gạch . Đúc gạch đốt lò nhọc nhằn trăm bề nhưng lâu ngày cũng đã quen rồi  ! Khi tôi gùi một ba lô hành trang lên đến sân cơ quan thấy đã có trên trăm tù cải tạo ngồi xếp hàng ngay ngắn . Tôi phải ngồi dãy sau cùng .

8 giờ , trước mặt chúng tôi là một cái bàn dài , trên đó xếp giấy tờ , đồ đạc . Bốn cán bộ ngồi đối diện với chúng tôi  . Thiếu tá công an trưởng trại nói :

- “ Hôm nay , Đảng , nhà nước và nhân dân ta nhận thấy trong thời gian qua, các anh có biểu hiệu học tập tốt , lao động tốt nên khoan hồng tha tội chết , cho các anh về đoàn tụ với gia đình,  với nhân dân .  Các anh về địa phương  , nhớ chấp hành tốt mọi qui định , pháp luật của địa phương , không được phát biểu linh tinh phản động , gây rối trị an địa phương . Nếu các anh bị bắt lại , thì không có ngày về đâu nhé . Bây giờ , mỗi anh khi được gọi tên lên đây nhận hết đồ đạc cá nhân mà khi các anh bị bắt đã được nhà nước thu giữ . Đồng thời nhà nước và nhân dân cấp phát cho mỗi anh một bộ đồ mới  ( bà ba xanh không đóng chữ C.T cải tạo sau lưng ), một nón lá (do tổ mây tre của tù sản xuất với vật liệu do tù đi lấy từ trên rừng về ), gạo ăn dọc đường và tiền xe , nhiều ít tuỳ theo đường từ đây về địa phương xa hay gần . Giấy ra trại , các anh sẽ trình với công an địa phương, nghe chưa .”

Khi Thiếu tá công an nói dứt lời , thì tiếng vỗ tay vang dội và kéo dài .

Thời gian làm thủ tục ra trại kéo dài khá lâu . Đến 12 giờ trưa mới đến hàng của chúng tôi.

Những người ra trước ,khi cầm được tờ giấy ra trại trên tay là chạy vù ra cổng  để về bến đò Hà Tân Đà Nẵng kịp chuyến đò chót lúc 2 giờ chiều .

Đến lượt 3 anh em chúng tôi gồm tôi , Minh ( tên giả ) bí thư huyện của Việt Nam Quốc Dân Đảng  Quảng Nam , Vọng  ( tên giả ) Trung úy Cảnh sát Quốc gia  là học trò cũ của tôi . Nhận tờ giấy xong , chúng tôi thong thả rảo bộ tàng tàng về bến đò Hà Tân , lúc đó đồng hồ đã điểm 3 giờ chiều . Sát bến đò Hà Tân là chợ  Hà Tân . Chợ này chỉ đông vào buổi sáng , khoảng 11 giờ đã tan , không còn ai trong chợ . Các sạp hàng có mái lá che , có thể làm chỗ ngủ qua đêm được .

Minh được tiếng là con nhà giàu , mỗi lần thăm nuôi , cánh gíao chức biệt phái chỉ có 1 hoặc  2 bao cát thực phẩm , nhưng Minh bao giờ cũng 1 gánh nặng mà toàn là đồ cao cấp , nào lương khô sĩ quan bộ đội , gà kho đóng hộp ...đặc biệt nhất  luôn luôn có 1 gói sâm Cao Ly xắt lát . Mỗi lần làm mệt , Minh cho tôi vài lát ngậm vào miệng  , một lúc sau hết mệt ngay , đúng là thần dược của Triều Tiên .

Còn Vọng trai trẻ khoẻ mạnh , luôn giúp đỡ tôi những việc quá nặng như khiên gỗ trên rừng ...

Chúng tôi ghé vào chợ Hà Tân , kiếm một sạp tương đối ít hôi làm nơi trú chân qua đêm .

Ba người rủ nhau xuống tắm sông . Nước sông mát làm mình thoải mái vô cùng . Sau đó chúng tôi chia nhau công việc làm bữa cơm chiều . Tôi vừa được thăm nuôi hai hôm trước nên đem hết đồ ăn ra ăn sạch trong bữa này , mà không cần dự trữ nữa . Cơm nước xong đang chuẩn bị lo chỗ ngủ  thì thấy một chiếc xe chở than từ từ xuống bến sông để rửa xe . Minh tà tà đến xem người ta rửa xe , nghề nghiệp mà , thì chợt phát hiện tài xế là bạn anh ta , nên Minh gọi lớn  : “ Thay đồ mới , dọn dẹp đồ về Đà Nẵng ! “

Minh ngồi khoang trước với tài xế , tôi và Vọng ngồi sau thùng chở than .

Khi đến Ái Nghĩa thì Vọng xuống xe , sau thùng xe chỉ còn mình tôi . Khi đến ngã ba Hòa Cầm  , xe dừng lại . Tài xế bảo  : xe chở than không chở người vào thành phố được , công an bắt được sẽ thâu bằng lái .

Tôi nhảy xuống xe , Minh cũng trụt xuống luôn . Tôi bảo , Minh ngồi trên ca bin với tài xế chạy thẳng về Đà Nẵng cũng được thôi , xuống làm gì. Minh trả lời , xuống Hòa Vang thăm mấy người bạn cái đã . Rồi lủi thủi tiến bước về ngã Đò Xu .

Xe chạy .

Tôi ghé vào xe bán  nước giải khát bên đường , mua một chai nước cam mà đã 6 năm rồi chưa được uống tới  ! Khi trả tiền thì cô bán hàng hỏi :

-  “ Anh ở trại An Điềm về hả ? , độ này được thả bao nhiêu ?

- “ Hơn một trăm .

- “ Anh cất tiền đi, tôi không lấy tiền anh đâu , đãi anh ! “

Tôi cám ơn cô hàng nước và ra mé đơờng đợi xe lam. Chừng hơn 10 phút một chiếc xe lam  rồ máy tới . Khi đó trời đã nhá nhem nhưng cũng còn trông được mặt nhau . Lên xe , tôi ngồi đối diện  với hai cô gái  trạc chừng 24, 25 tuổi. Xe chạy đến Ngã ba Huế , một trong hai cô ấy chợt hỏi tôi :

-“ Thầy có phải là thầy Mai không ?

Tôi nhìn cô ta và gật đầu.

- Thầy có khoẻ không , trông thầy ốm quá !

- “ Tôi mất ít nhất cũng 20 kí lô !

Mặc dù trời hơi tối nhưng tôi vẫn nhìn rõ hai dòng nước mắt lăn dài trên gò má cô gái .

Đến bến xe Chợ Cồn , tôi là người xuống xe sau cùng. Tìm anh tài xế để trả tiền , anh ta bảo  : “Có hai cô gái đã trả tiền cho anh rồi  ! “

Tôi quên hỏi tên hai cô ấy nên bây giờ không biết đâu mà cám ơn .

Lúc tìm đến địa chỉ của em tôi . Khi tôi đi tù , em tôi ở nhà xin phép đi lấy chồng , nên nay tôi tìm địa chỉ đề trên bì thư là địa chỉ của chồng nó. Nhưng không phải . Người ra đón tôi là một cụ già tuổi ngoài 60 :

- “ Anh có phải  anh Mai không ?  Anh của cháu Lợi ? Tôi là dượng của Thư , chồng Lợi . Thư làm cán bộ , nó sợ có liên hệ với tù cải tạo  nên dùng địa chỉ của tôi . Mỗi lần nhận được thư của anh, tôi phải mang lên cho các cháu .”

Ông nói tiếp :

-“ Thôi anh ngồi lên booc baga, tôi chở tới nhà nó “.

Trên đường đến nhà em gái tôi , ông chưởi chế độ như rứa thì thôi !  Chưởi từ trung ương đến địa phương . Cái gì ông cũng phê bình chỉ trích là trật , là sai , là không đúng . Tôi ngồi phía sau , sợ muốn chết luôn. Ở trại cải tạo 6 năm lao tù ,chuyện chi cũng khen chế độ ta là nhất , đâu dám hó hé chê cái gì đâu . Sợ công an nghe được thì mình sẽ vạ lây .

Ở nhà em tôi được 1 ngày , mấy anh em về nhà cũ của tôi ở đường Nguyễn Thị Giang, nay đổi tên là Nguyễn thị Minh Khai.

Vào nhà , phòng khách trống trơn có thể làm sân đá banh cho con nít , chỉ còn  1 chiếc vespa dựng bên góc và có thêm  bức ảnh Hồ Chí Minh treo trên cao .

Vào phòng ngủ, thấy ghế xa lông thượng lên trên giường ngủ và bụi bám đầy . Phải mất nửa ngày mới dọn dẹp xong .

Ngày hôm sau , một cựu du ca viên , hình như dạy cùng trường với em tôi đến thăm. Vừa thấy tôi , cô ôm chầm lấy tôi và khóc sướt mướt , khóc như chưa bao giờ được khóc . Khóc cho đả , cô chào hỏi tôi mấy câu là ra về .

Những người làm việc cho nhà nước rất sợ liên hệ với tù cải tạo, chính em rể tôi cũng vậy .

Người thứ hai đến thăm tôi là cô nhân viên ngân hàng mà trước đây tôi đã gửi tiền .

Tôi nhớ ngày 28/3/75 , tôi đến rút tiền ra . Người ngồi đợi rất đông , điện tắt nên không ai được lãnh tiền cả . Tôi đến gặp Huyền , cô nhân viên cũng là học trò cũ . Tôi hỏi , tôi có lãnh được không ? Cô nói : “ Thầy ra Phụng Ký uống cà phê . Lát nữa bãi về em đem ra cho thầy, chứ giờ không thể phát được. Hồ sơ còn hơn một triệu , thầy ưng rút bao nhiêu ? “  Tôi nói : “Để lại 2 ngàn giữ chân, còn bao nhiêu rút hết ! “  Huyền chào tôi và dặn : “ Thầy đợi ở Phụng Ký nghe “.

Khoảng 5 giờ chiều hôm đó , Huyền đi vào quán cà phê Phụng Ký, tay cầm một gói giấy báo gói tiền trao cho tôi .

Sau gần 6 năm , bây giờ cô gặp lại tôi với một thân hình ốm nhom, mặt mũi hốc hác tiều tụy . Vừa bước chân vào nhà, cô chỉ nói được tiếng “ Thưa thầy “ là nước mắt ràn rụa và không nói thêm được tiếng nào khác . Một hồi sau , cô ta mới hỏi thăm tình hình sức khỏe và những dự tính tương lai của tôi . Rôi cô đặt gói quà và chào tôi ra về . Gói qùa gồm mấy trái cây và 1 ổ bánh mì thịt . Hồi đó chừng ấy là quá nhiều !

Sau đó bạn bè , học trò cũ đến thăm tôi khá nhiều . Công an khu vực đến hỏi tôi :

- “ Anh liên hệ linh tinh làm mất an ninh trật tự địa phương . Anh phải về quê qúan anh ở Thừa Thiên, Huế ‘.

-“ Ở Huế, tôi không còn ai hết , cho tôi tạm trú ở đây ít lâu, đợi có bà con tôi ở  đâu giúp tôi đời sống tạm thời tôi sẽ đi “ .

Một tuần sau, tôi lên Ngã Ba Cây Lan  để thăm Minh. Đến nhà gặp bữa cơm trưa , trên mâm có xôi , có thịt gà bóp rất ngon . Minh bảo tôi ra phòng khách uống nước , Minh sẽ ra sau .

Hơn 15 phút thì Minh ra. Tôi hỏi :

-“ Trong nhà thì có Minh , vợ Minh và 3 cháu, còn người trung niên nói tiếng Bắc là ai vậy ? “

-“ Đó là thằng tài xế lái xe quá cảnh thường chở hàng lậu cho bà. Từ ngày tôi về đây, nó ngủ với vợ tôi trong buồng, còn tôi ngủ xa lông vì thế hồi nảy gặp bữa ăn mà em không mời anh được . Không bì lại , trên trại mình có gì cũng chia xẻ cho nhau ! “

Hơn tháng sau, tôi gặp Minh tại quán cà phê đường Hùng Vương và hỏi thăm tình hình gia đình của Minh bây giờ ra sao. Minh trả lời với vẻ mặt rầu rầu : “ Chúng nó mua một nhà lầu trên đường Hoàng Diệu 20 cây, sắp dọn lên đó rồi . Trong nay mai nhà cũ sẽ trả lại cho em “

- “ Rứa con cái thì thế nào ? “

- “ Mới hồi hôm em hỏi 3 đứa con em . Bây giờ bây ở với ba hay với má ?

Đứa con gái lớn của em trả lời  : “ Chừ cha nuôi miệng cha cũng chưa xong, thêm các con , cha làm sao mà nuôi nổi  ! “...

ThayLeQuangMaiThầy Lê Quang Mai

...Băng đi một thời gian dài , 10  năm sau , tình cờ tôi gặp lại Minh ở khu phố Phước Lộc Thọ đông người Việt của thành phố Westminster. Một người phụ nữ hiền lành khép nép đi bên cạnh Minh . Tôi nhận thấy bà ta không phải là người vợ đã thay lòng đổi dạ ngày nào của bạn tôi .

Tôi cảm thấy mừng cho Minh.

Ghi lại tháng 7 năm  2007.

Lê Quang Mai

( trích từ ĐS kỷ niệm 55 THÀNH LẬP PCT )

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 Ni truong tri hai Pinceton HoaKy1964Ni Sư Thích Trí Hải - Thời Gian du học tại Princeton Hoa Kỳ 1964

Kể chuyện Vỹ Dạ xong lại kể đến chuyện thầy, chuyện bạn. Cô quay sang hỏi:

- Chị Oanh còn nhớ những buổi trưa ở lại trường học ôn bài thi không? Hồi đó người mô cũng “gạo” cả (gạo là chăm chị học lắm), lại tinh nghịch nữa. Trí Hải thì nghịch như con trai, không thua bạn bè chút mô hết .

Trong lúc vui câu chuyện, tôi quên là mình đang nói với một Ni Sư nên trả lời ngay:

- Ngày Cô là nữ sinh Đồng Khánh, với áo trắng tóc thề, dễ thương lắm, mắt sáng, da trắng mà má  lại ửng hồng, xinh xắn, dịu dàng, duyên dáng còn hơn thơ chị Hỷ Khương tả nữa đó. Chị Hỷ Khuông ngâm cho mọi người nghe đi.

  

ChiecNonBaiTho1 Xua

  Chiếc nón nghiêng vành, bờ vai tóc xoã

  Dáng yêu kiều hiện rõ nét thơ ngây 

  Đẹp làm sao đôi má hây hây

  Thương biết mấy làn môi đỏ thắm

  Tiếng ngâm vừa dứt, chị Kim Ba khen:

- Mấy câu thơ là đúng y hệt Cô thời đi học, dễ thương rứa đó.

Chị Hỷ Khương lai phán thêm một câu:

- Dễ thương vậy mà nghịch ngợm quấy phá khỏi chê, phải không Cô?

Cô mỉm cười vui vé kể:

Một hôm trong lớp học Anh văn, thầy Tôn Thất Hanh (*) đang giảng bài, bỗng  tiếng ve kêu inh ỏi vang lên trong lớp,  các bạn nghe ve kêu cùng nhau cười ré. Thầy bảo trò nào đưa ve vào lớp thì đứng dậy. Các anh chị biết ai đứng dậy không? Trí Hải đó. Trí Hải ghi lại kỷ niệm vui nầy qua  bài thơ:

Thầy dạy con Anh văn 

Mấy năm trường Đồng Khánh

Phong cách thầy nho nhã

Kiến thức thầy uyên thâm

Thầy phê con học giỏi

Nhưng nghịch như con trai

Vào lớp ưa quậy phá

Làm chia trí mọi người 

Một lần kia vào lớp 

Mang theo chú ve sầu

Con giấu kỹ trong cặp

Tới giờ nó kêu râm

Cả lớp nổi cười ầm

Thầy phạt con đứng lên 

Nói được ve tiếng Anh

Thầy mới cho ngồi xuống

Con gãi đầu lúng túng

Thầy bảo con lên bảng

Viết chữ Cicada

Rồi cho con về chỗ

Cô giỏi sinh ngữ từ thời đi học. Những buổi trưa cùng nhau ở lại lớp ôn bài, ai cũng ngạc nhiên thấy Cô học tự điển. Nghĩa những chữ thật khó Cô đều biết. Bạn bè cho Cô biệt danh là “Cuốn tự điển sống”.

Trích bài viết “ Tưởng nhớ Ni Sư Trí Hải” của Phạm Thị Hoàng Oanh, đăng trong Lá thư Phượng Vỹ 2006, USA, trang 124

—————————

Ghi chú: Thầy Tôn Thất Hanh (lớn) dạy Anh văn ở trường Đồng Khánh, thầy Tôn Thất Hanh (nhỏ) dạy Hoá học ở Đại học Sư phạm Huế

Bài do TDT chuyển đến

User Rating: 5 / 5

Star ActiveStar ActiveStar ActiveStar ActiveStar Active

 

PK LopTraiNuDocNhat PCT V

Thơ: Kim Thành

Còn đâu nữa những giờ chờ lên lớp

Tiếng trống dồn rộn rã giục hồn ta

Mắt nhìn gần nhưng lại thấy thật xa

Bởi trí tưởng len qua từng cửa lớp 

Còn đâu nữa sách thơm màu hạ trắng

Nắng hanh vàng ôm ấp lụa Hà Đông

Giọng vang vang thong thả nhã tơ tằm

Đem mộng ước ươm mầm non hy vọng 

Cô giáo trẻ ngày xưa là tôi đó

Bỏ dòng sông thơ mộng tuổi học trò 

Sân khấu hội trường tiếng gọi líu lo

Làm người lớn băng đèo về xứ Quảng

Mây lãng đãng trôi theo cùng năm tháng 

Mái tóc dài gởi lại đất Thần Kinh

Đại học hẹn hò giờ cũng làm thinh

Không níu được bước chân đời chấm phá

Tóc ngắn giày cao phấn hồng tô má

Tôi vào đời vội vã chút hư hao

Nghe xôn xao chim vỡ tổ gọi đàn

Hồn mở rộng tình xanh như lá thắm

Thương thương lắm bảng đen mờ bụi phấn

Mắt thơ ngây ẩn hiện bóng Thiên thần

Bỡ ngỡ, đợi chờ, nghịch ngợm, vu vơ

Là tất cả bài ca dao một thuở

Những học trò tôi bây giờ bên nớ

Có mơ về tình tự đã xa bay

Có cùng trăng khơi giấc mộng vơi đầy 

Hòng kỷ niệm thăng hoa đời viễn xứ

Ngày trở lại quê hương buồn tư lự

Cây phượng hồng đợi gió đứng chơ vơ

Thật hay mơ sao ta thấy hững hờ

Niềm thông cảm sao chừng như chẳng có 

Cô giáo trẻ ngày xưa là tôi đó

“Phấn trắng bảng đen in dấu một đời 

Kim Thành 

April/2006

PK HopmattaiCaoNguyenQuan V

TDT chuyển đến

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 

Chiều hôm nay trên hành lang lớp học

Anh lang thang tìm kiếm một mùa xuân

Mấy mươi năm bên cửa lớp sân trường

Anh còn gì ? Hỡi tình yêu bé bỏng

 Bỗng bất chợt thấy lòng mình như sóng

Trôi miên man với nhớ bến nhớ bờ

Ngày tháng qua theo con nước lững lờ

 Anh còn gì ? Ơi người thầy tội nghiệp

Mùa hè cứ qua, muà thu cứ tiếp

Anh bảng đen và phấn trắng muôn đời

Ân nghĩa đầu môi chót lươĩ mất rồi

Anh còn gì ? Ờ, mái đầu bạc trắng

ThayTDTang01R

Anh ở đó như con tằm nhả tơ

Dệt tương lai cho lớp lớp học trò

Học trò ra đi cùng trời cuối đất

Anh một mình bên cửa lớp trơ vơ

Truong PCT 02

Mái ngói tường kia rêu phong mấy phen

Hồn anh cũng rêu phủ khắp trăm miền

Nghe nhạt nhoà theo từng  trang sổ điểm

Bục giảng âm thầm nhớ nhớ quên quên

Cây cỏ sân trường cùng anh lớn lên

Chia sẻ cùng anh bao nỗi vui buồn

Cỏ cây  vô tri còn anh thao thức

Thấy cả đời mình như tấm bảng đen

12 - 1994

Trần Hoan Trinh

Star InactiveStar InactiveStar InactiveStar InactiveStar Inactive

 images807670 thanh lap truong

Những Ngày Phan Châu Trinh

Thơ: YLA  Lê Khắc Ngọc Quỳnh 

Hải Vân mây trắng tìm nhau,

Sương mờ lãng đãng trôi mau đỉnh đèo,

Chiếc khăn quàng tím nhẹ theo,

Hơi thu nhuốm gió heo may trở về,

Mắt buồn, mi chớp, gió nghe,

Nao nao đếm tiếng giờ đi kéo dài,

Dòng xe lên xuống hải đài,

Biết sao lòng kẻ ai hoài chờ mong

Thứ bảy nầy, thứ bảy trông,

Một tuần đằng đẳng Huế chong đèn chờ,

Mây mù tím lạnh trời cao,

Lắm lúc gặp Huế trăng sao đã đầy.

starbar

 Phan Châu Trinh Ngày Ấy

YLA Lê Khắc Ngọc Quỳnh 

DeoHai VanR

 

Hải Vân, Đà Nẵng, Châu Trinh,

Ai cho tôi những tháng ngày dễ thương,

Tìm đâu nơi chốn học đường,

Tình còn trẻ mãi vấn vương tháng ngày 

Trường xưa thuở ấy thưa cây, 

Phượng xưa chưa đủ là gầy còn xanh,

Sân xưa chưa bước cát vàng, 

Lớp xưa hai dãy hàng ngang tường vàng,

Thứ hai nhẹ bóng cờ bay, 

Những tà áo trắng ngát đầy hương thơ,

Mắt ai thơ thẩn dại khờ,

Những ngày xưa ấy mong chờ đừng trôi,

Bao nhiêu năm đã qua rồi,

Nhớ về trường cũ bồi hồi nhớ thương …

 starbar

 Trường Phan Châu Trinh

Viết cho những học sinh của buổi “đầu đời “ dạy học 

Y-La Lê-Khắc  Ngọc-Quỳnh

 

Hải Vân vời vợi mây xanh,

Ngàn cây hoa lá nắng hanh đợi chờ,

 Xứ Đà có con sông thơ,

Qua dãy phố ngắn là trường Châu Trinh,

Bỡ ngỡ, tôi nói một mình,

Xin cho tôi được vuông tròn mộng mơ,

Giữa sân trường Phan bơ vơ,

Hàng cây phuợng nhỏ đang chờ nắng lên,

Sân trường cát trắng mênh mông,

 Cho đôi chân dại ngập ngừng âu lo,

Từ giã áo trắng học trò,

Tôi ôm theo mộng làm cô giáo người,

Lần đầu vào lớp, trời ơi,

Các em đứng dậy mà tôi lạ lùng,

Nhìn em bối rối cả lòng,

Tôi e ấp nói: “… lần đầu gặp nhau,

“Xin là người bạn tâm giao…”,

Rồi thôi … e lệ… tôi như… học trò,

Mà cả lớp là thầy cô,

Bên tiếng cười trẻ, má cô hồng đào,

Thẹn thùng tôi cúi xuống chào,

Giờ đầu bài dạy, sao dài ba thu,

Thế mà ngày tháng qua mau,

Ba năm ở đấy giấc mơ đẹp ngời,

Trường Phan tôi nhớ mãi hoài,

Bên người trò nhỏ, người em buổi đầu,

Thời gian trôi đã bao lâu,

Chúng tôi gặp lại mái đầu điểm sương,

Phan Châu Trinh, buổi tơ vương,

Những người xưa ấy dễ thương đến giờ,

Cho nên kỷ niệm thành thơ,

Niềm an ủi lớn, những giờ ly hương.

DanangBeach

Y-La Lê-Khắc  Ngọc-Quỳnh

(Toronto, 1997)